Dự kiến từ tháng 7 đến tháng 9/2018, hai địa phương trồng nhãn lớn nhất miền Bắc là Sơn La và Hưng Yên sẽ tổ chức nhiều sự kiện quan trọng nhằm xúc tiến tiêu thụ nhãn niên vụ 2018.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), niên vụ nhãn 2018 của các tỉnh miền Bắc sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9. Thời tiết cuối năm 2017 ở miền Bắc thuận lợi cho cây nhãn phân hóa mầm hoa, tỷ lệ đậu quả đạt 95%, chất lượng tốt, dự báo sản lượng nhãn sẽ được mùa. Hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc là Sơn La với 7.826ha nhãn cho thu hoạch/12.257ha diện tích trồng nhãn; tỉnh Hưng Yên với 4.200ha cho thu hoạch/4.340ha diện tích trồng nhãn.
Những năm gần đây, việc sản xuất nhãn đã được tỉnh Sơn La và Hưng Yên chú trọng nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGAP...
Với tỉnh Sơn La, địa phương có 60 hợp tác xã (HTX) trồng nhãn trên diện tích 950,5 ha. Trong đó, 12 HTX được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 238,1 ha, sản lượng ước tính 1.594,5 tấn; đồng thời được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN với diện tích khoảng 61,35 ha, sản lượng khoảng 500 tấn.
Hiện Sơn La đang duy trì được 27 chuỗi quả an toàn, trong đó 13 chuỗi sản xuất nhãn an toàn với 457 ha, sản lượng 4.012 tấn. Với tỉnh Hưng Yên, đã được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP cho 3 vùng nhãn với diện tích 62 ha; được cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu vào Mỹ với diện tích trên 70 ha.
Từ đầu niên vụ, Bộ NN&PTNT đã chủ động, tổ chức làm việc với các địa phương, xây dựng các kịch bản chăm sóc, tiêu thụ nhãn. Hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên đã rất chủ động, có kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ nhãn niên vụ 2018.
Với tỉnh Sơn La, dự kiến địa phương sẽ tổ chức tuần lễ nhãn và nông sản an toàn năm 2018 từ ngày 14 - 20/7, ngày hội nhãn Sông Mã từ 28 - 30/7, hội nghị xúc tiến xuất khẩu và hội chợ nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La năm 2018 từ 30/8 - 8/9. Các sự kiện này sẽ diễn ra tại tỉnh Sơn La.
Tại Hà Nội, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La từ 19 - 22/7, 10 - 12/8, 17 - 19/8, 24 - 26/8; hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn và tuần lễ nhãn, nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 từ ngày 3 - 10/8/2018. Sự kiện Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn La, Việt Nam năm 2018 từ 27 - 30/7/2018 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc.
Với tỉnh Hưng Yên, dự kiến địa phương sẽ tổ chức hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hưng Yên trong 2 ngày (khoảng từ 10 - 20/7, thời điểm nhãn sớm được thu hoạch); lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 từ 30/7 - 5/8; hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và các sản phẩm nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2018 trong 1 ngày (trong khoảng 30/7 - 5/8, thời điểm nhãn sớm được thu hoạch); phiên chợ nhãn lồng (2 ngày, trong khoảng 15 - 19/8). Các sự kiện này sẽ được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên.
Ngoài ra, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong 1 ngày (trong khoảng từ ngày 10 - 20/8).
Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn năm 2018
Ngày 14/7, nhân dịp khai trương Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup tổ chức Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn năm 2018 nhằm quảng bá, xúc tiến sản phẩm nhãn và nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La năm 2018.
Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn năm 2018 được tổ chức tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La sẽ diễn ra từ ngày 14 đến hết ngày 20/7, với 6 gian hàng và hơn 12 sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Sơn La do các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Mường La, Thuận Châu và Thành phố sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm nông sản, gồm: Nhãn, xoài, chanh leo, thanh long ruột đỏ, bơ, chuối, bưởi da xanh, cà phê... Đặc biệt, có 1 gian hàng của VinMart cũng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La.
Toàn tỉnh hiện có trên 12.000ha nhãn, sản lượng năm 2018 khoảng 62.000 tấn. Cây nhãn được trồng tập trung ở các huyện: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Mường La, với các giống nhãn ghép chất lượng cao, như: Nhãn chín sớm PHS99-1.1, PH-S99-1.2, nhãn chín muộn PH-M99-1.1, PH-M99-2.1. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng được 15 chuỗi sản xuất nhãn an toàn, với sản lượng hơn 4.000 tấn, trong đó có khoảng 2.000 tấn được sản xuất theo quy trình VietGAP và 500 tấn được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường: Úc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Hiện tại, đã có Công ty cổ phần Cánh đồng vàng, Công ty Agricare và Công ty Green Path… tham gia xuất khẩu nông sản.
Huyện Si Ma Cai triển khai trồng 60 ha cây rau bắp cải trái vụ
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã gieo ươm cây giống rau bắp cải để cung ứng đủ và kịp thời trồng 60ha rau trái vụ năm 2018.
