Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 2 năm 2020 | 15:13

Tin NN Tây Nguyên: Nông trại ven đô Đà Lạt “hút” khách

Là nơi hút khách du lịch, Đà Lạt đang tổ chức nhiều điểm dừng chân mới trên Quốc lộ 20.

đ-l-3991.jpg

Nhiều điểm dừng chân thân thiện thiên nhiên, hút khách du lịch vui chơi, trải nghiệm

 

Rời xa TP Đà Lạt với những điểm du lịch quen thuộc, nhiều du khách hiện đang có xu hướng tìm ra vùng rìa thành phố, để được sống gần hơn với nông dân và thiên nhiên.

Nắm bắt được điều đó, nhiều điểm dừng chân mới trên Quốc lộ 20 đã được mở ra, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch. 

Đoạn đường núi đồi uốn lượn, nối từ Phường 11, xuống đồi chè Cầu Đất (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt), từ lâu được coi là cung đường du lịch nổi tiếng xinh đẹp, và yên bình với, những vườn atiso, cà phê, hay vườn hồng thay nhau hiện ra trước mắt.

Không chỉ ngẩn ngơ cùng thông xanh, nắng vàng và gió lạnh, trên độ cao trung bình 1.500 m, so mực nước biển, nay, những bạn trẻ đam mê khám phá, còn có thêm nơi dừng chân thú vị ở những quán cà phê xinh xắn dọc đường, mang tên Hầm Hỏa Xa, Suối Hồng, Nóc nhà Đất Làng,...

Ở đó, chủ quán xây dựng những sân “săn mây” để khách có thể phóng tầm mắt mình, thu trọn hình ảnh những áng mây lãng đãng trôi bồng bềnh trên những mái nhà ngói đỏ, hay ẩn hiện trong những trập trùng núi đồi.

Cũng dọc trên cung đường đó, người dân tận dụng những mảnh vườn ven đường để gieo nên những vạt hoa nhỏ, khiến không ít người lạ phải trầm trồ khi bắt gặp những đóa cúc họa mi, nằm cạnh vườn cà phê mướt xanh.

Hoặc xuýt xoa khi được hòa mình vào những “suối hoa” nằm ẩn mình dưới những vườn hồng nhiều năm tuổi, trong cái gió lộng đặc trưng của xứ sở sương mù.

Khi những đồi chè bạt ngàn hiện lên trước mắt, nghĩa là du khách đã kết thúc quãng đường để đến với thôn Trường Thọ. Ngoài tham quan những điểm hồng sấy gió nổi tiếng, và thỏa thích chụp ảnh với vườn chè cổ, du khách còn được trải nghiệm làm nông dân, tại Khu Du lịch Nông trại xanh của Cầu Đất Farm.

Trên nông trại rộng gần 5 ha, ngoài rực rỡ cẩm tú cầu, lavender, hoa hồng, xác pháo,... khách du lịch còn thích thú khi được tự tay nhổ từng củ su hào, cà rốt, hay thu hoạch rau cải, xà lách trong vườn thủy canh.

Tất cả tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời cho những người muốn hòa mình vào thiên nhiên, với đất, với cỏ cây, hoa lá,... 

Tuy Đức: Thử nghiệm phát triển cây khoai tây Hàn Quốc

Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina, đưa giống khoai tây DooBak Hàn Quốc, vào trồng thử nghiệm trên.

Hiện, khoai tây DooBak Hàn Quốc phát triển tốt, cho củ to, đồng đều, hứa hẹn trở thành loại cây trồng mới cho nông dân.

 

k-t-699.jpg
Anh Trung, xã Quảng Tâm hy vọng Công ty Orion Vina, sẽ hợp tác với bà con phát triển khoai tây bền vững

 

Theo Hội Nông dân huyện Tuy Đức, cuối năm 2019, đơn vị phối hợp, liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina, một công ty có quy mô, uy tín hàng đầu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm... để hỗ trợ Tuy Đức phát triển nông nghiệp.

Sau khi ký kết hợp tác, giữa các bên đã triển khai trồng thí điểm 9,6 ha khoai tây DooBak Hàn Quốc ở 16 hộ gia đình sinh sống tại địa bàn các xã Đắk Búk So và Quảng Tâm.

Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina,  đã hỗ trợ người dân địa phương bằng cách cung cấp giống, kỹ thuật sản xuất. Điều khiến người dân phấn khởi nhất là việc Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm khoai tây với giá 9.000 đồng/kg.

Không những vậy, trong quá trình phát triển giống cây trồng mới này, Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina, còn cử  nhân viên kỹ thuật, bám đồng ruộng theo dõi, hỗ trợ nông dân cách phát triển cây khoai tây đúng quy cách.  

Đến thời điểm này, cây khoai tây đã phát triển được hơn 2 tháng. Vừa qua, Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuy Đức kiểm tra thực tế ruộng khoai tây.

Qua kiểm tra cho thấy, cây khoai tây DooBak phát triển khá tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện, cây khoai tây đã có củ, bình quân 4-6 củ trên khóm…

Cơ quan chuyên môn cũng phát hiện bệnh mốc sương mai, do nấm (Phythopthora infestans), trên diện tích khoai tây trồng thử nghiệm. Thế nhưng, đây là bệnh thường gặp trên cây khoai tây, nên đã có phác đồ điều trị, ngăn ngừa.

