Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 1 năm 2019 | 5:59

Tin NN Tây Nguyên: Người dân thu tiền tỷ từ cải tạo vườn tạp

Mùa khô, vùng đất Đăk Hring, huyện Đăk Hà cuồn cuộn gió. Cây cối ngả màu vàng vì gió và thiếu nước. Song, trong nhiều nhà vườn, cây cối vẫn xanh và tràn đầy nhựa sống.

Đó là kết quả của việc cải tạo vườn tạp, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình…

v-tap-99999.jpg

Anh Hà chăm sóc vườn ổi của gia đình.  Ảnh V. N

 

Con đường vào thôn Tân Lập A ngày nào đầy bụi đất, nay được bê tông và láng nhựa. Trên nhiều nhà vườn, cây cối vẫn xanh tươi. Anh Vũ Ngọc Hà- Chủ nhân của trang trại 3ha cây ăn quả: ổi, sầu riêng, mít, bơ, cam... đang cần mẫn hồi sinh lại khu đất bạc màu trong vườn nhà.

Giới thiệu với chúng tôi về mô hình kinh tế vườn, anh Vũ Ngọc Hà bộc bạch: Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp trong xây dựng nông thôn mới, năm 2017, anh bỏ vốn cải tạo vườn tạp bằng các loại cây ăn quả, kết hợp với nuôi dê.

 Kết hợp với hệ thồng tưới nhỏ giọt, có hoà tan phân bón và phân hữu cơ (phân dê ủ hoai mục) bảo đảm đất tơi xốp, ẩm, nhiều dưỡng chất... nên lúc nào cũng xanh tốt.  

Mặc dù vườn cây ăn quả: ổi, cam, mít, sầu riêng mới được cải tạo, nhưng dường như cây nào cũng cho quả. Anh Hà cho biết, anh lấy cây giống ổi từ Hà Nội. Cây cho quả to, ruột trong, ít hạt và hạt nhỏ, ruột chắc, thơm, ngọt và giòn.

Bơ anh lấy giống booth, 034 từ Trung tâm Eakamat, T.p Buôn Ma Thuột, quả to, dà, cơm dày và ngon. Sầu riêng hạt lép, mít Thái Lan. Sầu riêng chưa đến tuổi cho quả, nhưng những cây mít Thái Lan mới trồng hơn một năm đã có quả treo lủng lẳng. “Vườn tạp mới được đầu tư và cải tạo, nhưng doanh thu từ kinh tế vườn năm 2018 trên 1 tỷ đồng”- Anh Hà cho biết.

Ngoài việc cải tạo vườn tạp, thay bằng các loại cây ăn quả và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, anh Hà còn thuê đất trồng trên 6 ha môn sáp trong vườn cao su mới tái canh. Cây môn lấy giống từ Gia Lai, mới trồng trong vụ đông này đang lên xanh mơn mởn.

“Trồng và thâm canh đúng quy trình kỹ thuật, môn đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha. Trồng môn để xuất khẩu và cung cấp cho các siêu thị. Dự kiến trong quý II/2019, sẽ thu hoạch, nhưng hiện đã có nhiều người dân ở xã Đăk Hring đặt mua giống”- anh Hà bộc bạch.

Cùng thôn với anh, ông Nguyễn Văn Sỹ cải tạo lại vườn bằng các loại  cây chuối, mít, bơ... và chuyên canh cà phê. Vườn cây ăn quả 2ha mới được đầu tư và 3ha cà phê kinh doanh, đã cho ông thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Ở thôn Tân Lập B, ông Vũ Tiến Dũng trồng chanh, sầu riêng, ổi, bơ xen canh trong vườn cà phê 4 ha. Doanh thu từ trang trại  cũng đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Còn rất nhiều hộ gia đình khác cũng bứt phá lên từ việc cải tạo vườn như các hộ trên.

Theo ông A Ban- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, để tạo nên những chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, phát triển cây trồng chiến lược, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Đăk Hring đã ban hành nghị quyết về việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc cải tạo vườn tạp, vệ sinh môi trường nông thôn.  

Mặt khác, việc chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tính đến nay, xã Đăk Hring đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hiện, phong trào cải tạo vườn tạp trong xây dựng nông thôn mới tại xã Đăk Hring đang góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo nông thôn từng ngày ở địa phương.

Kon Tum: Trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại Khu bảo tồn Nâm Nung

 Hiện, UBND huyện Đắk Song đang phối hợp với các ngành chức năng khởi động Đề án nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung.

 

sam-nl-66666.jpg

 Huyện Đắk Song khảo sát điều kiện tự nhiên để trồng sâm Ngọc Linh

 

Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm, sâm Trúc. Trong tự nhiên, loài sâm này phân bổ hẹp ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh có giá trị dược liệu khá cao khi chứa đến 52 hợp chất saponin, được xếp hạng là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới.

Hiện, nhu cầu người dân tìm mua củ sâm Ngọc Linh rất nhiều. Trên thị trường sâm Ngọc Linh tươi do người dân tự trồng có giá từ 80 -100 triệu đồng/kg.

Vừa qua, Đoàn công tác của UBND huyện Đắk Song phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung khảo sát, kiểm tra thực địa tại Khu bảo tồn. Theo đó, khu vực Đoàn công tác điều tra, khảo sát có độ cao trên 1.200 m, độ tán che khoảng 70%, lượng mưa trung bình 2.400 mm/năm, độ ẩm đất đạt 60% – 70%...

