Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 7 năm 2020 | 11:11

Tin NN Tây Bắc: Mùa xoài ở bản Nông Xôm

Mùa thu hoạch xoài năm nay ở bản Nông Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) diễn ra trong không khí tưng bừng, phấn khởi.

xoai.jpg

Xoài của HTX là giống xoài Đài Loan, quả to, thịt quả dày, hạt lép, có vị ngọt cả lúc xanh

 

Tại vườn xoài của Hợp tác xã Thiên Tân, các thành viên Hợp tác xã (HTX) đang người hái, người vận chuyển, phân loại xoài, tất bật chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu.

Hợp tác xã Thiên Tân có 20 ha giống xoài Đài Loan.  Đây là giống xoài có nhiều ưu điểm vượt trội so với xoài ta truyền thống: trái to, vỏ trơn nhẵn, hạt lép, vị ngọt đậm kể cả khi quả còn xanh hay khi đã chín. Xoài Đài Loan có khả năng thích nghi tốt với nhiều loại đất trồng, trung bình với 1 ha xoài sẽ thu được 15-20 tấn quả. Xoài sau khi hái sẽ được phân loại và đóng gói cẩn thận. Đặc biệt, xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thường chọn quả to, đẹp, không đốm sâu, xây xước, vỏ mượt, để cuống dài 3cm, nặng khoảng 1,2kg. Hiện, đã có hơn 200 tấn xoài của Hợp Tác Xã Thiên Tân được cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của dịch  Covid-19, giá xoài năm nay có sự sụt giảm so với năm trước, chỉ còn 10.000 -15000 đồng/kg. Nhưng bà con vẫn tin tưởng vùng cây ăn quả sẽ đem lại vụ mùa bội thu những năm tiếp theo. Thu hái xong, các thành viên HTX sẽ tập trung cải tạo đất, hệ thống tưới nước tự động và các biện pháp loại trừ ruồi vàng gây hại cho xoài để nâng cao chất lượng trái xoài, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính cũng như nâng cao vị thế, quảng bá nông sản Sơn La.

Tiềm năng từ cây thanh mai tự nhiên ở Si Ma Cai

Gần đây, các nhà nghiên cứu khoa học đã phát hiện loài cây lâm nghiệp bản địa có khả năng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với phát triển rừng bền vững ở vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai).

Đó là cây thanh mai, một loài cây lâm sản ngoài gỗ của tỉnh Lào Cai, có tiềm năng phát triển thành hàng hoá, bởi quả thanh mai có thể dùng ăn tươi, làm mứt, chế biến sirô,  rượu vang…

 

thanh-mai.jpg

Cây thanh mai trong quần thể loài lâm nghiệp bản địa tại Si Ma Cai. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Trong tháng 6/2020, Đoàn khảo sát do PGS, TS Trần Ngọc Hải, Phó trưởng khoa Quản lý tài nguyên rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Lào Cai đã tiến hành đợt nghiên cứu tổ thành loài cây bản địa tại huyện Si Ma Cai. Quá trình khảo sát tại thôn Ngải Phóng Chồ, xã Quan Hồ Thẩn đã phát hiện quần thể gần 40 cây thanh mai phân bố tự nhiên trên diện tích khoảng 3 ha. Cây thanh mai còn gọi là cây dâu rượu (Myricaceae), mọc trong rừng tự nhiên, phân bố ở một số tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Thanh mai là cây gỗ nhỏ, quả có vị ngọt, chua, mát đặc trưng. Người dân vùng cao thường thu hái quả thanh mai chế biến thành nước giải khát, rượu vang, ô mai, mứt hay ăn tươi. Theo đông y, quả thanh mai có tác dụng bổ phổi và dịu đau dạ dày. Người ta thường dùng quả chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ; dùng hạt chữa chứng ra mồ hôi liên tục ở chân; dùng vỏ thân, vỏ rễ sắc uống điều trị các bệnh về da, ngộ độc arsenic…

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai cho biết: Với những phát hiện về giá trị, tiềm năng phát triển của cây thanh mai, trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ đề xuất với tỉnh thực hiện nghiên cứu loài cây lâm nghiệp bản địa này. Trong đó, sẽ tiến hành tuyển chọn cây trội, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng rừng cũng như thu hái, sơ chế, bảo quản, chế biến quả thanh mai cho khai thác và phát triển bền vững loài lâm sản ngoài gỗ này. Đề xuất thực hiện thí điểm tại Si Ma Cai mô hình trồng thanh mai vừa lấy quả vừa gắn với phát triển rừng phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, khi thành công sẽ nhân rộng ra các huyện vùng cao có khí hậu tương đồng.

Việc phát hiện loài cây lâm nghiệp bản địa có khả năng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với phát triển rừng bền vững ở vùng cao Si Ma Cai nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung, nếu được nghiên cứu phát triển đưa vào cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế lâm nghiệp, sẽ đem lại kinh tế cho người dân, tạo ra các sản phẩm đặc hữu vùng cao, vừa có tác dụng phòng hộ lâu dài.

Bảo vệ gia cầm mùa nắng nóng

 

gia-cam.jpg

Gia đình chị Hoàng Thị Thúy, thôn Hiển Dương, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên rất chú trọng chống nóng cho gà. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Giảm sức đề kháng khi trời nắng nóng, gia cầm dễ mắc các loại dịch bệnh. Vì vậy, chăm sóc, bảo vệ gia cầm trước ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng là việc làm quan trọng được người chăn nuôi quan tâm.

