Mấy năn gần đây, cây chanh leo trồng trên đất Mường Do, huyện Phù Yên (Sơn La) phát triển tốt, năng suất cao, đem lại nguồn thu ổn định, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá.
Người dân bản Tường Han, xã Mường Do (Phù Yên) chăm sóc vườn chanh leo. Ảnhh: Báo Sơn La
Sau gần 3 năm “nhập cư” về xã Mường Do, cây chanh leo đã khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác và trở thành cây trồng chủ lực của xã. Từ 30 ha trồng thử nghiệm năm 2017 do huyện hỗ trợ 100% tiền giống và một phần chi phí mua cọc dựng giàn, đến nay, toàn xã đã có 120 ha cây chanh leo, trong đó 80 ha đã cho thu hoạch. Riêng năm 2019, bà con tiếp tục đầu tư trồng mới khoảng 40 ha.
Trao đổi với chúng tôi về việc trồng cây chanh leo, ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do chia sẻ: Cây chanh leo có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, sau 6 tháng trồng đã cho thu hoạch quả, giúp người dân nhanh thu hồi được vốn đầu tư; chỉ trồng một lần nhưng thu hoạch liên tục trong vòng 3 - 4 năm. Được các cơ quan chuyên môn của huyện, Công ty cổ phần NaFoods Tây Bắc chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, nên cây chanh leo trên địa bàn xã phát triển tốt. Riêng lứa thu hoạch đầu tiên của mùa vụ năm nay, toàn xã đã thu trên 60 tấn quả, trị giá gần 500 triệu đồng.
Tường Han là bản trồng nhiều chanh leo ở xã Mường Do. Ông Lường Văn Sáng, Bí thư Chi bộ bản Tường Han, chia sẻ: Toàn bản hiện có gần 70 hộ trồng trên 55 ha cây chanh leo, trong đó 10 ha mới trồng năm nay. Những ngày đầu thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong bản chỉ có một vài hộ tham gia mô hình trồng chanh leo thử nghiệm, chủ yếu vẫn trồng xen với cây ngô. Sau đó, nhận thấy hiệu quả kinh tế, bà con đã chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cây chanh leo.
Sau gần 3 năm, cây chanh leo gần như đã phủ kín những khu đất trống và đất nương bạc màu của bản. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng trở lên/năm từ trồng chanh leo như các ông: Lường Văn Xính, Hà Văn Điếm, Lường Văn Lâm... Riêng gia đình tôi, từ năm 2017 đến nay, cùng với sự hỗ trợ từ huyện, đã đầu tư khoảng 45 triệu đồng để trồng 1,6 ha chanh leo. Lứa đầu tiên của vụ chanh leo năm nay, gia đình đã thu gần 8 tấn quả, với giá bán khoảng 10 nghìn đồng/kg quả thường, 35 - 40 nghìn đồng/kg quả chất lượng cao (quả chọn để xuất khẩu), có ngày cao điểm, gia đình thu hơn 10 triệu đồng từ chanh leo.
Bí xanh Tìa Dình thành cây chủ lực
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018 - 2020, xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông, Điện Biên Phủ) lựa chọn bí xanh là sản phẩm chủ lực; đồng thời đây cũng là 1 trong 4 sản phẩm được huyện Ðiện Biên Ðông lựa chọn, xác định là cây trồng chủ lực để đầu tư, phát triển.
Người dân bản Chua Ta A chăm sóc cây bí xanh. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Từ năm 2018 trở lại đây, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Tìa Dình chú trọng phát triển, mở rộng diện tích trồng bí xanh theo hướng hàng hóa. Vụ đầu tiên năm 2018, xã Tìa Dình đã vận động người dân trồng được 6,8ha bí xanh, tập trung chủ yếu tại 2 bản Chua Ta A và Chua Ta B.
Qua tổng kết, cây bí xanh cho năng suất, sản lượng cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Ông Giàng A Xìa, cán bộ khuyến nông xã Tìa Dình cho biết: Trung bình 1ha bí xanh đạt năng suất từ 6 - 8 tấn quả (tùy thuộc vào thời tiết, kỹ thuật chăm sóc của người dân). Năm 2018, với 6,8ha người dân 2 bản Chua Ta A và Chua Ta B đã bán khoảng 70 tấn bí xanh; giá bán trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nếu so sánh với các loại cây trồng khác như: Ngô, lúa nương, sắn… thì bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.
Hiệu quả kinh tế cao nên năm 2019 UBND xã Tìa Dình khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Ðiển hình như gia đình anh Giàng Nhè Hạ, bản Chua Ta A đã chuyển đổi gần 500m2đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng bí xanh; gia đình anh Giàng Sái Hạ, bản Chua Ta A đã trồng gần 1ha bí xanh...
Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Năm 2019, xã Tìa Dình được huyện giao chỉ tiêu trồng 10ha bí xanh. Ðến nay qua thống kê sơ bộ, đã có gần 15ha bí xanh được người dân 2 bản Chua Ta A và Chua Ta B trồng (chưa kể những diện tích nhỏ lẻ của người dân các bản khác trồng). Năm 2018, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao từ trồng bí xanh; trung bình mỗi héc ta bí xanh cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng. Một ưu điểm nữa của bí xanh là cây trồng ngắn ngày (thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 120 ngày), kỹ thuật chăm sóc đơn giản; có thể trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác.
Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Cùng với 3 sản phẩm là khoai sọ, nếp tan, lạc đỏ thì bí xanh Tìa Dình được huyện lựa chọn là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, có thể mang lại giá trị kinh tế cao, vì vậy huyện đã trình UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh sách tổ chức thực hiện. Năm 2018, huyện đã thực hiện dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bí xanh giữa các hộ dân với Hợp tác xã CCO nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông và Doanh nghiệp Hoa Ba (TP. Ðiện Biên Phủ) với quy mô tiêu thụ dự kiến 80 tấn/năm.
Năm 2019, huyện sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh lấy mẫu đất, nước xét nghiệm và ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn. Trên cơ sở đó, khuyến khích các hộ dân, hộ kinh doanh trên địa bàn thành lập các hợp tác xã và ký hợp đồng thu mua với người trồng bí. Mục tiêu là sản phẩm bí xanh Tìa Dình không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh, thành khác.
Quang Bình chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa
Nhiều năm nay, những nông dân chân chất trên mảnh đất Quang Bình (Hà Giang) vẫn coi “con trâu là đầu cơ nghiệp” giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá. Nhưng từ khi Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh ban hành và đi vào cuộc sống gắn với thực hiện Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa của tỉnh đã tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô chăn nuôi.
Chăn nuôi trâu theo hình thức gia trại phát triển mạnh tại thị trấn Yên Bình. Ảnh: Báo Hà Giang
Tính đến hết năm 2018, huyện Quang Bình có trên 766 hộ được giải ngân vốn vay ưu đãi với số tiền hơn 81 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, phù hợp trồng các loại cỏ làm thức ăn cho đại gia súc, đa số người dân mạnh dạn mua trâu về chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Nhờ đó, tổng đàn trâu không ngừng tăng, đến nay đạt 22.903 con; trên địa bàn huyện có 11 gia trại nuôi trâu quy mô từ 15 - 30 con; chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, đàn trâu tăng tự nhiên 81 con, xuất chuồng 33.750 tấn thịt hơi; diện tích trồng cỏ 1.322 ha.
Anh Hoàng Văn Viễng, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên bày tỏ: “Năm 2016, gia đình được vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để mua 5 con trâu nuôi sinh sản. Đồng thời, huyện hỗ trợ giống cỏ về trồng làm thức ăn dự trữ cho gia súc vào mùa khô, khan hiếm cỏ tươi; nhà tôi tự nhân rộng thêm 2 ha cỏ.
Cán bộ xã thường xuyên xuống tuyên truyền, tiêm phòng vắc - xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng theo định kỳ nên đàn trâu phát triển ổn định, sinh sản được 7 nghé con. Bình quân mỗi năm gia đình xuất bán 2 con trâu, giá thấp nhất đạt 15 triệu đồng/con. Số tiền đó, tôi dùng vào những nhu cầu lớn như: Sửa sang nhà cửa, mua giống gà, lợn; trồng chè phát triển kinh tế, phấn đấu vươn lên thành hộ khá trong thôn”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quang Bình cho biết: “Dựa vào kết quả thực tế sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh; những cơ sở thuận lợi của Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa của tỉnh, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, đưa tốc độ tăng trưởng đạt 3%/năm.
Đặc biệt, tiếp tục triển khai chương trình phát triển chăn nuôi hàng hóa theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh; nhân rộng chương trình thụ tinh nhân tạo với các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi trâu, bò như: Bằng Lang, Xuân Giang, Tân Bắc… để nâng tầm vóc, chất lượng đàn trâu, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng”.
Hòa An: Trồng thử nghiệm gần 3ha ớt xuất khẩu tại xã Hồng Việt
Được Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Môi trường Hà Nội chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, từ tháng 5/2019, huyện Hòa An (Cao Bằng) đã đưa vào trồng thử nghiệm gần 3 ha ớt xuất khẩu tại xã Hồng Việt.
Cây ớt xuất khẩu trồng tại xã Hồng Việt đang trong giai đoạn chín rộ. Ảnh: Báo Cao Bằng.
Đây là mô hình được triển khai theo phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không dùng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình trồng, chăm sóc ớt, 30 hộ dân thực hiện tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái quả.
Đến nay, cây ớt đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 2 tấn/ha, với giá bán trung bình 15 nghìn đồng/kg ớt tươi, mỗi ha ớt cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.