Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 1 năm 2019 | 12:9

Tin NN Tây Bắc: Mường Khương thu hơn 113 tỷ đồng từ trồng chuối

Toàn huyện Mường Khương (Lào Cai) hiện có khoảng 1.300ha chuối cấy mô, trong đó gần 900ha đang cho thu hoạch.

chuoi-2.jpg

Chuối Mường Khương năm nay được mùa, được giá.

 

Diện tích trồng chuối tập trung ở các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Thanh Bình, Bản Xen. Cây chuối cấy mô được trồng tại huyện Mường Khương từ năm 1999. Giống và kỹ thuật sản xuất được người dân trao đổi từ các địa phương của huyện Hà Khẩu (Trung Quốc). Quá trình trồng cho thấy cây chuối mô phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác của người dân địa phương, trong khi chi phí sản xuất thấp, giá trị kinh tế khá cao, nên trong mấy năm gần đây, diện tích cây chuối cấy mô được người dân Mường Khương mở rộng trên diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, năm nay cây chuối cấy mô được mùa và giá cả ổn định. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 17.400 tấn, giá trị trên 113,1 tỷ đồng.

Sin Suối Hồ sôi động thị trường hoa địa lan ngày Tết

Trên đường đến xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu), chúng tôi thấy rất nhiều người dân điều khiển xe máy chở theo địa lan về hướng khu vực thành phố Lai Châu bán. Những bông hoa địa lan trần mộng nhiều màu sắc chúm chím nở, báo hiệu mùa xuân đã về.

Bản Sin Suối Hồ được mệnh danh là xứ sở của loài hoa địa lan trần mộng. Ngày Tết tới gần, thị trường hoa địa lan nơi đây càng trở nên sôi động. Khách đến bản trong thời gian này không chỉ để đi du lịch, tham quan vãn cảnh, tận hưởng sự bình yên nơi miền sơn cước mà còn tìm mua cho gia đình những chậu địa lan đẹp, ưng ý, bắt mắt về trưng bày trong ngày Tết.

 

hoa-tet.jpg

Anh Lê Văn Dưỡng (tổ 5, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) chia sẻ: Hiện nay, các mặt hàng hoa thật, giả chơi trong ngày tết khá đa dạng, phong phú, từ quất, đào, hồng, lay ơn, cúc, tuy líp đến những loại hoa cao cấp được sản xuất bằng lụa, vải voan, nhựa tổng hợp nhưng năm nào tôi cũng đến bản Sin Suối Hồ mua hoa địa lan. Bởi, tôi thích vẻ đẹp của hoa địa lan trần mộng, không những chơi lâu mà rất hợp với bản sắc vùng cao”.

Phục vụ nhu cầu chơi hoa ngày Tết của khách hàng trong và ngoài tỉnh, từ năm 2014, người dân xã Sin Suối Hồ đã học hỏi, truyền dạy cho nhau kỹ thuật chăm sóc, chọn lựa những chậu hoa địa lan nở đúng vào dịp tết để nhân giống. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, khách hàng là những cá nhân, công ty, doanh nghiệp đóng chân tại các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, thành phố Lai Châu trực tiếp về xã đặt mua hoa với số lượng lớn.

Phát huy thế mạnh của mạng xã hội, nhất là facebook, người trồng địa lan ở Sin Suối Hồ chụp lại những chậu hoa địa lan trần mộng có màu vàng, đỏ, tím để giới thiệu. Hoạt động này góp phần quảng bá hình ảnh hoa địa lan cũng như giúp công việc bán hàng trở nên đơn giản, nhanh gọn. Anh Vàng A Lai - bản Sin Suối Hồ chia sẻ: Vì lý do công việc, đường sá xa xôi, nhiều khách hàng quen ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La không đến trực tiếp mua được nên tôi đã gửi hình ảnh qua mạng internet cho khách xem. Để khách chọn dễ dàng, ở mỗi chậu tôi đều ghi số lượng cây, số hoa, chiều dài bông và gửi hàng đúng theo yêu cầu. Trước khi gửi xe ôtô khách, tôi bọc địa lan bằng bao tải, cắm cọc giữ hoa cẩn thận nên trong quá trình vận chuyển địa lan an toàn, khách hàng rất hài lòng. Nếu khách hàng sinh sống trên địa bàn thành phố Lai Châu thì tôi và dân bản sẽ vận chuyển miễn phí. Năm nay, gia đình tôi bán được 270 chậu địa lan, thu về 210 triệu đồng.

