Tháng 10 là thời điểm cam Cao Phong bước vào thu hoạch. Ngay từ đầu vụ, nông dân thị trấn Cao Phong liên tục nhận được hợp đồng cung ứng cam tới thị trường trong và ngoài tỉnh.
Mỗi ngày có hàng trăm chuyến cam được xuất vườn trong niềm vui được mùa, được giá của bà con. Hiện, nông dân thị trấn Cao Phong thu hoạch các giống cam chín sớm như cam Mát, Xã Đoài.
Là nơi có diện tích trồng cam lớn nhất trên địa bàn, thị trấn Cao Phong được ví như "thủ phủ” của các loại cam. Với chất lượng đã được khẳng định, thương hiệu cam Cao Phong ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Đó là kết quả của sự nỗ lực, chịu khó tìm tòi, học hỏi của nông dân địa phương. Không chỉ chủ động áp dụng KHKT vào sản xuất như sử dụng phân bón vi sinh, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ trồng cam trên địa bàn luôn được cán bộ trạm KN- KL thị trấn, huyện đồng hành hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng và kịp thời khắc phục khi có dịch, bệnh xuất hiện.
Ông Khương Xuân Lịch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong nhận định: Với giá dao động từ 20.000 -25.000 đồng/kg, có nơi 27.000 đồng/kg, mới kết thúc vụ quýt ôn Châu, nhiều hộ trên địa bàn đã thu về từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Thời điểm này bà con thu hoạch cam Mát, cam Xã Đoài, giá thu mua tại vườn trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Đây là dấu hiệu dự báo một vụ cam được mùa, được giá. Hiện toàn thị trấn Cao Phong có trên 800 ha trồng cây có múi. Trong đó diện tích cam các loại đang trong thời kỳ kinh doanh trên 500 ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Với chất lượng đã được khẳng định trên thị trường, các loại cam có giá thành ổn định trung bình từ 18.000 - 25.000 đồng/kg.
Văn Bàn: Triển khai Dự án Phát triển cây có múi ở các xã phía Nam
Từ năm 2016, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã thực hiện Dự án Phát triển cây có múi tại các xã phía Nam của huyện, như: Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken, Liêm Phú. Đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Bàn đã phối hợp với Viện Rau quả (Học viện Nông nghiệp Hà Nội) cấp phát giống bưởi, tập huấn kỹ thuật và các vật tư hỗ trợ khác cho nông dân tham gia dự án. Các hộ nông dân tham gia dự án đã thực hiện đảm bảo tiến độ và trồng đủ 50 ha theo kế hoạch triển khai.
Theo đánh giá bước đầu, tỷ lệ sống trên diện tích bưởi đã trồng đạt 85%. Bưởi trồng trong 4 năm, đến năm thứ 4 cho thu hoạch, dự kiến 1 ha (khoảng 500 cây) cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng (với mức tính bình quân giá bưởi 20.000 đồng/quả). Cây bưởi trồng 1 lần thu hoạch trong nhiều năm, hiện đang có đầu ra ổn định, hứa hẹn những tín hiệu vui trong mở hướng làm kinh tế mới của người làm vườn ở Văn Bàn.
Ngoài dự án trồng bưởi của huyện, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển các mô hình trồng bưởi Diễn, cam Cao Phong, cam canh… được khoảng 10 ha; điển hình như mô hình trồng 5 ha bưởi Diễn của ông Ngô Xuân Bình (xã Nậm Tha); mô hình trồng 2 ha cam Cao Phong của ông Nguyễn Trường Tam (xã Khánh Yên Trung)…
Hiện, nhiều mô hình trồng bưởi, trồng cam đã và đang cho thu hoạch, bước đầu có những tín hiệu khả quan trong phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Văn Bàn.
Yên Bái đẩy mạnh chăn nuôi
Sau một thời gian dài giá giảm liên tục, làm người chăn nuôi lao đao thì trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá gia súc, gia cầm nói chung, giá lợn hơi nói riêng đã tăng trở lại và khá ổn định. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 giá lợn hơi ổn định ở mức 48.000 đến 52.000 đồng/kg tùy từng loại lợn và giống lợn. Giá gà luôn ổn định ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại; giá ngan, vịt dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi.
Trong 9 tháng năm 2018, người chăn nuôi gặp khá nhiều bất lợi, dịch bệnh, nhất là dịch lở mồm long móng rồi ảnh hưởng không nhỏ từ thiên tai đến thị trường tiêu thụ khó dự đoán... Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp đã tăng cường các biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ chăn nuôi lợn; khuyến cáo người chăn nuôi đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, đặc biệt là liên kết sản xuất với tiêu thụ.
Đồng thời, xây dựng các giải pháp lâu dài nhằm định hướng chăn nuôi bền vững. Nhờ vậy, việc chăn nuôi đã có những chuyển biến và người dân bắt đầu mạnh dạn hơn trong tái đàn lợn; tỷ lệ lợn xuất chuồng tăng. Đến hết tháng 9/2018, tổng đàn gia súc chính ước đạt 684.110 con (đàn trâu 102.703 con, đàn bò 28.887 con; đàn lợn 552.520 con). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 44.151 tấn/45.000 tấn, đạt 98,1% kế hoạch. Đàn gia cầm ước đạt 4,681 triệu con, tăng 0,31% so với cùng kỳ.
Phát triển cây cà phê ở Dồm Cang
Cây cà phê đã có mặt ở Dồm Cang (Sốp Cộp, Sơn La) những năm 90 của thế kỷ trước. Trải qua thời gian, cây cà phê đã và đang góp phần giúp bà con xã Dồm Cang xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định đời sống.