Đây là năm thứ tư huyện Si Ma Cai triển khai trồng cây rau bắp cải trái vụ. Vụ rau năm nay, ngoài việc trồng loại giống rau bắp cải truyền thống, huyện còn lựa chọn một số loại giống mới có chất lượng, năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang tích cực làm đất và gieo được gần 1ha cây giống để chuẩn bị cung ứng kịp khung thời vụ, với chất lượng giống tốt nhất cho người dân.
Theo kế hoạch năm nay, huyện Si Ma Cai sẽ hỗ trợ kinh phí để trồng 60 ha cây bắp cải trái vụ, trong đó có 50 ha được hỗ trợ bằng ngồn vốn từ ngân sách huyện, 10 ha từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ. Người dân tham gia trồng rau bắp cải trái vụ sẽ được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Được biết, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã ký kết với nhiều đối tác để bao tiêu toàn bộ các sản phẩm rau trái vụ năm nay; đồng thời hướng đến việc xây dựng thương hiệu để tiến hành sản xuất trên quy mô lớn và có thể xuất khẩu mặt hàng này sang một số nước như Đài Loan, Nhật Bản.
Việc trồng cây rau trái vụ mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân, do vậy huyện Si Ma Cai cũng khuyến khích người dân mở rộng diện tích nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Lai Châu biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 – 2017
Hiện, Lai Châu có tổng số trên 30 nghìn hội vên NCT, trong đó trên 15.000 hội viên đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Trong giai đoạn 2012 - 2017, thực hiện Nghị quyết các cấp và hưởng ứng phong trào thi đua “NCT sản xuất, kinh doanh giỏi” do Trung ương Hội NCT Việt Nam phát động, Hội NCT tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền hội viên NCT phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng” tham gia lao động sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ đó, xuất hiện nhiều gương NCT điển hình trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ. Qua tổng kết và bình xét, toàn tỉnh có 226 NCT làm chủ trang trại, doanh nghiệp. Hơn 1.000 NCT đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó 43 NCT đạt danh hiệu cấp tỉnh, 270 NCT đạt cấp huyện và trên 600 NCT đạt cấp cơ sở...
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Hội NCT các cấp tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào thi đua “NCT sản xuất, kinh doanh giỏi”. Từ nay đến năm 2023, phấn đấu mỗi năm có từ 5 - 10% NCT đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi; năm 2023 toàn tỉnh có 1.200 - 1.300 NCT đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
NCT điển hình là ông Lù A Phủ, Chi hội NCT bản Sàn Phàng Cao, xã Khun Há, huyện Tam Đường làm giàu từ cây thảo quả. Năm 1990, ông đi học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc thảo quả của người dân tỉnh Lào Cai. Sau đó, mua hạt giống về gieo và nhờ anh em giúp ngày công trồng 8ha thảo quả dưới tán rừng. Đảm bảo năng suất, chất lượng thảo quả, ông vay ngân hàng 20 triệu đồng, thuê nhân lực làm cỏ, thu hoạch, sấy khô quả.
“Khi thấy gia đình tôi có thu nhập cao, ổn định sau mỗi vụ thu hoạch, dân bản nhờ giúp đỡ về giống, vốn, chia sẻ kinh nghiệm để trồng loại cây này. Tôi và gia đình nhiệt tình hướng dẫn bà con, đến nay đa số các gia đình trong bản đều trồng cây thảo quả và cho thu nhập ổn định”, ông Lù A Phủ chia sẻ.
Khi bà con đưa vào trồng đại trà cây thảo quả, thương lái đến mua thường ép giá sản phẩm sau khi sấy khô, ông tiến hành thu mua thảo quả cho bà con với giá thị trường. Do vậy, không chỉ khích lệ, động viên bà con chủ động chăm sóc để có những mùa thảo quả năng suất, chất lượng cao còn giúp gia đình ông thu nhập cao. Đến nay, vốn liếng của gia đình ông đã có 1,2 tỷ đồng (gồm cả trồng, thu mua thảo quả và chăn nuôi).
Yên Bái ngăn chặn sụt giảm diện tích chè
Diện tích chè của tỉnh hiện chỉ còn 8.510 ha, giảm 1.146 ha so với năm 2016. Trong đó, huyện Trấn Yên giảm 390 ha, Yên Bình giảm 484 ha, Mù Cang Chải giảm 171 ha, thành phố Yên Bái giảm 135 ha.
Nguyên nhân là do chè già cỗi, không được đầu tư chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và một phần diện tích giảm do thu hồi đất để làm các công trình giao thông, dân cư.
Để ngăn chặn sự suy giảm diện tích chè, năm 2018, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu ổn định diện tích chè khoảng 8.500 ha; trồng mới 150 ha chè Shan tại huyện Trạm Tấu và Văn Chấn; năng suất chè búp tươi đạt 95,79 tạ/ha; sản lượng đạt 75 nghìn tấn; trồng thay thế 200 ha diện tích chè già cỗi ở những nơi có diện tích trồng chè tập trung từ 5 ha trở lên tại các huyện vùng thấp.
