Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 6 năm 2020 | 1:17

Tin NN miền Trung: Xóa hoài nghi về cây mắc ca ở Quảng Ngãi

Sau nhiều năm thử nghiệm, với nhiều hoài nghi, lo ngại, cây mắc ca đã chứng minh là cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên tại vùng đất Sơn Tây (Quảng Ngãi).

 

m-ca-661.jpg

Định hướng nhân rộng  mô hình cây mắc ca trong thời gian tới

 

Hiện, mắc ca đem lại hiệu quả cao, đầu ra ổn định, có bảo hiểm đảm bảo lợi ích cho người dân nếu trồng thất bại. Đặc biệt, mắc ca hứa hẹn là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Cadong ở huyện vùng cao này. 

Khi vườn mắc ca rộng 2 ha ở thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây bước vào mùa thu hoạch, người dân địa phương ồ ạt đổ về tham quan, tận mắt nhìn thấy thành quả của huyện sau nhiều năm trồng thử nghiệm.

Ông  Đinh Văn Chiến, ở xã Sơn Liên, bày tỏ: “Tôi từng lo ngại, mắc ca rồi cũng giống như một số cây trồng mới, từng thử nghiệm rồi thất bại. Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến mắc ca sai quả, tôi mới có niềm tin về hiệu quả của cây trồng này”.

Không chỉ người dân, nụ cười và sự lạc quan hiện rõ trên khuôn mặt những người đã dành tâm huyết “một mất, một còn”, sống cùng mắc ca.

Bí thư Đảng ủy huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng nhớ lại, vào năm 2014, khi chính quyền huyện Sơn Tây quyết định chi tiền tỷ, trồng thí điểm hàng nghìn cây mắc ca trên diện tích 6 ha, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của loại cây này. 

“Hoài nghi không phải là không có cơ sở, do đây là cây trồng còn mới mẻ, tính hiệu quả trước mắt chưa có. Song, bằng sự quyết tâm, táo bạo, kiên định với con đường đã chọn, đến nay mô hình đã cho quả ngọt như mong đợi, giải tỏa sự lo lắng của huyện nhà từ nhiều năm nay”, ông Tùng bộc bạch. 

Trong 6 ha mắc ca ở Sơn Tây, phần diện tích ở Sơn Liên và Sơn Long phát triển mạnh nhất. Cây cao lớn, tán lá xum xuê. Từng chùm mắc ca nặng trĩu oằn cành, phơi mình nơi đồi cao. 80%- 95% cây ra hoa đều đã đậu trái. 

Lứa đầu tiên thử nghiệm, mỗi cây cho từ 3- 5kg quả tươi. Đây là thành quả chưa có sự tác động nhiều trong quá trình chăm sóc, để khi triển khai, có thể cho hiệu quả cao nhất.

Theo tính toán, so với cây trồng khác, mắc ca cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Trung bình giá mắc ca tại vườn khoảng 100.000 đồng/kg; như vậy, mỗi héc ta đạt trên 70 triệu đồng/ năm.

Nhiều năm sau đó, giá trị càng cao hơn. Trong khi cây keo, sau 5 năm trồng, 1 ha thu hoạch được khoảng 70 triệu, bình quân mỗi năm người dân kiếm được 14 triệu, chi phí đã hơn một nữa.

Trong khi đó, vốn đầu tư ban đầu của mắc ca thấp, một cây mắc ca trồng trong phạm vi khoảng 45m2, giá khoảng 100.000 đồng/1 cây. Cũng với diện tích này, nếu trồng keo cần đến gần 135 cây keo con, tức cần đến gần 300.000 đồng cây giống.

Đầu tư thấp nhưng mắc ca thân là cây gỗ, có tuổi thọ đến hơn 100 năm, thời gian thu hoạch ít nhất 50 năm. 

“Chưa kể đến những tác hại cây keo gây ra, sau 5 năm chặt bán xong phải trồng lại. Trong khi đó, khoảng 5 năm đầu người dân còn trồng xen canh cây ngắn ngày trong vườn mắc ca. Điển hình như cách làm của gia đình ông Nguyễn Lên, ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây”, ông Tùng nói.

Theo đó, ông Lên có vườn mắc ca 6,5 ha gần 3 năm tuổi. Thời gian chờ mắc ca cho quả, ông đã thu hơn 200 triệu từ cây mì, cây đậu phộng, và hiện đang triển khai trồng cây nghệ. Giá trị kinh tế cao hơn, trong khi công, đầu tư chăm sóc, vận chuyển thuận lợi hơn so với cây keo, lại dễ bảo quản.

Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam- Giáo sư Nguyễn Lân Hùng nhận định: “Khi thực hiện mô hình mắc ca ở Sơn Tây, nhiều người cho rằng mắc ca không phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Song, thực tế đã chứng minh, thời tiết ở miền Tây Quảng Ngãi “rất Tây Nguyên” và thuận lợi cho “nữ hoàng quả khô” phát triển.

Nếu như năm thứ 5, cây bắt đầu cho quả, sang năm thứ 6, 7 trở đi trái rất nhiều. Chắc chắn đến năm thứ 10 đây sẽ là cây làm giàu”.

Vấn đề quan trọng khi triển khai mô hình người dân cần phải chú ý, chọn nguồn giống chất lượng, tránh giống kém hiệu quả. 

Hiện, Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã là tổ chức thành viên của Hiệp hội mắc ca thế giới, và đã đầu tư 80 tỷ đồng cho hai vườn ươm lớn ở Lâm Đồng, liên kết với các hộ dân, để cung cấp nguồn giống đảm bảo.

Còn vấn đề về đầu ra, Hiệp hội khẳng định bao tiêu cho người dân, thu mua với giá ít nhất 80% giá thị trường, nếu người dân không bán được.

Song, thực tế cho thấy, đến nay Hiệp hội vẫn chưa mua được ký mắc ca nào của người dân, do đầu ra ổn định, nhu cầu thị trường lớn. 

Đặc biệt, hiện nay, ngành nông nghiệp đã xếp mắc ca vào danh mục cây lâm nghiệp ngoài gỗ. Đây là một cơ sở pháp lý để người dân và ngành chức năng tin tưởng vào mắc ca. Ngân hàng LienVietPostBank, từ nhiều năm nay đã đồng hành, “đỡ đầu” cho mắc ca.

Đối với người dân không có điều kiện triển khai mô hình, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ 80% vốn đầu tư để bà con đầu tư nguồn giống, chăm sóc cây...

“Đặc biệt, ngân hàng chỉ thu lãi ở năm thứ 5, tức là khi mắc ca cho thu hoạch. Chúng tôi đánh giá cao vào triển vọng của cây trồng này. Tuy nhiên, nếu mô hình không đạt hiệu quả, mắc ca vẫn có gói bảo hiểm đảm bảo cho lợi ích của người dân”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank Huỳnh Ngọc Huy nhấn mạnh.

Theo Bí thư huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng, thực tiễn đã kiểm chứng và trả lời cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng đất Sơn Tây, đầu ra đảm bảo.

Việc quan trọng nhất của huyện là nhân rộng mô hình, trước hết là giúp người dân nhận thức đúng về tiềm năng, giá trị của mắc ca.

Khi người dân đã hiểu, đồng hành, chính quyền sẽ tìm cách tạo điều kiện cho họ, nhất là hộ nghèo, sớm tiếp cận từ các nguồn vốn, chính sách phù hợp để triển khai mô hình. Vấn đề kỹ thuật đã có các cán bộ, chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ. 

“Khi diện tích đạt yêu cầu có thể hướng đến việc chế biến tại chỗ, nâng tầm giá trị cho sản phẩm trong tương lai, từng bước xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS ở địa phương”, ông Tùng nhấn mạnh.

Nghệ An: Dưa lưới trồng ngoài trời, đắt hàng ngày nắng nóng

Dưa lưới thường trồng trong nhà màng, nhưng với 3 mô hình tại huyện Yên Thành lại trồng ngoài trời, cây vẫn phát triển tốt, quả to, chất lượng ngon ngọt và sai quả.

 

dua-19.jpg

 Vườn dưa lê của gia đình ông Thái Doãn Tuấn. Ảnh: Xuân Hoàng

 

Cánh đồng Đồng Bàu xóm 6, xã Lăng Thành (Yên Thành) trước đây thường trồng cây màu, cấy lúa thu nhập thấp. Mấy năm nay, ông Thái Doãn Tuấn ở xóm 3, xã Lăng Thành, mạnh dạn thầu 4 ha để trồng cây giá trị cao.

Vụ xuân - hè này, ông Tuấn trồng 3 loại gồm: dưa lưới, dưa lê và dưa hấu. Nhờ chủ động được nước tưới, đầu tư phù hợp, áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của khu nên năng suất cao, chất lượng tốt.

Vừa qua,  ông Tuấn thu hoạch dưa hấu, đạt năng suất trên 1,2 tấn/sào, với giá bán 15.000 đồng/kg, thu về 15 triệu đồng. Hiện, ông Tuấn còn chăm sóc 15 sào dưa lưới, dưa lê ngoài trời.

"Khoảng 7 ngày nữa sẽ thu hoạch dưa lưới, dưa lê. Thời tiết nắng nóng, đã có nhiều khách đặt hàng, giá tùy thuộc trọng lượng. Quả to, đẹp 45.000 đồng/kg" - ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Hồ Sơn - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết, địa phương khuyến khích người dân nhận thầu các vùng đất xa xấu, cồn vệ làm trang trại.

