Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 6 năm 2021 | 14:56

Tin NN Tây Bắc: Sơn La tiêu thụ trên 45.100 tấn xoài

Từ đầu vụ đến nay, Sơn La đã tiêu thụ trên 45.100 tấn xoài.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 6.170 tấn; thị trường Úc 28 tấn, thị trường Liên bang Nga và Mông Cổ 70 tấn.

 

xoai-son-la.jpg

Nông dân xã Mường Bú (Mường La) thu hoạch xoài phục vụ xuất khẩu.

 

Giá trị xuất khẩu ước đạt 1,54 triệu USD. Các đơn vị xuất khẩu chủ yếu là: HTX Đảo Ngọc, HTX Đoàn Kết, HTX Anh Trang, HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, HTX Quyết Tâm, HTX Đồng Tâm, HTX Thanh Sơn, HTX Thành Đạt, Công ty TNHH TM&DV Trường Mai, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Rồng đỏ, Công ty CP Chế biến nông sản Việt Xanh.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chế biến được 2.863 tấn xoài.

Hiện, giá bán xoài tượng da xanh loại I từ 6,5 - 7 nghìn đồng/kg, loại II từ 4,7 - 6 nghìn đồng/kg; các loại khác từ 2,5 - 4 nghìn đồng/kg; giá bán xoài tròn Yên Châu từ 10 - 15 nghìn đồng/kg.

Khó khăn trong tiêu thụ chanh leo ở Tam Đường

Những năm gần đây, cây chanh leo đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho nông dân trên địa bàn thị trấn Tam Đường (Lai Châu). Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty Nafoods không thu mua do không vận chuyển đi được, cùng với đó nhiều tỉnh, thành phố nằm trong vùng dịch cấm xe khách hoạt động, nên thị trường tiêu thụ chanh leo ngày càng thu hẹp, người nông dân lại thêm lo lắng, bất an.

 

chanh-leo-1.jpg

Người dân bản Tác Tình, thị trấn Tam Đường chăm sóc chanh leo. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Anh Ghiềng chia sẻ: “Theo định hướng phát triển kinh tế của địa phương, gia đình tôi mạnh dạn trồng hơn 2ha chanh leo, thời điểm trước đây chanh leo được Công ty Nafoods thu mua đều đặn, giá cả phụ thuộc vào chất lượng của quả, với giá dao động từ 10.000 – 23.000 đồng, mỗi tuần gia đình tôi thu được 2 tấn quả, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty không thu mua vì không chuyển hàng đi thành phố Hồ Chí Minh được. Cùng với đó, thời điểm đầu tháng 6 không có xe khách lưu thông tuyến Lai Châu – Hà Nội nên thị trường thu mua chanh leo ngày càng hẹp.

Chúng tôi phải tự tìm đầu ra cho chanh leo bằng cách bán lẻ ra các chợ trên địa bàn thành phố, huyện và các tỉnh lân cận như: Sơn La, Lào Cai… với giá trung bình từ 8.000 - 10.000/kg đối với quả đẹp. Hiện nay, diện tích chanh leo cho thu hoạch của gia đình tôi khá lớn nên khó có thể tiêu thụ hết được, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp giúp nông dân chúng tôi tìm đầu ra ổn định cho chanh leo”.

Để giúp người nông dân bớt khó khăn trong khâu tiêu thụ chanh leo, Công ty Nafoods cũng tiến hành thu mua trở lại nhưng khi Công ty có xe vận chuyển thì mới báo cho nông dân để tiến hành thu hoạch. Không chủ động được thời gian thu hoạch nên khi Công ty báo thu mua thì nhiều hộ lại không có chanh để bán vì đã bán lẻ ra bên ngoài hoặc không kịp cắt do diện tích trồng quá lớn, gây khó khăn cho người nông dân.

Việc thu mua không đều, không có thời gian giao dịch cụ thể khiến việc thu mua giữa Công ty và người dân không đồng nhất dẫn đến việc cung - cầu bị ảnh hưởng. Do đó, không chỉ gia đình anh Ghiềng mà người trồng chanh leo trên địa bàn thị trấn Tam Đường đều tự mình bươn  trải tìm đầu ra cho chanh leo. Hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, kết nối được nhiều người từ nhiều địa phương khác nhau trên mạng xã hội, chính vì vậy anh Ghiềng cùng với những người nông dân trên địa bàn thị trấn đã rao bán trên facebook, zalo, các chợ online… hoặc vận dụng các mối quan hệ quen biết nhờ bán hộ để chanh leo không bị ứ đọng. Nhờ năng động, sáng tạo trong việc tìm đầu ra cho chanh leo nên thu đến đâu người dân bán hết đến đó tuy nhiên giá thành chỉ ở mức từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.

