Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 1 năm 2020 | 21:4

Tin NN miền Trung: Khách du lịch trải nghiệm trồng rau ở Trà Quế

Người Quảng Nam có câu: “Muốn về Trà Quế trồng rau/Sợ e gánh nước hai gàu không quen”. Song, giờ đây đã có rất nhiều du khách về Trà Quế trải nghiệm trồng rau .

rau-19-d-lich1.jpg

 Khách du lịch, trải nghiệm, khám phá đời sống người dân làng rau Trà Quế

 

Đất Trà Quế không rộng, người không đông. Khu dân cư này được bao bọc bởi đoạn cuối con sông Đế Võng, có đầm Trong và đầm Ngoài, là 2 nguồn dự trữ nước cần thiết, cho người trồng rau vào mùa nắng nóng.

Người dân Trà Quế thường bảo rằng “cát trắng và nước ngầm, đã nuôi sống chúng tôi!”, bởi rau thì trồng trên cát, và luôn phải cần nước tưới.

Tưới cho rau cũng lắm công phu. Khi tưới phải rây đều đặn, nhịp nhàng, vừa phải. Nhẹ tay, yếu nước thì không đủ thấm nuôi rau. Mạnh tay, nặng nước, thì cát xói, gốc trốc, ngọn bay…, trở thành “công cốc”.

Cát trắng có thể làm cho rau Trà Quế tinh khiết, đậm hương, nhưng nguồn phân bón mới làm nên mùi thơm riêng biệt, đặc sắc. Rau Trà Quế hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, và hạn hữu lắm mới dùng thuốc trừ sâu.

Để sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn, người dân Trà Quế chỉ dùng các loại rong, và phân chuồng để bón cho rau. Những loại rong này có mức phân hủy cao và nhanh, giúp đất tơi xốp, dùng để làm bổi bón lót cho rau, được vớt trên sông Đế Võng hoặc vùng cuối hạ lưu sông Thu Bồn.

Những năm gần đây, mặc dù đã phát triển mạnh nghề chăn nuôi, nhưng nguồn phân tại chỗ chẳng thấm tháp vào đâu. Người trồng rau Trà Quế cho biết, vì nhu cầu phân bón rất lớn, nên họ phải lặn lội tìm mua thêm phân chuồng những nơi khác như: Duy Vinh, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Điện Dương, Điện Nam (Điện Bàn)…

Nhờ vậy, rau Trà Quế luôn có hương thơm rất đặc trưng. Ăn rau Trà Quế, rất dễ nhận ra vị đắng của rau đắng, vị cay nồng của hành hương, hành ca rô, vị cay the của rau răm, rau quế, vị ngọt của giá đậu các loại…

Thật thú vị và ngon miệng biết bao, khi trong bữa ăn hằng ngày của gia đình, nhất là trong những ngày Xuân mới, có được dĩa rau sống tươi xanh, sạch mát và thơm ngon mang về từ làng rau Trà Quế.

Và thử hình dung, nếu trong những tô cao lầu, mỳ Quảng, phở…, những món ăn quen thuộc của người Hội An, những món đặc sản ở phố cổ mà không có những cọng quế thơm, giá trắng, xà lách, hành hương… thì còn gì là hương vị quê nhà.

Đến Trà Quế trong ngày lễ hội cầu bông, hoặc dịp hội hè, giỗ tế của cư dân trong làng, chúng ta càng có dịp cảm nhận được ân tình sâu nặng của những người gắn cả cuộc đời với nghề trồng rau “gánh nước hai gàu chai vai”.

Đến như món ăn có tên tôm hữu, cũng chứa chan ân tình, gắn bó bao đời của dân làng, với đất đai, sông nước, vườn rau. Tôm hữu, hay còn có tên gọi là tam hữu, có nghĩa là ba người bạn gồm: con tôm ở dưới nước, thịt ba chỉ là thành phẩm của vật nuôi trên bờ, rau là sản vật bao đời làm nên tên tuổi của làng.

Hiện, mỗi ngày người dân làng rau Trà Quế, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàn thực phẩm mini ở Đà Nẵng, Quảng Nam, và bán ra thị trường khoảng từ 4 – 5 tấn rau các loại.

Ổn định được giá cả, thu nhập từ nghề trồng rau đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân ở đây, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển.

Bộ mặt làng rau nay đã đổi thay nhiều. Đường làng được bê tông hóa, đường nội bộ các vườn rau được lát gạch tinh tươm, sạch đẹp, nhà cửa, vườn tược, được chỉnh trang vuông vức, ngay hàng thẳng lối...

Ông Hồ Giả (nhà ở làng Trà Quế) cho biết: “Tất cả các đoạn đường đã được bê tông và lát gạch rất mát. Đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn thay đổi, quanh xóm đều khang trang, sạch đẹp”.

Cuộc sống chân chất, mộc mạc và hiếu khách của người dân làng nghề truyền thống này, cùng với khung cảnh thiên nhiên xanh mát, hữu tình, là những điều khiến cho du khách, nhất là khách đến từ các nước công nghiệp phát triển thích thú và yêu mến.

Theo đó, năm 2015, tờ nhật báo Le Figaro nổi tiếng và lâu đời của Pháp, đã bình chọn làng rau Trà Quế, là 1 trong 10 điểm không thể bỏ qua nếu du lịch tới Việt Nam.