Một số hộ mạnh dạn xây dựng được trang trại, gia trại hiệu quả, trong đó mô hình trồng dưa lưới ngoài trời của vợ chồng ông Thái Doãn Tuấn là mới, được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Trọng Hương -Trạm Khuyến nông huyện Yên Thành cho biết: Dưa lưới thường trồng trong nhà màng, đầu tư lớn, huyện Yên Thành, đã và đang triển khai 3 mô hình dưa lưới ngoài trời, diện tích 6 ha tại 2 xã Lăng Thành và Bảo Thành.

Hiện, 1 sào dưa lưới ngoài trời, năng suất 8 tạ/sào, bình quân 30.000 đồng/kg, trị giá 24 triệu đồng. Mô hình được huyện hỗ trợ 50% giá giống, phân bón, hệ thống nước tưới và kỹ thuật.

Hà Tĩnh: Bán trùn quế qua facebook, nông dân đóng hàng “mỏi tay”

Từ khi bán con giống trùn quế qua facebook, mô hình nuôi giun quế của bà Dương Thị Thái (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) càng phát huy hiệu quả, cho thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng.

 

trun-333.jpg

 Có thể nuôi trùn quế trong thùng xốp, đặt ở phòng khách, hoặc phòng bếp để xử lý rác thải.

 

Bà Dương Thị Thái tất bật chốt đơn hàng mua giun quế giống qua điện thoại. Sau đó nhanh tay đi đóng gói, cân hàng để kịp gửi cho khách.

Bà Thái cho biết: “Từ khi con trai lập trang facebook bán qua mạng, khách đông nườm nượp. Nhất khách ngoại tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An…”

Trang Facebook “Trùn quế giống Hà Tĩnh – Quảng Bình” lập cách đây 2 năm. Hiện, đã có hơn 500 bạn hàng “mách nước” nhau nên mạng lưới ngày càng phát triển. Có lúc,  phải từ chối đơn hàng, vì chưa kịp sản xuất.

Mới đây, một công ty kinh doanh thức ăn gia súc ở Nghệ An, đã vào đặt hàng, cung ứng hàng trăm tấn/tháng. Song, do thiếu nhân lực, quy mô chưa đáp ứng nên bà Thái từ chối.

“Mỗi tháng, gia đình bán ra khoảng 1 tấn trùn giống, giá 150.000 đồng/10 kg, thu 15 triệu đồng. Trùn quế được sử dụng làm thức ăn cho gia súc gia cầm, phân trùn bón cây xanh rất tốt nên gần đây, nông dân mua trùn giống nhiều” – bà Thái cho biết.

Đặc biệt, bà Thái đã tận dụng chuồng trại trước đây chăn nuôi trâu bò làm chuồng nuôi trùn. Khi thị trường phát triển, bà mở thêm 50 m2 ngay trong vườn.

Thức ăn cho trùn chủ yếu là phân trâu bò. Bởi vậy, bà Thái luôn duy trì 3 con trâu để lấy thức ăn.

“Nuôi trùn dễ lắm. Chỉ cần 1 tuần tưới phân lên trùn, duy trì độ ẩm, đảm bảo đủ thức ăn, trùn phát triển tốt. Ngoài phân, trùn quế cũng ăn đủ loại như: giấy rác, rau quả, vỏ chuối, vỏ mít…

Do vậy, nhiều hộ nuôi trùn trong thùng xốp, đặt ở phòng khách hoặc phòng bếp để xử lý rác, làm sạch môi trường” – bà Thái cho hay

Không chỉ bán giống, trùn quế còn được sử dụng làm thức ăn cho đàn gia cầm hơn 150 con. Phân trùn được bón cho cây ăn quả; nhiều lúc, dùng không hết, bán cho hàng xóm giá 400.000 đồng/tạ.

Mô hình nuôi trùn quế kết hợp chăn nuôi, trồng trọt 4 năm nay, bà Thái thu trên 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, 2 năm lại đây, từ khi kênh Facebook được thành lập, thu nhập tăng gấp bội nhờ bán trùn giống.

Nói về việc nuôi trùn quế của chị Thái, chị Trương Thị Doanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Minh cho biết: “Đây là mô hình điểm của Hội phụ nữ. Hiện, nó không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế, mà còn hạn chế lượng chất thải chăn nuôi ra môi trường.

Ngoài ra, phân trùn được sử dụng trong trồng trọt, làm thức ăn chăn nuôi,  tạo ra sản phẩm sạch cho cộng đồng. Chúng tôi đang khuyến khích  nhân rộng mô hình, để phát triển trồng trọt, chăn nuôi tốt hơn.  


 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top