Lại thêm một vụ thu hoạch nữa đến với bà con trồng dưa ở Kim Bôi (Hòa Bình). Vụ dưa năm nay được mùa, được giá.
Dọc đường 12B đoạn qua các xã có diện tích trồng dưa lớn của huyện, nông dân đang khẩn trương thu hoạch, thương lái các nơi dập dìu về thu mua. Dưa năm nay sai quả, đẹp và đều hơn so với năm trước. Đầu ra thuận lợi, giá cả cũng có phần ổn định hơn. Có nhiều hộ thu hoạch 4 - 5 tạ quả/ngày, thu về hàng triệu đồng.
Dưa chuột được bày bán ở cạnh đường 12B, phục vụ người dân địa phương và khách đi đường. Ảnh chụp trên địa bàn xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi). Ảnh: Báo Hòa Bình
Sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của những người trồng dưa ở Kim Bôi. Họ bắt đầu công việc thu hoạch dưa từ lúc tờ mờ sáng. Những ngày này, các hộ trồng dưa phải dậy từ 3 - 4h, soi đèn ra ruộng dưa thu hoạch để kịp giao cho thương lái trước 5h kẻo lỡ buổi chợ. Giao buôn một phần, số còn lại bà con bày bán ngay cạnh đường 12B. Nhờ đất đai phù hợp, mưa thuận gió hòa cùng với kinh nghiệm trồng dưa từ nhiều năm, dưa năm nay sai và đều quả, bán được giá hơn. Giá dưa ở thời điểm đầu vụ bán lẻ tại ruộng được 15.000 đồng/kg, khi vào vụ, mã dưa đẹp được 10.000 đồng/kg, số ít quả ngắn, mẫu mã không đẹp, bà con bán rẻ hơn, khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Theo chân chị Bùi Thị Anh, xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng vào ruộng dưa, lứa lớn hơn đã cho thu hoạch, đến những quả đang bao tử và rất nhiều hoa đang trong quá trình đậu quả. Nhanh tay hái những quả dưa chuột bỏ vào sọt gánh ra đường để kịp giao cho thương lái đang chờ sẵn, chị Bùi Thị Anh chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi trồng được trên 1.000m2 giống dưa nếp thơm. Những năm trước, gia đình tôi và nhiều hộ xung quanh rủ nhau trồng giống dưa lai cho quả to, năng suất cao hơn so với dưa ta, nhưng dưa mới vỏ không giòn, vị không đậm đà bằng dưa nếp ta dẫn đến khách không ưa chuộng, khó bán. Năm nay, bà con chuyển hẳn sang trồng dưa nếp. Mặc dù năng suất không cao bằng giống dưa mới, nhưng thị trường tiêu thụ rộng, giá cả cũng cao và ổn định hơn. Nhà tôi hiện đang bắt đầu thu hoạch, tôi đã bán được 40kg rồi. Số còn lại thương lái cũng đặt cọc để vài hôm nữa đến lấy.
Đồng chí Bùi Văn Bộ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Trong vụ dưa xuân năm 2021, tổng diện tích dưa chuột của huyện là 360ha, nhiều hơn so với năm ngoái gần 100ha. Tập trung ở các xã Sào Báy, Nam Thượng, Vĩnh Đồng, Đú Sáng, Kim Lập. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt cao hơn so với năm trước, dự kiến đạt khoảng 20 tấn/ha. Hiện nay, bà con đã thu hoạch được 1/3 diện tích. Số lượng dưa thu hoạch chủ yếu được các tư thương từ TP Hoà Bình và một số tỉnh lân cận như: Hà Nam, Ninh Bình và TP Hà Nội đến tận ruộng dưa thu mua. Phong trào trồng dưa chuột được người dân hưởng ứng từ nhiều năm nay và đang được nhân rộng tại nhiều xã trên địa bàn huyện, góp phần tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay tình hình tiêu thụ dưa vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Đa số diện tích dưa được lái buôn đến thu mua tại vườn hoặc những hộ dân có phương tiện thì mang đi các nơi giao cho khách. Một số hộ chọn cách bày ra bán lẻ tại đường 12B phục vụ cho người đi đường và người dân địa phương chứ chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Bước tiến nghề trồng dâu nuôi tằm ở Văn Chấn
Đến nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có trên 210 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm với diện tích trên 114 ha. Trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/ha, cao hơn 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng khác.
Tạo hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân, những năm qua, huyện Văn Chấn đã triển khai Đề án trồng dâu nuôi tằm tại các xã Chấn Thịnh, Sơn Lương, Đồng Khê, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Sơn Thịnh.
