Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 3 năm 2020 | 11:51

Tin NN Tây Bắc: Lợi ích kép từ trồng dâu tây công nghệ cao ở Bắc Hà

Hai năm trở lại đây, Bắc Hà (Lào Cai) đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp cao, đặc biệt là trồng dâu tây trong nhà màng.

Điều dễ nhận thấy, trồng dâu tây đã mang lại lợi ích kép, không chỉ doanh nghiệp, nông dân có thu nhập ổn định, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp ở cao nguyên trắng.

 

trong-dau.jpg

Công nhân làm trong trang trại dâu tây là người địa phương. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Tập đoàn Migroup bắt đầu trồng thử nghiệm từ tháng 9/2019 trong hệ thống 5 nhà màng tiêu chuẩn, với diện tích trên 3.000 m2. Đặc biệt, Tập đoàn Migroup thuê chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc dâu tây. Sau 2 tháng trồng, đến tháng 11/2019, toàn bộ diện tích dâu tây công nghệ cao đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nên quả dâu tây trồng tại thôn Cốc Cài Thượng đạt tiêu chuẩn đề ra, trọng lượng đạt từ 50 – 70 gam/quả, màu sắc bắt mắt, quả ngọt, mọng và mềm, được chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc đánh giá cao. Trung bình, mỗi tuần, trang trại dâu tây của Tập đoàn Migroup tại thôn Cốc Cài Thượng xuất bán cho thị trường tại Lào Cai, Hà Nội khoảng 100 kg quả. Sau 4 tháng thu hái, đến nay trang trại đã xuất bán 1,5 tấn quả, với giá bán 650.000 đồng/kg, Tập đoàn Migroup đã thu được hơn 900 triệu đồng từ bán quả dâu tây.

Không chỉ Tập đoàn Migroup thu được thành quả từ dự án trồng dâu tây, mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi, nhờ cho doanh nghiệp thuê đất, được nhận vào làm việc, với thu nhập ổn định và cao hơn so với làm nông nghiệp.

Điều đáng nói, dù mới đang trong giai đoạn đầu tư, nhưng trang trại trồng dâu tây của Tập đoàn Migroup tại thôn Cốc Cài Thượng đã trở thành điểm đến của du khách trên tuyến Cốc Ly - thị trấn Bắc Hà. Vào thứ ba hằng tuần, trên hành trình khám phá chợ phiên Cốc Ly, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến trải nghiệm, trực tiếp thưởng thức quả dâu tây chín mọng tại vườn và mua về làm quà. Đây cũng là mục tiêu mà Tập đoàn Migroup và huyện Bắc Hà hướng tới: Vừa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vừa phát triển du lịch.

Còn dự án sản xuất dâu tây Hàn Quốc công nghệ cao tại Bắc Hà do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Bắc Hà và Tập đoàn Nông nghiệp Dooho (Hàn Quốc) hợp tác đầu tư tại xã Lùng Phình với tổng vốn đầu tư là 20 tỷ đồng. Dự án được triển khai thử nghiệm trong nhà màng với diện tích trên 300 m2 bắt đầu từ tháng 11/2019, dâu tây được trồng trên giá thể, toàn bộ hệ thống cung cấp dưỡng chất, thết bị làm nóng, lạnh đều được thực hiện tự động theo mô hình trang trại thông minh, Tập đoàn Nông nghiệp Dooho có thể kiểm tra, theo dõi toàn bộ hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc mà không cần phải trực tiếp có mặt tại Lùng Phình. Do tuân thủ nghiêm kỹ thuật được chuyển giao của chuyên gia Hàn Quốc, nên sản phẩm dây tây trồng thử nghiệm tại Lùng Phình cho kết quả khả quan.

Sau khi thử nghiệm thành công, các nhà đầu tư sẽ mở diện tích trồng dâu tây 3,49 ha, với mục tiêu mỗi năm cung cấp 100 tấn quả dâu tây cho thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời biến khu sản xuất dâu tây thành điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp hấp dẫn tại Bắc Hà.

