Cuối tháng 10, quýt ngọt Mường Khương, Lào Cai (quýt sen) bắt đầu vào chính vụ thu hoạch, quýt năm nay được mùa, giá tăng nhẹ so với năm trước.
Tiểu thương từ thành phố Lào Cai đến thu hái quýt tại vườn. Ảnh: Báo Lào Cai
Tính đến hết năm 2018, diện tích quýt tại huyện Mường Khương đạt 488 ha, trong đó 150 ha đến thời kỳ cho thu hoạch. Mường Khương có 3 giống quýt là quýt bột, quýt giấy và chủ yếu là quýt sen (là giống quýt ngọt đặc sản). Năng suất quýt trung bình đạt từ 10-15 tấn/ha. Năm nay, vụ quýt bắt đầu sớm hơn, giá quýt dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/kg, cao hơn vụ quýt năm 2018.
Quýt ngọt Mường Khương đã được cấp nhãn hiệu tập thể từ năm 2017. Giống quýt đặc sản này được trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương và các xã lân cận. Nguyên nhân giá quýt tăng nhẹ là do các tiểu thương ít nhập khẩu quýt từ thị trường Trung Quốc, nên giảm sự cạnh tranh, sản lượng quýt không đủ phục vụ nhu cầu của thị trường.
Người dân Phìn Ngan làm giàu nhờ cây sa nhân tím
Từng là xã nghèo của huyện Bát Xát (Lào Cai), nhưng kể từ khi “bén duyên” với cây sa nhân tím, nhiều hộ ở xã Phìn Ngan đã có thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở xã Phìn Ngan. Ảnh: Báo Lào Cai
Nhắc đến Phìn Ngan, nhiều người liên tưởng ngay đến mưa, lũ quét, sạt lở đất, đá… bởi từ năm 2010 đến nay, hầu như năm nào xã Phìn Ngan cũng hứng chịu những trận mưa, lũ lớn, nhỏ. Nặng nhất là trận lũ xảy ra vào tháng 8/2016 đã cướp đi sinh mạng của 3 người, cuốn trôi hàng chục căn nhà, hàng trăm héc ta hoa màu và nhiều công trình… Nhưng có lẽ chính từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà đồng bào các dân tộc Phìn Ngan đã nỗ lực học hỏi, chăm chỉ trong lao động, sản xuất, từ đó đưa cây sa nhân về trồng, chăm sóc và có được thành công như ngày nay.
Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Phìn Ngan là xã trồng nhiều sa nhân tím nhất huyện Bát Xát, với khoảng 200 ha, trong đó 150 ha đã cho thu hoạch. Năng suất trung bình của sa nhân tím năm nay khoảng 0,7 tấn quả tươi/ha và giá bán quả tươi từ 150 nghìn đồng/kg trở lên, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân của xã.
Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, ông Tả liền “kéo” tôi đến nhà ông Chảo Láo Khờ, ở thôn Van Hồ của xã. Gia đình ông Khờ trồng gần 4 ha sa nhân tím, trong đó hơn một nửa đã cho thu hoạch, năm nay dự tính thu khoảng 1,5 tấn quả tươi, bán được hơn 200 triệu đồng. Ông Khờ tâm sự: Nhà tôi trồng sa nhân tím đã gần chục năm, năm nay vừa được mùa vừa được giá. Cây sa nhân dễ trồng, dễ chăm sóc. Nhờ cây sa nhân tím mà gia đình tôi đã thoát nghèo, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt.
Ông Chảo Sành Tịnh, thôn Sùng Bang có hơn 3 ha cây sa nhân tím đã cho thu hoạch quả ổn định từ 2 năm trước. Năm nay, ông dự tính thu khoảng 2 tấn quả tươi, bán được gần 300 triệu đồng. Ngoài tiền bán quả tươi, gia đình ông Tịnh còn thu được vài chục triệu đồng từ tiền bán cây giống. Theo ông Tịnh, trồng cây sa nhân tím không tốn nhiều công làm cỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh như các loại cây khác. Hơn nữa, cây sa nhân tím sinh trưởng và phát triển khá nhanh, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 2 năm, thu hoạch ổn định từ năm thứ 3 trở đi. Hiện sa nhân tím là cây trồng hiệu quả nhất trên đất Phìn Ngan, hơn cả thảo quả. Thời gian tới, gia đình ông sẽ tận dụng những tán rừng trồng để mở rộng diện tích cây sa nhân tím.
Ước tính, năm nay người dân Phìn Ngan thu gần 20 tỷ đồng từ tiền bán quả và cây giống sa nhân tím. Có thể khẳng định, cây sa nhân tím là cây trồng chủ lực của nông dân xã Phìn Ngan thời điểm này. Cây sa nhân tím được ngành chức năng đánh giá là phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của xã Phìn Ngan. Cây trồng ở độ cao vừa phải, khoảng 1.000 m so với mực nước biển nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi băng, tuyết. Một ưu điểm nữa là cây được trồng dưới tán rừng trồng nên không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng tự nhiên như cây thảo quả. “Hiện nay, giá quả sa nhân tươi đang ở mức cao, dao động khoảng 140 - 150 nghìn đồng/kg. Cây sa nhân đã góp phần nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo thôn bản của xã”, ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã nói.
