Khoai sọ Cụ Cang được trồng tại bản Cụ và bản Cang của xã Chiềng Ly (Thuận Châu, Sơn La) là đặc sản nổi tiếng với hương vị thơm ngon, ngọt, bùi đặc trưng, ít có loại khoai nào sánh bằng.
Những năm gần đây, nhận thấy giá trị và hiệu quả kinh tế từ loại cây này, người dân các xã trên địa bàn đã lấy giống khoai sọ Cụ Cang về trồng, dần hình thành các vùng trồng khoai sọ với quy mô lớn.
Sản phẩm khoai sọ của HTX Hưng Thịnh được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Báo Sơn La.
Đang là thời điểm chính vụ, khoai sọ Thuận Châu được bày bán dọc 2 bên quốc lộ 6 đoạn qua xã Muổi Nọi, Thị trấn và xã Chiềng Ly (Thuận Châu). Những củ khoai sọ to bằng bát ăn cơm, đóng trong từng thùng, rọ với trọng lượng từ 5 - 10 kg để khách qua đây mua về thưởng thức hoặc làm quà. Mặc dù là nơi sản sinh ra loại khoai sọ nức tiếng, nhưng giờ đây ở bản Cụ, bản Cang của xã Chiềng Ly, diện tích khoai sọ không nhiều, khoai được bày bán chủ yếu là giống khoai sọ Cụ Cang được người dân ở các xã của huyện mua về trồng và nhân rộng.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây khoai sọ, nhiều HTX trên địa bàn huyện Thuận Châu đã xây dựng vùng trồng khoai sọ tập trung với quy mô lớn, quy trình sản xuất an toàn. Điển hình như HTX Hưng Thịnh ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi đã liên kết với Tổ hợp tác Huổi Kép của xã Nậm Lầu xây dựng vùng trồng khoai sọ giống Cụ Cang với quy mô 6 ha, sản lượng trung bình hàng năm ước đạt 100 tấn.
Ông Lương Quốc Huy, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, cho biết: HTX lựa chọn khoai giống đảm bảo chất lượng, toàn bộ quy trình, kỹ thuật chăm sóc khoai sọ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra các sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX tăng cường quảng bá sản phẩm qua các hội chợ nông nghiệp của huyện, của tỉnh để kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách trồng, thu hoạch và bảo quản khoai, bảo đảm sản phẩm sạch và an toàn.
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Hiện nay, huyện Thuận Châu có hơn 120 ha khoai sọ, sản lượng năm 2018 ước đạt 1.440 tấn. Khoai sọ được trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Ly, Chiềng Bôm, Nậm Lầu và Muổi Nọi. Năm 2018, huyện Thuận Châu đã Công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu”, đây là dấu mốc quan trọng tạo dựng nên thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm khoai sọ Thuận Châu.
Để hướng đến phát triển khoai sọ bền vững, trở thành sản phẩm đặc sản thương hiệu của địa phương, huyện Thuận Châu cần tiếp tục quan tâm quy hoạch vùng sản xuất khoai sọ, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng cũng như sản lượng khoai sọ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, người dân sản xuất khoai sọ theo chuỗi, nâng cao giá trị khoai sọ Thuận Châu.
Ðiện Biên Ðông trước nguy cơ mất mùa
Vụ mùa năm nay, huyện Ðiện Biên Ðông (Điện Biên) gieo cấy trên 7.200ha lúa, trong đó lúa nương trên 5.000ha, còn lại là lúa ruộng. Do thời tiết nắng nóng khô hạn kéo dài, người dân xuống giống muộn so với khung lịch thời vụ nên dù tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhưng đến thời điểm trổ bông, nhiều diện tích lúa bị cháy lá, chết khô khiến năng suất, sản lượng bước đầu được đánh giá là rất thấp so với những năm gần đây. Ðặc biệt, có đến trên 20% diện tích lúa được xác định sẽ mất trắng, khiến nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu lương thực.
Cán bộ nông nghiệp xã Chiềng Sơ kiểm tra diện tích lúa bị thiệt hại. Ảnh: Báo Điện Biên
Ðến xã Chiềng Sơ những ngày này, người dân đang thu hoạch lúa vụ mùa. Nhưng khác hẳn với khí thế vui tươi, rộn ràng thường thấy ngày thu hoạch, năm nay người dân Chiềng Sơ lại phải đối mặt với nỗi lo thiếu đói ngay trong vụ gặt.
Ông Lò Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ cho biết: Vụ mùa năm 2019 xã gieo cấy 983ha (lúa nước 155ha, lúa nương 828ha). Tuy nhiên, trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhiều diện tích lúa đã bị thiệt hại nặng, nhất là lúa nương, bởi qua thống kê sơ bộ, diện tích lúa nương toàn xã bị thiệt hại lên đến 70%. Tổng diện tích thiệt hại của vụ mùa 2019 trên địa bàn xã Chiềng Sơ cho đến thời điểm này đã lên đến 361ha, trong đó trên 200ha lúa nước và lúa nương của xã được xác định đã mất trắng.
