Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 2 năm 2020 | 11:24

Tin NN Tây Bắc: Nông dân Lào Cai thắng lớn trong vụ đông

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai, vụ đông năm nay nông dân thắng lớn, sản phẩm được mùa, được giá.

lao-cai.jpg

Nông dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) trồng cà chua trong vụ đông. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 10.600 ha cây trồng các loại, chủ yếu là rau, đậu, khoai lang, khoai tây… Tính đến đầu tháng 2, người dân đã thu hoạch được hơn 9.000 ha, đạt trên 85% diện tích gieo trồng, giải phóng đất cho sản xuất vụ xuân. Diện tích sản xuất vụ đông tập trung lớn ở các địa phương vùng thấp như huyện Bát Xát (1.850 ha), huyện Văn Bàn (1.800 ha), huyện Bảo Thắng (1.500 ha), huyện Bảo Yên (1.500 ha). Đây là những địa phương có điều kiện thời tiết ít khắc nghiệt hơn trong mùa đông, thị trường tiêu thụ thuận lợi so với các huyện vùng cao. Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, mang lại thu nhập cao.

Trên các cánh đồng của huyện Bảo Thắng và huyện Văn Bàn, thời điểm này hầu hết ruộng đã được cày ải, chỉ còn một phần nhỏ diện tích rau, củ vụ đông muộn đang đợi thu hoạch. Tranh thủ ngày nắng ấm, chị Nguyễn Thị Thu Trang (thôn Đồng Tâm, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) cùng con nhỏ ra ruộng thu hoạch củ khoai lang. Năm nay, gia đình chị trồng 3 sào khoai lang Nhật Bản ruột vàng. Khi hỏi về giá bán, chị Trang cho biết: Có người ở Lào Cai đang hỏi mua buôn với giá 15.000 đồng/kg nhưng tôi chưa muốn bán vì nếu bán lẻ thì được giá hơn (khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg). Năm nay, rau, củ loại nào cũng được mùa, được giá, thậm chí không đủ để bán.

Ông Lưu Trọng Dương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát cho biết: Trên thực tế, để xuất bán sản phẩm ra các tỉnh khác thì rau vụ đông của Lào Cai nói chung và Bát Xát nói riêng sẽ rất khó cạnh tranh với rau của các tỉnh khu vực đồng bằng bởi lý do mẫu mã, giá thành sản xuất cũng như chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, với vai trò là cầu nối, chúng tôi thường xuyên tìm kiếm, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp và ràng buộc trong tiêu thụ. Nếu như chúng tôi ưu tiên cung ứng các sản phẩm rau trái vụ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng cần ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong vụ đông cho người dân. Những năm gần đây, chất lượng rau, củ của Lào Cai dần được khẳng định ở thị trường ngoài tỉnh. Ngay trong vụ đông này, các sản phẩm của huyện Bát Xát được xuất đi thị trường Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, hiệu quả kinh tế từ sản xuất được tăng đáng kể.

Theo đánh giá của ngành trồng trọt, sản xuất vụ đông được lên kế hoạch ngay từ đầu năm (vụ xuân) với việc đẩy sớm thời vụ, lựa chọn các loại giống cây trồng phù hợp cũng như có phương án sản xuất, rải vụ hợp lý. Bởi thế, vụ đông được bắt đầu sớm từ tháng 9 với nhóm cây ưa ấm và kết thúc muộn tới cuối tháng 2 với những giống cây có chu kỳ sản xuất dài. Nhờ đó, sản phẩm vụ đông không bị ùn ứ hoặc thu hoạch tập trung vào một thời điểm như những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định: Đến thời điểm này, có thể nói nông dân thắng lớn trong vụ đông năm nay. Giá trị sản xuất vụ đông ước đạt khoảng 85 triệu đồng/ha, có những diện tích trồng hoa, dược liệu, trồng cà chua giá trị đạt 300 triệu đồng/ha; những diện tích có liên kết giá trị đều đạt 120 - 150 triệu đồng/ha. Vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một diện tích canh tác cho người dân.

Lai Châu: Rau thủy canh khó tiếp cận thị trường nội tỉnh

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/12/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Lai Châu về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa giai đoạn 2015 – 2020 mang đến một luồng gió mới cho ngành nông nghiệp thành phố. Một số gia đình mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh công nghệ hiện đại cho năng suất cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để rau thủy canh đến với phần đông người tiêu dùng trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Như bao gia đình khác, hơn 5 năm đầu tư trồng rau thủy canh, gia đình anh Đào Ngọc Sơn - bản Cắng Đắng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu) đã gây dựng được cơ sở trồng rau thủy canh với tổng diện tích gần 1,7ha. Sản phẩm rau đa dạng, phong phú về chủng loại từ cải, rau súp lơ, xà lách… đến các loại có giá trị kinh tế cao như: cà chua, dâu tây, dưa lưới… đều cho chất lượng dinh dưỡng cao, hình thức đẹp, bắt mắt.