Không chỉ ông Khờ, ông Tịnh, mà trên địa bàn xã Phìn Ngan hiện có hơn 100 hộ trồng sa nhân tím, mỗi hộ trồng khoảng 1 - 3 ha, có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm nay, sa nhân vừa được mùa vừa được giá, chắc chắn mảnh đất Phìn Ngan lại có thêm nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí vươn lên trở thành hộ giàu nhờ loại cây này.
Bảo tồn, phát triển chè Shan ở Giàng Pằng
Một gốc chè Shan cổ thụ ở thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô. Ảnh: Báo Yên Bái
Thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô nằm ở độ cao gần 1.700 m so với mực nước biển và là nơi có những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với sản phẩm chè chất lượng thơm ngon. Với giá trị kinh tế cao, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển các diện tích chè Shan đồng thời đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận quần thể cây chè Shan cổ thụ tại thôn Giàng Pằng là Cây Di sản Việt Nam.
Giàng Pằng nằm giáp ranh xã Suối Giàng của Văn Chấn và xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Do địa hình khá biệt lập nên thôn chưa có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp. Đến Sùng Đô rất nhiều nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đến được đỉnh Giàng Pằng.
Từ đầu thôn đã xuất hiện những cây chè shan cổ thụ mà thân cây 2 người ôm không xuể. Cả 4 thế hệ gia đình ông Giàng A Chang, thôn Giàng Pằng đã chăm sóc và thu hái hơn 1 ha chè shan tuyết cổ thụ trong quần thể gần 30 ha chè Shan tuyết của thôn Giàng Pằng.
Mỗi năm 3 vụ chè, ông Chang thu về khoảng 2 tấn chè búp tươi, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập ổn định 40 triệu đồng. Nhận thức được giá trị kinh tế đó, sau mỗi lứa thu hoạch, ông lại tập trung chăm sóc, phòng trừ mối xông cây và trồng dặm để bảo vệ và phát triển các diện tích chè của gia đình.
Ông Chang chia sẻ: "Tôi không rõ cây chè xuất hiện từ khi nào, bố tôi cũng không biết, ông chỉ nói đến đời tôi nữa là 4 đời nhà mình thừa kế cây chè này. Nhờ cây chè mà gia đình đã thoát nghèo, mua sắm được nhiều vật dụng, con em cũng được học hành đầy đủ”.
Thôn Giàng Pằng hiện có gần 30 ha chè Shan tuyết cổ thụ, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 30 tấn là nguồn thu nhập chủ yếu của trên 70% hộ người Mông. Giá trị kinh tế từ cây chè Shan tuyết mang lại rất lớn; tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển cây chè lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn.
Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: "Việc phát triển diện tích chè chủ yếu theo tập quán canh tác cũ, năng suất thấp. Vì vậy, đồng bào rất mong muốn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc chè shan. Đồng thời, mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí, rà soát, quy hoạch để mở rộng diện tích chè shan tập trung”.
Mường Và vào vụ cam
Cuối tháng 10 là thời điểm bà con xã Mường Và (Sốp Cộp, Sơn La) bắt đầu thu hoạch cam. Theo các hộ trồng cam trong xã, sản phẩm cam năm nay có chất lượng cao hơn những vụ trước, giá bán cũng cao hơn và được nhiều thương lái đến đặt mua sản phẩm tại vườn.
Nông dân bản Nà Mòn, xã Mường Và (Sốp Cộp) thu hoạch cam. Ảnh: Báo Sơn La
Đến gia đình ông Lò Văn Thịnh (bản Nà Mòn), một trong những hộ trồng cam đầu tiên của xã, chúng tôi thấy các thành viên trong gia đình đang tất bật công việc thu hoạch trong vườn cam, lựa chọn những quả vừa độ chín để đóng thùng cho kịp chuyến xe của thương lái tới thu mua.
Ông Thịnh phấn khởi: Vườn cam nhà tôi rộng hơn 5.000 m². Vụ năm nay, do ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn VietGAP; lại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, nhà tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn cam (gồm 1 bể chứa 7 m³ và hệ thống ống dẫn nước dài gần 3 km), nên cam được tưới đủ nước... ước tính thu hoạch 3,5-4 tấn quả, doanh thu khoảng 100 triệu đồng, trừ hết mọi chi phí tôi còn lãi khoảng 60 triệu đồng.