Ông Quàng Văn Chiêng, Trưởng bản Cang, xã Chiềng Sơ chia sẻ: Vụ mùa năm nay, bản gieo cấy trên 800ha. Thời gian đầu, hầu hết diện tích lúa phát triển tốt, người dân phấn khởi, tích cực đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, làm cỏ, tỉa giặm… với hi vọng sẽ có một vụ lúa năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực cho gia đình và cộng đồng. Thế nhưng, khi cây lúa trổ bông cũng là thời điểm nắng nóng, khô hạn nhất, độ ẩm không khí quá thấp làm cho bông lúa không đậu hạt được, tỷ lệ bông lép chiếm trên 70%; một số diện tích bông lúa dù chín nhưng tỷ lệ bạc bông chiếm trên 30%; 25% diện tích lúa của bản Cang không trổ bông được. Nói rồi ông Chiêng chỉ lên vạt nương đã ngả sang màu xám nâu phía trước mặt và bảo: Ðơn cử như vạt nương của gia đình anh Lò Văn Tưới với 2ha lúa nương đều đã bị cháy nắng, khô héo không trổ bông.
Theo ghi nhận của cán bộ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông, tại thời điểm cây lúa trổ bông, có nhiều biểu hiện bất thường như: Bông lúa vừa nhú ra khỏi đòng đã bị xám đen, khi bông lúa vươn cao thì bị khô bạc trắng rồi chết dần. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xã phối hợp với người dân tiến hành thăm đồng, kiểm tra tình hình, tổng hợp báo cáo lên huyện để xác định bệnh của lúa. Tuy nhiên thời điểm làm đòng, trổ bông là giai đoạn nhạy cảm trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, dễ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo nên cơ quan chuyên môn cũng chưa tìm được biện pháp để can thiệp.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng cây lúa chết khô, không trổ bông xảy ra ở hầu hết các xã của huyện Ðiện Biên Ðông, trong đó thiệt hại nhiều nhất là các xã ở vùng thấp như: Chiềng Sơ, Mường Luân, Luân Giói, Keo Lôm và Na Son. Các xã vùng cao không khí lạnh hơn, độ ẩm cao nên tỷ lệ diện tích lúa bị mất mùa ít hơn, tuy nhiên năng suất, sản lượng dự kiến giảm đáng kể so với năm 2018.
Ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðến thời điểm này, người dân vẫn đang thu hoạch nên chính quyền huyện chưa có số liệu thống kê tình hình lúa mùa thiệt hại của từng địa bàn, chưa có báo cáo tổng hợp và kế hoạch, phương án cụ thể. Tuy nhiên, nguy cơ mất mùa là hiện hữu. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền huyện đang khẩn trương hướng dẫn, vận động người dân tập trung thu hoạch các diện tích lúa không bị ảnh hưởng để đảm bảo năng suất, sản lượng. Ðối với những diện tích cây lúa bị thiệt hại, huyện đề nghị UBND các xã tiến hành thống kê đầy đủ để có phương án xử lí, khắc phục; vận động người dân tận dụng phụ phẩm của lúa hỏng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ðồng thời chuẩn bị các phương án nhằm hỗ trợ, cứu đói những hộ, địa bàn bị thiệt hại lớn.
Những cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật ở Trấn Yên
Thói quen của nhiều nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ bao bì, chai lọ thường vứt bỏ bừa bãi trên các cánh đồng làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe người dân. Để thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên (Yên Bái) phát động phong trào xây dựng bể bê tông đựng vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng ở tất cả các địa phương trong huyện.
Một bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Báo Đáp (Trấn Yên). Ảnh: Báo Yên Bái
Xã Báo Đáp có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.400 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp gần 1.200 ha, chiếm hơn 84%, gồm các loại: đất lâm nghiệp, đất trồng cây hàng năm, đất lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và trồng rau màu các loại. Để nâng cao ý thức của người sử dụng và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa nhân dân đóng góp, đến nay, xã Báo Đáp xây dựng được hơn 100 bể chứa rác thải thuốc BVTV đặt tại các cánh đồng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân tập kết rác thải.
Chị Ngô Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: "Từ khi có các bể chứa vỏ thuốc BVTV ý thức của người dân trong xã đã được nâng cao. Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực tuyên truyền vận động bà con trong các buổi họp thôn để mọi người dân hiểu hết lợi ích của việc thu gom loại rác độc hại này…”.
Cũng như các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, mỗi vụ lúa hay vụ rau màu, gia đình anh Nguyễn Văn Phượng ở thôn Đình Xây đều phun các loại thuốc BVTV để phòng chống sâu bệnh. Các loại thuốc BVTV có hai dạng sử dụng là chai lọ hoặc bao bì ni lông.
Trước đây, phun xong thì vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV người dân thường vứt ngay tại ruộng hoặc bỏ gần kênh mương tưới tiêu, dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và mọi người.
