Năm 2018, huyện Mai Sơn (Sơn La )trồng mới 3.639ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 6.399 ha. Trong đó, trên 1.800 ha xoài, trồng tập trung tại các xã: Hát Lót, Chiềng Mung, Cò Nòi, Mường Bon và thị trấn Hát Lót.
Nông dân xã Hát Lót phân loại xoài tượng da xanh trước khi xuất bán. Ảnh: Báo Sơn La
Hiện nay, Mai Sơn đã có 7,35 ha xoài tượng da xanh trồng theo quy trình VietGAP, đã được cấp mã số vùng trồng. Niên vụ 2018, huyện xuất khẩu 696 tấn xoài, trị giá 8,7 tỷ đồng. Trong số này, xuất khẩu qua đường chính ngạch 223 tấn sang thị trường Australia, Trung Quốc, Dubai (UAE); xuất khẩu qua đường tiểu ngạch 473 tấn sang Trung Quốc. Ngoài ra, xuất bán cho Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao (DOVECO) 8 tấn xoài để sơ chế; tiêu thụ nội địa 4.000 tấn xoài.
Đạt kết quả trên là do huyện Mai Sơn đã triển khai đồng bộ, hiệu quả và kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết; phối hợp với các sở, ngành chức năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và nước ngoài.
Mận trái mùa Mộc Châu được ưa chuộng
Đến Mộc Châu mùa này, khách du lịch được thỏa sức chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên với đủ sắc màu của các loài hoa: hoa mận, đào, cải trắng, dã quỳ... không những thế, còn được thưởng thức mận hậu trái mùa.
Vào khoảng giữa tháng 10 dương lịch thời tiết se lạnh, những vườn mận ở Mộc Châu bắt đầu ra hoa lác đác và đến đầu tháng 12 dương lịch là cho những quả mận trái mùa đầu tiên. Thời điểm mận trái mùa nhiều nhất là vào khoảng cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 dương lịch. Trước đây, người dân Mộc Châu không quan tâm đến mận trái mùa, chỉ có trẻ con đi hái để ăn, nhưng vài năm trở lại đây, mận trái mùa được nhiều người biết đến và hỏi mua, nên những gia đình có vườn mận đều đi hái để bán, tăng thêm thu nhập. Mận trái mùa số lượng rất ít, mỗi cây chỉ thu được vài quả, có khi cả vườn mận chỉ được 4-5 kg, khoảng giữa tháng 2, đầu tháng 3 thì mận trái mùa nhiều hơn, cách vài ngày là có thể hái được 15-20 kg mận.
Mận trái mùa không to như mận chính vụ, quả không đều và thường bị nứt. Vị mận hậu trái mùa không ngọt như mận chính vụ mà có vị chua rôn rốt, chát, dù quả đã chín nhưng vẫn hơi đắng và giòn hơn so với mận chính vụ. Mận hậu trái mùa được nhiều người ưa thích, mận được chấm với muối ớt rất hợp vị với những người thích ăn đồ chua.
Điều đáng nói là, so với mận hậu chính vụ, mận hậu trái mùa có giá bán cao hơn. Thời điểm vào vụ mận mùa là từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6, giá mận chính vụ giao động từ 15.000-40.000 đồng/kg. Nhưng mận trái mùa số lượng ít, thường được bán với giá cao hơn nhiều lần so với mận chính vụ. Người dân ở các bản sau khi hái mận trái mùa thường bán cho các thương lái địa phương, giá chỉ từ 50.000-60.000 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ lại đắt gấp đôi. Ở các quầy bán hàng ven quốc lộ 6, thường bày mận hậu trái mùa để bán cho khách du lịch.
Cùng với đó, thời điểm này, trên các trang mạng xã hội, nhiều người rao bán mận hậu trái vụ với giá từ 120.000 đồng - 160.000 đồng/kg. Chị Đinh Thị Phương Thảo, tiểu khu 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu, người bán mận trái mùa online. cho biết: Tôi vừa hái được 9 kg mận, rao bán trên facebook với giá 120.000 đồng/kg. Có nhiều người hỏi mua, có cả khách ở Hà Nội và Sơn La, nhưng số lượng quả ít nên không đủ để gửi cho khách mua lẻ trong khu vực.
Dù giá đắt gấp nhiều lần, nhưng mận trái mùa ở Mộc Châu được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là khách du lịch. Chị Bùi Thị Oanh, du khách đến từ huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được ăn mận trái mùa Mộc Châu. Dù không được ngon như mận chính vụ nhưng tôi rất thích vị chua này.
Mận hậu trái mùa dù mẫu mã, chất lượng quả không được ngon và đẹp như mận chính vụ, giá lại cao, nhưng vẫn được khách hàng tìm mua, đem lại thu nhập cho người dân và là một sản phẩm độc đáo, thu hút du khách đến với Mộc Châu.
Điện Biên: Triển vọng mô hình nuôi cá nheo Mỹ
Nhằm giúp người dân khai thác tốt lợi thế ao hồ để nuôi các giống cá mới năng suất và hiệu quả kinh tế cao, năm 2018 Trung tâm Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai mô hình “Nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao”. Sau một thời gian triển khai, qua kiểm tra thực tế tại các mô hình, cá nheo phát triển tốt, bước đầu mô hình đã mang lại kết quả khả quan.