Điều đó cho thấy Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung có nhiều nét tương đồng với vùng núi Ngọc Linh, nơi cây sâm Ngọc Linh có điều kiện sinh trưởng tốt nhất. Ngoài vấn đề khí hậu, đỉnh núi Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cơ bản là loại đất feralit đỏ vàng chứa nhiều mica và thạch anh. Đây là chất đất được đánh giá phù hợp với việc trồng cây sâm Ngọc Linh.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song, qua đợt khảo sát vừa rồi, Đoàn đã tập trung điều tra, thu thập thông tin về điều kiện sinh thái, xây dựng kế hoạch trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung.

Qua đó, UBND huyện Đắk Song sẽ trích từ ngân sách địa phương để trồng khoảng 500 cây sâm Ngọc Linh, độ cao khoảng từ 1.300 m trở lên. Nguồn giống sâm Ngọc Linh sẽ được nhập về từ những đơn vị cung cấp cây giống uy tín nhất ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Trong quá trình trồng, huyện sẽ cử các cán bộ chuyên môn theo dõi sát sao tiến trình phát triển của loại cây này. Dự kiến, khoảng 6 năm sau, huyện sẽ tiến hành đánh giá chất lượng sâm Ngọc Linh đã trồng.

“Việc thực hiện đề tài là một ý tưởng mới nhằm tạo thêm một loài cây đặc sản quý cho địa phương. Qua đó, góp phần để người dân địa phương có thêm lựa chọn phát triển kinh tế. Quan trọng hơn, để trồng được cây sâm Ngọc Linh, điều kiện đầu tiên là phải có tán rừng. Từ đó, khi sâm Ngọc Linh phát triển được ở địa phương, thì người dân sẽ có ý thức bảo vệ, phát triển rừng để nâng cao thu nhập” - Ông  Vinh cho biết.

 Lâm Đồng: Nông dân trồng dưa hấu bán Tết

 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, cho biết: NHư thường lệ, để cung ứng nguồn hàng cho thị trường Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, người dân đã xuống giống hơn 210 ha dưa hấu, riêng thị trấn Đạ Tẻh có diện tích dưa hấu lớn nhất huyện, khoảng 140 ha. 

 

dua-hau-6969.jpg

 Nông dân sẵn sàng cho vụ dưa đón Tết 2019. Ảnh K.Phúc

 

Vụ dưa hấu Tết năm nay, ngoài các giống thuần chủng thế mạnh như giống dưa tròn to, Hắc mĩ nhân, thì nhiều người dân Đạ Tẻh còn đầu tư trồng giống dưa không hạt. Qua khảo sát của địa phương, hầu hết các diện tích dưa hấu đều phát triển tốt, dự tính khoảng 10 ngày tới đây sẽ bắt đầu thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng. 

Cùng với Đạ Tẻh, người dân huyện Cát Tiên cũng trồng khoảng 40 ha dưa hấu các loại để phục vụ cho thị trường Tết.

Đà Lạt: Địa lan nở sớm, giá vẫn không tăng so với năm 2018

Còn hơn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán 2019 nhưng nhiều vườn địa lan ở Đà Lạt  đã bung nở, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn sau cả năm chăm sóc.

 

lan-đl-9999.jpg

 Hoa lan nở sớm nhưng giá không tăng so năm 2018 

   

Nhiều trang trại trồng địa lan tại Đà Lạt cho biết, hiện, tỷ lệ hoa nở rộ trung bình 60%-70%. Hoa nở sớm khiến các trang trại buộc phải cắt cành để bán, mong thu lại phần nào công sức đầu tư, chăm sóc.

Trung bình mỗi cành hoa địa lan cắt bán vào thời điểm này có giá từ 40 - 80.000 đồng/cành tùy chủng loại, chỉ khoảng 1/10 so giá bán hoa chậu phục vụ thị trường Tết

Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn hoa địa lan Anh Quỳnh, TP Đà Lạt, cho biết thời điểm này, nhiều loại hoa địa lan cao cấp tại vườn của ông đã nở rộ, chiếm gần 70% diện tích. Song, khách đến đặt hàng cũng thưa hơn mọi năm, chỉ khoảng 30%, chủ yếu là khách quen từ nhiều năm trước.

Ông Quỳnh cho biết thêm, giá bán địa lan năm nay không cao so với năm trước, hiện giá hoa chậu khoảng 800.000 đồng/cành đối với địa lan New Zealand vàng và xanh, địa lan SJC, vàng chanh, xanh 207 có giá từ 400.000 - 600.000 đồng/cành…

Theo nhiều người có kinh nghiệm trồng hoa địa lan tại Đà Lạt, dù đã có nhiều biện pháp kìm hãm sự phát triển của hoa như: dùng lưới đen che tối vườn, hạn chế chất dinh dưỡng, hay dùng lưới bọc hoa… nhưng những tháng áp Tết, thời tiết tại Đà Lạt khá nắng nóng, kết hợp với mưa gió thất thường, khiến một số vườn địa lan bung nở sớm. 

Hiện, tổng diện tích hoa địa lan  phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2019 của thành phố đạt 35 ha (khoảng 400 nghìn cành).

Cải tạo vườn tạp thu lời cao; trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh gắn bảo vệ rừng; chăm sóc dưa hấu để bán Tết; hoa địa lan nở sớm nhưng giá không cao hơn năm 2018, là tin Tây Nguyên nổi bật tuần qua.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top