Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 3 năm 2020 | 20:30

Tin NN Tây Nguyên: Lâm Đồng sẻ chia nông sản với vùng dịch Ninh Thuận

Nông dân Lâm Đồng đã tặng gần 4 tấn nông sản: rau, củ, quả các loại cho bà con vùng dịch huyện Thuận Nam (Ninh Thuận).

Để chia sẻ khó khăn với người dân thôn Văn Lâm 3 (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đang thực hiện cách ly, nhiều người dân, vựa kinh doanh rau củ quả, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chung tay, tặng gần 4 tấn nông sản rau, củ, quả các loại, cung cấp cho người dân vùng dịch.

 

khoai-66.jpg

 Nhóm tình nguyện Đức Trọng gom hàng để chuyển cho  vùng dich Ninh Thuận

 

Ông Nguyễn Huỳnh Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam, cho biết: Thời gian qua, người dân Phước Nam gặp nhiều khó khan, do hạn hán kéo dài, không có nước để sản xuất, phải bỏ đất hoang hơn một năm qua.

Nay, có dịch Covid-19, người dân thôn Văn Lâm 3 (nơi thường trú của bệnh nhân thứ 61 và 67), thực hiện cách ly phòng dịch, trong thời gian 1 tháng, lại càng thêm khó khăn.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh cũng như huyện Thuận Nam và đặc biệt là người dân vùng dịch, rất cần sự đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ cần thiết từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Hiện, các nhu yếu phẩm thiết yếu như: Gạo, mì tôm, nước mắm đã được các mạnh thường quân khắp nơi trên cả nước gửi đến cho người dân vùng tâm dịch, thôn Văn Lâm 3.

Tuy nhiên, 1.010 hộ dân nơi đây, lại đang thiếu hụt nguồn rau, củ, quả các loại. Do đó, UBND xã đã kêu gọi các vựa rau, đơn vị kinh doanh nông sản trên địa bàn Lâm Đồng chung tay giúp đỡ. 

Đáp lời kêu gọi của Phước Nam, ngay trong sáng 21/03, Nhóm tình nguyện Đức Trọng đã vận động các vựa kinh doanh nông sản, nông dân trồng rau, trên địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương cùng chung tay ủng hộ thôn Văn Lâm 3.

Chị Nguyễn Thị Thoa, quản lý kho HTX Nam Sơn (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) chia sẻ: Được biết, hơn 1.000 hộ dân ở Ninh Thuận chịu khủng hoảng về kinh tế, y tế nghiêm trọng, nhất là khan hiếm rau, củ quả.

Do đó, HTX quyết định ủng hộ hơn 300 kg nông sản gồm: Cà rốt, củ cải. Đây là thực phẩm chất lượng cao, được HTX thu mua, sơ chế để cung ứng cho các siêu thị TP Hồ Chí Minh.

Việc đóng góp, ủng hộ này cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là hết sức thiết thực, góp phần cùng người dân ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Anh Nguyễn Văn Đông, nông dầu thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) cũng đã trao tặng 500 kg sú, 200 kg cải thảo cho Văn Lâm 3 với mong muốn sẻ chia phần nào khó khăn với người dân. 

Anh Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Nhóm tình nguyện Đức Trọng, cho hay: Riêng huyện Đức Trọng đã có hơn 10 vựa nông sản, và cá nhân, đăng ký ủng hộ cho người dân vùng dịch Ninh Thuận.

Hiện, các thành viên tình nguyện đang tích cực đưa xe đi gom nông sản tại các vựa, vườn nông dân ra điểm tập kết. Tối 21/3, chuyến hàng đầu tiên, chở 4 tấn nông sản đã lên đường về vùng tâm dịch giúp người dân vượt qua giai đoạn cách ly. 

Theo ông Nguyễn Huỳnh Văn, UBND xã Phước Nam tổ chức tiếp nhận 4 tấn hàng nông sản, ngay khi được vận chuyển đến, và cung cấp đảm bảo 100% đến từng hộ dân. 