Anh Phượng chia sẻ: "Sau khi các bể thu gom đưa vào sử dụng tôi cùng người dân trong khu không vứt bừa bãi như trước mà tập trung cho vào bể. Có bể thu gom ngay tại đồng ruộng rất tiện và đảm bảo vệ sinh môi trường cũng an toàn, sạch sẽ hơn”.
Xã Việt Thành có tổng diện tích đất tự nhiên 1.432 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp gần 300 ha, chủ yếu là đất trồng dâu, gieo cấy lúa và cây rau màu. Thực hiện phong trào cánh đồng không vỏ thuốc BVTV, xã Việt Thành đã xây dựng được gần 40 bể chứa vỏ, bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng. Toàn bộ rác thải, vỏ gói thuốc BVTV đã được người dân bỏ vào các bể thu gom và được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Từ khi triển khai xây dựng bể chứa rác thải thuốc BVTV trên các cánh đồng đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Trên cánh đồng, đã không còn tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt là các loại vỏ thuốc BVTV, phân bón”.
Với quyết tâm không còn vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, hướng đến nông nghiệp sạch, bền vững, trong những năm qua, huyện Trấn Yên đã phát động phong trào xây dựng bể chứa vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng tại tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Từ các nguồn đóng góp của nhân dân, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đến nay đã có gần 1.000 bể chứa vỏ thuốc BVTV được xây dựng.
Các điểm đặt bể chứa được đặt ở vị trí thuận tiện giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Ước tính, từ khi triển khai thực hiện đến nay đã thu gom được hàng tấn bao bì thuốc BVTV gồm: chai nhựa, thủy tinh, túi ni-lông… đã qua sử dụng.
Thông qua việc xây dựng bể thu gom rác thải thuốc BVTV trên cánh đồng sản xuất nông nghiệp, mô hình cơ bản thu gom hiệu quả rác thải thuốc BVTV, đảm bảo môi trường đồng ruộng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản và sức khỏe cho người nông dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, cùng chung sức xây dựng môi trường xanh vì sức khỏe cộng đồng.
Mường Thải phát triển cây ăn quả
Mùa này, về xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La), dọc hai bên đường là những vườn cam, quýt, bưởi trĩu cành, vàng óng đang vào vụ thu hoạch. Từ việc phát triển cây ăn quả, nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập khá, đời sống ngày càng nâng cao.
Vườn cây ăn quả của gia đình anh Đinh Văn Phấn, bản Thải, xã Mường Thải (Phù Yên). Ảnh: Báo Sơn La
Xã Mường Thải hiện có 229 ha cây ăn quả các loại, gồm: Cam, quýt, bưởi, nhãn, xoài, vải... trong đó, 100 ha đã cho thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn quả/năm, tập trung ở các bản: Văn Phúc Yên, Khe Lành, bản Thải, bản Chiếu... Để giúp người dân phát triển cây ăn quả, hằng năm, xã mời cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho các hộ dân.
Được sự hỗ trợ của huyện và xã, các hộ dân trên địa bàn đã liên kết thành lập HTX Trồng cam Văn Yên, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại các tuần lễ nông sản, ngày hội nông sản do huyện, tỉnh tổ chức để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả, điển hình như hộ các anh: Đỗ Văn Ích, bản Văn Phúc Yên thu nhập 700 triệu đồng/năm; Đỗ Văn Tuấn, bản Văn Phúc Yên thu nhập 350 triệu đồng/năm; Triệu Văn Mừng, bản Khe Lành thu 300 triệu đồng/năm...
Cùng cán bộ Hội Nông dân xã Mường Thải thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phấn, bản Văn Phúc Yên (xã Mường Thải). Năm 2011, gia đình chị Phấn chuyển 1,5 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng trên 700 gốc cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn. Để cây ăn quả phát triển tốt, gia đình chị thực hiện bón phân một lần/tháng, tưới nước đầy đủ; khi cây có biểu hiện bị sâu bệnh dùng thuốc bảo vệ thực vật trừ bệnh kịp thời cho cây. Chị Phấn chia sẻ: Do khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp, nên cam đều quả, vỏ mỏng, mọng nước và ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch 30 tấn quả, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi 400 triệu đồng/năm. So với trồng ngô, sắn thì trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Hợp tác xã Trồng cam Văn Yên, bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, cho biết: HTX có 8 thành viên, quy mô sản xuất 15 ha, với các loại cây chủ lực là cam đường canh, cam Vinh, quýt ngọt, bưởi Diễn, chanh đào... Sản lượng đạt 300 tấn quả/năm. Sản phẩm của HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, thực hiện yêu cầu nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, cải tạo đất, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, HTX đã mở rộng liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; thu nhập bình quân của thành viên đạt 500 triệu đồng/năm.
Từ việc phát triển cây ăn quả, đời sống người dân xã Mường Thải đã có bước khởi sắc. Trong thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả; tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.