Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 5 năm 2020 | 12:1

Tin NN Tây Bắc: Lào Cai thận trọng khi mở rộng diện tích sa nhân tím

Dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc và mang lại giá trị kinh tế cao nên vài năm gần đây, cây sa nhân tím được trồng nhiều ở Bát Xát.

Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” cây sa nhân tím không theo quy hoạch sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

 

sa-nhan-tim.jpg

Người dân xã Bản Xèo kiểm tra cây sa nhân tím. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Ông Lý Vần Híu là một trong những người trồng cây sa nhân tím đầu tiên ở thôn Cán Tỷ của xã Bản Xèo. Nhờ tìm hiểu kỹ về cây sa nhân tím ngay từ đầu nên ông không gặp bất kỳ khó khăn nào về việc trồng và chăm sóc. Diện tích sa nhân tím mới trồng của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, sau 1 năm đã cho hoa và quả. Ông Híu tâm sự: Ngày đó, thấy cây sa nhân hợp với thổ nhưỡng địa phương nên tôi quyết định vay tiền mua thêm cây giống về trồng. Cây sa nhân tím của gia đình tôi được trồng chủ yếu ở rừng sản xuất. Diện tích hiện nay gần 2 ha, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Xã Phìn Ngan được mệnh danh là “thủ phủ” sa nhân của tỉnh với tổng diện tích gần 200 ha, trong đó khoảng 150 ha cho thu hoạch. Năm 2019, người dân Phìn Ngan thu gần 20 tỷ đồng từ cây sa nhân tím, trong đó gần 18 tỷ đồng là tiền bán quả tươi, số còn lại là bán cây giống cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ bán quả, người dân Bát Xát còn phân phối cây giống cho nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh với số lượng lớn. Giá cây sa nhân tím dao động khoảng 3.000 - 6.000 đồng/cây, tùy thuộc vào kích thước, mẫu mã. Theo đánh giá của người dân, sa nhân tím đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Cây sa nhân tím được người dân đưa về trồng tại huyện Bát Xát cách đây gần chục năm, tổng diện tích khoảng 250 ha, tập trung chủ yếu ở xã Phìn Ngan (khoảng 200 ha), phần còn lại thuộc các xã: Bản Xèo, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Nậm Pung… Mặc dù cây sa nhân tím dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu nhập cao nhưng huyện Bát Xát mới chỉ quy hoạch vùng trồng tại xã Phìn Ngan, các xã còn lại là trồng tự phát.

Ông Tẩn Láo Tả, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan cho biết: Vẫn biết cây sa nhân tím mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhưng địa phương không khuyến khích mở rộng diện tích. Đặc biệt, chúng tôi đã nghiêm cấm việc trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng già, rừng phòng hộ… Diện tích cây sa nhân tím trên địa bàn vẫn ổn định trong nhiều năm nay.

Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, thậm chí bị lực lượng chức năng phá bỏ nhưng một số người dân vẫn lén lút trồng cây sa nhân tím trong rừng phòng hộ, rừng già. Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Sa nhân tím là một trong những cây trồng có tốc độ phát triển rất nhanh, có thể tàn phá những cây con dưới tán rừng nên chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con chỉ nên canh tác dưới tán rừng trồng. Đối với những hộ cố tình trồng sa nhân tím trong rừng già, rừng phòng hộ, chúng tôi yêu cầu phá bỏ. Phải quyết liệt như vậy mới bảo vệ được những cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sinh trưởng, phát triển bền vững. 

Huyện Điện Biên: Hơn 60ha lúa đông xuân bị bệnh đạo ôn cổ bông

Dù đã bước vào giai đoạn cuối vụ, một số diện tích lúa đông xuân huyện Điện Biên (Điện Biên) chuẩn bị thu hoạch, nhưng hiện có hơn 60ha lúa đang xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mùa vụ.

 

benh-dao-on.jpg

Người dân bản Yên, xã Sam Mứn phun thuốc trừ bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: Báo Điên Biên Phủ

 

Diện tích lúa nhiễm đạo ôn cổ bông tập trung tại cánh đồng thuộc 2 xã Sam Mứn, Pom Lót và rải rác ở các xã vùng lòng chảo. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khoảng 40ha bị nhiễm bệnh nặng gây thiệt hại lớn về năng suất. Nguyên nhân đây là 2 xã cuối kênh thủy lợi, thường xuống giống và thu hoạch sau. Trong đợt hạn kéo dài vừa qua diện tích lúa khu vực này không đủ nước tưới. Khi trời mưa xuống, người dân chăm bón nhiều nên đạo ôn cổ bông phát triển mạnh.

Hiện nay cơ quan chuyên môn cùng chính quyền các xã tích cực thông tin tới các thôn, bản, hộ dân về tình hình dịch bệnh trên lúa, nhắc nhở nông dân thăm nom, kiểm tra đồng ruộng; xuống các địa bàn rà soát hỗ trợ những diện tích lúa thuộc cơ cấu giống nông nghiệp của huyện. Hầu hết các hộ đã kịp thời phun thuốc phòng trừ cho khu vực lúa bị nhiễm bệnh.

