Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 12 năm 2020 | 15:45

Tin NN: Vượt thách thức xuất khẩu nông sản đạt kỳ vọng

Năm 2020 là một năm nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực ngành nông nghiệp nói riêng. Với vai trò trụ đỡ, ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt thách thức đưa xuất khẩu đạt kỳ vọng.

0007_xuat-khau-thuy-san.jpg
Chế biến tôm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

 

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng

Có thể nói, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 căng thẳng trên thế giới, nhất là ở những thị trường nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của Việt Nam với các nước.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đánh giá: Do tác động của Covid, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và quý II năm nay giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu nhất vào tháng 3, tháng 5 (giảm lần lượt 48% và 16% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong 3 tháng gần đây (với mức tăng trưởng 10% đến 13%), điều đó cho thấy các công ty thủy sản ở Việt Nam đang thích ứng, vượt qua thách thức và nắm bắt được các cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid vẫn đang bùng phát trên thế giới.

Theo ông Hòe, năm 2020 xuất khẩu thủy sản hồi phục được nhờ con tôm duy trì tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan từ tháng 8/2020. Từ đó đưa tổng xuất khẩu thủy sản đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Do đó chúng tôi ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 là 8,58 tỷ USD.

Các thống kê của VASEP cũng cho thấy, trong top 6 thị trường chính của thủy sản thì chỉ có thị trường Mỹ và Trung Quốc còn duy trì được tăng trưởng dương so với năm 2019. Cụ thể, ở thị trường Mỹ, ước tính cả năm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2019 và Trung Quốc ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5% so với 2019. Các thị trường còn lại đều sụt giảm do tác động của Covid làm ảnh hưởng đến nhu cầu thủy sản và hoạt động giao dịch.

Riêng với thị trường EU, dù sụt giảm nhưng đã cho thấy sự bứt phá mạnh kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ tháng 8/2020. Theo đó, thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19-30%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD, giảm 3,8%. Ước tính xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 991 triệu USD, giảm 2,5% so với năm 2019.

Nhìn về những cơ hội của ngành thủy sản trong 2021. VASEP phân tích, năm 2020, thế giới trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước giảm khoảng 3,8%. Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng khoảng 3,1% vào năm 2021. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng. Tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022-2023.

Dù vậy, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA, và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Với những yếu tố tích cực từ những cơ hội Việt Nam có thể có và tận dụng được, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất: tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD, cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD, xuất khẩu các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng 6%, đạt 3,4 tỷ USD.

Do vậy cộng đồng doanh nghiệp thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng thủy sản, kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, đảo bảo các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường và an sinh xã hội… để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong 2021.

Ngành chè: Giảm xuất khẩu, tăng nội tiêu

Được đánh giá là một năm khó khăn bởi dịch Covid-19 khiến nguồn cung đứt gãy, đầu ra khó khăn, tuy nhiên, ngành chè dự kiến sẽ về đích năm 2020 với tổng doanh thu đạt khoảng 552 triệu USD.

che_sach_pc-16_45_24_903.jpg
Chế biến chè sạch nhằm tạo đầu ra thuận lợi hơn.

 

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sản xuất chè 11 tháng đạt 175.000 tấn, ước cả năm đạt 180.000 tấn, so với năm 2019, giảm khoảng 5.000 tấn. Xuất khẩu chính ngạch, 11 tháng đạt 124 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2019, ước cả năm, xuất khẩu đạt 135.000 tấn; xuất khẩu tiểu ngạch ước cả năm đạt 10 nghìn tấn. Tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2020 đạt 201 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm, năm 2019 đạt 1.750 USD/tấn, nhưng giá xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2020 đạt 1.621 USD/tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam - nhận định, năm 2020, ngành chè gặp rất nhiều khó khăn, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới gần như không có.

Ông Đoàn Trọng Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chè Lâm Đồng- cho rằng, chè Việt đang bị cạnh tranh về giá bán, được trả giá rất thấp, chỉ từ 1- 3 USD/ kg, và quan điểm chè Việt Nam là chất đấu trộn. Giá bán thấp, giá vận tải cao. Có doanh nghiệp phản ánh tồn hàng trăm container không xuất khẩu được. Do đó, cần khuyến khích tiêu thụ nội địa nhằm chia sẻ khó khăn trong xuất khẩu.

Điểm nhấn xuất khẩu gỗ và lâm sản

Điểm nhấn đặc biệt với ngành lâm nghiệp trong năm 2020 là trong số 13 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt được thì xuất siêu chiếm trên 10 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay của Việt Nam chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2019.

 

1914_xuat-khau-go.jpg
Điểm nhấn đặc biệt với ngành lâm nghiệp là xuất siêu trên 10 tỷ USD.

 

Về dịch vụ môi trường rừng, tính đến ngày 15/12/2020, cả nước đã thu được trên 2.400 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thu dịch vụ mỗi trường rừng không đạt theo kế hoạch theo lý giải từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam do 6 tháng đầu năm 2020 sản xuất thủy điện giảm trên 33% so với cùng kỳ, trong khi nguồn thu từ thủy điện chiếm tới trên 93% dịch vụ môi trường rừng.

Một số lĩnh vực, số liệu nổi bật khác của ngành lâm nghiệp trong năm 2020, đó là diện tích rừng toàn quốc đạt trên 14,6 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2020 ước đạt 42% (năm 2019 là 41,89%) nhờ tổng diện tích rừng cả nước tăng gần 118.000ha.

Trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững, năm 2020 đã triển khai, vận hành hiệu quả hệ thống Chứng chỉ rừng của Việt Nam. Phối hợp với PEFC để đánh giá lại Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống và vận hành theo các quy định để PEFC quốc tế sớm bỏ phiếu thông qua và công nhận Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam.

Đến nay, đã có 41 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, nhóm hộ gia đình đã thực hiện và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với tổng diện tích đạt trên 278.000ha tại 28 địa phương.

Sản lượng gỗ khai thác năm 2020 ước đạt 30 triệu m3, đáp ứng 75% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. Hiện, cả nước có 5.650 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

 

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top