Chia sẻ những khó khăn với nông dân địa phương, anh Phong Văn Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Chanh leo là một trong những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn. Đến nay, thị trấn trồng 4,9ha chanh leo, hiện đang cho thu hoạch. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty Nafoods không tiến hành thu mua chanh leo của người dân vì không vận chuyển đi được, do vậy, đây cũng là thời điểm khó khăn của những người nông dân trồng chanh leo. Hiện, chúng tôi cử cán bộ đi kiểm tra diện tích chanh leo đang cho thu hoạch, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân tiếp tục duy trì việc chăm sóc cây chanh leo, mở rộng việc bán lẻ chanh leo ra thị trường để tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Đồng thời, mong muốn Công ty Nafoods có những giải pháp hữu hiệu mang tính lâu dài để cùng người nông dân tìm đầu ra ổn định cho chanh leo, để người dân yên tâm trồng và chăm sóc cây trồng này”.

Trên 10ha xoài Đài Loan tại xã Quài Nưa và Pú Nhung cho thu hoạch vụ đầu tiên

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo phối hợp với CTCP Trung ương kiểm tra chất lượng xoài Đài Loan.

xoai.jpg

Công ty Cổ phần (CTCP) Giống rau hoa quả Trung ương phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo thu mua xoài Đài Loan tại xã Quài Nưa và Pú Nhung.

 

Sản lượng thu hoạch tại 2 xã Quài Nưa và Pú Nhung đạt 5 - 7 tấn; trong đó, 70% đạt loại 1, 30% đạt loại 2. Với giá thu mua loại 1 là 7.000 đồng/kg; loại 2 là 5.000 đồng/kg. Diện tích trồng xoài Đài Loan là Dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Tuần Giáo triển khai thực hiện tại 18 xã, bắt đầu trồng từ năm 2017 với tổng diện tích trên 250ha (hiện trên 10ha tại xã Quài Nưa và Pú Nhung đã cho thu hoạch vụ đầu tiên).

Theo đánh giá của CTCP Giống rau hoa quả Trung ương, sau 3 năm triển khai trồng xoài Đài loan tại xã Quài Nưa và Pú Nhung cây xoài phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã, chất lượng quả đạt tương đối tốt, quả to đều, trọng lượng đạt từ 8 lạng đến 1kg (trung bình 1 cây cho thu hoạch 10 quả). CTCP Giống rau hoa quả Trung ương sẽ phối hợp với các Hợp tác xã trên địa bàn 18 xã liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Triển vọng từ mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ ở Đà Bắc

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình trồng cây dược liệu tại xã Yên Hòa đã đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây là mô hình có nhiều triển vọng được huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chú trọng nhân rộng trong thời gian tới.

 

cay-duoc-lieu.jpg

Mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ tại xã Yên Hòa (Đà Bắc) bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, khí hậu mát mẻ nên huyện Đà Bắc có nhiều tiềm năng về phát triển các loại cây dược liệu. Thấy được những tiềm năng đó, năm 2019, anh Lê Văn Nhân, quản lý sản xuất Hợp tác xã (HTX) dược liệu Big Farm đã quyết định lên xã Yên Hòa thuê đất để trồng cây dược liệu. Anh Nhân chia sẻ: Những ngày đầu lên đây, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để thuyết phục bà con cho thuê đất trồng cây. Cây dược liệu không giống cây lương thực, nếu không bán được thì không thể để dành ăn dần. Vì lo ngại việc trồng cây sẽ thất bại, hầu hết người dân không mấy mặn mà khi chúng tôi đặt vấn đề thuê đất. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, đến tháng 5/2020, chúng tôi đã thuê được diện tích đất đồi và bắt đầu trồng 5 ha cây dược liệu. Ban đầu, chủ yếu trồng các loại cây như: Sâm đại hành, cà gai leo, đương quy, hà thủ ô, cát sâm, đan sâm. Lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi trồng thêm một số loại cây thảo dược thương mại để chế biến thành các loại trà hoa, trà thảo mộc bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Thấy được hiệu quả kinh tế thiết thực từ trồng cây dược liệu mang lại, đến nay, bà con xã Yên Hòa đã tạo điều kiện cho HTX thuê đất với tổng diện tích trên 11 ha để mở rộng vùng trồng và sản xuất. HTX cũng tạo công việc thường xuyên cho 14 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lường Văn Xứng, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Trồng cây dược liệu phù hợp điều kiện đất đai ở địa phương. Ngoài diện tích đất bà con đã cho HTX thuê, xã còn có nhiều tiềm năng để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Chủ tịch UBND xã khẳng định, cấp ủy Đảng, chính quyền xã luôn ủng hộ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến đầu tư mô hình mới để thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, chính quyền và người dân sở tại mong muốn doanh nghiệp quan tâm về an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm hơn nữa cho người dân trên địa bàn xã. Cùng với đó là chế biến, xây dựng sản phẩm có thương hiệu tại địa phương để tạo hiệu quả kinh tế bền vững, lâu dài.

Đánh giá về mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ, ông Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là hướng đi mới mà huyện Đà Bắc chỉ đạo, vận động doanh nghiệp, Nhân dân tiếp tục phối hợp, mở rộng diện tích canh tác để tạo việc làm cho lao động địa phương, Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt từ 25 - 30 ha. Để làm được điều đó, huyện sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng cây dược liệu và công nghệ chế biến dược liệu, khuyến khích phát triển các loại cây dược liệu có nguồn gốc bản địa.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top