Nhờ chủ động trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, hồ tiêu, đến nay, nhiều vườn mắc ca ở Gia Lai đã có thu hoạch cao, ổn định so các cây trồng khác.
Những năm gần đây, giá cà phê, hồ tiêu, cao su xuống thấp, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Để cải thiện thu nhập, nhiều hộ dân xã Hải Yang (huyện Đak Đoa) đã chủ động trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, hồ tiêu.
Hiện, nhiều vườn mắc ca đã cho thu hoạch cao so cây trồng khác. Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Gia Lai đã hỗ trợ giống, kỹ thuật cho xã Hải Yang, để xây dựng mô hình trồng mắc ca, xen trong vườn cà phê già cỗi.
Sau khi triển khai, thấy hiệu quả, nhiều hộ đã tự mua giống mắc ca về trồng. Ông Phạm Văn Vụ (thôn 3) cho biết: “Năm 2013, tôi mua 300 cây mắc ca, trồng xen vào 2 ha cà phê.
Năm 2016, mắc ca bắt đầu cho thu bói. Từ năm 2017 đến nay, sản lượng thu hoạch đều, tăng dần, cá biệt, có những cây phát triển tốt, cho thu hoạch 2 lần/năm”.
Cũng theo ông Vụ, riêng năm 2019, gia đình thu được 1 tấn quả, bán với giá 115 ngàn đồng/kg, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng.
Đặc biệt, chất lượng hạt mắc ca, được tư thương đánh giá cao hơn các vùng khác nên không lo đầu ra.
Theo ông Vụ, năm nay, gia đình dự kiến thu 1,5 tấn mắc ca. Với giá bán hiện tại 110 ngàn đồng/kg, gia đình ông sẽ bỏ túi trên 160 triệu đồng.
So với cà phê, trồng mắc ca cho hiệu quả cao hơn, chi phí đầu tư lại thấp. Chỉ cần giá mắc ca đạt trên 80 ngàn đồng/kg, là người trồng có thu nhập ổn định.
Tương tự, ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1) cho biết: Năm 2012 - 2013, giá mủ cao su xuống thấp, ông phá 4ha để trồng thuần mắc ca.
Thời điểm xuống giống, lại nghe ngành chức năng khuyến cáo không nên phát triển mắc ca, khiến gia đình không chuyên tâm đầu tư, chăm sóc. Do vậy, năm 2016, mắc ca cho thu hoạch thấp.
Vài năm trở lại đây, giá mắc ca ổn định ở mức cao, tiêu thụ dễ dàng, ông tập trung đầu tư. Năm nay, nếu mắc ca vẫn giữ mức 110 ngàn đồng/kg, ông sẽ thu hơn 400 triệu đồng.
Ông Đỗ Trung Tín, công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Hải Yang cho hay: Toàn xã hiện có 20 ha mắc ca, chủ yếu xen canh trong vườn cà phê và hồ tiêu chết.
Trong đó, 4 hộ trồng từ năm 2013, với diện tích 6 ha, đã được thu hoạch, năng suất đạt trên 1 tấn/ha, và bán với giá ổn định 110-120 ngàn đồng/kg.
Diện tích còn lại, trồng từ năm 2017 đến nay. Đặc biệt, trên địa bàn xã, đã có cơ sở thu mua, chế biến tinh dầu mắc ca, và các loại sản phẩm khác cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Đây là tiền đề để xã xây dựng Nông hội trồng mắc ca trong thời gian tới”-ông Tín cho biết.
Ông Diệp Đại Quốc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa, thông tin: “Trên cơ sở đề xuất của địa phương, từ nguồn vốn khoa học-công nghệ, trong năm nay, Trung tâm sẽ hỗ trợ cây giống mắc ca cho người dân để trồng xen khoảng 5 ha.
Qua đó, xã Hải Yang sẽ hình thành vùng nguyên liệu ổn định, tạo đà để xây dựng mắc ca thành sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Kon Tum: Người trồng rau lao đao vì Covid-19
Tác động của dịch Covid-19 và cung vượt cầu, khiến những hộ chuyên canh rau ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) lao đao. Nhiều hộ đã xử lý bằng cách “tặng” rau cho các nhóm từ thiện, hoặc nhổ bỏ.
Chị Phước giới thiệu rau an toàn VietGAP của Tổ HT Thắng Lợi. Ảnh: VN
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đến nay, nhiều nhà hàng, quán ăn... trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động, mức tiêu thụ rau giảm mạnh, các hộ sản xuất, kinh doanh rau ở phường Thắng Lợi (T.p Kon Tum) gặp khó do cung vượt cầu.