 

rau-thuy-canh.jpg

Công nhân công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng Hà Sơn thu hoạch rau thủy canh. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Hiệu quả kinh tế cao tỷ lệ thuận với giá thành, phương pháp thủy canh hồi lưu cho năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh. Khi ổn định sẽ tiết kiệm chi phí hơn trồng bằng phương pháp thổ canh thông thường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao nên giá thành sản xuất 1kg rau ăn lá có giá thành từ 20 – 30 nghìn đồng. Những loại quả như cà chua, dưa leo, đặc biệt là dưa lưới hay dâu tây đều là những loại trái cây đắt đỏ. Giá rau thủy canh tùy loại cao gần gấp rưỡi đến gấp đôi giá thành rau cùng loại thông thường. Với mức giá trên thì nhiều người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận với sản phẩm rau sản xuất theo công nghệ này do mức thu nhập của đại bộ phận người dân tại tỉnh ta vẫn còn thấp.

Sản phẩm rau thủy canh của tỉnh hiện đang cung cấp cho hệ thống Siêu thị BBQ và các hãng hàng không tại Hà Nội mà chưa thể đến được bữa cơm hàng ngày của đại bộ phận gia đình trong tỉnh, do đó anh Sơn và một số hộ gia đình khác đang tìm cách nâng cao khả năng tự động hóa, đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất từ đó giảm chi phí nhân công và chi phí đầu vào, giá rau sẽ giảm; cùng với đó quan tâm công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Hy vọng không xa sẽ giải được bài toán phân khúc thị trường, từ đó người dân trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh sẽ có cơ hội tiếp cận với sản phẩm này.

Bà Hoàng Thị Thanh – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Mặc dù sản phẩm rau thủy canh sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh và rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng tiêu thụ chậm và rất khó. Bởi kênh phân phối rau thủy canh còn khá hạn chế, hiện mới được bày bán ở một vài địa điểm trên địa bàn thành phố và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Kênh phân phối chưa tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Phần đông người dân vẫn có thói quen mua sắm ở các hàng quán, chợ cóc. Việc phổ biến rau thủy canh đến với người tiêu dùng phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và người bán hàng. Trước tình trạng phức tạp về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao thì thực phẩm sạch (như rau thủy canh) là sản phẩm sẽ được lựa chọn trong nay mai, mô hình này đã pđược nhiều địa phương trong nước áp dụng và phát triển”.

Thanh Nưa năng động phát triển các loại cây trồng

Ðến xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên, Điên Biên Phủ) đâu đâu cũng là những vườn cây, ruộng lúa, ngô, khoai... Những năm gần đây, nông dân Thanh Nưa linh hoạt, chủ động phát triển các loại cây trồng, hướng đến sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng tăng thu nhập, xóa nghèo.

 

cay-trong.jpg

Anh Tòng Văn Thỉnh chăm bón cây bưởi. Ảnh: Bảo Anh

 

Thanh Nưa không phải mảnh đất màu mỡ nhưng người dân cũng không vì thế mà ngại thử nghiệm những giống cây trồng mới. Ðược hỗ trợ theo nguồn vốn Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, 18 hộ dân bản Hạ đang chăm sóc gần 3ha cây bưởi da xanh trồng được hơn 1 năm. Những người nông dân quen cày sâu cuốc bẫm khi chăm sóc loại cây khó tính như bưởi da xanh cũng trau chuốt, cầu kỳ không kém từ tỉa lá, làm cỏ, phun phòng sâu bệnh. Trưởng bản Quàng Văn Ðức cho biết: Nhiều năm nay, các hộ trong bản chủ yếu canh tác các loại cây trồng ngắn ngày như: Lúa, ngô, khoai, sắn.

Ðến năm 2018 chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh cũng có đôi chút bỡ ngỡ, khó khăn trong cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Nhận thức rõ hạn chế đó nên trong những buổi cán bộ nông nghiệp xã, huyện tập huấn về quy trình kỹ thuật, chăm sóc cây bưởi, bà con đều lắng nghe rất kỹ để áp dụng tại vườn cây nhà mình. Nhờ vậy các diện tích bưởi đều phát triển tốt. Hy vọng rằng, trong 1 - 2 năm tới, những vườn cây sẽ cho quả ngọt, góp phần tăng thu nhập và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Gia đình anh Tòng Văn Thỉnh là một trong những hộ tiên phong đăng ký trồng 150 gốc bưởi da xanh. Năm vừa qua do khô hạn kéo dài, vợ chồng anh cùng một số hộ xung quanh phải đào giếng ngay tại vườn để đảm bảo nước tưới cho cây bưởi và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển. Vừa tưới nước quanh gốc bưởi, anh Thỉnh vừa giải thích: Mình đã đầu tư trồng trọt thì phải cố gắng làm cho đúng quy trình để đạt hiệu quả tốt nhất. Ðơn cử, như kỹ thuật bón phân cho cây bưởi. Ðầu tiên phải xới tơi đất quanh gốc cây, rải đều phân bón cách gốc cây bán kính khoảng 40 - 60cm sau tưới nước xung quanh để chất dinh dưỡng ngấm từ từ vào đất. Nếu như trước đây, tôi bón thẳng phân sau đó tưới trực tiếp nước vào gốc cây. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi thấy cách làm đó hoàn toàn sai, khiến cây có thể bị xói gốc, xót rễ và chết.

