Với mục đích tìm ra giống cây trồng phù hợp, cho hiệu quả kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn phối hợp với UBND xã Nậm Hàng thực hiện mô hình trồng cây chanh leo tại bản Nậm Dòn.
Vụ đầu tiên cây cho quả với chất lượng đảm bảo, được thị trường trong huyện đón nhận, mang lại hiệu quả và niềm vui ban đầu cho người nông dân.
Người dân bản Nậm Dòn (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Báo Lai Châu.
Chúng tôi gặp ông Trương Sỹ Lâm khi ông đang chăm sóc vườn chanh leo của gia đình. Ông Lâm cho biết: “Diện tích đất này trước đây gia đình tôi để trồng cỏ và cây sắn cho gia súc, giá trị kinh tế rất thấp. Sau khi nghe phổ biến về dự án trồng cây chanh leo tại bản, gia đình tôi đăng ký tham gia, với mong muốn giống cây mới sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn. Do là giống cây mới nên ngoài chú tâm học hỏi kiến thức do cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tôi còn chủ động tìm hiểu qua mạng internet về kỹ thuật phát triển cây chanh leo sao cho hiệu quả nhất. Dù năm đầu trồng gặp khó khăn, nhất là về sâu bệnh, nhưng với sản lượng đảm bảo và chất lượng quả được đánh giá cao, tôi kỳ vọng vào hiệu quả từ cây chanh leo trong những năm tiếp theo”.
Tìm hiểu được biết, dự án trồng cây chanh leo được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn làm chủ đầu tư, phối hợp UBND xã Nậm Hàng bắt đầu triển khai từ tháng 1/2020. Với tổng diện tích 1ha, mức đầu tư 100 triệu đồng; dự án có sự tham gia của 15 hộ dân bản Nậm Dòn. Đầu tư theo hình thức chủ đầu tư cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Bà con tham gia góp đất, công lao động và một phần cột làm giàn.
Đồng chí Nguyễn Viết Tuân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn cho biết: “Đảm bảo dự án triển khai đạt kết quả tốt nhất, trước khi đưa cây vào trồng, đơn vị lấy mẫu đất tại khu vực người dân đăng ký để đánh giá chất đất. Kết quả cho thấy, chất đất, độ pH phù hợp với cây chanh leo. Cùng với đó, cử cán bộ chuyên môn đi tập huấn, học hỏi thực tế mô hình trồng chanh leo tại huyện Tam Đường, về bản tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia dự án. Việc trồng cây được thực hiện đúng kỹ thuật, có cán bộ chuyên môn “cầm tay chỉ việc”.
Trong quá trình chăm sóc, phối hợp tích cực với xã thường xuyên thăm nom, hướng dẫn bà con làm cỏ, bón phân, dựng giàn cho cây leo; phát hiện sâu bệnh, hướng dẫn người dân xử lý kịp thời”. Toàn bộ diện tích trồng cây chanh leo tại bản Nậm Dòn được quy hoạch tập trung tại khu đất đầu bản, đây là khu đất được bà con trồng tự do một số cây để phục vụ chăn nuôi.
Phối hợp thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, các hộ dọn sạch cỏ dại, làm đất bằng phẳng để tiện chăm sóc, tiến hành đánh rãnh thoát nước chống xói mòn, rửa trôi; hố trồng cây đào đúng kích thước 60x60x60cm, trộn đều đất mặt với 20kg phân chuồng hoai mục cùng 0,3 - 0,5kg supe lân, vôi bột (hỗn hợp sau khi trộn đều lấp đầy vào hố, ủ 1 tháng trước khi trồng). Mật độ trồng cây cách cây 3m, trung bình trồng 1.000 cây/ha, dàn cho cây leo cao từ 2,5 - 3m, đan ô vuông bằng dây sắt.
Sơn La: Nuôi ong ngoại thu nhập cao
Mô hình nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế của cơ sở Đoàn Đính Khính (Vân Hồ). Ảnh: Báo Sơn La
Hiện nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp, 5 HTX, trên 1.000 hộ nuôi ong, với hơn 65.000 đàn ong mật, chủ yếu là giống ong ngoại gốc Ý, hằng năm, sản lượng mật đạt 2.500 tấn, 700 tấn phấn hoa, 40 tấn sáp ong. Nghề nuôi ong đang từng bước chuyển từ hình thức nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, với số lượng lớn, bình quân từ 50 - 100 đàn/hộ, đặc biệt có hộ nuôi 500 - 600 đàn.
Thời gian qua, người nuôi ong đã và đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới theo hướng VietGAHP; phối hợp với đơn vị chức năng tư vấn, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong, phấn hoa. Nhờ đó, sản phẩm mật ong Sơn La có mùi vị thơm ngon đặc trưng, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, sản phẩm mật ong đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu. Sản phẩm mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa Sơn La đang được nhiều doanh nghiệp, đại lý tại Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ký hợp đồng mua bán số lượng lớn.