Anh Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thắng Lợi, cho biết, các hộ chuyên canh rau ở tổ dân phố 4 và Tổ hợp tác sản xuất rau VietGap Thắng Lợi, hiện khá yên ắng, không nhộn nhịp người ra vào trồng rau, chăm rau, tưới rau, mua bán rau... hay cười nói như trước đây.
Theo ông Nguyễn Quang Điệp - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn VietGap Thắng Lợi: Tổ hợp tác có 3ha rau an toàn VietGap. Chưa khi nào người sản xuất rau lại gặp khó như hiện nay.
Rau sản xuất ra, ít ai hỏi mua. Có hộ thuê người nhổ rau đem ra chợ bán, không đủ trả tiền công. Không tiêu thụ hết rau, nhiều hộ trong vùng chuyên canh rau phải nhổ bỏ, dù tiếc đứt cả ruột!
Ông Điệp cho rằng, sức tiêu thụ rau của Tổ hợp tác, cũng như của tổ dân phố 4, giảm là do nhà hàng, quán ăn, bếp ăn trường học, không còn mua rau như trước, sức tiêu thụ tại các cửa hàng của Tổ hợp tác cũng giảm. Các loại rau phải nhổ bỏ nhiều là xà lách, cải ngọt, rau gia vị.
“Đã có trên 40 hộ nhổ bỏ trên 4ha rau, nhiều nhất là ông Trịnh Ngọc Ái (5.500 m2 rau, gồm 4.500 m2 xà lách, 1.000 m2 cải ngọt), Nguyễn Văn Lộc (4.000 m2, gồm 2.000 m2 xà lách, 2.000 m2 cải), Nguyễn Xuân Lực (2.000 m2 xà lách...) - ông Điệp nhẩm đếm.
Riêng ông Điệp cũng có một số diện tích rau không tiêu thụ hết, nhưng ông không nhổ bỏ mà “tặng” các nhóm từ thiện, hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật tại T.p Kon Tum.
“Thành viên Tổ hợp tác Thắng Lợi, ít phải nhổ bỏ rau hơn, thiệt hại thấp hơn là do rau an toàn VietGap của Tổ hợp tác có địa điểm tiêu thụ ổn định; các hộ trồng rau được định hướng trồng nhiều chủng loại rau khác nhau”- ông Điệp lý giải.
Xót tiền của khi rau phải nhổ bỏ, ông Huỳnh Đức Tuấn (tổ dân phố 4, phường Thắng Lợi) than: Cũng tại Covid-19. Trước đây, việc sản xuất rau cũng có khi cung vượt cầu, nhưng chưa bao giờ bà con phải lao đao như năm nay.
Ví như, không bị tác động Covid-19, giá rau xà lách dao động từ 5-10 nghìn đồng/kg, thì nay chỉ còn khoảng 2 nghìn đồng/kg, không đủ trả tiền thuê công nhổ, nhưng bán cũng không có người mua.
Khổ nhất là người trồng xà lách, rau cải. Nếu rau gia vị không tiêu thụ hết, người trồng cắt bỏ chờ lứa sau, còn với rau xà lách, rau cải thì cắt bỏ đồng nghĩa là mất trắng. Vì vậy, nhiều hộ cày lấp đất lên để làm phân xanh cho lứa sau.
“Gia đình tôi trồng tất cả 2.000 m2 rau, thì có 1.000 m2 rau xà lách, cải ngọt không tiêu thụ hết nên phải nhổ bỏ. Tính ra, việc đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm cỏ... cho 1.000 m2 rau này khoảng 10 triệu đồng/vụ. Đau xót lắm!” - ông Tuấn xót xa kể.
Không chỉ người trồng rau, hộ kinh doanh rau an toàn VietGap cũng gặp khó khăn vì sức mua sụt giảm. Chị Vương Thị Phước - Cửa hàng rau an toàn (ngã tư Hoàng Văn Thụ - Ngô Quyền) than: Cửa hàng chuyên kinh doanh rau VietGap và các thương hiệu rau an toàn. Từ khi dịch Covid- 19 lan rộng, sức tiêu thụ sụt giảm 40% so ngày thường.
Trao đổi về tình cảnh của người trồng rau, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết, phường đang cho thống kê số hộ trồng rau bị ảnh hưởng Covid- 19 để báo cáo Thành phố.
Ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Hội Nông dân phường cũng chia sẻ, để hạn chế thiệt hại, bà con nên trồng nhiều chủng loại rau, tránh khủng hoảng thừa.
Lâm Đồng: Chuyện người trồng dâu nuôi tằm ở Tà Nung
Tà Nung, mảnh đất vùng xa của Đà Lạt (Lâm Đồng) vốn nổi tiếng với cây cà phê, đặc sản khoai lang mật. Nhưng nay, Tà Nung đang phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, và một tổ hợp tác (THT) đang đồng hành cùng nông dân gắn bó với nghề “tằm tang”.
