Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 3 năm 2020 | 20:39

Tin NN Tây Nguyên: Sáng kiến chống hạn bằng ao chống thấm

Hiện, sáng kiến trữ nước chống hạn bằng ao chống thấm, đã được nhiều bà con ở Tây Nguyên tích cực áp dụng, đem lại hiệu quả cao.

Nhiều năm trở lại đây, bằng nhiều cách làm khác nhau, người dân nơi "rốn hạn" huyện Đắk Mil (Đắk Lắk), đã từng bước khắc phục được tình trạng hạn hán, bảo vệ tốt mùa màng, cây cối.

 

tuoi-33.jpg

Bà con trồng mít để đối phó với hạn hán

 

Xã Đắk Gằn (Đắk Mil) hàng năm thường xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn kéo dài. Riêng đợt hạn lịch sử năm 2016, có trên 800 ha cây trồng  thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Đầu tháng 3/2020, ao trữ nước hơn 70 m2 của ông Tịnh Ngọc Hải, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, vẫn đầy ắp nước. Theo ông Hải, nếu trong hơn 1 tháng tới chưa có mưa, nguồn nước này vẫn đủ tưới cho hơn 2,5 ha cây trồng của gia đình.

Được biết, ao nước được ông Hải xây dựng vào đầu năm 2017, với kinh phí hơn 80 triệu đồng. Ao được dùng bạt khổ lớn, lót ở bề mặt đáy, để chống thấm.

Hằng năm, ông bơm nước từ hệ thống giếng khoan để tích trữ, tưới cho cây trồng. Nước từ ao này đáp ứng được nhu cầu khoảng 4 đợt tưới trong năm cho 2,5 ha cà phê.

Theo ông Hải: “Có ao trữ nước, sẽ yên tâm hẳn về khoản tưới tiêu. Chứ như khi chưa có ao trữ nước, cứ nau náu lo hạn.

Thu nhập của nông dân chúng tôi chủ yếu dựa vào cây trồng. Năm nào bị hạn, thiệt hại nhiều là y rằng gặp đói.

Thời gian qua, tại thôn Tân Lợi, hầu hết các hộ đều xây ao chống thấm, trữ nước như ông Hải, để chống hạn cho cây trồng, giúp nông dân chủ động sản xuất.

Ông Đào Văn Vương, Trưởng thôn Tân Lợi, chia sẻ: Toàn thôn hiện có 334 ha cây trồng. Trong đó, chủ yếu là cà phê và cây ăn quả.

Để bảo đảm nguồn nước tưới, bà con đã chủ động đào ao chống thấm để tích trữ. Hộ nào có điều kiện, tự đào ao tích nước riêng cho gia đình.

Nếu khó khăn, thì  3- 4 nhà góp kinh phí, đào một ao dùng chung. Có nước, cây trồng ổn định năng suất, chất lượng.

Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, xã có diện tích cây nông nghiệp lớn, nhưng chỉ có 3 hệ thống đập thủy lợi. Do vậy, người dân đã chủ động đào ao để tích trữ nước.

“Đến thời điểm này, chưa có hạt mưa nào, qua khảo sát, các công trình thủy lợi, chỉ còn phục vụ được 1 đợt tưới nữa. Riêng đập thôn Bắc Sơn, vừa xa trung tâm, lại phục vụ cho cả xã Trúc Sơn, nên khó bảo đảm nước tưới.

Do đó, hầu hết cây trồng đều dựa vào nguồn nước khoan, và các ao tích nước. Hiện, người dân đã bước vào đợt tưới thứ 3. Qua rà soát, nguồn nước vẫn bảo đảm tưới cho cây trồng 1 - 2 đợt nữa, và chưa nơi nào xảy ra hạn hán”, ông Nam khẳng định.

Trước tình trạng khó khăn về nguồn nước, những năm gần đây, người dân trong xã, đã chủ động chuyển đổi diện tích cà phê, hồ tiêu, sang cây trồng cần ít nước hơn.

Vì thế, hàng trăm ha xoài, mít, ổi, cam, bưởi... đã được đưa vào canh tác, từng bước mang lại thu nhập ổn định.

Bà Lê Thị Hoàng, thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, cho biết: “Năm 2017, bà đã chuyển 5 sào cà phê, sang trồng 300 cây mít. Do cà phê thường thiếu nước, nên năng suất không cao. Riêng cây mít, nhu cầu tưới ít hơn, cộng với chăm sóc tốt, nên năng suất khá cao”.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, cho biết, trước đây, diện tích cà phê, hồ tiêu, điều tương đối lớn, hơn 3.000 ha. Vài năm trở lại đây, được chính quyền vận động, người dân tự chuyển đổi sang cây trồng khác, để phù hợp khí hậu, bảo đảm nước tưới.

Hiện, toàn xã chỉ còn 2.000 ha cây dài ngày, hàng trăm ha cây ăn quả như xoài, mít, bơ... đã được bà con đưa vào canh tác và cho thu nhập khá cao.

