Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2019 | 10:36

Tin NN Tây Bắc: Sông Mã đẩy mạnh trồng cây vụ đông

Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông 2019, huyện Sông Mã (Sơn La) đã thực hiện nhiều giải pháp, áp dụng kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng vụ đông vào thâm canh tăng vụ để nâng cao thu nhập.

cay-vu-dong.jpg

Người dân bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) chăm sóc cây vụ đông. Ảnh: Báo Sơn La

 

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Ngay sau khi thu hoạch vụ mùa, Phòng đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các xã, thị trấn thực hiện phương án sản xuất; thực hiện tốt việc tổ chức phát động ra quân làm vụ đông với phương châm chỉ đạo: “Thu hoạch lúa mùa đến đâu triển khai ngay việc làm đất, gieo trồng ngay cây vụ đông đến đó, phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất”.

Đến nay, huyện đã gieo trồng được gần 300 ha cây vụ đông, gồm: 220 ha rau màu, đậu đỗ các loại; 70 ha ngô; 6 ha khoai các loại, tập trung tại các xã Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương...

Chiềng Khoong là xã có diện tích cây trồng vụ đông nhiều nhất huyện. Đến nay, xã đã trồng được trên 50 ha rau màu các loại, tập trung tại các bản: Púng Kiểng, Khoong Tợ, Hải Sơn... Ông Phạm Văn Duyên, bản Hải Sơn, cho biết: Gia đình tôi tập trung sản xuất rau an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của thị trường và được các HTX, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm mang tính bền vững. Với hơn 6.000 m² cải bắp, đậu đỗ, hành, tỏi và rau thơm các loại..., tính ra, cây vụ đông đã đem lại thu nhập cho gia đình tôi gần 50 triệu đồng/vụ.

Việc đẩy mạnh và mở rộng diện tích sản xuất cây trồng vụ đông đang là hướng đi tích cực trong chuyển đổi cây trồng, sản xuất thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Cao Sơn vào mùa thu hoạch dong riềng

Về xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình) những ngày cuối tháng 11, trải dài khắp thung lũng, dưới chân đồi là một màu xanh của dong riềng. Thời điểm này, nông dân rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ dong riềng, nguyên liệu chính sản xuất miến dong. 

 

dong-gieng.jpg

Nông dân thu hoạch dong riềng. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Năm nay, diện tích trồng dong riềng của xã đạt hơn 260 ha. Mùa thu hoạch củ dong riềng ở Cao Sơn bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc trước Tết Nguyên đán.

Trồng 1 ha dong riềng có giá trị thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa nương. Hiện, xã chủ yếu trồng giống dong riềng DR1 là giống mới có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao trung bình, ít đổ, củ nạc, đồng đều, ruột trắng, phù hợp với điều kiện sinh thái của xã Cao Sơn, được nông dân ưa chuộng. Năng suất đạt từ 65-70 tấn/ha, tỷ lệ tinh bột cao 13,5-16,4%, sử dụng để chế biến tinh bột, ăn tươi hoặc làm thức ăn gia súc. Chất lượng củ DR1 rất thích hợp cho yêu cầu chế biến tinh bột ẩm làm miến dong.

Trung bình trồng 1 ha dong riềng đầu tư khoảng từ 15-20 triệu đồng. Cây phù hợp với đất núi nên phát triển tốt, cho năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, sau 10 tháng cho thu hoạch, 1 ha thu được 60 tấn củ tươi, với giá bán như hiện nay cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận thu khoảng 70 triệu đồng.

Ngày mùa, tư thương đến tận xã thu mua về để sản xuất miến dong. Một số bà con trong xã tận dụng bã dong riềng sau khi lấy tinh bột để làm thức ăn cho trâu, bò. Từ cây dong riềng, nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, nhiều người trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Theo ông Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã, những năm gần đây, diện tích trồng dong riềng ở Cao Sơn dao động từ 250 - 300 ha/năm. Đây được coi là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con. Có những thời điểm, người dân coi dong riềng không chỉ là cây giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu. Xã sẽ phát triển ổn định diện tích cây dong riềng. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hiện nay, cơ sở sản xuất miến dong Khương Thưởng đăng ký là sản phẩm OCOP của địa phương.

Thận trọng khi đầu tư, nhân rộng mô hình trồng sả

Trong những năm qua, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) luôn định hướng cho người dân phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa các mô hình, phát triển các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế để nâng cao hiệu quả.

 

giam-ngheo.jpg

Một lò chưng cất tinh dầu sả của người dân xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Trong đó, đáng chú ý là cây sả Java mới được người dân đưa vào trồng trên đất dốc, đất bạc màu khoảng hơn 2 năm nay. Bước đầu cây sả đã đem lại nguồn thu nhập khá hấp dẫn vì dễ trồng, dễ chăm sóc nên đang được nhiều hộ dân trồng và nhân rộng. Tuy vậy, việc nhân rộng diện tích trồng sả cần hết sức cân nhắc vì có thể sẽ gặp rủi ro về đầu ra của sản phẩm.

Không giống như mô hình trồng sả ở tỉnh Sơn La hoặc một số địa phương khác, người dân được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lá sả để làm nguyên liệu chế biến với giá thu mua tương đối ổn định, thu nhập khoảng trên 30 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân Nậm Pồ trồng sả tự phát, không có doanh nghiệp bao tiêu nên phải tự chiết suất lấy tinh dầu rồi đem đi bán cho một số thương lái ở khu vực biên giới. Mặt khác giá thu mua cũng không ổn định, có lúc bán được hơn 600 nghìn đồng/lít nhưng cũng có lúc chỉ bán được hơn 400 nghìn đồng/lít.

