Cẩn thận với cây đàn hương; công bố chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh; nỗ lực trồng khoai lang Nhật là tin nổi trội trong tuần.
Gần đây ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), đã xuất hiện giống cây trồng mới, đó là cây đàn hương, loại cây bán ký sinh, được du nhập từ Ấn Độ, đang được trồng xen trong các vườn cà phê, cam, quýt của nhiều hộ dân xã Ea Nuôl.
Cây đàn hương trồng xen trong cà phê của ông Y Krih HWing (Buôn Đôn)
Ông Nguyễn Quang Tòa (thôn Hòa An, xã Ea Nuôl) là người đầu tiên đưa cây đàn hương về trồng thí điểm ở Buôn Đôn. Ông Tòa kể, năm 2015 khi nghe về cây đàn hương Ấn Độ, loại cây được mệnh danh là “vàng xanh" của tự nhiên, ông đã ra Hà Nội tìm gặp Tiến sĩ Vũ Thoại, người có nhiều năm học tập, làm việc tại Ấn Độ và đã đưa cây đàn hương về Việt Nam trồng thí nghiệm.
Được Tiến sĩ Thoại giúp đỡ, ông Tòa đã đưa cây đàn hương về trồng xen trong 2,5 ha vườn cam, quýt của gia đình. “Sau 4 năm, tôi thấy cây đàn hương phát triển rất tốt, thân đã bắt đầu hình thành lõi gỗ, trong khi ở Ấn Độ phải 7 - 8 năm mới được như vậy.
Hiện, vườn đàn hương của tôi đã được đưa vào diện theo dõi của Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF) để chuẩn hóa thành vườn cung cấp cây giống đầu dòng sau này”- ông Tòa nói.
Năm 2016, ông Y Krih Hwing (buôn Niêng, xã Ea Nuôl) cũng đã trồng xen 250 cây đàn hương vào vườn cà phê của gia đình. Ông cho biết, ông có 1,5 ha cà phê đã hơn 20 năm tuổi, cây già cỗi, mỗi vụ thu chưa đến 2 tấn cà phê nhân.
Nghe nói cây đàn hương là loại thực vật quý hiếm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên ông trồng xen 250 cây đàn hương vào vườn cà phê.
Cây đàn hương của ông Y Krih Hwing nay đã được gần 4 năm, chiều cao trên 3 m, đường kính gốc 10 cm. Năm vừa rồi, ông đã thu trên 1 tạ hạt đàn hương, bán với giá 400 nghìn đồng/kg, thu được 40 triệu đồng.
Ngoài ra ông còn bán lá non, và búp với giá 200 nghìn đồng/kg. Năm nay, ông tiếp tục đưa cây đàn hương trồng xen trong vườn điều. Hiện, người dân ở các xã Ea Nuôl, Tân Hòa và Ea Wer đã trồng xấp xỉ 50 ha cây đàn hương.
Ông Nguyễn Quang Tòa đã thành lập Công ty Cổ phần Phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên. Công ty của ông đã ươm 100 nghìn cây đàn hương giống, chuẩn bị xuất bán ra thị trường.
Số cây này đủ để trồng trên diện tích 300 ha. Một cây đàn hương giống đạt chuẩn được công ty bán với giá 80 nghìn đồng, để trồng 1 ha, số tiền mua cây giống tốn từ 30 - 36 triệu đồng.
Bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Buôn Đôn cho biết, đơn vị đã kiểm tra thực tế, thấy cây đàn hương phát triển tốt. Song, đây chỉ là sự chuyển dịch mang tính tự phát của người dân.
Hiện, chưa thể đưa cây đàn hương vào cơ cấu cây trồng, bởi chưa được đánh giá, khảo nghiệm một cách khoa học. Về tương lai, huyện mong muốn đưa cây này vào khảo nghiệm, để đánh giá kết quả bước đầu, sau đó mới nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây đàn hương mới nổi lên hai năm gần đây, hiện, đơn vị chưa nghiên cứu về loại cây này.
