Nhiều năm trước, cây ngô được lựa chọn là cây "xóa đói, giảm nghèo" ở vùng cao. Thế nhưng, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, vì nhiều nguyên do, ngô đã không còn là cây hàng hóa chủ lực.
Tại một trong những vựa ngô của tỉnh là huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình), diện tích ngô 2 vụ từ trên 8.000 ha nay giảm còn khoảng 5.000 ha.
Nông dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) hiện chủ yếu trồng ngô phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm với diện tích giảm một nửa so với trước đây. Ảnh: Báo Hòa Bình
Lý giải vì sao nhiều hộ không còn mặn mà với cây ngô,chị Lò Thị Thi ở xóm Sơn Phú cho biết: Làm một phép tính về chi phí đối với 1 ha ngô hiện nay, người trồng sẽ phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua giống, khoảng 10 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Trong thời gian 4 tháng từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, nông dân sẽ phải bỏ rất nhiều công, thậm chí phải thuê nhân công để thu hái, tuốt ngô.
Đổi lại, với tình hình giá cả như thực tế thời gian qua thì người trồng ngô chịu phần thua thiệt. Giá ngô bán tươi mấy năm nay giữ ở mức 3.000- 3.500 đồng/kg, ngô hạt khô giá 6.000 đồng/kg. Với năng suất ổn định 50 tạ/ha ở vụ mùa và 35 tạ/ha ở vụ hè thu, người trồng ngô thu về kết quả là hòa vốn đầu tư, còn phần công sức bỏ ra gần như không có.
Xóm Nà Chiếu dẫn đầu về diện tích ngô của cả xã ở thời điểm trước với khoảng 250 ha. Cả xóm có 175 hộ thì có trên 120 hộ tham gia trồng. Tuy nhiên, hiện tại, diện tích ngô của xóm giảm còn chưa đến 70 ha, gần 80 hộ trồng. Trong số đó, hộ ông Đinh Văn Công từng có diện tích ngô trồng lớn nhất. Ông Công chia sẻ: Trước đây, tôi tập trung làm mạnh, có vụ trồng tới hơn 80 kg giống, tương đương 5 - 6 ha. 2 - 3 năm nay, vật tư đầu vào cao mà hạt ngô làm ra bán với giá rẻ nên diện tích co cụm lại. Ngô bây giờ trồng chủ yếu phục vụ chăn nuôi của gia đình chứ không để bán như trước nữa.
Trước thực trạng trồng ngô không được giá, lao động ở các vùng chuyên canh ngô Đà Bắc có xu hướng về các thành phố lớn làm thuê. Đa số làm công việc chân tay, phụ xây hoặc làm may mặc, điện tử tại các khu công nghiệp của Thủ đô Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên.
Theo đồng chí Phạm Minh Sơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, với thực trạng cây ngô mất giá, công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được triển khai mạnh mẽ. Từ chủ trương, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, các địa bàn trước đây trồng ngô đang tích cực chuyển dịch sang trồng cây lâm nghiệp và các loại cây ăn quả lâu năm. Điển hình như tại vùng đất đồi trước đây chuyên canh ngô của xã Cao Sơn đã chuyển đổi trồng trên 500 ha rừng trồng, chủ yếu là cây mỡ, lát, xoan hương, bồ đề, keo. Với diện tích đất nông nghiệp, toàn xã đã trồng 140 ha cây ăn quả có múi các loại. Toàn huyện hiện chuyển đổi được 250 ha cam, bưởi, trên 10 ha chè, trên 100 ha cây dược liệu. Diện tích rừng trồng mới tăng đều từ 800- 1.100 ha mỗi năm.
Văn Chấn đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp
Những năm gần đây, cùng với triển khai các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn quy hoạch các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết giá trị sản xuất.
Mô hình chanh leo bước đầu mang lại tín hiệu kinh tế khả quan cho nông dân Văn Chấn. Ảnh Báo Yên Bái.
Đồng thời, nông dân Văn Chấn còn tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT), đưa máy móc vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị, năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập.
Gia đình ông Hoàng Văn Thơ ở thôn Bản Chanh, xã Phù Nham là một trong 70 hộ đầu tiên của huyện thực hiện liên kết sản xuất lạc tiên LPH 04 (chanh leo Đài Nông 1). Sau hơn 3 tháng, với diện tích trên 1.000 m vuông, chanh leo đã cho thu hoạch với giá bán từ 15 - 20.000 đồng/kg. Đầu ra cho sản phẩm được các công ty thu mua.
Ông Thơ cho biết: "Trồng chanh leo yêu cầu khá cao về kỹ thuật, công chăm sóc thời gian đầu, nhất là khi ra hoa, có quả non vì đây là lúc chanh leo dễ nhiễm các loại bệnh. So với trồng lúa, chanh leo cho giá trị gấp 5 đến 7 lần”.
Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Đồng cho biết, việc triển khai đề án trồng cây chanh leo tại địa phương thu hút sự tham gia nhiệt tình của các hộ dân nhờ được được hỗ trợ cây giống; kỹ thuật chăm sóc; có nhà máy thu mua, bao tiêu sản phẩm; giá cả ổn định, tạo lòng tin cho người dân. Đây là bước chuyển cũng là tiền đề quan trọng để xã nhân rộng đề án nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, là địa phương có truyền thống chuyên canh rau màu, những năm gần đây, nông dân Phù Nham còn đẩy mạnh áp dụng KHKT, đưa cơ giới vào đồng ruộng để triển khai nhiều mô hình chuyên canh rau màu như: cà chua, bắp cải, đậu đỗ các loại… với diện tích 35 ha. Hình thành các mô hình sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, nổi bật là Hợp tác xã Nông sản sạch Phù Nham.
Để đa dạng hóa các đề án phát triển nông nghiệp có hiệu quả, huyện Văn Chấn chủ động tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác; xây dựng cơ chế hỗ trợ kịp thời từ cây giống đến tập huấn chuyển giao KHKT, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nông lâm kết hợp - mô hình phát triển bền vững cho người dân vùng cao
Sau 2 năm triển khai Dự án “Thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp (NLKH) hướng theo thị trường và các giải pháp phục hồi rừng cho vùng Tây Bắc Việt Nam” do Tổ chức nghiên cứu Nông lâm Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện đã đem lại hiệu quả đáng mừng.
Chị Cà Thị Thiên, bản Nà Nọi 1, xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) chăm sóc cây ăn quả trong mô hình NLKH. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Dự án triển khai tại các xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) và xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên, Điện Biên) với các mô hình NLKH như: Mô hình keo - nhãn - cà phê - cỏ; mô hình nhãn - ngô - cỏ chăn nuôi; mô hình mắc ca - cà phê - đỗ tương; mô hình sơn tra - cỏ chăn nuôi; mô hình sơn tra - cà phê - cỏ… với sự tham gia của gần 100 nông hộ. Trong quá trình thực hiện dự án, vai trò của cán bộ cấp bản là chủ yếu nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng, trao quyền chủ động trong các hoạt động của dự án. Khi tham gia dự án người dân được hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón và kỹ thuật.
Những ngày này, công việc chính của anh Lò A Vàng, xã Tỏa Tình là chăm sóc 1ha cây sơn tra và cà phê. Trước đây anh Lò A Vàng chỉ biết trồng ngô, giá trị thấp bởi phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời thì chỉ sau 2 năm tham gia dự án anh Vàng đã biết trồng cây ngắn hạn và dài hạn trên cùng một diện tích để tạo nguồn sinh kế bền vững.
Hiện, cây cà phê đã cho hoa và cây sơn tra đã ra quả đang dần phủ xanh vùng đồi trọc. Anh Lò A Vàng cho biết: Trước đây, diện tích này chủ yếu trồng ngô, sắn. Qua nhiều vụ đất đã bị xói mòn và bạc màu. Mỗi mùa mưa lại rửa trôi thêm lớp đất mặt nên năng suất cây trồng ngày càng kém. Nhờ tham gia mô hình NLKH, trồng cây sơn tra - cà phê đã giữ đất tốt, chống bạc màu.
Ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, cho biết: Sau 2 năm dự án triển khai trên địa bàn xã đã có những kết quả bước đầu là: làm giàu rừng triển khai trên 16ha, hỗ trợ tái sinh rừng tự nhiên trên 60ha, các hộ nông dân tham gia đã trồng 20.000 cây phân tán. Theo yêu cầu của dự án là mở rộng diện tích 10ha ra các bản xung quanh, đến nay đã mở rộng được 15ha tại các bản Huổi Hẹ, Nà Ngám, Nà Nọi 2. Xây dựng được 2 vườn ươm để nhân giống cây ăn quả tại bản Nà Nọi và Huổi Hẹ với công suất 1,2 vạn bầu/năm.
Sa Pa: Khuyến cáo người dân phòng, chống rét cho gia súc
Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường đã khiến nhiệt độ ở các địa phương trong tỉnh xuống thấp; đặc biệt, nhiệt độ tại huyện Sa Pa (Lào Cai) đã xuống dưới 10 độ C.
Người dân xã Hầu Thào chăm sóc trâu những ngày trời rét. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò bị chết rét; đối với hoa và các loại rau, cơ bản không bị thiệt hại.
Hiện nay, huyện Sa Pa có 4.700 hộ gia đình chăn nuôi gia súc lớn với tổng đàn 14.000 con gia súc các loại. Người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn cũng như thực hiện các biện pháp giữ ấm cho trâu, bò.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tuyệt đối không chăn thả gia súc những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C; dự trữ đủ thức ăn xanh, thức ăn tinh và thức ăn khô; quây kín chuồng nuôi, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò; di chuyển vật nuôi xuống những địa phương có thời tiết ấm áp hơn để tránh rét…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…