Để giúp người nuôi ong tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế theo hướng VietGAHP tại cơ sở nuôi ong Đoàn Đình Khính, Tiểu khu Sao Đỏ, xã Vân Hồ (Vân Hồ), quy mô 100 đàn, giống ong ngoại A.mellifera. Tham gia mô hình, cơ sở được hỗ trợ 70% kinh phí; Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt (Thái Bình) cung ứng đàn ong giống, vật tư, dụng cụ nuôi; Doanh nghiệp Thanh Ngọc (Mộc Châu) cung ứng vật tư, thức ăn. Sau gần 1 năm triển khai, từ 100 đàn ong, cơ sở đã nhân lên 120 đàn ong. Hiện nay, đàn ong đã cho thu mật, năng suất đạt 10 kg/đàn/đợt.
Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Mật ong thu ở thùng kế có hàm lượng thủy phần dưới 19%, không có lẫn xác ấu trùng, chưa quan sát thấy lỗ tổ dự trữ phấn hoa ở các bánh tổ mật trên tầng kế; con ong giống chúa có sức khỏe, tính tụ đàn cao... Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo để người nuôi ong tham quan, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ mô hình từ Trung ương, giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật mới, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ba Bể tập trung sản xuất vụ đông xuân
Nhằm chủ động trong sản xuất vụ đông - xuân 2021, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện theo đúng kế hoạch sản xuất. Đối với cây lúa xuân, diện tích gieo cấy theo kế hoạch 1.740ha; cây ngô xuân 1.150ha, hiện nay người dân cơ bản làm đất xong.
Đến nay các cây trồng vụ đông được các địa phương thực hiện đảm bảo kế hoạch như: cây khoai lang, cây bí đỏ, cây kiệu. Riêng cây khoai tây toàn huyện trồng được 30ha, đạt 300% kế hoạch. Đối với lâm nghiệp, diện tích trồng cây phân tán là 50ha, trồng lại rừng sau khai thác, trồng theo các dự án 350ha. Hiện các vườn ươm trên địa bàn đã cơ bản chuẩn bị đủ số lượng cây giống. Cùng với đó, các địa phương đã chủ động trong công tác chống hạn, bảo đảm nước tưới cho sản xuất.
Cùng với việc chủ động sản xuất vụ đông - xuân, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai theo kế hoạch, phương án. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn như rơm, rạ, cỏ. Qua công tác kiểm tra của huyện, có 4.945/5.826 hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, còn lại một số hộ thực hiện che chắn chuồng trại còn sơ sài.
Song song với sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện Ba Bể đã thực hiện giải ngân các đề án, mô hình kinh tế. Cụ thể như: Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND của tỉnh 420 triệu đồng; Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm” có 02 sản phẩm là bí xanh thơm và trà giảo cổ lam đạt 3 sao OCOP; Chương trình 30a với kinh phí 7,5 tỷ đồng, triển khai 41 dự án; Chương trình 135 tổng kinh phí phân bổ hơn 3,3 tỷ đồng, triển khai 28 dự án; Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ hơn 185 triệu đồng…
Quản Bạ tập trung phát triển bò Vàng
Người dân xã Thanh Vân che chắn chuồng nuôi bò. Ảnh: Báo Hà Giang
Năm 2020, tổng đàn bò huyện Quản Bạ (Hà Giang) đạt khoảng 18.000 con, tăng gần 6.000 con so với năm 2015. Bên cạnh đó, huyện cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân trồng cỏ, xây dựng, cải tạo chuồng trại hợp vệ sinh; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đói, rét, chăm sóc, nuôi dưỡng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn có trên 3.000 ha cỏ, trong đó diện tích trồng mới, thay thế hàng năm trên 300 ha. Những kết quả đạt được đã góp phần thực hiện thành công Đề án nửa triệu gia súc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn lên gần 30%.
Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi bò Vàng còn những hạn chế, khó khăn, như: Tốc độ tăng trưởng tổng đàn có xu hướng chững lại do phải thanh lý các gói tín dụng ưu đãi; quy mô chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương; điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là rét đậm, rét hại kéo dài, sương muối vào mùa Đông ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động chăn nuôi.
Việc duy trì, phát triển và mở rộng các trang trại quy mô lớn gặp khó khăn do điều kiện kinh tế hộ còn hạn chế; điều kiện địa hình phức tạp, chủ yếu đồi núi dốc bị chia cắt mạnh, gây khó khăn cho phát triển các vùng trồng, thâm canh cỏ tập trung quy mô lớn; chưa quy hoạch, xây dựng được lò giết mổ tập trung; chưa hình thành được cơ sở sản xuất, chế biến, phát triển thương hiệu sản phẩm thịt bò Vàng vùng cao; giá cả, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định...
Đồng chí Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ, cho biết: Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát triển bò Vàng theo hướng hàng hóa, tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng đàn bò hàng năm đạt trên 5%, gắn với trồng và thâm canh cỏ; mỗi hộ chăn nuôi có tối thiểu từ 3 con bò trở lên. Đến năm 2025, tổng đàn đạt trên 23.300 con; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại cụm xã Cán Tỷ, Lùng Tám, Đông Hà và cụm xã Thanh Vân, Nghĩa Thuận, Tùng Vài.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.