Trước mắt, các địa phương tăng cường quản lý tốt quy hoạch phát triển vùng chè; kiểm tra, đánh giá và xây dựng phương án bảo vệ diện tích chè hiện có; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè nguyên liệu; tiếp tục thực hiện đề án phát triển chè Shan vùng cao và thực hiện trồng cải tạo chè vùng thấp; nhân rộng cơ sở trồng và chế biến chè an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP…
Phú Lương dồn sức cho sản xuất vụ mùa
Những ngày này, về các xã: Phấn Mễ, Tức Tranh, Động Đạt, Yên Đổ..., (Phú Lương, Thái Nguyên), sẽ cảm nhận được không khí lao động khẩn trương, hăng say của bà con trong việc đắp bờ, dẫn nước vào ruộng, vận chuyển phân chuồng, cày, bừa. Tiếng máy cày rền vang khắp các khu cánh đồng.
Ông Chu Văn Tâm, ở xóm Phố Giá 2, xã Phấn Mễ cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi gieo cấy 1 mẫu lúa với chủ yếu giống lúa Khang Dân 18 và Bao Thai. Nếu không vì thời tiết tuần trước quá nắng nóng thì gia đình tôi đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích. Đến nay, gia đình mới gieo cây được hơn 3 sào lúa trà vụ sớm. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tôi đã huy động toàn bộ nguồn nhân lực, vật lực trong gia đình để hoàn thành gieo cấy lúa đúng theo khung thời vụ đã được khuyến cáo...
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, huyện Phú Lương sẽ gieo cấy 3.360ha lúa, trong đó diện tích trà lúa mùa sớm đạt 50% tổng diện tích gieo cấy trở lên, còn lại là trà mùa trung và trà mùa muộn. Các loại giống chủ yếu được đưa vào gieo cấy là các giống lúa lai như: SL8H-GS9, B-TE1, TH3-5, Thịnh dụ 11, TH3-3, HKT99, Q.Ưu số 1, 27P31, PHB71, Kinh sở ưu 1588 và các giống lúa thuần: Bắc thơm số 7, HT1, Thiên ưu 8, ĐS-1, J02, Khang dân 18, DQ11, HT6, TBR225, Bao thai, nếp Vải, nếp Cái Hoa vàng. Huyện cũng đề ra kế hoạch trồng 303ha ngô (với các loại giống ngô lai: HN88, NK 4300, LVN4, LVN99, NK6654, CP333, CP999, DK8868...); trồng 37ha lạc, 18ha đậu tương, 15ha khoai lang và 170ha rau xanh các loại.
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra, ngay từ đầu vụ, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các trưởng xóm khuyến cáo và hướng dẫn người dân tập trung làm đất ngay sau khi gặt xong. Các xã, thị trấn cũng trực tiếp triển khai, thực hiện cơ chế hỗ trợ giá giống của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Ông Phạm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ cho biết: Vụ sản xuất này, xã được giao chỉ tiêu gieo cấy 390ha lúa, trồng 33ha ngô, 8ha lạc và 13 rau xanh. Ngay từ đầu vụ, xã đã thông báo chỉ tiêu kế hoạch sản xuất do huyện giao đến các xóm. Xã chỉ đạo tổ thủy nông thực hiện điều tiết nước kịp thời, đồng thời khuyến cáo người dân tập trung phương tiện, máy móc làm đất, gieo mạ... để hoàn thành gieo cấy đúng khung thời vụ.
Cũng ngay từ đầu vụ, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức được 16 lớp tập huấn thu hút khoảng gần 960 lượt người dân tham dự. Ngoài ra, Trạm còn triển khai các mô hình: giống lúa lai GS999, quy mô 10 sào, giống lúa lai GS16, quy mô 10 sào và mô hình lúa lai MHC2 quy mô 1 ha tại xóm Đồng Chằm tại xã Đồng Đạt; mô hình lúa lai SYN ND98, quy mô 10 sào tại xóm Cây Thị (xã Động Đạt); mô hình lúa thuần Đại Đồng, quy mô 6 ha tại 2 xóm Tiên Thông A, B (xã Yên Lạc)... Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại phân bón, giống lúa, ngô phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con. Trạm khai thác thủy lợi của huyện cũng đã xây dựng phương án và kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất kịp thời.
Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và PTNT huyện, xã đã chỉ đạo, tuyên truyền người dân đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất, trong đó khuyến cáo người dân mua các loại giống rõ nguồn gốc. Đến thời vụ gieo cấy, khuyến nghị bà con khẩn trương làm đất, bón lót phân chuồng, phân NPK để cấy trong khung thời vụ. Nhìn chung, vụ gieo cấy lúa mùa năm nay đang diễn ra khá thuận lợi. Sau đợt nắng nóng đợt tháng 7, bà con đã tranh thủ nguồn nhân lực, vật lực vào gieo cấy. Đến nay, bà con trong toàn huyện đã cấy được 40% diện tích lúa.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…