Rời vườn cam nhà ông Thịnh, đến vườn cam rộng hơn 3.000 m² của gia đình ông Vì Văn Diêm, Trưởng bản Nà Mòn, chúng tôi cũng thấy cả nhà đang khẩn trương thu hoạch quả. Ông Diêm bảo: Bản Nà Mòn có 78 hộ thì 30 hộ trồng gần 30 ha cam, hơn 12 ha đã cho thu hoạch. Nhờ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, giới thiệu địa chỉ mua cây giống, phân bón chất lượng tốt, nên cam quả to, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vụ này, năng suất cam của bản ước đạt 10 tấn/ha. Ngay từ đầu tháng 10, thương lái đã tìm đến các hộ dân đặt trước để thu mua cam. Năm nay thời tiết khô hạn, ít mưa, nên hầu hết các vườn cam đều giảm sản lượng từ 10 - 30%. Cũng may, cam năm nay lại được giá nhờ quả to, mẫu mã đẹp, lại ngọt, nên giá bán từ 32.000-35.000 đồng/kg. Hiện tại, cam đạt năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha, mang lại doanh thu cho bà con trên 300 triệu đồng/ha.
Theo thống kê, xã Mường Và hiện có 62,3 ha cam, trong đó hơn 20 ha đã cho thu hoạch, năng suất khoảng 8-10 tấn quả/ha, tập trung ở các bản: Nà Mòn, Nà Một, Nà Vèn. Mường Và trồng chủ yếu là giống cam địa phương và cam V2. Đây là những loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi về việc tìm đầu ra cho sản phẩm cam, ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, sản phẩm cam của xã được tiêu thụ thông qua các thương lái nhỏ lẻ. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, điều quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm cam. Vì vậy, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; vận động các hộ liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, xã còn tích cực đưa sản phẩm cam Mường Và đến các hội chợ thương mại do huyện tổ chức; đồng thời, đề nghị UBND huyện giúp đỡ việc thiết kế vỏ hộp đựng sản phẩm bắt mắt, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam đến nhiều người tiêu dùng trong tỉnh.
Rau hữu cơ Lương Sơn - tự hào sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Các loại rau hữu cơ của HTX Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn) được trồng theo quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn khi cung cấp ra thị trường. Ảnh: Báo Hòa Bình
Cuối năm 2014, sản phẩm "Quả lặc lày và rau quả hữu cơ” Lương Sơn (Hòa Bình) được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Từ đó, rau hữu cơ (RHC) Lương Sơn đã nhận được những phần thưởng xứng đáng: "Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2016”; "Cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”. 3 năm liên tục được tôn vinh "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” và có mặt trong chuỗi sản phẩm an toàn thực phẩm (ATTP) "Thực phẩm xanh, nông sản sạch”. Đó là những dấu ấn đầy thuyết phục cho thấy sản phẩm RHC đang có bước tiến dài về chất lượng trong hành trình hướng ra thị trường lớn.
Từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của Dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ (Xuân Mai - Hà Nội), huyện Lương Sơn đã triển khai dự án trồng RHC tại các xã: Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Thành Lập, Cư Yên, Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn nhằm tạo thêm sinh kế cho phụ nữ nghèo.
Sau hơn 10 năm kiên trì phát triển, đến nay, mô hình đã tạo ra những sản phẩm rau chất lượng cao mà không tác động xấu đến môi trường; hiện thực hóa Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân; hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo chuỗi, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản an toàn. Để có những sản phẩm rau, quả hữu cơ bảo đảm theo đúng quy trình, người trồng rau Lương Sơn phải tham gia lớp tập huấn 3 tháng về kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận trồng RHC. Khác với phương thức trồng rau thông thường, đất trồng RHC được quy hoạch thành vùng, xét nghiệm đảm bảo không nhiễm các chất độc hại, có vùng đệm để tránh xâm nhiễm từ bên ngoài.
Hiện nay, huyện Lương Sơn có 6 HTX và 25 tổ nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích sản xuất 27,4 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Năng suất trung bình RHC đạt 200-250 tạ/ha/năm, giá trị đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm. Trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 16 tấn rau, quả hữu cơ an toàn, chất lượng cao. Phần lớn rau, quả hữu cơ Lương Sơn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua các đầu mối chính là Công ty TNHH Vinagap, Công ty Tràng An, Công ty Tâm Đạt, Công ty BAVIFARM, hệ thống cửa hàng Bác Tôm, một số cửa hàng bán lẻ trong và ngoài huyện; doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Những năm qua, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các HTX, tổ nhóm sản xuất, đào tạo tập huấn cho các hộ trồng RHC trên địa bàn huyện với tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Căn cứ vào quy hoạch sản xuất rau an toàn của tỉnh, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện quy hoạch vùng sản xuất RHC tập trung với tổng diện tích khoảng 60 ha. Theo đó, huyện sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng sản xuất RHC tập trung. Hỗ trợ và xây dựng mới điểm thu gom, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm tại HTX Nông sản hữu cơ (thị trấn Lương Sơn) và cửa hàng giới thiệu sản phẩm RHC trên địa bàn huyện. Tiếp tục phát triển thương hiệu cho sản phẩm RHC của huyện theo hướng liên kết sản xuất, hướng đến cung cấp cho thị trường những nông sản an toàn, chất lượng cao.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.