Chưa bao giờ quả cà chua, su su lại rớt giá thảm hại như năm nay khiến hàng trăm nông dân xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai lao đao.
Niềm vui được mùa "ngắn chẳng tày gang", chấp nhận giá thấp họ chỉ mong bán hết số sản phẩm làm ra để bù lại chút vốn đầu tư, nhưng sức tiêu thụ cũng chỉ ở mức “nhỏ giọt”.
Những đống su su bị bỏ đi đang úa ủng dần. Ảnh: Báo Lào Cai
Vợ chồng anh Trần Văn Thuận, thôn Hòa Lạc, xã Thống Nhất cho biết, sau Tết Nguyên đán, giá cả lao dốc bất ngờ, có thời điểm chỉ còn 1.000 đồng/kg bán tại vườn. Cùng thời điểm này, những năm trước giá bán thấp nhất cũng trên 5.000 đồng/kg, cao lên tới 10.000 đồng/kg. Vụ su su năm 2019 – 2020, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng, trong khi diện tích chỉ bằng một nửa năm nay. Còn giờ, mong bán hết số su su bù lại tiền đầu tư cũng khó. Ngoài thương lái đến tận vườn lấy, tôi còn chở lên các chợ đầu mối trên thành phố Lào Cai bán để tăng số lượng hàng tiêu thụ hằng ngày.
Gia đình anh Thuận trồng khoảng 2.000 m2 giàn su su. Năm nay được mùa, su su sai quả, ngày nhiều nhất hái được khoảng 2,5 tấn bán ra thị trường. Trong 3 ngày tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua bán được giá khoảng 8.000 đồng/kg, sau giảm dần và giảm sâu. Có lúc không muốn hái, cho bà con trong xóm hái về ăn. Anh Thuận ước tính đến cuối vụ, giàn su su sẽ còn cho thu hoạch vài chục tấn quả nữa.
Cà chua được mùa nhưng mất giá khiến người trồng chán nản. Ảnh: báo Lào Cai
Cùng chung nỗi buồn rớt giá còn có cây cà chua. Gia đình chị Phạm Thị Nguyệt, thôn Giao Ngay có hơn 2.000 m2, mọi năm thu hoạch khỏang 25 tấn quả, bán tại vườn với giá 6.000 đồng/kg. Còn năm nay, gia đình đã thu được 17 tấn, nhưng giá cả lại bấp bênh, mặt bằng chung thấp hơn nhiều so với năm trước. Lúc thấp nhất xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg cũng không có người mua. Cà chua chín hái cho gà, lợn ăn và để rụng thối dưới gốc. “Xã cũng tìm hướng giải cứu cho người dân, nhưng chẳng thấm vào đâu so với số lượng sản phẩm sản xuất hằng ngày”, chị Nguyệt buồn rầu bộc bạch.
Theo thống kê, toàn xã Thống Nhất có 17 ha cà chua (tăng 5 ha so với năm trước) và 12 ha giàn su su với sản lượng khoảng 1.200 tấn. Tập trung chủ yếu ở các thôn Giao Tiến, Giao Ngay, Thái Bo, Hòa Lạc và một phần thôn Tiến Thắng. Năm nay, do thời tiết thuận lợi, cây cà chua và su su được mùa, nhưng lại rơi vào cảnh rớt giá. Cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho thị trường tiêu thụ thu hẹp và sức mua giảm, dẫn đến một lượng lớn bị dồn ứ, đẩy người trồng lâm cảnh lao đao.
Từ nay đến hết vụ, xã Thống Nhất còn khoảng 600 tấn quả su su và cà chua cần tiêu thụ. Giá cả bấp bênh, nếu so với năm ngoái giảm chỉ bằng 1/3, làm nhiều hộ chán nản bỏ không chăm sóc, dẫn đến khoảng 4 ha cây cà chua bị hỏng, không có khả năng thu hoạch, mất cả trăm tấn. Ngoài các thương lái đến thu mua và một số hộ duy trì mối tiêu thụ truyền thống, xã Thống Nhất sẽ còn khoảng 300 tấn cà chua và su su cần "giải cứu".
Ông Trịnh Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Trước những khó khăn trên, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố “giải cứu” quả su su, cà chua cho nông dân. Đến nay đã giúp tiêu thụ được khoảng 30 tấn với giá 2.500 đồng/kg (su su và cà chua đồng giá), nhưng vẫn chỉ như "muối bỏ bể", không thấm vào đâu so với số lượng lớn cà chua và su su tồn đọng.
20 tấn chuối được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Nhân viên Hợp tác xã sản xuất chế biến nông thuỷ sản Phú Cường - Sông Đà (xã Thịnh Minh - TP Hoà Bình) đóng gói bao bì chuối xuất khẩu. Ảnh: Báo Hòa Bình
Hợp tác xã sản xuất chế biến nông thuỷ sản Phú Cường - Sông Đà (xã Thịnh Minh – TP. Hoà Bình) đã xuất 20 tấn chuối được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là đợt hàng xuất khẩu đầu tiên của HTX trong năm 2021 sau dịch Covid-19.