Cũng theo ông Nam, để chống hạn, ngoài chủ động từ phía người dân, địa phương luôn có giải pháp để ứng phó, không lơ là. Đơn cử như năm nay, dự kiến cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, nếu chưa có mưa, nguy cơ hạn hán xảy ra rất cao.

Hiện, xã đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cố gắng nạo vét ao hồ, tích trữ thêm nước, và tưới tiết kiệm. Về lâu dài, địa phương đang phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh rà soát, đẩy mạnh thực hiện Đề án hỗ trợ thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn.

"Dự kiến, trong vài năm tới, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ của địa phương sẽ phủ khắp địa bàn, để bà con chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, khắc phục tình trạng hạn hán", ông Nam cho biết.

Kon Tum: Sa Thầy chủ động phòng chống hạn

Huyện Sa Thầy (Kon Tum),là một trong những địa bàn dự báo sẽ xảy ra hạn nặng. Vì vậy, chính quyền đã chỉ đạo đơn vị chức năng và người dân chủ động chống hạn hữu hiệu.

 

99.jpg

 

Nguồn nước dự trữ tại đập dâng Đắk Sia 2 phục vụ chống hạn. Ảnh: VP

Hiện, Sa Thầy gieo trồng được hơn 666,5 ha lúa nước. Đây là thời điểm lúa đang đẻ nhánh cần phải đủ nước để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Giả Tấn Đạt - Trưởng Phòng NN&PTNT Sa Thầy, cho biết: Sa Thầy hiện chưa có cây trồng nào bị thiếu nước và cũng chưa có hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Song, dự báo cuối tháng 3/2020, cây trồng có khả năng bị hạn, thiếu nước khoảng 80 ha (chủ yếu là  lúa) và khoảng 280 giếng nước có khả năng thiếu nước.

Trong đó, khoảng 60 ha lúa có thể thiếu nước: Thị trấn Sa Thầy ( 22ha) Sa Sơn (7ha); Ia Xiêr (5ha); Rờ Kơi (11ha); Hơ Moong (5ha) và Sa Nghĩa (10ha)… Diện tích còn lại thiếu  khoảng 20ha.

Còn số giếng nước sinh hoạt có khả năng thiếu nước, thuộc các xã Ya Ly (39 cái), Ya Xiêr (78 cái), Ya Tăng (26 cái), Sa Nghĩa (46 cái), Sa Bình (30 cái), Sa Nhơn (5 cái), Hơ Moong (66 cái), Mo Rai (40 cái), Rờ Kơi (18 cái)…

Hiện, Phòng NN&PTNT  đang triển khai phòng chống hạn; xây dựng lịch điều tiết nước hợp lý: tưới luân phiên, tưới tiết  kiệm; kiểm tra cống đầu mối, kênh chính để chống rò rỉ, thất thoát.

Tổ chức nạo vét, sửa chữa kênh mương, khơi thông dòng chảy; khoanh vùng diện tích hạn nặng, để lắp đặt máy bơm chống hạn.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hợp lý. Trường hợp thiếu trầm trọng, sẽ bố trí các bồn chứa tại các khu có giếng khoan như trường học, nhà rông… để cấp nước cho nhân dân.

Ông Trần Đình Xuân- Trạm phó Trạm Thủy nông Sa Thầy, cho biết: Đơn vị được giao quản lý 34 công trình: 9 hồ chứa, 25 đập dâng, công suất tưới cho 60 ha cây trồng. Nhờ thực hiện việc điều tiết hợp lý, đến nay chưa bị thiếu nước.

Nguồn nước dự trữ tại đập dâng, hồ chứa được quản lý chặt chẽ sẵn sàng ứng phó khi thiếu nước. Song, một số hồ chứa, đập dâng nhỏ đang dần cạn. Nếu đến cuối tháng 3 không mưa, thì chắc chắn thiếu nước cục bộ.

Chúng tôi đang trữ khoảng 1 triệu khối nước tại đập Đăk Sia 2, để tiếp nước cho nơi khô hạn. Thời gian qua, đã thực hiện điều tiết nguồn nước luân phiên, tránh lãng phí, thất thoát; vì vậy, người dân cần biết cách sử dụng tiết kiệm nguồn nước, để đủ nước tưới cho cây trồng…” - ông Xuân cho hay.

Gia Lai: Cây tiêu "ngắc ngoải", người dân thay cây ăn quả

Vườn tiêu của người dân Gia Lai những năm gần đây chết đồng loạt, do nhiễm dịch bệnh.  Nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi  sang cây ăn quả giá trị cao...

 

chom-31.jpg

 Ông Duy xã Ia Tô, thu nhập cao nhờ chuyển sang trồng chôm chôm. Ảnh: Trần Hiền

 

Anh Trần Văn Thăng (ở thôn Lương Hà, xã Ia Blứ), huyện Chư Pư từng chịu thiệt hại nặng, do hồ tiêu đang xanh tốt, bỗng nhiễm bệnh chết hàng loạt.

Không nản chí, anh quyết định trồng các loại nấm. Nhờ chịu khó tìm tòi về kỹ thuật trồng nấm trên mạng, và các lớp tập huấn do huyện tổ chức, anh còn tích cực học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại nấm đã thành công.