Chị Liêng Hót Oanh, thành viên THT trồng dâu nuôi tằm Tà Nung, chị làm quen với cây dâu con tằm, được vài năm. Nghề nuôi tằm giờ rất nhàn, kỹ thuật cao, dâu năng suất cao, có nhiều loại công cụ nong, né hỗ trợ.
Chỉ cần 15-17 ngày là có một lứa kén, chỉ cần vài sào dâu, một người ở nhà, có thể nuôi được 1 hộp kén, đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Ngay trong Thôn 2 của chị, đã có nhiều nhà nuôi tằm, hỗ trợ nhau giống, cho mượn dâu, nong, né; được học kỹ thuật từ các thành viên trong THT và đến lượt mình, chị chia sẻ cho các hộ khác.
Chị bảo, quanh năm trồng cà phê, người K’Ho giờ mới làm quen với tằm, quen thời gian tằm ngủ tằm ăn, lên sàn lên né nhưng đã có nguồn thu nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Phạm Văn Kim, người nuôi tằm thâm niên nhất đất Tà Nung cho biết, ông vốn mang nghề “tằm tang” từ quê cũ vào Tà Nung. Ông trồng dâu từ năm 1995, và trong nhà thường xuyên có vài hộp tằm tuổi ăn, tuổi ngủ.
Ban đầu chỉ vài người nuôi, thấy kén giá ổn định, bà con dần dần phát triển diện tích dâu. Là người có kinh nghiệm, ông thường xuyên được bà con hỏi cách trồng dâu, con tằm ăn tuổi bốn, tuổi năm thế nào, làm sao để kén trắng, kén đẹp.
Vậy là những người trồng dâu nuôi tằm, tự đoàn kết lại, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn giống, kiến thức trồng dâu nuôi tằm. Và Hội Nông dân xã động viên thành lập THT với 29 thành viên, do ông Phạm Văn Kim làm tổ trưởng.
Ông Kim cho biết, quan trọng nhất là giúp nhau nâng cao chất lượng cây dâu con tằm. Trong tổ có người Kinh, người K’Ho, kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm người nhiều, người ít.
Vậy là người làm lâu, chỉ lại cho người mới, hướng dẫn kỹ thuật, cách đánh giá sức khỏe tằm, chất lượng dâu. Ông Kim thường xuyên có tổ viên gọi để tư vấn.
Ông cũng sẵn sàng tới nhà tổ viên, nhìn con tằm để biết bệnh gì, ngộ độc thuốc sâu, phân bón, hay bị ruồi đục thân... để hướng dẫn tổ viên cách xử lý.
Ông cho biết: “Chỉ một kinh nghiệm rất cơ bản như tằm con ăn gì, tằm ăn rỗi ăn gì, mà nhiều người mới nuôi không biết, cứ tưởng cho ăn lá dâu nào cũng được là sai.
Tằm ăn rỗi mà ăn lá dâu non, là thiếu dinh dưỡng, kén mỏng, năng suất thấp. Phải cho ăn dâu bánh tẻ, dâu già, dinh dưỡng đủ, con tằm mới khỏe, kén dày, đẹp, năng suất cao.
Nhiều kinh nghiệm chăn tằm được chúng tôi chia sẻ với nhau, giúp thành viên trong tổ, dù mới làm, hay lâu rồi đều sản xuất được kén trắng, chắc, giá tốt”.
Ngay kỹ thuật xử lý né gỗ, khay nuôi, từ phun khò diệt trùng, rửa, phơi khô... cũng được các thành viên chuyển giao cho nhau để đảm bảo vệ sinh, tằm không bệnh, không chết. Bà con còn chia sẻ nguồn tằm con, mua chung, chia bớt, bình quân hộ dư, hộ thiếu. Bởi vậy, dù THT mới thành lập, nhưng đã có 3 thành viên xin vào hoạt động, và nhiều hộ nữa, có ý định trở thành thành viên.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, cho biết, THT trồng dâu nuôi tằm hoạt động khá hiệu quả, thành viên đông, và tự nguyện sinh hoạt với nội dung thiết thực.
Vừa qua, Hội Nông dân cũng cho tổ mượn 100 triệu đồng, để thành viên mua tằm giống, dụng cụ: né gỗ, khay, giúp nhiều hộ có vốn phát triển vườn dâu tằm. Nhiều thành viên mở rộng diện tích dâu tằm cho thu nhập rất tốt.
Đặc biệt, THT đã thu hút được thành viên là người K’Ho, giúp bà con quen với giống cây trồng, vật nuôi mới, cho thu nhập hàng tháng, không còn phụ thuộc vào cà phê, và thêm nhiều gia đình ngày càng sung túc.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.