Gia đình ông Lò Văn Phúc ở thôn Bồ, xã Chấn Thịnh là một trong những hộ dân tham gia trồng dâu nuôi tằm đầu tiên của xã.
Ông Phúc cho biết: "Năm 2013, tôi tận dụng vườn tạp trồng 1.000 m vuông dâu. Sau nhiều năm trồng dâu nuôi tằm, tôi đã hiểu tập tính của con tằm, áp dụng kỹ thuật mới áp dụng để nuôi tằm hiệu quả hơn. Năm 2018, được sự hỗ trợ của huyện, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng dâu lên 7.000 m vuông; xây dựng 1 nhà tằm rộng trên 100 m vuông. Bình quân mỗi năm, gia đình nuôi 14 lứa tằm với giá bán bình quân 100.000 đồng/kg kén, thu về trên 180 triệu đồng, cao hơn 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng khác”.
Để tạo điều kiện cho người trồng dâu có nguồn con giống, cây giống tại chỗ đảm bảo, hỗ trợ người dân kỹ thuật, phân bón, Hợp tác xã (HTX) Môi trường xanh Chấn Thịnh được thành lập và xây dựng nhà nuôi tằm con tập trung với tổng diện tích sử dụng trên 230 m vuông.
Ông Phạm Văn Bàn - Giám đốc HTX Môi trường xanh Chấn Thịnh cho biết: "HTX xây dựng nhà nuôi tằm con tập trung để cung cấp cho tất cả cho các hộ dân, rút ngắn thời gian nuôi. Nhờ vậy, sản phẩm kén thu được sẽ đảm bảo chất lượng và năng suất hơn”.
Thực hiện Đề án phát triển trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Văn Chấn, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Văn Chấn đã triển khai Đề án đến các xã, thị trấn và tuyên truyền tới người dân về hiệu quả kinh tế và lợi ích của việc trồng dâu nuôi tằm.
Ông Phùng Thế Hanh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Để nâng cao hiệu quả và gắn kết việc sản xuất với tiêu thụ dâu tằm tơ, các xã đã thành lập 3 HTX gồm: HTX Môi trường xanh Chấn Thịnh, HTX Dâu tằm Sơn Lương, HTX Dâu tằm Sơn Thịnh.
"Huyện đã hỗ trợ xây dựng 3 nhà tằm con, 90 nhà tằm lớn, trên 70 né nuôi tằm. Huyện cũng triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ chăn nuôi tằm và phấn đấu đến năm 2025 có 250 ha trồng dâu nuôi tằm” - ông Hanh nói.
Cô giáo vùng cao khởi nghiệp từ trồng dâu tây
Chị Triệu Mùi Mủi (trái) thu hoạch dâu tây. Ảnh: Báo Hà Giang
Hiện, nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp sạch được nhiều bạn trẻ yêu thích, đầu tư phát triển. Các mô hình đã thể hiện rõ sức trẻ và tinh thần xung kích trong lập nghiệp. Trong đó, chị Triệu Mùi Mủi là tấm gương thanh niên tiêu biểu khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp nhờ tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhận thấy đất đai, khí hậu địa phương thuận lợi, chị Triệu Mùi Mủi (SN 1990), dân tộc Dao, thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) hiện đang là giáo viên Trường Mầm non xã Hồ Thầu. Không chỉ là một giáo viên say mê với nghề nghiệp, chị Mủi còn rất năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. 4 năm trước chị Mủi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống dâu tây trên vùng núi cao. Nhắc đến dâu tây, nhiều người nghĩ ngay đến loại trái bày bán nhiều ở vùng đất Đà Lạt, Mộc Châu. Ít ai ngờ rằng vùng đất dưới đỉnh núi Chiêu Lầu Thi này cũng có thể trồng và phát triển thành công, với năng xuất chất lượng cao.
Vừa mày mò, học hỏi, ban đầu chỉ là trồng thử rồi không biết từ lúc nào, chị đã thực sự hứng thú với giống cây trồng này. Với số tiền tích góp trong quá trình đi làm, chị có được một số vốn, kết hợp vay thêm 30 triệu đồng từ anh em trong gia đình để thực hiện ước mơ của mình. Trò chuyện với cô giáo trẻ, chúng tôi được chị Triệu Mùi Mủi chia sẻ: Ý tưởng được mở ra từ sự yêu thích, đam mê cây dâu tây, nhận thấy khí hậu địa phương mát mẻ thích hợp trồng loại quả này, đồng thời khi theo dõi trên các trang thông tin điện tử nhìn cây dâu tây phát triển tốt ở Mộc Châu, tôi rất yêu thích và đặt một ít về trồng thử. Trên diện tích đất chủ yếu trồng lúa, ngô tôi đã cải tạo đất để trồng thử nghiệm dâu tây. Sau một thời gian chăm sóc cây cho thu quả, sinh trưởng phát triển tốt.
