Ông Trần Công Nhì, Giám đốc Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên, cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay, công ty đã triển khai trồng được 300ha cây mắc ca trên địa bàn xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, với mật độ 280 cây/ha.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên kiểm tra chu kỳ sinh trưởng của cây mắc ca giống trước khi trồng. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, công ty đã huy động khoảng 300 công nhân là người địa phương tổ chức đào hố, bón phân hữu cơ, trồng cây đồng loạt và làm hàng rào bảo vệ ngăn gia súc phá hoại. Cùng việc trồng, các cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên theo dõi, tưới, tỉa, để cây mắc ca non sinh trưởng thuận lợi.
Được biết, do thời tiết, khí hậu năm 2019 biến đổi phức tạp, nắng nóng kéo dài, mưa ít đã làm chậm thời vụ trồng cây mắc ca so với kế hoạch. Tuy nhiên, phía công ty vẫn dự kiến đến hết tháng 8/2019 sẽ triển khai trồng được 1.000ha cây mắc ca (đạt 50% kế hoạch năm) trên địa bàn 2 xã: Sen Thượng và Chung Chải.
Điện Biên kỳ vọng phát triển vùng trồng chanh leo
Theo ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, Điện Biên là địa phương có tiềm năng rất lớn về đất đai, khí hậu, phù hợp với việc trồng cây ăn quả.
Kỳ vọng đến năm 2021, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển được vùng nguyên liệu cây ăn quả, với khoảng 1.000ha chanh leo trên địa bàn tỉnh.
Trong đó những loại cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao được xác định là những loại cây có múi hay những cây ăn quả ngắn ngày như: dứa, chanh leo… Riêng đối với cây chanh leo đã được trồng thử nghiệm khoảng 30ha tại 2 địa phương là Tuần Giáo và Mường Ảng, đều cho kết quả khả quan, năng suất, chất lượng tốt.
Tuy có lợi thế đất đai nhưng hiện toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 2.600ha cây ăn quả, chưa tương xứng với những tiềm năng vốn có. Do đó việc kỳ vọng đẩy mạnh vùng nguyên liệu chanh leo với diện tích khoảng 1.000ha cùng với Công ty Cổ phần NaFoods Tây Bắc là định hướng được ngành nông nghiệp tỉnh xác định sẽ tập trung triển khai tại các địa phương trong thời gian tới. Qua đó nhằm mở ra hướng phát triển mới, giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
“Chúng tôi cũng xác định xây dựng đề án phát triển cây ăn quả trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đang đề xuất với công ty là ngoài cây chanh leo thì cây dứa cũng là một trong những tiềm năng lợi thế”, ông Hải cho biết.
Ông Hải cũng cho biết thêm “thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có định hướng cụ thể để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư như sắp xếp vùng nguyên liệu đáp ứng được để doanh nghiệp yên tâm thu mua, bà con có đầu ra ổn định”.
Với những tín hiệu mừng từ kết quả khả quan của việc trồng thử nghiệm cây chanh leo trên địa bàn và những định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, kỳ vọng chanh leo sẽ là loại cây ăn quả chủ lực giúp bà con các dân tộc trên địa bàn xóa đói giảm nghèo bền vững.
Lào Cai: Triển khai 9 mô hình nuôi giun quế để phát triển chăn nuôi
Từ nguồn vốn của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp năm 2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai 9 mô hình nuôi giun quế tại các địa phương trong tỉnh để phát triển chăn nuôi.
Mô hình nuôi giun quế tại Bắc Hà. Ảnh: Báo Lào Cai
Đây là giống giun quế xuất xứ từ Nhật Bản, có khả năng chịu lạnh tốt nên có thể áp dụng nuôi tại tất cả các địa phương trong tỉnh.
Tham gia mô hình, hộ dân được hỗ trợ 77 triệu đồng bao gồm kinh phí làm nhà nuôi giun, giun giống, đồng thời được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và nhân giống giun.