So với năm ngoái, năm nay giá địa lan không cao nhưng bù lại bán được nhiều. Tùy theo mức độ cành hoa ở chậu mà quy định giá tiền, thường từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng/chậu. Trong tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch số lượng chậu địa lan trong xã Sin Suối Hồ đã xuất ra thị trường rất nhiều. Hiện nay, vẫn có nhiều khách hàng đến Sin Suối Hồ đặt mua. Ước tính, năm nay bản Sin Suối Hồ bán được hơn 5 nghìn chậu địa lan thu về gần 3 tỷ đồng. Nhờ bán địa lan, nhiều gia đình thu nhập 200 - 300 triệu đồng như gia đình anh Hảng A Dơ, Sùng A Phùa, Vàng A Chỉnh, Sùng A Xà, Vàng A Dế...

Khánh Hòa vui mùa cam Tết

Những ngày áp tết, trên khắp các vườn cam ở Khánh Hoà (Lục Yên, Yên Bái) từ thôn 1, thôn 2 đến thôn 5, thôn 6, đâu đâu cũng nhộn nhịp không khí mua, bán cam. Niềm vui hiển hiện trên nét mặt người trồng cam, bởi năm nay cam được mùa, được giá và tiêu thụ thuận lợi.

 

cam.jpg

Vườn cam của anh Phạm Văn Hùng, thôn 3, xã Khánh Hòa vào vụ Tết.

 

Theo sau những đoàn xe nườm nượp vào ra từ các vườn cam, anh Hoàng Văn Thiện - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa đưa chúng tôi đến vườn cam của anh Phạm Văn Hùng ở thôn 3. 

Đón chúng tôi bằng nụ cười vồn vã, anh Hùng chia sẻ: "Những ngày này, tôi không dám đi đâu chơi xa, vì khách đến xem, mua cam thường xuyên. Có những ngày thời tiết đẹp, gia đình tiếp vài đoàn tiểu thương ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... về cắt cam. Năm nay, thời điểm cam ra hoa kết trái thời tiết khá thuận lợi nên quả to, đẹp hơn năm trước lại mọng nước, vị ngọt đậm nên khách nào cũng thích”. 

Vườn cam của nhà anh Hùng rộng gần 5 ha, với trên 2.000 gốc, trong đó có trên 800 gốc cam sành, 200 gốc cam Vinh, còn lại là cam V2 và quýt đường. Anh Hùng cho biết thêm, vụ quả năm 2017, mới có 400 gốc cho trái nhưng đã thu về hơn trăm triệu đồng. Năm nay, chắc chắn khá hơn bởi được giá và sản lượng cũng tăng.

Rời vườn cam nhà anh Hùng, chúng tôi đến vườn nhà anh Nguyễn Tiến Cường ở thôn 2. Anh Cường phấn khởi cho biết: "Vụ này, nhà tôi ước thu gần chục tấn quả. Năm trước, giá cam giáp tết lên 13 -15.000 đồng/kg tại vườn mà không có cam để bán. Vụ này, sản lượng tăng, quả đẹp, mọng nước, giá lại cao hơn nên vui rồi. Ăn tết to rồi các anh ạ!” - anh Cường  cười lớn. 

Chị Dương Thị Cúc - tiểu thương đến từ Hà Nội cho biết: "Tết năm ngoái, tôi nhập được mấy tạ cam Lục Yên về bán rất đắt hàng vì cam ở đây không chỉ đẹp mã, ngon mà còn "sạch”. Năm nay, tôi tiếp tục đặt các chủ vườn chuẩn bị đủ hàng phục vụ tết”.

Với nguồn thu nhập từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi vườn từ mùa cam tết, không chỉ là niềm vui sau một năm chăm sóc cần mẫn của hộ anh Hùng, anh Cường mà mùa cam tết này còn là niềm vui chung của hàng trăm hộ dân trồng cam ở Khánh Hòa - Lục Yên.