Sau khi đã chắc chắn với những gì mình thử nghiệm, chị mới bắt tay vào mở rộng nhanh chóng trong 1 năm trở lại đây (2020-2021). Từ diện tích chỉ vài trăm mét vuông thử nghiệm, đến nay chị đã mở rộng hơn 1 ha, trong đó chị trồng hơn 0,5 ha trên diện tích ruộng bậc thang. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây của chị phát triển xanh tốt. Sau 4 tháng chăm sóc vườn dâu bắt đầu cho thu hoạch trái. Trung bình mỗi ngày cho thu từ 5 kg dâu, với giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg quả nhỏ; quả to, đỏ mọng bán với giá cao hơn từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.
Để có được thành công, trong quá trình thực hiện chị cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc thiếu vốn, thiếu đầu ra, kỹ thuật ban đầu cũng còn hạn chế, cây trồng sâu bệnh, chị đã tự mình mày mò, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, qua hình ảnh, video về cách chăm sóc dâu hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, chị còn quảng bá về dâu tây trên mạng xã hội, giới thiệu qua bạn bè, nhờ vậy mà đã có nhiều người biết đến. Giờ đây ngoài bán cho các khách hàng ở địa phương, chị Mủi còn chuyển hàng đi các huyện trong và ngoài tỉnh. Không những nỗ lực nâng cao thu nhập cho gia đình, chị Mủi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân ở địa phương, nhất là những thanh niên ở địa phương với mong muốn lập thân lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Bình Gia: Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP
Thời gian qua, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã nỗ lực triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau 2 năm triển khai, chương trình có hiệu quả bước đầu, là cơ sở hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Qua đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân
Gia đình anh Hứa Văn Thu, thôn Pàn Pẻn, xã Minh Khai làm miến dong từ nhiều năm trước. Năm 2019, được cơ quan chức năng huyện tuyên truyền về chương trình OCOP, gia đình anh đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho miến dong và được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.
Người dân xã Minh Khai, huyện Bình Gia sản xuất miến dong. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Anh Thu cho biết: Sau khi được chứng nhận, sản phẩm của gia đình được khách hàng tin tưởng, thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên… Nhờ đó, sản lượng sản xuất ra cũng cao hơn. Như năm 2019, gia đình tôi sản xuất và tiêu thụ 5 tấn miến dong; năm 2020, gia đình đã sản xuất, tiêu thụ gần 7 tấn với giá 60.000 đồng/kg, gia đình thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Năm 2021, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình tôi dự kiến sản xuất khoảng 10 tấn miến dong. Hiện tại, theo sự hướng dẫn của UBND xã, huyện, chúng tôi dự kiến liên kết với các hộ trong xã thành lập hợp tác xã (HTX) làm miến dong để nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mặc dù Bình Gia là huyện nghèo, điều kiện còn khó khăn nhưng sau khi tỉnh triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện.
Để tham gia chương trình, sản phẩm cần đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì nhãn mác, xuất xứ hàng hóa theo quy định… Chính vì thế, người dân phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất. Từ yêu cầu đó, các phòng, ban chuyên môn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy định an toàn thực phẩm, triển khai mô hình sản xuất theo hướng VietGAP; phối hợp với các xã, thị trấn tập huấn chuyên đề chương trình OCOP… Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã tổ chức 2 lớp đào tạo, tập huấn cho 357 lượt người.
Song song với đó, năm 2020, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP trên 700 triệu đồng, UBND huyện đã phân bổ hỗ trợ chủ thể của các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đồng thời hỗ trợ 16.000 tem truy xuất nguồn gốc; 9.800 bao bì, nhãn mác sản phẩm; xây dựng website quảng bá, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại…
Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc HTX Chè dưới tán hồi, thị trấn Bình Gia cho biết: HTX thành lập năm 2017 với 17 thành viên, diện tích sản xuất chè 35 ha. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng nguồn vốn chương trình OCOP được hỗ trợ, HTX đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư máy móc chế biến. Năm 2020, sản phẩm chè dưới tán hồi đạt OCOP 3 sao, nhờ đó, giá bán ổn định, sản lượng tăng 50% so với các năm trước.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.