Gắn bó với nghề nuôi vịt siêu trứng hơn 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Lâm ở tổ dân phố số 2, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) thường xuyên nuôi khoảng 1.200 con vịt siêu trứng. Theo chị Lâm: vịt rất nhạy cảm khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi trời nắng nóng nếu không chú trọng chăm sóc sẽ dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, làm giảm tỷ lệ đẻ và chất lượng trứng. 

Do đó, vào mùa hè, gia đình chị giãn cách mật độ nuôi, điều tiết lượng nước trong ao nuôi hợp lý để vịt thoải mái bơi lội, tránh thân nhiệt tăng cao. Về chế độ dinh dưỡng, chị cho vịt ăn thức ăn bảo đảm chất lượng, giàu dinh dưỡng để phát huy khả năng sinh sản; đồng thời, bổ sung thêm canxi giúp cải thiện sản lượng trứng, chất lượng vỏ trứng. Nuôi vịt siêu trứng mùa nắng nóng, chị còn đặc biệt chú trọng việc thu hoạch, bảo quản trứng để tránh bị hỏng. 

Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, người chăn nuôi gia cầm cần thực hiện tốt các biện pháp kiểm tra, cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại; mái chuồng nên làm đơn giản bằng tranh, tre, lá hoặc lợp hai mái để chống nóng trực tiếp và tăng cường độ thoáng của chuồng; xung quanh chuồng được che chắn, tránh được mưa tạt, gió lùa khi mưa dông. 

Đối với chuồng kín, cần lắp đặt hệ thống quạt thông gió, giàn mát hợp lý để tạo sự thông thoáng, giảm được lượng khí độc lưu thông trong chuồng, chuồng trại chăn nuôi phải bảo đảm luôn sạch sẽ. Mật độ nuôi nhốt vừa phải và đối với gà thịt từ 9 - 10 con/m2, gà giống từ 4 - 5 con/m2; nếu trời quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng.

Về chế độ dinh dưỡng cho gia cầm trong những ngày nắng nóng, cần tăng số lượng máng uống; cung cấp đủ nước mát và sạch cho gia cầm uống giúp giảm nhiệt độ cơ thể; cho ăn thức ăn chất lượng tốt, bảo đảm không thiu mốc, không chứa độc tố; bố trí khẩu phần ăn giàu năng lượng thay cho tinh bột để hạn chế sản sinh nhiệt; chuyển thời gian cho ăn vào lúc trời mát hoặc ban đêm; bổ sung thêm vitamin C, B-Complex, chất điện giải vào nước uống cho gia cầm để tăng cường sức đề kháng.

Xã Vầy Nưa trăn trở tìm hướng tiêu thụ cá lồng

Tận dụng tiềm năng, lợi thế có 6/8 xóm tiếp giáp với vùng lòng hồ Hòa Bình, diện tích mặt nước khoảng 1.600 ha, xã Vầy Nưa (Đà Bắc, Hòa Bình) đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng, nhằm giảm nghèo bền vững.

 

ca.jpg

Hộ anh Lý Quang Hoàng, thôn Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chăm sóc, vệ sinh hệ thống lồng bè. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Đến nay, toàn xã có gần 600 lồng cá, với 320 hộ dân tham gia phát triển mô hình. Tuy nhiên, tính đến hết quý II/2020, sản lượng tiêu thụ cá chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, các hộ dân chăn nuôi thủy sản đang gặp khó trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, loay hoay tìm đầu ra.

Từ đầu năm đến nay, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, chưa ký kết và phối hợp được với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Phần lớn lượng khách hàng là tư thương nhỏ lẻ, nhà hàng, quán ăn… Giá thành sản phẩm cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cụ thể, cá lăng đen có giá 50.000 đồng/kg, trong khi năm 2019 dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; trắm cỏ 65.000 - 70.000 đồng/kg, hiện bán giá 50.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người hỏi mua.

Ông Bùi Văn Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vầy Nưa chia sẻ: "Hiện tại, HTX có trên 3 tấn cá lồng đến kỳ kinh doanh nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Nguyên nhân khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lượng khách du lịch đến hồ Hòa Bình giảm mạnh, việc cung cấp cá cho các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên lòng hồ gặp nhiều khó khăn. Số lượng lồng cá tăng theo hàng năm, tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng. Cá lồng Vầy Nưa chưa được quảng bá rộng rãi, nhiều doanh nghiệp chưa biết đến”.

Thực hiện Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, xã Vầy Nưa đã được hỗ trợ đầu tư 389 lồng cá, kinh phí 3,9 tỷ đồng. Hàng năm, xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án lồng ghép để phát triển quy mô, chất lượng lồng cá. Bên cạnh đó, xã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện tổng dư nợ trên 25 tỷ đồng, nhiều hộ dân đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư, phát triển nghề nuôi cá lồng. Mỗi năm, xã tổ chức 3 - 4 buổi tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi thủy sản.

Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ, cho biết: Nghề nuôi cá lồng phát triển hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để bền vững cần có định hướng phát triển lâu dài, tích cực áp dụng KHKT vào quá trình nuôi trồng thủy sản. Mở rộng quy mô tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, cung ứng cho các thành phố lớn, khu công nghiệp và hướng tới xuất khẩu. Qua đó, tiếp tục xây dựng thương hiệu cá lòng hồ sông Đà, tạo thu nhập ổn định cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top