Hòa Bình: Quy hoạch phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa

Tỉnh ta đang triển khai thực hiện dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu, trong đó ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu mát mẻ trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Dự án góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa nghề trồng cây dược liệu tại các vùng quy hoạch trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Dự án trồng cây sachi do Công ty cổ phần Inca Việt Nam liên kết với nông dân tại 10 huyện, thành phố được đánh giá có hiệu quả kinh tế so với nhiều loại cây trồng khác. Đến nay, vùng nguyên liệu của Công ty phát triển được 100ha, trong đó 50ha đang cho thu hoạch. Sachi được coi là loại cây đa công dụng. Các bộ phận của cây từ hạt, thân, lá, rễ đều được sử dụng để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Đặc biệt, cây sachi trồng 1 lần cho thu hoạch từ 15 - 20 năm. Được biết, đối với loại cây này, trong năm thứ nhất năng suất bình quân đạt từ 1 - 1,3 tấn/ha quả khô và đạt trên 3 tấn từ năm thứ 3 trở đi. Lợi nhuận trung bình mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng/ha. Thành công bước đầu của cây sachi mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp trong tỉnh. Việc phát triển trồng cây sachi góp phần không nhỏ tạo ra sản phẩm cây trồng chủ lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

 

cay-duoc-lieu.jpg

Hiện, toàn tỉnh trồng hơn 100ha cây sachi, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng lúa. Ảnh: Người dân xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) chăm sóc cây sachi.

 

Trong chiến lược phát triển cây dược liệu của tỉnh, giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung nguồn lực mở rộng diện tích cây dược liệu hàng hóa trên đất trồng cây hàng năm để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu của tỉnh. Quy hoạch cây dược liệu đến năm 2025 sẽ phát triển 24 chủng loài cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh với diện tích 2.815 ha. Trong đó, huyện Tân Lạc quy hoạch diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất tỉnh là 1.442 ha với các loại sả, sa chi, giảo cổ lam, xạ đen, huyết đẳng, hà thủ ô.

Huyện Mai Châu quy hoạch 34 ha với các loại cây dược liệu như cà gai leo, sachi, sa nhân, hà thủ ô, đương quy. Huyện Cao Phong quy hoạch 130 ha với cây dược liệu chính là sả và xạ đen. Thành phố Hòa Bình quy hoạch 10 ha trồng sả, sa chi, xạ đen, giảo cổ lam. Huyện Lạc Sơn quy hoạch 204 ha với các loại cây: xạ đen, khôi đỏ, lược vàng, sâm cau. Huyện Đà Bắc quy hoạch 105ha trồng giảo cổ lam, cà gai leo, xạ đen, linh chi, khôi nhung. Huyện Kim Bôi huy hoạch 137ha trồng xạ đen, giảo cổ lam, sả, sa nhân, bình vôi. Huyện Yên Thủy quy hoạch 205ha với các loại cây: cà gai leo, xạ đen, sả, hoài sơn. Huyện Lạc Thủy quy hoạch 325ha trồng hồng sâm, đẳng sâm, đương quy, đinh lăng, xạ đen, hoài sơn, huyết đằng, hà thủ ô, ba kích tím và đơn lá đỏ. Huyện Lương Sơn quy hoạch 46 ha trồng cà gai leo, xạ đen. Huyện Kỳ Sơn quy hoạch 117 ha với các loại cây dược liệu hiện có trên địa bàn như sả, nghệ, sachi, ngải cứu, cà gai leo và đưa các loại cây có giá trị vào trồng thử nghiệm như hồng sâm, giảo cổ lam, đinh lăng, củ bình vôi...

Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 1.200,378 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 415,331 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất cây dược liệu 785,047 tỷ đồng. Vốn đầu tư sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; đầu tư cho khoa học công nghệ, khuyến nông, đào tạo và các chi phí trực tiếp cho sản xuất cây dược liệu. Ngoài ra, đầu tư cho xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng vùng dược liệu.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top