Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 4 năm 2020 | 11:44

Tin NN Tây Nguyên: Lâm Đồng cần giống tằm lưỡng hệ, năng suất cao

Lâm Đồng chiếm tới 80% diện tích nuôi tằm của cả nước, do vậy rất cần được quan tâm về giống tằm lưỡng hệ, năng suất cao, chất lượng tơ tốt.

Hiện, Lâm Đồng cần có giống tằm lưỡng hệ năng suất cao, chất lượng tơ tốt, thích nghi điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam. Là tỉnh trọng điểm về trồng dâu nuôi tằm của cả nước, chiếm tới 80% diện tích, nên rất cần các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tháo gỡ khó khăn.

 

tam-331.jpg

Lâm Đồng đang tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt trứng giống tằm     

 

Giống tằm lưỡng hệ được nhập 90% qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc (chủ yếu là giống LQ2), không được kiểm tra chất lượng, kiểm soát dịch bệnh, dẫn tới rủi ro cao.

Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, thì việc nhập giống tằm từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không triển khai được, càng làm thiếu giống tằm lưỡng hệ, đặc biệt là  Lâm Đồng.

Việc nhập khẩu chính ngạch giống tằm từ Trung Quốc vào Việt Nam để đảm bảo chất lượng trứng giống, an toàn dịch bệnh, vẫn đang trong giai đoạn đàm phán, xúc tiến thương mại, chưa được phía đối tác chấp thuận. Hơn nữa, Trung quốc chỉ bán tằm lai, không  bán tằm giống thuần.

Mặc dù đã có một số nghiên cứu, để lai tạo các giống lưỡng hệ kén trắng của Việt Nam, nhưng độ ổn định của các giống này chưa cao, tỷ lệ và chất lượng tơ còn thấp. Số lượng cũng chưa nhiều để cung cấp cho sản xuất.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Nguyễn Tạo, cho biết: Sau kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng gửi Bộ Nông nghiệp  PTNT về việc, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, cũng như địa phương, đang gặp khó do thiếu hụt trứng giống tằm.

Bộ NN và PTNT đã tổ chức hội nghị “Phát triển chăn nuôi tằm bền vững” ngày 6/3/2020 tại Lâm Đồng, để đánh giá tổng thể ngành dâu tằm tơ của Việt Nam, đưa ra giải pháp phát triển bền vững. 

Bộ NN và PTNT cũng đã cho phép kéo dài Dự án “Phát triển hệ thống giống tằm, dâu” và tiếp tục cho triển khai 3 đề tài nghiên cứu, trong đó có đề tài về giống tằm lưỡng hệ, kén trắng tại Lâm Đồng. 

Lâm Đồng là tỉnh trọng điểm về trồng dâu nuôi tằm, chiếm 80% diện tích dâu của cả nước. Vì vậy, Bộ NN và PTNT cũng đề nghị  Lâm Đồng, cần đánh giá lại thực trạng trồng dâu nuôi tằm, việc cung ứng, sử dụng giống tằm và sản xuất dâu tằm tơ. Từ đó, sẽ phối hợp với Bộ NN và PTNT xây dựng kế hoạch phát triển bền vững.

Được biết Bộ NN và PTNT đã có văn bản gửi các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, các bộ, ngành liên quan, và các cơ quan chức năng, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, trong việc nhập khẩu trứng tằm lưỡng hệ kén trắng.

Chỉ đạo Cục Thú y, Vụ Hợp tác quốc tế, các cơ quan có liên quan, đẩy nhanh tốc độ đàm phán, để có thể nhập chính ngạch giống tằm lưỡng hệ kén trắng của Trung Quốc. Kiểm soát tốt chất lượng trứng giống, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Cục Chăn nuôi, nghiên cứu để lai tạo các giống tằm cao sản thế hệ mới, chất lượng tốt, thích nghi điều kiện khí hậu Việt Nam, nhằm chủ động nguồn cung giống tằm lưỡng hệ kén trắng.

Nghiên cứu sản xuất giống tằm trong nước, kết hợp nhập khẩu giống tằm năng suất cao. Tiếp thu nhanh tiến bộ kỹ thuật cả về giống và công nghệ.

Khuyến khích ngành dâu tằm tơ sản xuất theo chuỗi sản phẩm, doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu. Nâng cao năng lực các cơ sở cung ứng giống tằm, dâu; từng bước hoàn thiện việc nhân giống, phát triển giống tằm, dâu. Khuyến khích các cơ sở nuôi tằm cấp II để cung cấp giống cho sản xuất.

