Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 3 năm 2020 | 11:39

Tin NN Tây Bắc: Giá cam Cao Phong tăng mạnh

Từ đầu tháng 3, sản phẩm cam V2 - giống cam chín muộn được trồng nhiều tại thủ phủ cam Cao Phong (Hòa Bình) được đông đảo người tiêu dùng miền Bắc lựa chọn, khiến giá cam tăng mạnh, thậm chí tăng từng ngày.

cam-cao-phong.jpg

Tại các vườn cam thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thời điểm này tấp nập tư thương đến mua cam V2. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Cách đây 1 tuần, giá cam V2 được tư thương mua tại vườn với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá cam tại vườn đã tăng lên 35.000 - 40.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tại các cửa hàng dọc quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Cao Phong 45.000 đồng/kg, thậm chí 50.000 đồng/kg. So với năm ngoái, giá cam V2 tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Người trồng cam tại thủ phủ cam Cao Phong phấn khởi vì cam được giá.

Chị Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong cho biết: HTX có khoảng 13 - 15 ha cam V2. Những ngày này, các thành viên của HTX ai cũng vui mừng, phấn khởi vì giá cam V2 được giá hơn so với năm ngoái. Thời điểm này năm ngoái, cam V2 chỉ có giá dưới 30.000 đồng/kg, hiện lên tới 35.000 - 40.000 đồng/kg. Không khí sôi nổi, hăng hái cắt cam diễn ra khắp các vườn. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên cam V2 ít quả bị bệnh, chất lượng quả tốt.

Từ đầu tháng 3, nhà vườn không phải lo lắng chờ tư thương đến mua cam. Khắp mọi nẻo đường xe tải tấp nập nối đuôi nhau vào vườn mua cam. Các cửa hàng bán cam tại chợ Bóp, dọc quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Cao Phong náo nhiệt. Chủ vườn và người bán hàng vui vẻ, phấn khởi vì cam được giá, lượng mua tăng mạnh.

Cao Phong, hiện, toàn huyện có tổng diện tích cam V2 là 269,9 ha, trong đó, trong thời kỳ chăm sóc 120 ha, trong thời kỳ kinh doanh 142,9 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 2.858 tấn. Tổng diện tích cam V2 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP 142,9 ha. Đến giữa tháng 3, toàn huyện còn khoảng 72 ha cam V2 thuộc niên vụ 2019 - 2020 chưa bán với sản lượng khoảng 1.440 tấn.

Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cam V2 của huyện được trồng chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, người dân có nhu cầu ăn cam cao để tăng sức đề kháng nên giá cam tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng cam đang có tư tưởng găm hàng chờ giá cao hơn mới bán. Việc găm hàng sẽ có nhiều rủi ro, vì vậy, Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo người dân nên bán cam, không được găm hàng chờ giá lên cao. Đặc biệt, các nhà vườn, tiểu thương cần tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19 như không tập trung đông người tại một vườn cam. Chủ vườn cần bố trí người cắt cam khắp vườn, không nên tập trung tại một vị trí. Đối với các cửa hàng bán lẻ cam trên quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với khách lạ.

Tân Uyên: Chuyển hướng trồng chanh leo trên đất ruộng

Mặc dù xuất đầu tư lớn, chính sách hỗ trợ đang chờ tỉnh phê duyệt nhưng nông dân huyện Tân Uyên (Lai Châu) vẫn mạnh dạn đăng ký chuyển đổi đất ruộng 1 vụ sang trồng chanh leo với hy vọng mở hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

 

trong-chanh-leo.jpg

Anh Lò Văn Làn (bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng) bón phân đợt 1 cho chanh leo. Ảnh: Báo Lai Châu.

 

Những ngày này, anh Lò Văn Làn (bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng) thường xuyên có mặt tại khu ruộng trồng 550 gốc chanh leo để chăm sóc đợt 1 và theo dõi sâu bệnh hại. Anh Làn cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích ruộng trên 8.000m2 khu vực đèo Khau Giềng này tôi đều trồng lúa 1 vụ. Cuối năm 2019, tại cuộc họp bản, được cấp ủy, chính quyền xã, huyện và Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc tuyên truyền, vận động, khuyến khích tham gia thí điểm mô hình trồng chanh leo theo hướng liên kết sản xuất trên đất ruộng 1 vụ, tôi tính toán thấy hợp lý và trong điều kiện kinh tế cho phép nên quyết định đăng ký. Tuy nhiên, trong bản chỉ có 4 hộ tham gia vì xuất đầu tư lớn (khoảng 100 triệu đồng/ha), trong khi đó chưa rõ sẽ được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu. Bởi, nghe cán bộ bảo đang đợi tỉnh hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ theo nghị quyết mới.

Được biết, qua khảo sát điều kiện sản xuất, tổ chức tuyên truyền, vận động, Nhân dân xã Trung Đồng đăng ký thực hiện 7ha trên toàn bộ đất ruộng 1 vụ, tập trung tại các bản: Hua Cưởm 1, 2, 3, Phiêng Phát 1, 2, Bút Trên, Bút Dưới. Đến thời điểm này, các hộ dân làm đất hơn 6ha, tiến hành trồng 3ha.

Anh Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: Năm 2019, khi Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị cây ăn quả tại tỉnh Sơn La, Đoàn công tác của huyện tham dự và đi thực tế một số mô hình. So sánh, phân tích tình hình, huyện xác định với lợi thế đất đai rộng, nhiều tiểu vùng độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển thuận lợi phát triển cây dược liệu, đặc biệt là từ 600 - 1.000m rất phù hợp trồng chanh leo. Sản xuất gắn với đầu ra và chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã mới có thể đảm bảo yếu tố này. Do đó, huyện kêu gọi các đơn vị đến tham quan, khảo sát, nghiên cứu để đầu tư.

