Hiện, Văn Bàn (Lào Cai) thu hoạch đạt trên 20 tấn củ/ha, với giá bán bình quân khoảng 5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí người dân thu về khoảng 50 triệu đồng/ha.
Vụ đông năm 2018, huyện Văn Bàn trồng trên 110 ha khoai tây, tập trung ở các xã Dương Qùy, Hòa Mạc, Làng Giàng.
Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nên cây khoai tây ở Văn Bàn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch củ khoảng 3 tháng. Khoai tây thu hoạch về được bán cho doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã được ký kết từ trước.
Điện Biên: Quy hoạch phát triển cây mắc ca theo hướng đại điền
Hiện, toàn tỉnh có 2.169ha cây mắc ca, trồng tập trung trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ; trong đó các doanh nghiệp tham gia trồng 1.563ha; còn lại 606ha là diện tích do hộ gia đình, cá nhân trồng theo các chương trình, dự án của địa phương hoặc tự trồng.
Ðến nay, hầu hết diện tích cây mắc ca đã cho thu hoạch. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế cây mắc ca cao hơn hẳn so với một số cây trồng khác. Nếu chăm sóc tốt, sau 3 - 4 năm cây mắc ca sẽ cho sản lượng quả tươi trung bình đạt 9,4 tấn/ha. Doanh thu từ năm thứ 8 trở đi trung bình đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha.
Trước nhu cầu phát triển cây mắc ca của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối lớn; nhằm đảm bảo tính thống nhất trong định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Ðề án Phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trên địa bàn 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo với quy mô trồng khoảng 26.000ha và diện tích quy hoạch khoảng 35.000ha. Việc quy hoạch, mở rộng diện tích trồng mắc ca với mục đích làm cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, đảm bảo đưa cây mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với phát triển thành hàng hóa.
Với những chính sách ưu đãi về thuế; miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; được Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp thuê để trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật… đến nay đã có một số doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư phát triển cây mắc ca.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm công nghệ cao thuộc Tập đoàn TH, quy hoạch 6.000ha tại các xã Na Cô Sa, Nà Khoa, Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và đầu tư Phú Thịnh quy hoạch khoảng 9.000ha tại xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên), Nà Hỳ, Nậm Chua (huyện Nậm Pồ); Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc quy hoạch 10.000ha tại huyện Mường Nhé; Công ty Cổ phần Maccadamia đề xuất điều chỉnh diện tích trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 4.000ha.
Ông Trần Khoa Phương, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 3 dự án (trong đó 2 dự án đầu tư mới của Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Phú Thịnh tại huyện Ðiện Biên và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Mắc ca Tây Bắc tại huyện Mường Nhé; 1 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư tại huyện Tuần Giáo của Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên), với diện tích gần 16.000ha.
Thời gian tới, trên cơ sở định hướng phát triển mắc ca theo Ðề án, UBND tỉnh tiếp tục xem xét, cho chủ trương đầu tư trồng cây mắc ca tại huyện Nậm Pồ cho 2 dự án nữa, với quy mô diện tích gần 11.000ha, gồm 2 nhà đầu tư: Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Phú Thịnh và Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao thuộc Tập đoàn TH.
Tỉnh không khuyến khích người dân tự mở rộng, phát triển cây mắc ca; còn đối với những diện tích cây mắc ca tiểu điền, do người dân đã tự trồng từ trước thì khuyến khích ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp (được tỉnh cho triển khai dự án) để đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Lóng Luông: Trồng chanh leo đạt 100 triệu đồng/ha/vụ
Bén duyên với đồng đất xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) mới hơn 2 năm (từ năm 2017), nhưng cây chanh leo được đánh giá là hợp đất và khí hậu, nên sản phẩm đạt chất lượng tốt, giúp người dân trong xã từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nông dân xã Lóng Luông (Vân Hồ) chăm sóc vườn chanh leo của gia đình. Ảnh: Báo Sơn La.
Tìm hiểu về mối duyên của cây chanh leo với vùng đất này, chúng tôi được ông Trần Đức Hiển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, cho biết: Năm 2017, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ (khi ấy còn là Trạm Khuyến nông huyện) đã liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, đồng thời vận động người dân ở một số bản trong xã Lóng Luông tham gia trồng thử nghiệm 4 ha cây chanh leo. Các hộ tham gia trồng thử nghiệm được cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc và kỹ thuật viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn tỉ mỷ từ việc làm đất, làm giàn, trồng cây, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch quả...
Nhưng đây là loại cây trồng mới, quy trình chăm sóc có nhiều sự khác biệt so với trồng ngô, trồng lúa nương, nên người dân tham gia trồng thử nghiệm có nhiều bỡ ngỡ. Do đó, trong vài tháng đầu trồng thử nghiệm, cây phát triển chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, khi người dân đã nắm được kỹ thuật chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt, lứa quả trồng thử nghiệm đầu tiên cho sản lượng gần 100 tấn quả. Điều đáng nói là, cây trồng này cho thu quả liên tục từ 8-10 tháng trong năm, việc thu hái cũng thuận tiện, không phải chạy theo mùa vụ như cây trồng khác.
Hơn 2 năm qua, cây chanh leo đã cho thấy hiệu quả trong phát triển kinh tế. Về xã Lóng Luông bây giờ, có thể dễ nhận thấy những giàn chanh leo xanh ngát ở ngay hai bên quốc lộ 6. Dừng chân tại vườn cây chanh leo của gia đình ông Tếnh A Chiu, bản Săn Cài (Lóng Luông), chúng tôi được gia đình ông Chiu mời nếm thử quả chanh leo vừa mới thu hoạch.