Và hiện nay, tiềm năng, thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cuộc sống người dân trồng rau nơi đây, vẫn còn đầy hấp dẫn đối với du khách các nước châu Âu, châu Mỹ…

Tuy nhiên, những năm gần đây, vì nhiều lý do, cùng với làng mộc Kim Bồng – Hội An, sự phát triển du lịch tại làng rau Trà Quế có phần sa sút, không tương xứng với các làng nghề khác như gốm Thanh Hà, tranh tre dừa Cẩm Thanh.

“Vì vậy, năm 2019, Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hội An, đã quyết định xây dựng 2 đề án, đó là, làng mộc Cẩm Kim và làng rau Trà Quế, với mục đích tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, để thu hút du khách quốc tế đến với 2 làng nghề này, góp phần nâng cao đời sống người dân, cũng như phát huy giá trị của làng nghề” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ.

Định hướng phát triển du lịch ở Trà Quế, là phát huy loại hình du lịch cộng đồng, gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp, và những sản phẩm truyền thống, phấn đấu đưa Trà Quế trở thành điểm du lịch sinh  và điểm du lịch nông nghiệp độc đáo, hấp dẫn của Thành phố.

Trong tương lai không xa, khi sông Cổ Cò được khai thông từ Đà Nẵng vào Hội An, làng rau cũng sẽ trở thành một điểm đến của tour du lịch sông nước, thu hút đông đảo lượng du khách ưa chuộng loại hình này.

Nghệ An: Sau Tết, Quỳnh Lưu vẫn tích cực sản xuất rau, vì giá cao

Vựa rau của huyện Quỳnh Lưu ngày mồng 5 Tết, đã nhộn nhịp người thu hoạch rau, củ, quả các loại. Nhiều gia đình chuyển sang trồng hành hoa, vì loại rau gia vị này đang bán được giá.

 

rau-99.jpg

 Hành hoa đang được giá, từ 8.000 - 10.000 đồng/kg nên bà con tích cực trồng và chăm sóc. Ảnh: Xuân Hoàng.

 

Từ sáng mồng 5 Tết, trên các cánh đồng rau của vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu, nhiều người dân đã thu hoạch rau, củ, quả  các loại, để nhập cho thương lái.

Chị Phạm Thị Hồng, xóm 7, xã Quỳnh Minh, cho biết, nhìn chung các loại rau có tăng giá nhẹ, so với trước Tết Nguyên đán. Một số rau đang được thay thế bởi hành hoa, vì mặt hàng này đang được giá, từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg vẫn không có bán.

Đang khẩn trương làm đất, lên luống, bà Hồ Thị Thu ở xóm 3, xã Quỳnh Lương cho hay, do hành hoa đang được giá, nên sáng mồng 4 Tết, bà tranh thủ ra đồng sớm, để làm đất chuyển sang trồng hành hoa.

Theo bà Thu, nguyên nhân hành hoa tăng giá là do mặt hàng này khan hiếm, hiện nay, phần lớn hành hoa đang có trên ruộng chưa đến giai đoạn thu hoạch. 

Một thương lái thu mua rau cho biết, từ ngày mồng 4 Tết đã có khách ở các tỉnh đặt hàng thu mua rau tại ruộng cho bà con.

Ông Hồ Nguyên Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, cho hay, cây hành hoa từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 2 tháng. Nay giá tăng lên 10.000 đồng/kg, bà con nông dân đã có lãi khá, khoảng từ 7 - 8 triệu đồng/sào, đây là động lực phấn khởi cho bà con sản xuất, ngay từ đầu năm mới 2020.

Theo ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu, cho biết, ra Tết, bà con vùng bãi ngang đã thu hoạch các loại rau, nhìn chung giá cả có tăng ít, so với thời điểm trước Tết, trong đó hành hoa tăng giá mạnh nhất.

Hiện, vùng bãi ngang của Quỳnh Lưu có khoảng trên 100 ha hành hoa, trong đó phần lớn đang trong giai đoạn phát triển.

Trước thực trạng nhiều gia đình thu hoạch các loại rau khác, để chuyển sang trồng hành hoa, ông Đậu Đức Năm khuyến cáo, bà con không nên chạy theo thị trường, tránh tình trạng cung quá cầu, khi đó giá dễ bị  giảm sâu.

Người dân miền núi Con Cuông, bắt được cá lệch hơn 10kg

Trong lúc đi thăm ruộng, anh Phạm Văn Tư, ở bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An, đã may mắn bắt được con cá lệch, nặng hơn 10 kg, ngay  trong ngày mùng 6 Tết.

 

ca-661.jpg

 Con cá lệch nặng hơn 10 kg, dài 1,5m. Ảnh: Bá Hậu

 

Ngày 30/1 (tức mồng 6 Tết), khi đi thăm ruộng vừa mới cấy ở cánh đồng bản Mét, gần khe Mọi,  anh Tư phát hiện có tiếng động, quay lại thì thấy một con cá to đang vùng vẫy.

Ngay sau đó, anh dùng bao tải lùa con cá vào. Mất một lúc lâu vật lộn, anh mới bắt được con cá “khủng” và mang về nhà trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Con cá mà anh bắt được là cá lệch - loại cá đặc sản, nặng hơn 10 kg, dài 1,5m. Người dân địa phương nhận định, nhiều khả năng cá đã theo dòng nước từ khe Mọi, trôi vào ruộng của anh Tư, khi nước rút cá bị mắc kẹt lại.

Nghe tin anh bắt được cá lệch, ngay trong chiều 6 Tết, nhiều người đã tìm đến hỏi mua với giá 6 triệu đồng, và đã được gia đình anh Tư đồng ý bán



 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top