Hiệu quả từ mô hình nhóm liên kết nuôi dê

Mô hình liên kết nuôi dê theo nhóm hộ của người dân bản Dền Thàng xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ, Lai Châu) không những giảm bớt gánh nặng về vốn, giảm chi phí mà còn tăng hiệu quả sản xuất. Mô hình mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Tháng 1/2019, sau khi được Hội Nông dân xã Nậm Xe tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình chị Lý Thị Hương ở bản Dền Thàng đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng đầu tư vào chăn nuôi dê. Nhằm tăng hiệu quả sản xuất, gia đình chị không nuôi riêng lẻ mà liên kết với 3 hộ khác trong bản thành lập nhóm để chăn nuôi. Các hộ góp 160 triệu đồng mua 29 con dê và xây dựng chuồng trại vững chắc. Số tiền còn lại nhóm dự kiến tiếp tục mua dê mở rộng quy mô sản xuất.

 

nuoi-de.jpg

Chị Lý Thị Hương bản Dền Thàng vệ sinh chuồng nuôi dê. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Chị Hương chia sẻ, rút kinh nghiệm từ việc nuôi gà, vịt, lợn hiệu quả không cao, hay mắc dịch bệnh, rủi ro, chi phí đầu tư lớn và cần nhiều thời gian chế biến thức ăn. Được Hội Nông dân xã cho vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, chúng tôi đã quyết định góp chung vốn nuôi dê. Tận dụng diện tích đồng cỏ có sẵn ở địa phương với nguồn thức ăn dồi dào, chăn thả tự nhiên thuận lợi, nhờ đó giảm được chi phí đầu tư. Hơn nữa hiện nay thịt dê lại là mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn vì thực phẩm an toàn, giá thịt dê bán ra thị trường tương đối cao từ 130 – 150 nghìn đồng/kg. Đến nay, nhóm chúng tôi đã bán được 2 lứa dê thu về gần 50 triệu đồng. Hiện đàn dê của nhóm có 28 con. Chúng tôi tiếp tục chăm sóc để đàn dê sinh trưởng với số lượng lớn.

Hiện bản Dền Thàng có 3 nhóm liên kết nuôi dê với 10 hộ tham gia. Theo bà con thì việc lựa chọn hình thức liên kết này mang lại nhiều tiện ích bởi nếu làm riêng theo hộ thì phải cần nhiều vốn, mà công chăm sóc, chăn dắt cũng đòi hỏi ít nhất một nhân lực trông coi, lên lán thả dê trong ngày. Nhưng nếu các hộ cùng phối hợp thì đỡ được nhiều khâu. Nhiều gia đình có diện tích chuối lớn, phải dành thời gian chăm sóc cũng như vận chuyển chuối đi bán tại cửa khẩu Ma Lù Thàng. Hơn nữa bãi chăn thả đang ngày càng thu hẹp do bà con cải tạo trồng chuối, khoai sọ và một số hoa màu khác. Nếu mỗi gia đình nuôi một đàn dê thì không đáp ứng được.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của nhóm liên kết nuôi dê, bà Vàng Thị Dung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Xe cho biết, việc liên kết sản xuất giữa những người nông dân đang là biện pháp sản xuất tích cực, mang tính bền vững cao do có sự chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn giữa các gia đình. Vấn đề cung ứng sản phẩm ra thị trường cũng chủ động, việc phòng chống dịch bệnh được theo dõi chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm dễ dàng. Từ đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết sản xuất để tập trung phát triển kinh tế, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của xã.

Đổi thay ở xã nông thôn mới Vĩnh Đồng

Về Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hòa Bình) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và phấn khởi của bà con nơi đây khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Vĩnh Đồng hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Cơ sở hạ tầng khang trang với những con đường bê tông trải dài vào từng ngõ, xóm; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Đó là "quả ngọt” của xã Vĩnh Đồng sau 9 năm nỗ lực xây dựng NTM.