Ông Chiu hồ hởi chia sẻ: Trước đây, nhà tôi chỉ quen với trồng ngô và một số loại cây trồng truyền thống, năng suất càng ngày càng thấp vì đất bạc màu, vì vậy, gia đình chỉ mong có đủ ăn chứ không dám nghĩ đến việc làm giàu. Từ khi chuyển sang trồng cây chanh leo, tôi nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông huyện cùng Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, nên cây rất sai quả. Hơn nữa, sản phẩm làm ra được Công ty bao tiêu toàn bộ với giá bán ổn định từ 15-20 nghìn đồng/kg. Nhờ vậy, gần 1 ha cây chanh leo của gia đình tôi cho thu nhập cả trăm triệu đồng vụ vừa qua.
Từ những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế mà cây chanh leo đem lại, xã Lóng Luông hiện đang có định hướng mở rộng diện tích trồng cây chanh leo trên địa bàn xã, tạo bước đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho hay: Hiện nay, diện tích trồng cây chanh leo của xã đã đạt gần 40ha. Thu nhập từ những hộ trồng chanh leo đạt 100 triệu đồng/ha/vụ. Thời gian tới, xã định hướng phát triển trồng cây chanh leo chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy chế biến quả đang được triển khai xây dựng trên địa bàn hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Đồng thời, hướng tới việc trồng cây chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị quả chanh leo Lóng Luông trên thị trường.
Hiệu quả từ mô hình trồng sắn dây
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này gia đình anh Đào Duy Tân ở khu 1, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì khẩn trương thu hoạch sắn dây. Theo giá thị trường hiện tại, sắn tươi có giá 10.000 – 12.000 nghìn đồng/kg, bột sắn khô có giá 150 - 200 nghìn đồng/kg, 130 bui sắn dây của anh Tân sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng/vụ.
Anh Tân chia sẻ: Lúc đầu anh được Hội nông dân xã đưa đi thăm quan mô hình trồng sắn dây ở Sơn Tây, Hà Nội và Hải Dương. Sau khi nghiên cứu, học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn dây và được cung cấp giống, anh đã đem những gốc sắn dây đầu tiên về trồng trên đất bãi Sông Lô với hy vọng tạo ra một mô hình phát triển kinh tế mới cho địa phương. Sau khi cải tạo gần 1 mẫu đất, đầu tư gần 50 triệu đồng để ươm giống, giàn leo cho sắn dây, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau 1 năm cây sắn dây cho thu hoạch, năng suất cao. Theo anh Tân, sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, phù hợp với đất màu, đất bãi, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc.
Theo kinh nghiệm học được, anh đã thay đổi cách trồng truyền thống mà thực hiện theo cách giâm đoạn dây to, mập gần gốc cho mọc mầm rồi chiết cây, để ra rễ mới đem trồng, phương pháp này cho năng suất cao, củ sắn nạc, nhiều bột và không bị xơ.
Từ thành công ban đầu mô hình trồng sắn dây của gia đình anh Tân đã mở ra hướng phát triển cây trồng mới cho bà con nông dân tại địa phương. Ông Đào Quang Huy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Lô cho biết: Những năm qua, xã đã tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ cho người dân đưa vào trồng 1 số loại cây chủ lực như chuối, măng tây, đu đủ, bưởi… hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao. Tuy nhiên, mô hình trồng sắn dây của anh Tân cho thấy đây là loại cây trồng phù hợp, chi phí thấp, thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn nhưng lại cho năng suất cao và tiêu thụ dễ hơn các loại sản phẩm khác, do đó đây cũng là mô hình có thể nhân rộng trên địa bàn, mang lại thu nhập cho người dân.
Chiêm Hóa trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon
Lạc là một trong những cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập cho người dân huyện Chiêm Hóa với tổng diện tích 1.925 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng lạc, huyện đã ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất bằng việc triển khai mô hình trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon.
Ngành chức năng kiểm tra mô hình lạc che phủ nilon tại xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa). Ảnh: Báo Tuyên Quang
Mô hình trồng lạc che phủ nilon được huyện Chiêm Hóa triển khai thí điểm 45 ha tại 4 xã Yên Nguyên, Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang vụ đông năm 2018. Qua theo dõi nhận thấy mô hình trồng lạc che phủ nilon có nhiều ưu điểm, cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, cỏ mọc và đảm bảo giữ ẩm, giữ ấm về mùa đông.
Ngoài ra, phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; lạc trồng theo mô hình này rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 10 - 15 ngày, lạc phát triển đều, sai củ, cho năng suất cao hơn 20%. Từ hiệu quả mang lại, vụ xuân 2019 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã nhân rộng lên 132,4 ha lạc trồng theo phương pháp che phủ nilon tại 11 xã. Toàn bộ kinh phí bạt che phủ được huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình nông thôn mới.
Thời tiết diễn biến phức tạp, mùa đông rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến các cây trồng, do đó trong thời gian tới, huyện Chiêm Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt và triển khai thực hiện phương pháp trồng lạc che phủ nilon. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về cách trồng, chăm sóc cây lạc theo đúng quy trình kỹ thuật, đưa cây lạc trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.