Đam Rông: Xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, là yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu, Đam Rông đặc biệt quan tâm đến việc phát triển thương hiệu cho các nông sản đặc trưng của huyện. 

 

chuoi-331.jpg

 Chuối Laba Đạ K’ Nàng đã khẳng định thương hiệu Ảnh: Văn Việt

 

Hiện, thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ, có nhãn hiệu rõ rang, được bảo hộ từ cơ quan chức năng; vì vậy, xây dựng thương hiệu cho nông sản là yếu tố sống còn đối với phát triển nông nghiệp.

Là huyện thuần nông, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện đã rà soát sản phẩm đặc trưng có lợi thế.

Trong 100 sản phẩm đặc sản của toàn tỉnh, Đam Rông có các sản phẩm nổi tiếng như: chuối Laba Đạ K’Nàng, cà phê, mắc ca, trầm hương, trà dây Đam Rông. 

Hiện, Đam Rông đã xây dựng vùng chuyên canh,  ví như, xã Đạ Rsal, trong 130 ha cây ăn quả trồng xen cà phê, có gần 70 ha sầu riêng. Xã đã chú trọng các loại cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng.

Việc thành lập HTX chuyên canh sầu riêng, cũng đã được triển khai, từng bước tạo dựng thương hiệu sầu riêng. Đã có nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, quy mô lớn với sản phẩm là rau quả, trái cây… được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Mặt khác, Đam Rông còn xây dựng mô hình, vùng chuyên canh như: chuối Laba Đạ K’Nàng, cà phê Liêng Srônh, nuôi các loài đặc sản (nhím, heo rừng) ở Đạ Tông, Đạ Long, cá lăng ở Đạ M’rông…

Từ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Đam Rông đã xây dựng được thương hiệu, giá trị cao. Các sản phẩm được bảo hộ, giúp người sản xuất, kinh doanh có đầu ra ổn định, hạn chế rủi ro về biến động giá cả, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ.

Điển hình nhất là chuối Laba của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, có thể đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản, hàng tuần đã xuất đi 20 tấn.

Với một huyện nghèo như Đam Rông, mô hình trồng chuối hướng đến xuất khẩu đang thực sự mở ra hướng chuyển đổi cây trồng có hiệu quả cho bà con nơi đây.

Hiện, HTX đã phát triển vùng sản xuất trên 150 ha. Đầu tư máy móc hiện đại sơ chế sau thu hoạch (máy dấm chuối, máy sấy, kho lạnh). Ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn chíp điện tử, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển, đảm bảo sản phẩm chuối đồng đều, chất lượng cao, theo hướng VietGAP, hướng tới GlobalGAP.

Khách hàng của HTX là 2 công ty lớn của Nhật, bao tiêu 90% sản lượng chuối (tương đương 200 ha). Nhận thấy giống chuối phù hợp đất Đạ K’Nàng, tận dụng diện tích đất sình, đất cà phê già cỗi, đã có 51% người dân trong xã đồng ý chuyển đổi 100% quỹ đất qua trồng chuối, 20% người dân đồng ý chuyển 50% quỹ đất.

Vì vậy, chuỗi liên kết không ngừng được kết nối chặt chẽ, vùng sản xuất tiếp tục mở rộng, thương hiệu Laba Banana Đạ K’Nàng, đang được xây dựng khá vững chắc, giá trị hàng hóa cao gấp 2 - 3 lần, so với sản phẩm thường; đồng thời, tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.