Ðể chiết suất lá sả thành tinh dầu, một hoặc một vài hộ dân phải đầu tư lò hấp thủ công có giá từ 30 - 40 triệu đồng/lò. Mỗi mẻ hấp từ 6 - 8 giờ thì mới cho ra khoảng 8 - 10 lít tinh dầu sả. Khi chúng tôi tìm hiểu về mô hình trồng sả ở xã Nà Hỳ thì thấy người dân ở đây khá hào hứng và kỳ vọng về loại cây trồng mới này. Cây sả dễ trồng, không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều mà lại có thể trồng ở mọi chỗ mọi nơi: Trên đất dốc, đất bạc màu, trong vườn nhà và thậm chí người dân trồng cả ở ven đường, ven suối...

Mặt khác, khi trồng sả người dân chỉ phải đầu tư trồng một lần rồi lúc thu hoạch thì cắt lấy lá đem sấy, sau đó cây lại tiếp tục phát triển và cho thu hoạch, trong khoảng 4 - 5 năm mới phải trồng lại. Chính vì vậy mà khi một số hộ dân trồng và có thu nhập thì lại tiếp tục mở rộng diện tích và phổ biến cho những hộ khác. Hiện nay, chỉ tính riêng ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ đã có 15 hộ trồng sả với khoảng trên 10ha.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ðây là mô hình mới, người dân tự trồng và chế biến vì thấy bước đầu nó đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, huyện cũng đã khuyến cáo đến các xã để người dân cân nhắc việc mở rộng diện tích và đầu tư lò thủ công chiết suất tinh dầu. Vì đây là một loại cây dược phẩm kén đầu ra, trong khi đó lại chưa có địa chỉ đầu ra ổn định nên rất dễ gặp rủi ro nếu thương lái ngừng thu mua hoặc ép giá.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đang tìm hiểu và liên hệ với các đơn vị có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm đầu ra cho cây sả. Tuy vậy, khi chưa có đầu ra bảo đảm thì người dân vẫn cần thận trọng khi quyết định đầu tư và mở rộng diện tích để tránh những rủi ro không đáng có.

Tuyên Quang: Đưa chăn nuôi trâu, bò thành hàng hóa theo chuỗi liên kết

Chăn nuôi trâu, bò hiện đang là một trong những ngành hàng quan trọng của nông nghiệp Tuyên Quang. Chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi, đảm bảo nâng cao giá trị chăn nuôi.

 

chan-nuoi.jpg

Khu vực chăn nuôi trâu của Hợp tác xã Toàn Dũng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Ảnh: báo Tuyên Quang

 

Anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chuyển đổi từ nuôi lợn sang chăn nuôi trâu, bò được 2 năm nay. Năm 2017, sau chuyến tham quan mô hình chăn nuôi gia súc ở Hải Dương, anh quyết định chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo. 6.000 m2 đất trồng mía kém hiệu quả, anh Cảnh chuyển đổi sang trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Từ 2 con đầu tiên, giờ mỗi lứa anh Cảnh nuôi từ 8 - 10 con trâu, bò các loại. Sau khoảng 3 tháng vỗ béo, anh Cảnh lãi khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/con.

Giám đốc Hợp tác xã Tiến Quang Lê Văn Thứ cho biết, thành công của mô hình này được minh chứng ở số lượng thành viên không ngừng tăng lên mỗi năm. Nếu như năm đầu tiên khởi động (2017) chỉ có 7 thành viên tham gia, chăn nuôi 9 con trâu, thì sau 2 năm, đã có 35 thành viên tham gia, tổng đàn là 350 con. Nuôi theo chuỗi liên kết này, mỗi tháng 1 hộ chăn nuôi trong hợp tác xã có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, một con số không hề nhỏ với những người nông dân nơi đây.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong 3 năm (2017 - 2019), Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã cung ứng 2.345 con trâu, bò cho 20 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Sau thời gian nuôi vỗ béo từ 2,5 đến 3 tháng, trừ chi phí lãi bình quân 4 - 5 triệu đồng/con trâu và 2,5 - 3 triệu đồng/con bò.

Muốn phát triển chăn nuôi hàng hóa cần liên kết mở rộng. Hợp tác xã Minh Quang, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang) đang bắt tay với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành chăn nuôi 12 con trâu. Khác với các hợp tác xã khác, ngoài chăn nuôi trâu nhốt chuồng, Hợp tác xã Minh Quang mở rộng sang cả chăn nuôi trâu sinh sản để chủ động nguồn con giống.

Anh Phan Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, qua một thời gian chăn nuôi từ dê, lợn, anh nhận thấy việc chăn nuôi trâu nhốt chuồng là có lãi hơn cả. Đàn trâu được cho ăn đầy đủ, tiêm phòng các loại vắc xin trước khi bàn giao cho hộ chăn nuôi nên khả năng chống chịu dịch bệnh tăng. Hiện, Hợp tác xã Minh Quang đang xây dựng khu vực nuôi giun quế để nuôi thêm gà, vịt. 

Tổng đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 141 nghìn con, trong đó, tổng đàn trâu là gần 102 nghìn con, đàn bò trên 35,6 nghìn con, còn lại là đàn bò sữa. Để chủ động nguồn thức ăn, các địa phương đã trồng trên 4.000 ha cỏ voi, VA06, Ghine, ngô… làm thức ăn, với sản lượng tương ứng trên 39,5 nghìn tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong những năm tiếp theo ngành tiếp tục hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi tập trung trên tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top