Đây là cây lâm nghiệp, có tác dụng bảo vệ môi trường và có giá trị dược liệu là chính. Do đó, muốn phát triển cây đàn hương, bà con nông dân nên tìm hiểu kỹ về loại cây này, nên trồng thử nghiệm xen canh với số lượng ít trên vườn rẫy của gia đình, không nên trồng ồ ạt, làm ảnh hưởng cây trồng khác.
Nếu liên kết với doanh nghiệp để trồng thì phải thông qua chính quyền địa phương để ký cam kết đảm bảo đầu ra sản phẩm, tránh trường hợp trồng ồ ạt như cây sa chi, chanh dây… trước đây.
Về giống cây đàn hương, hiện do một số cá nhân, đơn vị tự ươm và nhập từ nơi khác về bán, Nhà nước chưa kiểm soát được. Trong khi đó, giống đảm bảo là giống phải qua khảo nghiệm và được Nhà nước quản lý.
Với những nhận định của các nhà chuyên môn, thiết nghĩ, ngành chức năng cần sớm có đánh giá, định hướng cụ thể để nông dân không đánh mất cơ hội làm giàu, nhưng cũng không lâm vào tình cảnh trồng ra sản phẩm rồi không biết bán cho ai.
Đó là chưa nói đến việc họ mua phải giống cây kém chất lượng, bởi trên thị trường giống cây trồng này bắt đầu có hiện tượng bát nháo.
Theo Thạc sỹ Huỳnh Thị Thanh Thuỷ, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên, đàn hương là cây quý, giá trị kinh tế cao, và là cây đa tác dụng. Giá trị chính của cây đàn hương là tinh dầu và lõi gỗ.
Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả kinh tế, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường đầu ra, và cần thời gian theo dõi mới đủ minh chứng
Kon Tum: Công bố chỉ dẫn địa lý logo sâm củ Ngọc Linh
Sở Khoa học và Công nghệ công bố chỉ dẫn địa lý logo sâm củ Ngọc Linh Kon Tum.
Sâm củ Ngọc Linh được ví như “báu vật của đại ngàn”, là loài cây dược liệu vô cùng quý giá, với những phẩm chất dinh dưỡng tuyệt diệu đã tạo nên một “thương hiệu sản phẩm Quốc gia” có giá trị cao của tỉnh Kon Tum.
Lo go chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: QĐ
Logo chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh Kon Tum được thể hiện uốn lượn mềm mại, vươn mình đầy sức sống, hình tượng cây và củ sâm Ngọc Linh thể hiện là loài cây thượng hạng, có giá trị dưỡng chất đặc biệt tốt nhất trên thế giới.
Chữ “S” được tinh tế hình tượng hóa trong dáng uốn lượn quanh co của dòng sông Đăk Bla hiền hòa thơ mộng, kết hợp về tạo hình cùng chữ “sâm”, hai khối núi hiện lên mạnh mẽ, thể hiện hình ảnh núi Ngọc Linh - nơi sinh trưởng và phát triển duy nhất của cây sâm củ Ngọc Linh Kon Tum.
Cụm hoa đỏ của sâm củ Ngọc Linh bừng sáng như ánh hào quang mặt trời, thể hiện ý nghĩa cây sâm củ Ngọc Linh sẽ trở thành một loại cây trồng đặc biệt trong chiến lược phát triển nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh Kon Tum, hứa hẹn sẽ sớm trở thành “Quốc bảo” có một không hai của Việt Nam.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, chỉ dẫn địa lý logo cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh Kon Tum được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trồng tại địa bàn 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei.
Theo quy định, sản phẩm sâm củ Ngọc Linh khi đưa ra thị trường tiêu thụ phải có ít nhất từ 6 năm tuổi trở lên, có hàm lượng saponin đủ tiêu chuẩn; các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng logo phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý và các cam kết khác theo quy định của UBND tỉnh.