Thức ăn của giun quế chủ yếu là chất thải của gia súc, người dân có thể tận dụng và thu gom ngay tại gia đình, không tốn nhiều công sức và chi phí. Theo tính toán, cứ nuôi 10 kg giun quế sinh khối/m2, thì sau khoảng 1 tháng sẽ được thu hoạch, hoặc nhân rộng ra diện tích gấp đôi.
Chất thải của giun quế chứa hỗn hợp vi sinh hoạt tính cao, chất mùn lớn, vì vậy phân giun kích thích tăng trưởng cây trồng và tăng khả năng cải tạo đất. Do phân giun không có mùi hôi như các loại phân gia súc, gia cầm, lại có thể lưu giữ lâu ngày trong túi nilon mà không bị mốc, nên thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển.
Giun quế có hàm lượng protein cao, có nhiều axit amin, khi làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản sẽ giúp vật nuôi nhanh lớn, sức đề kháng cao, ít bị bệnh.
Mô hình được triển khai sẽ mang lại lợi ích kép, vừa phát triển chăn nuôi lại góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Xã Bản Giang: Năng suất ngô giảm
Dù đã có những biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh rất tích cực nhưng vụ ngô xuân hè năm nay, nông dân xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) vẫn chịu cảnh mùa vụ thất bát.
Nông dân xã Bản Giang thất vọng khi dồn sức đầu tư chăm bón nhưng năng suất ngô vụ hè thu vẫn giảm do sâu bệnh. Ảnh: Báo Lai Châu
Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Sử ở bản Hà Giang, 5-6 tấn ngô/3 vụ/năm đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính và phục vụ đắc lực duy trì đàn gia súc, gia cầm quy mô hàng chục con/lứa. Ngoài trồng trên đồi, vợ chồng ông Sử còn tận dụng đất bãi ven suối để mở rộng diện tích. Vụ ngô xuân hè năm nay, gia đình ông thất thu bởi năng suất giảm một nửa và nguyên nhân cũng chính từ sâu keo mùa thu gây hại.
Xã Bản Giang được đánh giá là địa phương điển hình thâm canh 3 vụ/năm với diện tích lớn của huyện. Vụ xuân hè năm nay, toàn xã trồng 334ha ngô, năng suất 35 tạ/ha (những vụ trước đạt bình quân 45 - 50 tạ/ha), tổng sản lượng ước đạt 1.269,2 tấn.
Trao đổi với ông Lò Văn Treo – Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết, ngô là một trong những cây trồng lực của Nhân dân xã Bản Giang. Nguyên nhân giảm năng suất đó là hầu hết diện tích ngô bị sâu keo mùa thu phát sinh, gây hại; khi trồng gặp thời điểm nắng nóng nên ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm, phát triển. Phòng trừ sâu bệnh, chính quyền xã vận động bà con áp dụng các biện pháp như: làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn cây ngô để tiêu diệt sâu; phun thuốc bảo vệ thực vật: Voliam Targo 63 SC, Radiant 60 SC, Seleeron 500EC, Karate 2,5 EC... Đặc biệt, cán bộ khuyến nông xã trực tiếp xuống đồng hướng dẫn bà con kỹ thuật pha chế, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng kỹ thuật).
Thuận Châu: 35 ha cây ăn quả được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP
Thuận Châu (Sơn La) hiện có gần 8.000 ha cây ăn quả; trong đó, sơn tra gần 4.700 ha, cây ăn quả các loại hơn 3.300 ha; đã xuất khẩu 406 tấn quả chanh leo, xoài, trị giá ước trên 7 tỷ đồng.
Thành viên HTX chanh leo Thuận Châu phân loại sản phẩm quả phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Báo Sơn La
Đặc biệt, 35 ha cây ăn quả của huyện đã được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (xoài 25 ha, chanh leo 10 ha). Huyện đang hoàn thiện thủ tục cấp 2 mã số vùng trồng xoài tại HTX bản Bon (xã Mường Khiêng) với hơn 17 ha.
Thuận Châu đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển cây ăn quả theo chuỗi giá trị thuộc nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại 19 xã; triển khai các mô hình sản xuất sản phẩm theo hướng hữu cơ, các mô hình, chương trình phát triển cây ăn quả và cây dược liệu sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện năm 2019.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.