Mặt khác, nhắc đến Đạ Huoai, người ta còn nghĩ đến sầu riêng Cát Tiên - lúa gạo Đạ Tẻh - nếp quýt, Bảo Lộc - tơ lụa, chè, Di Linh - cà phê, Đức Trọng - rau, nấm…; thời gian tới nhắc đến Đam Rông sẽ là chuối Laba, là trà dây, là sầu riêng…

Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đam Rông sẽ đẩy mạnh sản xuất, chế biến tập trung, thời gian tới, tiếp tục phát triển một số mặt hàng nông sản đặc trưng, có giá trị cao; chuyển giao tiến bộ KHKT, vào cuộc cùng nông dân, hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Khuyến khích người dân sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, liên kết chuỗi, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung, theo hướng hàng hóa.

Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao. Nâng cao giá trị sản xuất/ 1 ha, xây dựng VietGAP, tạo bước đi vững chắc cho nông nghiệp Đam Rông.

Đắk Lắk: Cư Pui nỗ lực chống hạn

Hạn hán khiến nhiều diện tích cây trồng tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đang thiếu nước nghiêm trọng, một số cánh đồng lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 chỉ còn ít ngày nữa là thu hoạch, nay trở thành nơi chăn thả trâu, bò.

 

han-69.jpg

 Cánh đồng lúa Ea Pren, trở thành nơi chăn bò                                                                                                                          

Cánh đồng lúa Ea Pren ở buôn Bhung, nay đã trở nên khô khốc, nứt toác, hầu hết lúa đã chết khô. Một vài đám lúa trổ bông nhưng hạt lép. Cánh đồng lúa nước trở thành đồng cỏ cho bò ăn.

Gia đình ông Đỗ Anh Trung là một trong những hộ dân canh tác nhiều năm trên cánh đồng Ea Pren, cho hay, vụ đông xuân năm nay, ông gieo trồng 3 sào lúa nước. Những năm trước, giờ này, gia đình ông đang chuẩn bị thu hoạch, mỗi vụ thu  6,5 - 7 tạ/sào.

Năm nay nắng hạn kéo dài, khiến diện tích lúa cháy khô, vì thiếu nước. Ông Trung than thở, bao nhiêu công sức đổ vào đây, vụ này coi như mất trắng, sắp tới không biết lấy gì ăn.

Ông Y Dul Byă, Trưởng buôn Bhung cho biết, cánh đồng Ea Pren có 22 ha, hiện, đã có 12 ha bị khô cháy do nắng hạn, 10 ha còn lại, đứng trước nguy cơ mất 50% năng suất.

Trong khi đó, hồ chứa nước tưới đã cạn trơ đáy. Từ cuối tháng 2, bà con đã tận dụng tất cả các nguồn nước từ sông, suối, ao, hồ, kể giếng khoan để tưới cho cây trồng.

Tuy nhiên, việc chống hạn gặp nhiều khó khan, do chi phí đầu tư cao, nguồn nước khan hiếm dẫn đến cây trồng thiệt hại nặng.

Cánh đồng Buôn Khanh, có nhiều cà phê, hoa màu. Những năm trước, bà con trồng sắn, ngô, nhưng hiệu quả thấp. Gần đây, xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng, người dân mạnh dạn trồng cà phê, rau màu.

Cánh đồng này là nguồn thu chính của buôn, nếu không kịp thời hỗ trợ giúp dân chống hạn, thì sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết, vụ đông xuân, xã gieo 230 ha lúa, trong đó,  hơn 100 ha đã bị cháy khô, số còn lại, giảm 50%.

Ngoài lúa, xã còn có 20 ha ngô, 270 ha sắn, 1.100 ha cà phê, thiếu nước nghiêm trọng, nhiều vườn cà phê héo quắt, không thể kết trái.

Đầu tháng 3/2010, xã Cư Pui đã chi 300 triệu đồng, cùng gần 100 triệu đồng người dân, kéo đường điện ba pha, hơn 2 km, ra cánh đồng Buôn Khanh, giúp bơm nước sông Krông Bông, tưới cho cây trồng.

Ngoài ra, xã còn hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng phục vụ bơm tưới. Song, những ngày tới, nếu không có mưa, cây trồng sẽ  giảm năng suất và có nguy cơ mất trắng.

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top