Việc công bố chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh Kon Tum góp phần định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia trồng và khai thác thương mại sản phẩm sâm củ Ngọc Linh có sự đầu tư bài bản, đúng hướng, chiến lược rõ ràng.
Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về giá trị tuyệt vời của sâm củ Ngọc Linh, với khách hàng trong nước, và quốc tế, xây dựng thương hiệu vững bền cho sâm củ Ngọc Linh Kon Tum.
Đắk Nông: Kỳ vọng vào sản xuất khoai lang Nhật Bản
Năm 2005, cây khoai lang Nhật Bản lần đầu tiên được trồng thử nghiệm tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông).
Sau 15 năm “bám rễ”, khoai lang Nhật Bản đã khẳng định vị thế, thương hiệu, trở thành đặc sản của Tuy Đức. Vì thế, Tuy Đức đang tập trung phát triển loại cây trồng này, nhằm nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập, đời sống cho người dân trên địa bàn...
Ông Trường chăm sóc hơn 1 ha khoai lang Nhật, với kỳ vọng được mùa được giá
Nhiều năm qua, cây khoai lang Nhật Bản đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Nguyễn Đình Trường, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức).
Ông Trường cho biết: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi đầu tư khoảng 40 triệu đồng, phát triển hơn 1 ha khoai lang Nhật Bản. Để có mùa vụ thắng lợi, tôi đã bám sát hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, hội nông dân… để chăm sóc khoai bảo đảm quy trình, từ khâu chọn giống đến lên luống, bón phân...Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật sẽ cho năng suất từ 12-18 tấn/ha”.
Theo ông Trường, từ năm 2012 đến nay, khi khoai lang Nhật Bản ở Tuy Đức đăng ký thương hiệu, giá trị đã cao hơn khoảng 30%. Những năm qua, giá bán dao động quanh mức 13.000 đồng/kg.
"Với kinh nghiệm của gia đình, sau 3 tháng sản xuất, trừ hết chi phí đầu vào, người dân bảo đảm có lãi từ 80 triệu đồng/ha trở lên. Hi vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu vụ, khoai lang Nhật sẽ được mùa được giá”, ông Trường cho biết.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT Tuy Đức, khoai lang Nhật ở Tuy Đức đã khẳng định vị thế, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Thế nhưng, việc phát triển khoai lang trong những năm qua, cũng bộc lộ một số hạn chế như: đất đai bị bạc màu, thoái hóa giống, năng suất, chất lượng giảm...
Để khắc phục giống, huyện Tuy Đức đang nhân rộng mô hình giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp cấy mô. Mặt khác, được sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, Tuy Đức đã xây dựng được những cơ sở bán giống khoai lang Nhật Bản chất lượng, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu cho người dân.
Đồng thời, huyện Tuy Đức cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân về cách luân canh cây trồng, để bảo đảm năng suất, chất lượng khoai lang.
Theo bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức: huyện đã có khoảng 200 ha, ngay từ đầu vụ, Phòng đã xuống tận đồng ruộng, hướng dẫn bà con sử dụng nguồn giống, phân bón chất lượng, nhằm bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả cho cả mùa vụ.
Đồng thời, đã hướng dẫn bà con phòng trừ hiểm họa sâu bệnh thường gặp, từ đó giúp bà con chăm sóc khoai tốt hơn.
"Năm nay thời tiết thuận lợi, bà con cũng như địa phương đặt nhiều hy vọng, sẽ có một vụ khoai lang Nhật được mùa, giá bán cao", bà Phượng kỳ vọng.
Cũng theo bà Phượng, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng, nhà khoa học xây dựng quy trình sản xuất khoai lang Nhật theo hướng bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặt khác, huyện cũng khuyến cáo, chỉ nên duy trì diện tích khoai lang ở mức khoảng 2.000 ha, để cung không vượt cầu.
Đặc biệt, huyện sẽ xây dựng các chuỗi liên kết, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho khoai lang Nhật Bản ở Tuy Đức.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.