Lạc Dương: Xúc tiến xây dựng thương hiệu "Hoa hồng Langbiang"

Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu “Hoa hồng Langbiang” ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương.

Nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt, nâng  giá trị thương mại của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hạn chế rủi ro về biến động giá...

 

hoa-391.jpg

 Hoa hồng Lạc Dương đang xây dựng thương hiệu “Hoa hồng Langbiang

 

Những năm gần đây, nghề trồng hoa hồng được nhiều bà con trong huyện Lạc Dương  phát triển. Bởi so các loại cây khác, hiệu quả từ hoa hồng vượt trội. Từ nghề trồng hoa áp dụng công nghệ cao, nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/ha/ năm.

Cách đây 7 năm, nhận thấy nhu cầu các loại hoa ngày càng tăng cao, nhất là hoa hồng, anh Hoàng Phúc, (Lạc Dương) đã chuyển đổi toàn bộ diện tích gần 5.000 m2, đang sản xuất nông nghiệp ngoài trời, để đầu tư nhà kính, trồng hoa hồng công nghệ cao.

Sau nhiều năm miệt mài, anh Phúc đã mở rộng diện tích lên  8.000 m2 hoa hồng trong nhà kính, lợi nhuận mỗi năm lên đến cả tỷ đồng. 

Theo anh Phúc, huyện Lạc Dương, đặc biệt là khu vực thị trấn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây hoa hồng.

Người dân chỉ cần đầu tư, trồng và chăm sóc đúng quy trình, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập rất cao. 

Hiện tại, 50% diện tích hoa hồng của anh Phúc, đang được thương lái, ký hợp đồng tiêu thụ, số còn lại, anh Phúc tự đóng hang, xuất đi TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Dương và TP Bảo Lộc.

“Trung bình giá mỗi cành hoa hồng dao động từ 1.300-1.500 đồng/cành/năm. Đây là mức giá đảm bảo cho người làm vườn luôn có lãi từ 700-800 đồng/cành.

Trong khi đó, những hộ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu quanh năm thì chỉ khoảng 1.100-1.300 đồng/cành. Ký hợp đồng bao tiêu một mức giá nhất định, có thấp hơn, nhưng cái lợi lớn là không bị ảnh hưởng lên xuống của thị trường”, anh Phúc nói. 

Hiện, Lạc Dương có trên 200 ha hoa hồng, 90% tập trung tại thị trấn Lạc Dương, còn lại ở một số xã như Đạ Sar, Lát, Đạ Nhim. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là, tình trạng ồ ạt chuyển đổi diện tích đất sang đầu tư nhà kính, để trồng hoa hồng, kéo theo sản lượng hoa tăng nhanh, trong khi sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. 

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương nhìn nhận, với nguồn thu nhập cao từ hoa công nghệ cao, nhiều hộ dân trở nên khá giả. Đây là thành quả lớn, từ khi hoa hồng bén rễ, dưới chân núi Langbiang. 

Theo ông Hưng, yếu điểm đầu ra cho cây hoa hồng chưa thực sự ổn định, bị thương lái chi phối. Mấy năm trước, vấn đề sản xuất an toàn, gắn xây dựng thương hiệu; liên kết sản xuất, đã đươc Lạc Dương xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển thương hiệu. 

Hiện, Phòng Nông nghiệp đang phối hợp với địa phương, nghiên cứu, xây dựng vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, đăng ký nhãn hiệu, để được cấp Giấy chứng nhận “Hoa hồng Langbiang”.

Việc đăng ký nhãn hiệu“Hoa hồng Langbiang” sẽ là tiền đề, cơ hội cho Lạc Dương xây dựng, phát triển sản xuất một cách bài bản, hiệu quả theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chất lương,  tăng độ đồng đều, giảm chi phí đầu vào, và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất...

Cùng với đó, các HTX, tổ hợp tác, hộ dân sau khi đăng ký và được cấp phép sử dụng nhãn hiệu, sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại... hướng đến phát triển cây hoa bền vững, hiệu quả cao.

 Gia Lai: Cần thay đổi thói quen “trồng chơi ăn thật" của cây điều

Với đặc tính không kén đất, chịu khô hạn, cây điều đã bén rễ  vùng đất Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) từ rất sớm và được người dân gọi là “cây xóa nghèo”.