Mô hình “Nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao” được triển khai bằng nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ phát triển nông - lâm và thủy sản trên quy mô 0,5ha với 6 hộ dân xã Thanh Luông, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên), xã Lay Nưa và phường Sông Ðà (thị xã Mường Lay) tham gia. Mô hình được thực hiện trong 2 năm (2018 - 2019). Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã phối hợp với chính quyền các xã khảo sát chọn những hộ có đủ điều kiện tham gia; tập huấn kỹ thuật cho người dân và cung ứng con giống, thức ăn theo định mức hỗ trợ: 50% con giống và thức ăn trong thời gian triển khai mô hình.
Ông Khoàng Văn Vân, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) cho biết: Khi được chọn tham gia mô hình nuôi cá nheo Mỹ, ban đầu gia đình rất phân vân, bởi từ trước đến nay chưa từng nghe đến loại cá này, nếu nuôi thành công thì không sao nhưng nếu thất bại sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nhưng khi tham gia mô hình mới biết loại cá này nuôi cũng không quá khó. Trung bình mỗi con cá đạt trọng lượng gần 1kg sau 5 tháng. Hiện tại, giá bán trên thị trường từ 90 - 100 nghìn đồng/kg, trong khi đó, chi phí cho 1kg cá khoảng hơn 20 nghìn đồng, rẻ hơn nhiều loại cá khác. Nếu vụ này thành công, gia đình sẽ tiếp tục nuôi và mở rộng trong những năm tiếp theo.
Ðánh giá về triển vọng của mô hình, ông Nguyễn Thế Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thủy sản tỉnh, cho biết: Từ khi triển khai mô hình, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật. Qua thời gian triển khai mô hình cho thấy, cá nheo Mỹ có khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết tỉnh ta. So với các loại cá truyền thống thì cá nheo năng suất và giá trị hơn nhiều.
Ðiển hình như mật độ thả cá nheo Mỹ là 1,7 con/m2, trong khi mật độ thả cá rô phi là 2 con/m2 (cùng cỡ 1,2 - 1,5cm/con), song năng suất, sản lượng cá rô phi không bằng cá nheo Mỹ. Theo tính toán, 1ha ao nuôi cá nheo Mỹ đạt trên 21 tấn còn cá rô phi chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá thành cá nheo Mỹ cao hơn. Hiện tại cá nheo Mỹ có giá khoảng 100 nghìn đồng/kg, còn cá rô chỉ 30 nghìn đồng/kg.
Ðến nay, qua theo dõi, đánh giá sơ bộ mô hình, trọng lượng trung bình đạt từ trên 0,5 - 1kg/con. Dự kiến đến tháng 8/2019, khi mô hình kết thúc, trọng lượng trung bình đạt gần 2kg/con. Kỹ thuật nuôi cá nheo Mỹ đơn giản, không phức tạp như một số loài cá khác. Ðối với ao trước khi thả cá chỉ cần tháo cạn, dọn sạch rác, cỏ dưới đáy và bờ ao, vét bớt bùn lỏng đáy ao, chỉ để lại lớp bùn đáy dày 0,2 - 0,3m; dùng vôi bột rải khắp đáy ao và bờ ao từ 7 - 10 kg/100m2; phơi đáy ao 2 - 3 ngày. Thức ăn của cá nheo Mỹ là các loại phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, tôm, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, giun… Nếu dùng thức ăn công nghiệp thì lượng đạm trên 35% và canxi là 0,45% mới đảm bảo cho cá phát triển bình thường…
Mô hình nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm đang mở ra triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Nếu thành công không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống cho ngành thủy sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Văn Yên phòng chống đói rét, dịch bệnh gia súc
Hiện, tổng đàn gia súc chính của huyện Văn Yên (Yên Bái) có 19.751 con trâu, bò. Vụ rét đậm, rét hại năm 2017 đã làm ít nhất 47 con bị chết rét. Rút kinh nghiệm, bước vào vụ đông xuân năm 2018 - 2019, huyện đã chỉ đạo các địa phương thành lập, củng cố ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cho gia súc; hướng dẫn cách phòng chống rét cho vật nuôi bằng củng cố, che chắn lại chuồng trại, giữ khô chuồng, kín gió; chủ động dự trữ thức ăn cho trâu, bò.
Nhờ đó, gần 100% số hộ chăn nuôi gia súc chủ động dự trữ được nguồn thức ăn; trên 75% số hộ chăn nuôi có chuồng trại nuôi nhốt gia súc.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: thực hiện Công văn số 1517/SNN-CNTY, ngày 12/10/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc vụ đông xuân 2018 - 2019, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 212/UBND-KH ngày 26/10/2018 để chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để hướng dẫn trực tiếp tới người chăn nuôi; cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác những biến đổi bất thường của thời tiết để thông tin cho người dân; trao đổi, phổ biến các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc qua các lớp tập huấn, nhóm hộ, các cuộc họp thôn; tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi dự trữ thức ăn; hướng dẫn người dân tận dụng đất trồng cỏ, gieo ngô dầy để cung cấp thức ăn xanh cho gia súc; phối hợp với với các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh cho gia súc.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…