HTX này hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, riêng diện tích chuối có khoảng 25 ha, sản lượng khoảng 750 tấn/năm. Dự kiến năm 2021, HTX sẽ xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 800 tấn chuối. Quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm ATVSTP. Mã số vùng trồng đã được quy định rõ tại điều 64, Luật Trồng trọt (Luật số 31/2018/QH14), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Để được cấp mã số thì vùng trồng phải đáp ứng nhiều yếu tố như: Được trồng tập trung, thuần loài, diện tích phù hợp và được định vị, được áp dụng quy trình đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh, nhật ký đồng ruộng đầy đủ, đặc biệt là nhật ký về xử lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đã được cấp chứng nhận hoặc chứng minh được việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến (GAP). Đi liền với cấp mã số vùng trồng là việc cấp mã số cơ sở đóng gói, đây là yêu cầu căn bản để thực hiện quy định kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
Tại khu vực phía Bắc, một số tỉnh đã thực hiện khá thành công việc cấp và quản lý mã số trên các vùng trồng nhãn, vải, chuối, dưa hấu, thanh long xuất khẩu như tỉnh Hải Dương, Bắc Giang... Tại tỉnh Hòa Bình, hoạt động hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được thực hiện thí điểm từ năm 2019. Đến nay, tỉnh đã được Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cấp 9 mã số vùng trồng với diện tích 76,3 ha và 7 mã số cơ sở đóng gói. Từ những vùng trồng được cấp mã số, trong năm 2020, đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi và 180 tấn chuối của TP Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Trồng quế ở Nậm Chà giúp dân thoát nghèo
Bản Táng Ngá, xã Nậm Chà (Nậm Nhùn, Lai Châu) là bản duy nhất của huyện có 100% đồng bào dân tộc Cống sinh sống.
Người dân bản Táng Ngá (xã Nậm Chà) chăm sóc cây quế. Ảnh: Báo Lai Châu
Đến thăm bản, ấn tượng đầu tiên 2 bên đường dẫn đến trung tâm bản những cây quế xanh tốt, có chiều cao từ 3 – 4m. Những năm gần đây, cây quế đã dần thay thế cho những cây trồng cũ kém hiệu quả, mang lại nhiều tín hiệu vui cho bà con dân bản. Đồng chí Hùng Văn Sinh – Bí thư Chi bộ bản Táng Ngá cho biết: “Năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện triển khai dự án trồng rừng đến bà con dân bản với giống cây trồng là cây quế. Do là giống cây mới nên nhiều hộ dân còn e dè, chưa tin tưởng nhiều vào hiệu quả mang lại. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu đi đầu nên đã có 70 hộ trong bản đăng ký 38,7ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng quế.
Do hầu hết diện tích trồng là đất nương sắn, ngô gần đường giao thông nên việc triển khai trồng có nhiều thuận lợi. Với tỷ lệ cây sống đạt 80%, sau 4 năm trồng, cây quế của bà con dân bản đạt đường kính thân cây khoảng 10cm, cao từ 3 – 4 mét. Đã có đơn vị thu mua liên hệ với hộ gia đình hợp đồng mua các diện tích quế với giá hàng trăm triệu đồng. Với những tín hiệu ban đầu, bà con dân bản tin tưởng cây quế sẽ đem lại thu nhập cao”.
Cây quế triển khai trồng tại xã Nậm Chà trong 3 năm từ 2017 – 2019, tập trung ở 2 bản: Táng Ngá và Nậm Chà với tổng diện tích hiện có là 56,7ha. Được trồng theo dự án phát triển rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện làm chủ đầu tư, theo hình thức bà con đăng ký góp đất, đơn vị cấp miễn phí giống và hướng dẫn trồng chăm sóc; mỗi hécta đất đăng ký được hỗ trợ 6 triệu đồng tiền chuyển đổi. Toàn bộ diện tích trồng quế là đất nương đồi trước đây bà con dùng để trồng cây lương thực phục vụ chăn nuôi, sau nhiều năm đã cho năng suất kém.
Ông Vũ Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết: “Xã tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị đầu tư và người dân thực hiện dự án trồng quế, hỗ trợ bà con làm các thủ tục chuyển đổi đất nhanh gọn. Phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây quế. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc khiến một số diện tích cây quế bị chết hoặc kém phát triển. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã, bản lồng ghép việc tuyên truyền công tác chăm sóc cây quế vào các buổi sinh hoạt, họp bản. Nhờ đó, bà con chú ý tới kỹ thuật chăm sóc, các diện tích quế tiếp tục phát triển tốt".
Anh Lý Văn Chém ở bản Táng Ngá cho biết: “Gia đình tôi có 0,8ha cây quế trồng được 4 năm, đầu năm 2021 đã có đơn vị đến đặt mua toàn bộ diện tích với giá 300 triệu đồng. Nhưng nhận thấy lợi nhuận chưa cao, nếu chăm sóc tiếp đến năm được thu hoạch sẽ mang lại số tiền lớn hơn nên gia đình không bán”.