 

đieu-991.jpg

Cây điều sau khi  ghép  rất nhiều quả .Ảnh:

 

Tuy nhiên, hầu hết các hộ trồng điều vẫn giữ quan niệm “trồng chơi ăn thật”, ít đầu tư chăm sóc. Vì vậy, huyện Chư Prông đã hỗ trợ giống, kỹ thuật, để bà con nâng cao hiệu quả sản xuất. Không chăm sóc... cũng có ăn

Cây điều được đưa về Ia Lâu và Ia Piơr cách đây hơn 20 năm. So các cây trồng khác, cây điều phát triển tốt hơn. Vì vậy, nhiều người quan niệm, trồng điều chẳng cần chăm sóc, bón phân... cũng có ăn.  

Do vậy, cây điều xã Ia Lâu, Ia Piơr chưa  mang lại giá trị cao. Anh Vi Văn Quảng (xã Ia Lâu) cho biết, trước đây, điều được trồng xen trong vườn.

“Tôi trồng 120 cây điều cạnh nhà, nhưng nghĩ chỉ trồng chơi, không bón phân, cắt tỉa cành, tưới nước. Khi thời tiết thuận lợi thì được mùa, còn không thì cũng chẳng mất gì”-anh Quảng chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Văn Biến ( xã Ia Piơr) trồng 3 ha điều năm 2000. Nhưng quan niệm “trồng chơi ăn thật”, nên chỉ phát quang bụi rậm, dọn cỏ vườn, để trồng xen cây mì.

Theo ông Biến, trước đây, cây điều cho năng suất vài tạ quả/ha, giá quá thấp. So với cây  khác, cây điều  không bằng.

Ông Hoàng Văn Long-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho biết: Toàn xã có khoảng 400 ha điều, chừng 20 năm tuổi, nhưng rơi vào cảnh “lẹt đẹt”, do người dân thiếu chăm sóc, thiếu kỹ thuật, có thời điểm bỏ mặc, chạy theo cây mới.

Theo thống kê của xã Ia Piơr, diện tích cũng xấp xỉ 400 ha, trồng rải rác, manh mún. Ông Bùi Văn Tiến-Phó Chủ tịch xã, cho hay: Năng suất điều phụ thuộc kỹ thuật canh tác của mỗi gia đình, nhưng chỉ đạt 8 tạ - 1,3 tấn/ha.

Vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng KHKT, lai ghép, chọn giống nên năng suất tăng rõ rệt.

Thực tế, giá điều luôn ổn định, có lúc cao, giúp nhiều hộ thu nhập khá. Ông Long cho biết: “Năm 2019, xã đưa nông dân đi tham quan, học hỏi kỹ thuật lai ghép, trồng, chăm sóc điều tại Bình Phước.

Người đi học về, truyền kinh nghiệm, kỹ thuật cho người ở nhà, hiện, bà con đã nắm vững kiến thức, kinh nghiệm, biết lai ghép điều

Điển hình, anh Vi Văn Quảng sau khi đi tham quan, đã hướng dẫn trồng, lai ghép điều già cỗi, cho 50 hộ. Ông Nguyễn Văn Chung (thôn Lũng Vân) cho hay, nhờ anh Quảng hỗ trợ, ông đã ghép 120 cây điều già cỗi.

Hiện, điều hiện sinh trưởng, phát triển tốt, và có ưu điểm, khoảng 2 năm đã cho thu hoạch, mất ít thời gian hơn trồng cây nhỏ;  giúp bà con tiết kiệm chi phí, thời gian chăm sóc.

Ông Lưu Hoàng Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Chư Prông-cho biết: Huyện có 2.000 ha điều, riêng xã Ia Piơr, Ia Lâu khoảng 800 ha. Dù cây điều đã thích ứng  tốt, nhưng vẫn chưa được xem là cây trồng chính.

Về lâu dài, chỉ duy trì diện tích hiện có, tập trung hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, tuyển chọn giống. Năm 2018- 2019, đã hỗ trợ giống cho nông dân trồng 129 ha tại 6 xã.

Riêng Ia Lâu, năm 2019, được hỗ trợ 6.400 cây giống, chủ yếu giống: PN1, AB29 năng suất cao, khả năng thích ứng tốt với khí hậu địa phương.

Theo ông Hưng, việc thay đổi quan niệm “trồng chơi ăn thật” của bà con rất khó, nhưng khó nhất là việc kiểm soát diện tích. Ngoài ra, người trồng điều còn bị thương lái ép giá, do chưa có doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm. Khi giá điều lao dốc, rất dễ làm bà con dao động phá vườn, chạy theo cây trồng khác.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top