 

ntm.jpg

Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Bắt tay vào xây dựng NTM, Vĩnh Đồng có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng KT-XH thiếu đồng bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Qua rà soát, năm 2011, xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí NTM; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 9,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên 18%... Bằng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau 9 năm, bộ mặt nông thôn xã Vĩnh Đồng có nhiều đổi thay, lan tỏa sức sống mới.

Trong 9 năm qua, xã đã huy động nguồn lực trên 170 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp trên 12 tỷ đồng. Các công trình hạ tầng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới, hệ thống GTNT cơ bản đạt chuẩn; hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh. 8/8 thôn có nhà văn hóa và sân thể thao; xã không còn nhà tạm, trên 86% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 99%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 25%; 98% người dân tham gia BHYT; 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Đồng chí Bùi Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Có được những kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân. Trong quá trình thực hiện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm giúp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Từ đó, nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, xã tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị trong nâng cao chất lượng NTM, chú trọng các tiêu chí dễ biến động như: thu nhập, hộ nghèo, y tế... 

Hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu để tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân, Vĩnh Đồng tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng, nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mai Sơn chăm sóc vùng xoài xuất khẩu

Huyện Mai Sơn hiện có 2.700 ha xoài, chủ yếu là giống xoài tượng da xanh, trong số này, 1.200 ha đã cho thu hoạch quả. Theo thống kê, năm 2019 toàn huyện tiêu thụ 8.560 tấn xoài, thì gần 2.000 tấn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia và Mỹ, trị giá ước 1.520 USD.

Sau khi kết thúc vụ xoài năm ngoái, bà con nông dân trong huyện đã tập trung chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, bón phân cho cây. Thời điểm này, xoài đang đậu trái non, rất dễ bị các loại nấm, bọ trĩ phá hại, nên công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo chất lượng quả càng được chú trọng.

 

xoai-son-la.jpg

Nông dân bản Pe, xã Mường Bon tưới ẩm cho diện tích xoài. Ảnh: Báo Sơn La

 

Được xác định là loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, trong mấy năm trở lại đây, việc thâm canh, mở rộng diện tích xoài trên địa bàn huyện càng được chú trọng phát triển; tư duy canh tác của bà con cũng được thay đổi, mở rộng hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây, người dân chỉ quan tâm đến sản lượng mà không mấy chú ý đến chất lượng cũng như nhu cầu thị trường, sản phẩm xoài quả không đảm bảo, thường tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rồi hoạt động thu mua, chế biến gặp khó khăn..., nhưng từ năm 2017 đến nay, nông dân trong huyện đã chú ý đến việc chăm sóc xoài theo đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu, rồi tổ chức liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đối với thị trường Australia, quả xoài cần được thu hoạch tại vùng có cấp mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, trọng lượng từ 0,55 kg đến 0,75 kg, quả xoài tượng da xanh to đều, vỏ bóng đẹp, không đốm sâu bệnh, không trầy xước, hạt chưa đóng sơ; còn đối với thị trường Trung Quốc, thì quả xoài có thể không giới hạn về trọng lượng, nhưng phải to đều, vỏ bóng đẹp, không đốm sâu bệnh, không trầy xước, độ chín già...

Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nhận xét: Niên vụ xuất khẩu xoài 2019 của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, đó là tỷ lệ quả xấu còn cao, khâu thu hái, sơ chế xoài phục vụ xuất khẩu chưa đáp ứng cả về thời gian và chất lượng. Năm 2020 này, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát lại diện tích cây ăn quả trên địa bàn, tăng cường trồng thêm ở những vùng được quy hoạch, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ khuyến nông xuống địa bàn hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật tỉa cành, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng liều lượng, đúng cách), tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Bên cạnh đó, định kỳ lấy mẫu quả xoài để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top