Cường Thịnh phát triển cây lá khôi dược liệu
Người dân xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên chuẩn bị giống để trồng mới cây lá khôi. Ảnh: Báo Yên Bái
Nhiều hộ gia đình ở xã Cường Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) từ những năm 2000 đã đưa cây lá khôi (khôi nhung) vào trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu cũng như góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương.
Cây lá khôi được sử dụng để trị bệnh về đường ruột, dạ dày. Ưa ẩm, thích hợp trồng dưới tán cây trẩu, xoan, chanh... nên trồng cây lá khôi có thể tận dụng triệt để đất sản xuất. Sau trồng 6 - 8 tháng, cây lá khôi bắt đầu được tỉa lá chân, khoảng 3 tháng hái 2 lứa, năng suất đạt 70 - 80 kg lá tươi/sào. Người dân bán giá 30.000 đồng/kg lá tươi, còn lá khô từ 220.000 - 250.000 đồng/kg, tính ra mỗi sào trồng cây lá khôi cho thu từ 1 - 1,3 triệu đồng/tháng.
Là loại cây dễ trồng, cho giá trị kinh tế cao nhưng việc trồng, chăm sóc cây lá khôi cần phải theo đúng quy trình, đúng kỹ thuật để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, cho năng suất và chất lượng cao. Từ phát triển tự phát thì đến nay, một số hộ gia đình có diện tích lớn đã cho thu nhập cao và làm giàu từ cây khôi trên địa bàn xã như các hộ gia đình: ông Phạm Bá Chiến ở thôn Đầm Hồng; bà Bùi Thị Sơn, ông Nguyễn Văn Nhật ở thôn Đồng Lần; ông Phạm Văn Hùng ở thôn Đồng Chuối... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến nay, toàn xã đã có trên 90 hộ trồng cây lá khôi với tổng diện tích 22,96 ha, diện tích cây lá khôi từ 1 năm tuổi trở lên cho thu hoạch là 12 ha, sản lượng cả năm đạt 60 tấn lá khôi tươi. Trên địa bàn xã Cường Thịnh cũng đã hình thành 7 tổ hợp tác trồng cây lá khôi để kết nối, giúp đỡ nhau trong sản xuất và liên kết theo chuỗi nhằm phát triển bền vững.
Cá trắm hun khói Chiềng La - Sản phẩm OCOP 3 sao
Khách hàng lựa chọn sản phẩm “Cá trắm hun khói Chiềng La” tại gian hàng Trưng bày sản phẩm OCOP huyện Thuận Châu.
Món cá trắm hun khói Chiềng La, có vị ngọt, hương thơm đặc trưng của mắc khén, mùi nồng nồng của khói bếp và vị cay của ớt hòa quyện tạo ra một món ăn vô cùng độc đáo và ấn tượng. Đó là sản phẩm OCOP 3 sao của HTX nông nghiệp Chiềng La (Thuận Châu, Sơn La).
Về xã Chiềng La, trước mắt chúng tôi là hệ thống ao nuôi cá, loại nhỏ rộng vài trăm mét, ao to thì đến vài nghìn mét vuông. Anh Quàng Văn Xoàn, Giám đốc HTX nông nghiệp Chiềng La tâm sự: Chiềng La có lợi thế về các mạch nước ngầm, nhiều mó nước sạch, trong xanh dưới các chân núi, nên nghề nuôi cá đã được người dân trong xã duy trì từ lâu. Trước đây bà con nuôi cá chủ yếu để phục vụ sinh hoạt gia đình.
Với mong muốn phát triển nghề cá theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2018, tôi cùng với một số thanh niên trong xã đứng ra thành lập HTX nông nghiệp Chiềng La. Đến nay, HTX có 11 thành viên, với diện tích nuôi trên 2,5 ha theo quy trình VietGAP, chủ yếu là cá trắm cỏ, sản lượng đạt trên 12 tấn, năm 2020, doanh thu HTX đạt 600 triệu đồng, thu nhập các thành viên từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2019 đến nay, ngoài việc kinh doanh cá thương phẩm, HTX đã sản xuất, chế biến thành công sản phẩm “Cá trắm hun khói Chiềng La” và đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao của tỉnh. Theo anh Xoàn, để cung cấp sản phẩm “Cá trắm hun khói Chiềng La” đạt chất lượng tốt nhất và an toàn cho người tiêu dùng, HTX nông nghiệp Chiềng La luôn chú trọng đến khẩu phần ăn cũng như kiểm soát nghiêm ngặt khâu chọn giống và thức ăn cho đàn cá. Giống cá trắm cỏ được HTX nhập từ các trại giống có uy tín ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Các thành viên HTX được hướng dẫn cách quản lý chất lượng nước, phòng trừ dịch bệnh. Thức ăn cho cá hoàn toàn tự nhiên, như: Lá chuối, cỏ voi, bột ngô... Cá giống lúc nhập có trọng lượng mỗi con từ 200-300 gam, sau khoảng 24 tháng trọng lượng mỗi con đạt từ 2,5 - 3 kg.
Trong thời gian tới, HTX Nông nghiệp Chiềng La mong muốn được cơ quan, đơn vị giúp quảng bá, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm để đưa sản phẩm Cá trắm hun khói Chiềng La có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trong tỉnh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.