Đến nay, anh  đã mở rộng diện tích lên trên 700m2, trồng khoảng 110.000 bịch nấm các loại gồm: Nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mèo, nấm rơm.

Không chỉ có lợi nhuận từ nấm thương phẩm, anh còn sản xuất phôi nấm để bán cho bà con trên địa bàn. Bình quân thu nhập sau khi trừ hết chi phí trên 300 triệu đồng/năm. Giúp giải quyết việc làm cho 3- 5 lao động với thu nhập ổn định.

Sau khi liên tiếp gặp thất bại trong độc canh cây hồ tiêu, anh Kiều Quang Vinh (ở thôn Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) quyết định mua 4ha đất trồng rau màu, cây ăn quả.

Trong đó, 3,4ha để trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, mít Thái, bưởi năm roi, quýt đường, cam sành. Ngoài ra, trồng rau màu ngắn ngày như: Bầu, bí, cải, ớt, dưa chuột… vừa nhanh có nguồn thu, vừa chủ động nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho vườn quả.

Sau một thời gian, thấy rau màu đầu ra ổn định, cây ăn quả phù hợp thổ nhưỡng, anh mua thêm 6ha đất để mở rộng diện tích. Hiện, trên tổng số 10ha đất, anh bố trí 1ha rau màu; 9ha các loại cây ăn quả.

Hiện, mô hình tổng hợp của anh luôn duy trì  hơn 1.000 cây mít Thái, 500 cây xoài Đài Loan, 500 cây bưởi da xanh, hơn 500 cây quýt đường và cam sành, cùng với vườn rau, thu hoạch đều hàng trăm tấn/năm. Ước lợi nhuận thu về gần 500 triệu đồng/năm.

Với 5ha cà phê, hồ tiêu, ông Nguyễn Văn Lập (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) đầu tư trồng xen canh 450 cây sầu riêng,, lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc từng loại cây để áp dụng.

Ông dự tính trồng cả 3 loại cây cùng lúc, để nếu xảy ra rủi ro đối với cây này, vẫn có cây khác bù lại. Đến nay, các loại cây trồng đều phát triển tốt, tạo nguồn thu ổn định. 3 năm trở lại đây, khi  hồ tiêu, cà phê mất giá thì  sầu riêng đã cho lợi nhuận 3 tỷ đồng.

Tương tự, ông Vũ Văn Lâm ( xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa)  đã trở thành điểm tham quan, học tập của bà con trong vùng. Đó là, 300 cây sầu riêng trồng xen 2ha hồ tiêu.

Để đảm bảo nước tưới, ông Lâm đã  đầu tư 100 triệu đồng lắp béc tưới tự động. Thu nhập từ mô hình tổng hợp đạt 1,2 tỷ đồng/năm.

Được biết, thời gian tới, Hội Nông dân Gia Lai sẽ tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho hội viên; tranh thủ tối đa nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, làm giàu, ổn định cuộc sống.

Ia Grai: Thất bát vụ điều

Do thời tiết phức tạp, và ảnh hưởng của dịch Covid-19, cây điều trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai): đạt năng suất thấp và mất giá. Hàng trăm hộ đang héo hon trong vụ thu hoạch này.

 

đieu-69.gif

Ông Thành xã Ia Tô thu hoạch điều. Ảnh: H.S

 

Huyện Ia Grai có khoảng 6.000 ha điều. Những năm qua, giá điều cao, giúp hàng trăm hộ dân có thu nhập ổn định. Song, niên vụ 2019-2020, điều rớt giá, năng suất thấp.

Bà Trần Thị Thu ( xã Ia Tô) cho hay: gia đình  có hơn 2 ha điều. Đầu vụ, do không khí lạnh bất thường lẫn sương muối, nên hoa rụng đầy gốc.

“Vì thế, phải chờ đợt hoa thứ 2, sau Tết Nguyên đán mới thu hoạch, nhưng năng suất rất thấp, ước 2 ha chỉ được hơn 2 tấn hạt”. 

Ông Lê Văn Thành (cùng thôn), chia sẻ: “Tôi trồng 4 ha điều. Năm ngoái, thu 350 triệu đồng. Những năm trước, năng suất 2 tấn hạt/ha, nhưng nay khoảng 1,2-1,3 tấn/ha.

Với giá cả hiện nay, chỉ khoảng 200 triệu đồng, do dịch Covid-19, hàng hóa qua cửa khẩu ít, nên thương lái mua giá thấp”.

Chị Rơ Châm Blip (xã Ia Krai) đang thu hoạch điều với tâm trạng kém vui: “Cả nhà đang trông vào vụ điều để trả nợ, nhưng giá thấp, giờ chưa biết tính sao. Giá điều dao động 25-28 ngàn đồng/kg. Không ai trong làng đủ tiền trả nợ đầu tư”.

Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp, cho biết: “Huyện Ia Grai có khoảng 6.000 ha điều. Năm nay, giá điều không cao, đầu vụ 26-28 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 25-27 ngàn đồng/kg, mấy năm trước 30-40 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, sản lượng năm nay cũng ít hơn trước”.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top