Năm nay, xã Thanh Nưa đã chuyển đổi 47,5ha lúa một vụ sang trồng khoai lang. Ðến nay, người dân đã hoàn thành việc trồng và đang tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc. Chị Lò Thị Tiên, đội 9, xã Thanh Nưa cho biết: Gia đình tôi có 2.000m2 đất ruộng. Do ruộng cao nên khó khăn trong sản xuất lúa, bởi vậy gia đình chuyển đổi sang trồng khoai lang. Cây khoai lang vừa dễ chăm bón, lại nhanh thu hoạch. Với giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg củ, khoai lang đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho nông dân, nhiều hộ có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/vụ. Các diện tích đất sản xuất được nông dân Thanh Nưa tích cực khai thác, không để lãng phí bằng việc trồng cây vụ 3. Vụ sau luôn tăng hơn so với vụ trước. Riêng cây ngô vụ 3 vừa rồi đạt 25,5ha, tăng gần 10ha so với năm trước.

Ông  Lường Văn Chum, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Những năm gần đây, ngoài cây lúa, người dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi cây trồng nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vụ đông xuân năm nay, xã Thanh Nưa gieo trồng 194,4ha lúa đông xuân; 38,6ha ngô xuân; 47,5ha khoai lang; 2ha lạc; 1,5ha khoai tây và trên 50ha nghệ. Ðến nay, các loại cây trồng sinh trưởng tốt, riêng cây nghệ chuẩn bị cho thu hoạch. Nhờ năng động, chủ động đa dạng hóa các loại cây trồng đã góp phần nâng cao thu nhập, từ 26 triệu đồng/người/năm (năm 2018) lên 30 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,18%.

Hòa Bình: Gần 5.000 ha đất trồng trọt đã thực hiện dồn điền, đổi thửa

Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được gần 5.000 ha, chiếm 6% tổng diện tích đất trồng trọt.

 

don-dien-doi-thua.jpg

Giảm tình trạng đất trồng manh mún, nông dân xã Kim Bôi (Kim Bôi) thuận lợi mở rộng vùng trồng rau an toàn thực phẩm. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Công tác dồn điền, đổi thửa đã triển khai ở tất cả các địa phương với 32% tổng số xã trong tỉnh thực hiện, chủ yếu trên diện tích đất trồng lúa.

Từ đó, tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, bước đầu khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất bình quân/hộ từ 7-9 thửa/hộ giảm còn 1-3 thửa/hộ. Việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa, giảm trừ các chi phí nhân công, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo thuân lợi cho hoạt động vùng sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm.

Chuyển đổi 3.800 đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị

Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có gia trị kinh tế cao hơn.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.800 ha, với tổng nguồn kinh phí triển khai 11,3 tỷ đồng. Các địa phương chuyển đổi mạnh như Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Sơn. Bên cạnh diện tích đã chuyển đổi sang trồng ngô, nông dân thực hiện chuyển sang trồng các loại rau, màu có giá trị như bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, quả lặc lày. Từ đó, hình thành vùng sản xuất tập trung, vùng cây hàng hóa có giá trị thu nhập cao, bình quân từ 120 triệu đồng - 250 triệu đồng/ha đất canh tác.

Yên Châu chăm sóc diện tích xoài thời kỳ ra hoa

Yên Châu (Sơn La) hiện có 2.775 ha xoài (trong đó: 23 ha được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện vào thị trường Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc; 130 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP); diện tích cho sản phẩm 767 ha, sản lượng đạt hơn 9.200 tấn/năm, trong đó có 1.310 tấn thuộc chuỗi sản xuất quả an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường.

 

xoai-ra-hoa.jpg

Các thành viên HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) kiểm tra sâu bệnh trên hoa xoài. Ảnh: Báo Sơn La

 

Thời điểm này, tại nhiều vùng trồng xoài trên địa bàn, các chủ vườn đang tập trung cao cho việc chăm sóc cây xoài thời kỳ ra hoa, vì đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất cây trồng.

Ông Phạm Văn Thảnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Vài năm trở lại đây, đầu ra của quả xoài Yên Châu tương đối ổn định, bắt đầu xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài, giúp các hộ trồng xoài có thu nhập cao. Để đảm bảo năng suất, chất lượng quả phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền, vận động các nhà vườn chú trọng chăm sóc cây xoài thời kỳ ra hoa, đậu quả; hướng dẫn các hộ dân, HTX thực hiện đúng quy trình sản xuất theo quy trình VietGAP; áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thích hợp. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của hoa; sử dụng phân bón, tưới nước hợp lý; dọn vườn và xử lý để xoài ra hoa tập trung, đảm bảo đúng vụ.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top