Dồm Cang có diện tích cà phê nhiều nhất huyện, với trên 153 ha (113 ha đang cho sản phẩm), chủ yếu là giống Arabica (cà phê chè), rất phù hợp với loại đất đỏ bazan, khả năng chịu hạn tốt, năng suất cao. Để cây cà phê trở thành loại cây công nghiệp chủ lực của xã, Dồm Cang tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê; phối hợp với các Ngân hàng để bà con được tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi.
Bản Pặt, nơi có diện tích cà phê lớn nhất xã, Trưởng bản Hà Văn Thin cho biết, bản có 151 hộ thì hầu hết đều trồng cà phê, hộ ít thì có vài nghìn mét vuông, hộ nhiều đến gần 2 ha; bản hiện có gần 90 ha cà phê, trong đó 82 ha đang cho thu hoạch. Đến thăm gia đình ông Vì Văn Ngoãn, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng và thu mua cà phê trên địa bàn, ông chia sẻ: Học tập kinh nghiệm ở huyện Mai Sơn, Thành phố, gia đình tôi trồng 2 ha cây cà phê xen với cây nhãn từ những năm 2010. Trồng xen có hiệu quả giúp cây cà phê hạn chế bị chết do sương muối lại tận dụng được diện tích đất. Năm ngoái, gia đình tôi thu 22 tấn quả tươi, trị giá 130 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thu mua cà phê và sơ chế hơn 440 tấn quả tươi cho bà con trong vùng. Tôi cũng tìm tòi nghiên cứu qua sách báo cách xử lý rác thải cà phê sau sơ chế bằng cách thu gom vỏ và ủ bằng các chế phẩm sinh học, sau đó dùng làm phân bón cho vườn cây, tiết kiệm được tiền mua phân bón.
Được biết, để xử lý chất thải sau khi sơ chế cà phê, xã Dồm Cang vận động bà con tự thu gom vỏ cà phê, ủ và dùng bón cho cây trồng; phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật, tư vấn hướng dẫn sử dụng các loại men ủ phù hợp. Để phát triển cây cà phê, xã Dồm Cang đang tập trung phối hợp với các đơn vị chức năng chuyển giao tới bà con kỹ thuật thâm canh, sơ chế và bảo quản cà phê; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Yên Cư: Trồng khoai môn cho hiệu quả kinh tế cao
Những năm gần đây, bà con nông dân xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) đã mạnh dạn đưa cây khoai môn vào trồng trên đất ruộng mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tăng thu nhập.
Hiện, cây khoai môn đang chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch. Anh Triệu Hữu Cường, Trưởng thôn Khuổi Thây cho biết: Cây khoai môn được các hộ dân trong thôn đưa vào trồng trên đất ruộng đã được hai năm. Vụ năm nay cả thôn có 13 hộ trồng với tổng diện tích 2,9ha. Đây là loại cây trồng thích nghi tốt với điều kiện đồng đất, khí hậu của địa phương nên phát triển tốt. Mặc dù thời tiết năm nay có nhiều bất lợi nhưng do được chăm sóc kỹ nên cây khoai môn vẫn cho năng suất.
Phải tầm một tháng nữa khoai môn mới cho thu hoạch đại trà, nhưng hiện nay do nhu cầu cầu người mua nên nhiều gia đình trong thôn Khuổi Thây đã thu hoạch dần những củ to để bán. Theo người dân ở đây cho biết, năm nay giá bán khoai môn đầu vụ là 23.000đ/kg.
Hộ anh Triệu Phúc Bình ở thôn Bản Chằng năm nay trồng 3.000m2, anh cho hay, năm ngoái gia đình anh thu được 1 tấn củ, giá bán dao động từ 15.000đ đến 19.000đ/kg, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Hiện, xã Yên Cư có khoảng 8ha cây khoai môn được trồng tại các thôn Khuổi Thây, Bản Cháo, Thái Lạo, Đon Nhậu, Bản Chằng. Năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha.
Mặc dù khoai môn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng hiện nay chủ yếu là bà con trồng tự phát, vì vậy còn thiếu hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh. Do đó, bà con nhân dân mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ canh tác nhằm nâng cao hơn nữa năng suất.
Công bố Nhãn hiệu sản phẩm "Hồng không hạt Na Khê – Yên Minh"
Ngày 19/10, tại xã Na Khê, UBND huyện Yên Minh (Hà Giang) tổ chức Lễ công bố và đón nhận Văn bằng chứng nhận Nhãn hiệu sản phẩm “Hồng không hạt Na Khê – Yên Minh”.
Hồng không hạt là loại cây ăn quả bản địa của xã Na Khê, được người dân Yên Minh trồng trong nhiều năm qua và được xác định là một trong những loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của một số địa phương trên địa bàn huyện. Quả Hồng không hạt đã trở thành đặc sản của huyện Yên Minh và khẳng định được uy tín trên thị trường, trở thành sản phẩm yêu thích của thực khách, nhất là khách du lịch khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đặc biệt, nó đã giúp nhiều hộ dân ở Yên Minh thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Những năm qua, diện tích Hồng không hạt Na Khê ở Yên Minh ngày càng được mở rộng, từ vài chục héc – ta đến nay đã lên tới hàng trăm héc - ta. Trong đó có trên 31ha cho thu hoạch, sản lượng năm 2018 ước đạt trên 120,5 tấn, giá trị ước đạt trên 3,6 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phạm Xuân Diệu cho rằng: Đây là sự khẳng định đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị Hồng không hạt Na Khê; là điều kiện thuận lợi để thu hút sự quan tâm của thị trường, đưa sản phẩm Hồng không hạt Na Khê của huyện Yên Minh đến với người tiêu dùng trong nước, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.