Thanh Lương sản xuất hữu cơ 17 ha lúa Séng cù

53 hộ nông dân xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ vừa thu hoạch xong 17 ha giống lúa Séng cù sản xuất theo phương thức hữu cơ trong vụ đông xuân 2019 - 2020 với năng suất đạt 5 tấn/ha, sản phẩm được thu mua cao hơn giá thị trường 1 - 2 giá.

 

lua-huu-co.jpg

Nông dân Thanh Lương thu hoạch lúa Séng cù sản xuất theo phương thức hữu cơ. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Mô hình liên kết sản xuất lúa Séng cù theo phương thức hữu cơ được xã Thanh Lương liên kết với công ty Quy Nguyên (Đồng Nai) bắt đầu triển khai từ vụ đông xuân 2018 trên diện tích 11,1 ha với 35 hộ tham gia. Nông dân được hỗ trợ hoàn toàn phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật và quy trình chăm sóc, phun tưới phân hữu cơ. 

Quá trình sản xuất lúa chỉ sử dụng 100% phân bón lá AVI (phân hữu cơ nhập khẩu từ Mỹ) và phân bón Humic acid Poweder cải tạo đất (nhập khẩu từ Mỹ). Khi thu mua, Công ty kiểm tra chất lượng mẫu gạo để đánh giá, sản phẩm gạo mua về chủ yếu được chế biến thành sữa gạo. 

Qua quá trình sản xuất cho thấy giống lúa Séng cù thích hợp với phương thức canh tác hữu cơ, gần như hạn chế được mức thấp nhất các sâu bệnh hại lúa; gạo thơm ngon hơn so với phương thức canh tác thông thường hiện nay, năng suất bình quân đạt 5 - 6 tấn/ha; đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái, đặc biệt là giúp cải tạo thổ những khá rõ. 

Vụ mùa 2020, xã Thanh Lương tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình liên kết sản xuất sản xuất giống lúa Séng cù theo phương thức hữu cơ với diện tích 18 ha, nhằm góp phần hướng người nông dân tới sản xuất gạo sạch, an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Hòa Bình: Mang cây làm giàu lên vùng "đất khó"

Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, chị Phan Tuyết Nga, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã đem giống cây măng tây lên vùng đất khó ở thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy). 

Với gần 5 năm phát triển, mô hình trồng măng tây của chị Nga đã đem lại hiệu quả, cho thu nhập khá, từng bước được nhân rộng tại các vùng lân cận. 

 

mang-tay.jpg

Mô hình trồng măng tây của chị Phan Tuyết Nga ở thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) phát triển hiệu quả, cho lợi nhuận kinh tế cao. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Chị Nga chia sẻ: "Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc măng tây tại Ninh Thuận, tìm kiếm, khảo sát thực địa, tôi chọn đặt địa điểm vườn tại xã Phú Nghĩa. Nơi đây hội tụ đầy đủ về điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp; nguồn nước tưới dồi dào từ sông Bôi; hệ thống đường giao thông thuận tiện di chuyển đến các địa phương lân cận như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa… Tận dụng những tiềm năng, lợi thế đó, tôi bắt tay vào trồng 24.000 gốc măng tây trên diện tích khoảng 1,5 ha. Tuy nhiên, quá trình phát triển mô hình, tôi chưa có kinh nhiệm nên gặp nhiều khó khăn do phát sinh chi phí, tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 1 tỷ đồng. Vừa kiến thiết hạ tầng, xuống giống xong thì trận mưa lũ năm 2016 đã cuốn trôi phần lớn diện tích vườn măng tây, khiến tôi thiệt hại nặng nề về kinh tế”.  

Không nản chí trước những khó khăn, thách thức, chị Nga tiếp tục vay mượn vốn của gia đình, người thân để đầu tư, cải tạo vườn măng tây. Nỗ lực tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, internet để trau dồi kiến thức, áp dụng KHKT vào quá trình sản xuất, để nâng cao chất lượng cây và sản lượng thu hoạch.

Theo đó, trung bình mỗi ngày, vườn măng tây của gia đình chị Nga có thể thu về khoảng 70 kg, có ngày thu đến 180 kg. Sản lượng trên 1 ha đạt khoảng 16 tấn măng tây, chu kỳ thu hoạch cứ 3 tháng nghỉ 1 tháng. Hiện nay, măng tây loại 1 có giá khoảng 70.000 đồng/kg, loại 2 là 60.000 đồng/kg. Sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng, không đủ cung ứng cho tư thương, nhà hàng tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận. Tổng thu hàng năm ước đạt khoảng 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị Nga còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương, với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nga chia sẻ: "Măng tây là loại rau được người dân và các nhà hàng rất ưa chuộng, bởi giàu chất dinh dưỡng, dễ chế biến và dễ ăn. Do nguồn cung không đủ nên sản phẩm của gia đình tôi luôn trong tình trạng cháy hàng. Bởi vậy, tôi luôn nung nấu ý định liên kết với các nhà vườn để mở rộng quy mô, đảm bảo nguồn cung ứng cho người dân, các siêu thị, nhà hàng có nhu cầu”.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top