Ông Ngô Quang Trung, một người dân ở xã Quảng Tâm, cho biết: Cây khoai tây khi trồng ở địa phương cho củ to và đồng đều. Các nhân viên của Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina, khi theo dõi cũng đánh giá cao việc phát triển khoai tây ở Tuy Đức, so với địa phương khác.

Hi vọng, trong thời gian tới, sau khi đánh giá tổng quan, đầy đủ các điều kiện, Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina, sẽ hợp tác với người dân phát triển cây khoai tây lâu dài, bền vững.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cho biết, thời gian qua, giá cả nhiều loại nông sản chủ lực, có truyền thống phát triển của địa phương liên tiếp xuống thấp.

Về phía lãnh đạo địa phương, đã có nhiều trăn trở để tìm ra giống cây trồng mới, vừa phù hợp với khí hậu, vừa có giá và đầu ra ổn định cho người nông dân.

Mô hình trồng khoai tây, là một trong những hướng đi mới mà huyện thí điểm thực hiện, với mong muốn để người dân có thêm lựa chọn phát triển kinh tế.

Theo ông Cự, sau khi triển khai mô hình, UBND huyện đã đề nghị Hội Nông dân phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT, thường xuyên theo dõi, đánh giá tiềm năng phát triển cây khoai tây DooBak.

Nếu loại cây trồng này có năng suất, phù hợp với tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng huyện Tuy Đức, thì khẩn trương liên kết chặt chẽ với Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina, nhằm giúp người dân chuyển đổi, đa dạng cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hiệu quả.

Gia Lai: Sẽ xuất khẩu dưa hấu sang Campuchia

Ngày 18/2, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai cho biết, tổ chức này đang chuẩn bị thu mua, xuất khẩu dưa hấu sang Campuchia. Đây là một trong những nỗ lực tiếp theo, nhằm giải cứu dưa hấu Gia Lai đang ế ẩm, rớt giá do ảnh hưởng của dịch Covid- 2019.

 

dua-661.jpg

Lượng dưa hấu chất đống tại ruộng Gia Lai vẫn còn nhiều

 

Ông Phan Thanh Thiên - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai cho biết, trong mấy tuần qua, hội đã phát động phong trào mua dưa hấu ủng hộ bà con Gia Lai đến toàn thể hội viên. Sau khi thu mua dưa hấu của nông dân Gia Lai, các hội viên đã kết nối với Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố tổ chức tiêu thụ.

Qua đó, đã thu mua được hơn 3.000 tấn dưa hấu cho nông dân các huyện, Phú Thiện, Krông Pa, Mang Yang, Đak Đoa và thị xã An Khê (Gia Lai). Giá thu mua tại ruộng từ 2.500 - 3.000 đồng/kg tùy loại, tùy thời điểm.

Số dưa này đã được tiêu thụ thành công tại các tinh, thành như Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, TP.Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên -Huế, TP. Đà Nẵng...

Nhằm tiếp tục hỗ trợ người trồng dưa hấu bị ảnh hưởng do dịch virus covid- 19, Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai đang có kế hoạch thu mua, xuất khẩu dưa hấu sang Campuchia, bước đầu xuất khoảng 400 tấn.

Ngoài ra, Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, cũng đã có kế hoạch đặt hàng 2.000 tấn dưa hấu, tiếp tục tiêu thụ cho nông dân.

Do ảnh hưởng của dịch virus covid-19, những ngày sau tết Nguyên đán dưa hấu Gia Lai rớt giá, có ngày chỉ 400 - 500 đồng/kg và thương lái không thu mua.

Sau khi nhiều tổ chức, cá nhân vào cuộc giải cứu, giá dưa hấu Gia Lai đã tăng dần lên mức 2.500 - 3.000 đồng/kg, có thời điểm 4.000 đồng/kg.

Đắk Lắk: Thận trọng với biểu hiện vàng lá trên cây có múi

Thời gian vừa qua, tình trạng cam, quýt, bưởi vàng lá xuất hiện tại huyện Ea Kar (chủ yếu là cam, quýt, bưởi) đã gây thiệt hại lớn cho nông dân vùng canh tác cây có múi.

 

cay-991.jpg

Kiểm tra bệnh vàng lá trên cây có múi

 

Tình trạng vàng lá trên cây có múi, được ngành Nông nghiệp huyện Ea Kar, ghi nhận từ tháng 8-2019 tại địa bàn xã Cư Elang.

Bệnh xuất hiện chủ yếu trên vườn cây kinh doanh (từ năm thứ 3 trở lên) với các triệu chứng như: phiến lá có màu vàng, lá nhỏ hẹp, mọc thẳng đứng, khoảng cách giữa các lá ngắn; quả nhỏ hơn bình thường, sẫm màu, hình dạng méo mó và dễ bị thối; bộ rễ kém phát triển, một số bị thối, đa phần mất các rễ tơ chỉ còn lại các rễ chính.

Chỉ riêng tại xã Cư Elang, đã ghi nhận khoảng 145/544 ha cây có múi nhiễm bệnh, trong đó có 25 ha nhiễm nhẹ, 85 ha nhiễm trung bình và 35 ha nhiễm nặng.

Ngoài ra, tại các xã khác như Ea Ô, Ea Pal cũng có ghi nhận tình trạng trên. Những diện tích đầu tư chăm sóc kém, chịu ảnh hưởng bởi ngập úng thì cây có biểu hiện bệnh nặng hơn.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top