Và, cuối năm 2019, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc quyết định liên kết đầu tư mô hình trồng chanh leo tại huyện Tân Uyên.

Lào Cai: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

 

co-gioi-hoa.jpg

Ngày càng có nhiều máy móc xuất hiện trên những cánh đồng. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đối với sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh hiện đạt 64,4%; đối với cây ngô và các loại cây trồng khác là 44,6%; tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch ngô và lúa trung bình đạt khoảng 75%... Nguyên nhân khiến tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất còn thấp là do một số địa phương vùng cao có địa hình dốc, diện tích ruộng bậc thang nhỏ hẹp, gây khó khăn trong áp dụng cơ giới hóa.

Văn Bàn là một trong những huyện tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đạt khoảng 60%. Huyện hiện có hơn 9.200 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 13 máy kéo công suất trên 35 CV (mã lực), 372 máy kéo công suất 12 - 35 CV, 1.445 máy kéo công suất dưới 12 CV và hơn 7.400 máy tuốt lúa, chế biến lương thực, máy cưa trong khai thác gỗ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, bơm nước, chế biến thức ăn gia súc…

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Trên các cánh đồng của huyện Văn Bàn ngày càng xuất hiện nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Ngoài máy kéo, máy làm đất đa năng được một số cá nhân đầu tư làm đất thuê và từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước, người dân còn đầu tư các loại máy chạy bằng động cơ diezen… phục vụ sản xuất. Việc nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đã góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Để đạt mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp trong các khâu làm đất đạt 70%, vận chuyển đạt 80%, thu hoạch đạt 50%, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan tạo điều kiện cho nông dân vay vốn mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ với lãi suất thấp; khuyến khích các cá nhân, tổ chức và các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, sửa chữa các loại máy móc, dây chuyền chế biến, bảo quản thực phẩm; tăng cường đào tạo về cơ khí hóa nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến nông sản…

Lục Yên tăng cường phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô xuân

sau-keo-mua-thu.jpg

Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân phòng chống sâu keo mùa thu. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Vụ xuân 2020, huyện Lục Yên thực hiện gieo trồng 2.470 ha ngô, cơ cấu giống chủ yếu là NK4300, NK66, DK6919, ngô nếp MX10… Hiện nay, cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường. Tuy nhiên, tại một số địa phương trên cây ngô xuất hiện hiện tượng sâu keo mùa thu.

Hiện tượng sâu keo mùa thu hại ngô xuất hiện rải rác với mật độ thấp, trung bình 3 con/m2, cao 10 con/m2 với khoảng 20ha bị nhiễm. Nhưng để chủ động trong công tác phòng chống sâu keo, ngay từ đầu vụ, không để lây lan diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra, huyện Lục Yên đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống. 

Theo đó, 24/24 xã, thị trấn thành lập tổ công tác phòng, chống sâu keo mùa thu, tiến hành xuống địa bàn các thôn rà soát, kiểm tra, nắm bắt tình hình phát sinh bệnh trên cây trồng; chỉ đạo xử lý, khống chế, không để lây lan diện rộng. 

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến phòng, chống sâu keo mùa thu tới cán bộ khuyến nông thôn, bản, tổ dân phố và người dân, nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng và tình hình sâu bệnh phát sinh để chủ động phòng, trừ hiệu quả.

Mai Sơn: Mở rộng diện tích trồng na theo quy trình VietGAP

Những năm gần đây, cây na đã giúp nhiều hộ gia đình ở Mai Sơn (Sơn La) xóa đói, giảm nghèo và vươn lên giàu có. Tuy nhiên, để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng đòi hỏi người dân phải bỏ nhiều công chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, thụ phấn hoa.

 

trong-na.jpg

Người dân tiểu khu 32, xã Cò Nòi (Mai Sơn) chăm sóc vườn na.

 

Chúng tôi tới tiểu khu I, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) từ sáng sớm, gặp bà Đào Thị Tân đang cắt tỉa và ghép những cành na dai trong vườn sang giống na Thái. Bà Tân bộc bạch: Mọi năm đến thời điểm này, cây na đã có hoa và đậu quả non rồi, nhưng năm nay mưa muộn nên đến bây giờ cây mới đâm lộc, vì vậy, tôi phải tranh thủ tỉa mầm giúp cây phân nhánh và ra quả đều. Để vườn na cho thu nhập cao phải mất nhiều công đầu tư chăm sóc, bây giờ người dân ở đây đã nắm chắc kỹ thuật tạo tán, phân cành, thụ phấn cho na ra quả rải vụ để tránh tư thương ép giá. Năm ngoái, gia đình tôi có 1,5 ha na dai, năng suất 15 tấn quả/ha, sản lượng 22,5 tấn, với giá bán bình quân tại vườn 30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 600 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang ghép một số cây na dai sang giống na Thái cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Huyện Mai Sơn hiện có gần 140 ha na dai, tập trung ở thị trấn Hát Lót, xã Cò Nòi, Hát Lót... năng suất bình quân từ 12-15 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 360-450 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với các hộ trồng na Thái có thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Năm 2018, sau khi công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn”, huyện Mai Sơn đã tập trung rà soát, quy hoạch vùng trồng na. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng thương hiệu “Na Mai Sơn”; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ trồng na liên kết với các doanh nghiệp phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top