Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 1 năm 2021 | 15:9

Tin NN Tây Bắc: Nuôi trồng thủy sản lòng hồ ở Hòa Bình

Với lợi thế mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình, thời gian qua, tỉnh chú trọng phát triển nuôi cá lồng vùng hồ. Đến nay, đã có 4,7 nghìn lồng, sản lượng trên 4 nghìn tấn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động.

nuoi-ca-long-ho-hb.jpg

Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất các loại ruốc cá. 

 

Phát triển nuôi trồng thủy sản lòng hồ góp phần đưa sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 11,15 nghìn tấn. Các doanh nghiệp, HTX nuôi cá lồng đầu tư nuôi theo công nghệ tiên tiến, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi tạo giá trị gia tăng, hướng tới có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ dân phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU, ngày 13/6/2014 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020. UBND tỉnh có nhiều chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư nuôi trồng thủy sản.

Hiện, toàn tỉnh có 20 cơ sở nuôi cá lồng, quy mô trên 20 lồng/cơ sở, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tiêu biểu như Tập đoàn Marvin triển khai dự án nuôi cá diêu hồng và rô phi ứng dụng công nghệ cao 24 lồng tròn, thể tích 2.000 m3/lồng/100 ha mặt nước, sản lượng dự kiến khoảng 5 nghìn tấn/năm. Công ty Việt Đức với 100 lồng nuôi cá tầm; Công ty TNHH Cường Thịnh nuôi 200 lồng; HTX Hiền Lương, xã Hiền Lương (Đà Bắc) nuôi 120 lồng...

Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, các doanh nghiệp, HTX ký kết với hộ dân thực hiện nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như Công ty cá sạch Sông Đà, Công ty    Việt Đức, Công ty Minh Phú, Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng, Công ty TNHH Cường Thịnh cung cấp con giống, thức ăn, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Với cách làm đó, người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng đảm bảo là lợi thế để cá lồng hồ Hòa Bình tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, có nhiều sản phẩm cá và chế biến từ cá đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh như: Cá lăng đen sông Đà file, cá rô phi sông Đà file của Công ty TNHH Cường Thịnh; ruốc cá trắm đen, ruốc cá lăng đen, ruốc cá lăng vàng sông Đà của Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Thời gian tới, để phát triển nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao và bền vững, hướng tới sản phẩm OCOP, các hộ cần thành lập HTX nghề cá, nhằm liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hướng sản phẩm ra thị trường khu vực, thế giới. Đầu tư mở rộng quy mô nuôi; lựa chọn, phát triển đối tượng nuôi chủ lực theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Lào Cai: Rét đậm, rét hại gây thiệt hại 6,4 tỷ đồng

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài. Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, thiệt hại trong đợt thời tiết cực đoan này lên tới 6,4 tỷ đồng.

 

lao-cai.jpg

Băng tuyết phủ trắng diện tích rau bắp cải tại xã Y Tý. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 7-14/1/2021, nhiệt độ các nơi trong tỉnh nhiều ngày giảm xuống dưới 10 độ C, thấp nhất tại Sa Pa và một số xã vùng cao của huyện Bát Xát giảm xuống -2 đến -3 độ C. Vào các ngày 8 - 11/1/2020, thời tiết còn gây hiện tượng băng giá, mưa tuyết dày từ 10 – 20 cm.

Rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo băng tuyết đã gây thiệt hại nhiều hoa màu, gia súc của người dân. Cụ thể, băng tuyết phủ, gây hại 93 ha cây rau, hoa màu các loại (Bát Xát 75 ha, Sa Pa 18 ha), 1.050 chậu hoa địa lan bị thiệt hại tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, sau đó, đột ngột chuyển nắng ấm cũng khiến nhiều gia súc bị chết. Trong đợt rét này, có 245 con gia súc bị chết, trong đó trên 6 tháng tuổi có 158 con, dưới 6 tháng tuổi có 87 con.

Trong đợt rét vừa qua, người dân các địa phương như: Văn Bàn,  Si Ma Cai, Sa Pa, Bát Xát đã di chuyển hơn 7.000 con trâu, bò xuống các xã vùng thấp để tránh rét. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện những biện pháp phòng, chống rét cho rau màu, vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại trong các đợt rét tiếp theo.

Yên Bái tăng cường chỉ đạo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Tính đến 17 giờ ngày 18/1, số gia súc bị chết rét trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 75 con tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

 

yen-bai.jpg

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh và Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải kiểm tra công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc tại thôn Púng Luông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Báo Yên Bái.

 

Trong những ngày rét đậm, rét hại cao điểm, nhân dân hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã chủ động nuôi nhốt, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc, song do nhiệt độ xuống quá thấp nên đã có 75 con gia súc, chủ yếu là bê, nghé và trâu già sức đề kháng kém đã chết do không đủ sức đề kháng và chống chịu được thời tiết băng giá; trong đó, huyện Trạm Tấu 44 con và Mù Cang Chải 31 con. Ước tính thiệt hại khoảng 1,42 tỷ đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, số gia súc chết chủ yếu còn do chưa quản lý triệt để việc nuôi nhốt tại nhà trong những ngày thời tiết giá lạnh có gió lùa, sương muối, băng giá.

Theo dự báo, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các khu vực của tỉnh Yên Bái, đặc biệt tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. 

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục cử các đoàn công tác bám sát cơ sở, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các địa phương cấp xã, đặc biệt tại các xã vùng cao về công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi; hướng dẫn người dân nuôi nhốt gia súc, che chắn chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng đúng cách để vật nuôi tăng sức đề kháng, chống rét có hiệu quả; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bà con nuôi nhốt gia súc dài ngày; trong những ngày nắng, mưa thất thường hạn chế tối đa  đưa gia súc đi chăn thả dễ gây cước chân và cảm lạnh. 

Tô Múa duy trì và phát triển diện tích cây chè

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tô Múa, huyện Vân Hồ đã duy trì và phát triển diện cây chè, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.

 

che.jpg

Người dân xã Tô Múa (Vân Hồ) thu hoạch chè. Ảnh: Báo Sơn La

 

Với điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, cây chè đã bám rễ và phát triển trở thành loại cây trồng chủ lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của bà con nông dân xã Tô Múa. 

Ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, xã đã trồng mới 53 ha, nâng tổng diện tích chè của xã lên gần 480 ha, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha/năm, tổng sản lượng gần 5.000 tấn, doanh thu đạt 40,5 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu chủ yếu của người dân địa phương. Sản phẩm chè búp tươi được Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tô Múa và Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất chè Tô Múa bao tiêu sản phẩm.

Để duy trì và phát triển diện tích chè, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện chủ trương lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, lấy sản xuất hàng hóa làm mục tiêu gắn với nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.

Để cây chè tiếp tục phát triển là cây chủ lực, xã Tô Múa đang quy hoạch thành từng vùng sản xuất hàng hoá tập trung với quy trình sạch, an toàn. Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc, thu hái và vận chuyển, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích người dân tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, xã Tô Múa trồng mới 40 ha chè, nâng sản lượng chè đạt 12.000 tấn/năm, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top