Khi một số tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, vựa rau của Nghệ An cũng khó khăn, hạ giá mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hộ trồng rau màu ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai thất thu, khi những ngày gần đây các loại rau màu đều hạ giá mạnh.
Các loại rau màu đều hạ giá mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh Việt Hùng.
Gia đình ông Hồ Cảnh Bằng ở xóm 7, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) cho biết, gia đình trồng 3 sào hành hoa, đang vào kỳ thu hoạch. Cuối tháng 7, hành hoa giá 15.000 – 16.000 đồng/kg, nhưng đến ngày 5/8, giá giảm dần chỉ còn 8.000 – 9.000 đồng/kg.
Theo ông Bằng, không chỉ hành hoa mà các loại rau đều hạ giá sau khi một số tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tại xã Quỳnh Lương, bà con vẫn đang tích cực chăm sóc, sản xuất rau màu, tuy nhiên nhịp độ thu sản phẩm rau màu không tấp nập như cách đây khoảng 1 tuần.
Chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 9, cho biết, sau khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở một số tỉnh miền Trung, thương lái thu mua rau màu ít hơn, nên giá cũng hạ mạnh, so với cách đây gần 1 tuần. Tuy nhiên, gia đình vẫn phải thu hoạch để chuyển sang trồng vụ khác.
Cụ thể, giá hành hoa được thu mua 8.000 – 9.000/kg (trước đó 15.000 đồng/kg); rau cải ngọt từ 8.000 đồng/kg giảm xuống còn 3.000 đồng/kg; rau dưa giá từ 9.000 đồng còn 2.000 đồng/kg; rau cải cúc 10.000 đồng giảm còn 5.000 đồng/kg...
Một thương lái thu gom rau màu ở xã Quỳnh Minh cho biết, khi chưa ảnh hưởng dịch Covid-19, mỗi ngày anh vận chuyển hơn 10 tấn rau các loại đi tiêu thụ ở Huế, Đà Nẵng.
Nhưng nay chỉ thu gom, tiêu thụ ở mức 3 - 5 tấn. Tại Đà Nẵng, người dân đang thực hiện cách ly xã hội nên các nhà hàng, quán ăn đóng cửa, nhu cầu sử dụng rau màu giảm mạnh.
Tại vùng chuyên canh rau ở thị xã Hoàng Mai, những ngày gần đây việc tiêu thụ rau màu của bà con có phần khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ở những vùng sắp thu hoạch, bà con vẫn tích cực chăm sóc, cắt tỉa bán dần chứ không thu hoạch một lúc như trước đây.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, ông Hồ Ngọc Tăng, cho biết, toàn xã hiện có hơn 200 ha diện tích rau màu, đến thời điểm này có khoảng hơn 150 ha diện tích rau sắp thu hoạch.
Trong hơn 1 tuần qua, giá rau bất ngờ giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tác động đến thu nhập của người dân.
Ông Đậu Đức Năm – Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với các hộ sản xuất rau màu ở địa phương.
Hồi tháng 3 - 4, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, bà con sản xuất rau màu rất khó tiêu thụ, ế ẩm và buộc phải bán rẻ, thì nay dịch bệnh lại quay lại khiến bà con tiếp tục chịu ảnh hưởng.
Để giải quyết bài toán rau màu khó tiêu thụ, địa phương khuyến cáo bà con cần tìm kiếm, mở rộng thị trường trong tỉnh, để cung cấp sản phẩm. Đồng thời, liên kết với một số tỉnh lân cận bao tiêu rau màu cho bà con để giải quyết mùa vụ, giá cả.
Trên diện tích sản xuất, cần chú trọng những giống rau trọng điểm, cung cấp cho nhà máy chế biến như hành hoa, không sản xuất đại trà các loại rau như hiện nay.
Cần Thơ: Chanh không hạt rớt giá
Trái chanh không hạt, được nông dân bán cho tiểu thương và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, hiện chỉ còn 8.000-9.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với những tháng mùa nắng hồi đầu năm nay, chanh không hạt khi đó có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg.
Trồng chanh không hạt tại một hộ dân ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Giá chanh không hạt bán lẻ tại nhiều chợ ở TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Hậu Giang…với mức từ 12.000-15.000 đồng/kg. Mức giá này đang thấp hơn khoảng 5.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước.
Chanh không hạt bị rớt giá, do nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu thụ đang chậm, do bước vào các tháng mùa mưa và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến đầu ra xuất khẩu gặp khó so với mọi năm.
Mặt khác, chanh không hạt khá dễ trồng và cho trái quanh năm. Vườn chanh chăm sóc tốt có thể cho năng suất hơn 4 tấn trái/công.
Theo các hộ dân trồng chanh không hạt, thời điểm này chanh cho trái thuận mùa, nông dân ít tốn chi phí đầu tư chăm sóc, xử lý cho cây ra trái nên vẫn đảm bảo có thu nhập khá tốt.
Tuy nhiên, khi nhiều địa phương đã và đang ồ ạt, mở rộng diện tích trồng chanh không hạt, làm cho nguồn cung tăng mạnh. Trong khi đầu ra xuất khẩu mặt hàng này hạn chế, người trồng chanh đang lo lắng về đầu ra trong tương lai.
Quảng Trị: Trồng củ ném trên đất cát cho thu nhập cao
Những năm gần đây, cùng với các chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, phát triển sản xuất, đánh thức tiềm năng những vùng đất cát ven biển, trong quá trình đưa vào sản suất, cho thấy cây ném là một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Thu hoạch củ ném ở xã Triệu Lăng (Triệu Phong). Ảnh: PVT
Mặt khác, cây ném còn góp phần cải tạo đất cát ven biển, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.
Vụ ném vừa rồi, gia đình ông Trần Bình Than, ở Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, trồng 2,5 sào (500m2/sào) ném lấy củ.
Ông Than cho biết, với đặc điểm khí hậu nắng nóng ở đây thì cây ném là một trong những cây trồng phù hợp, có thể chịu nóng, hạn khá tốt, lại rất dễ trồng, sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại.
Nhờ cây ném này mà hằng năm gia đình ông có thêm thu nhập trên 30 triệu đồng. “Sau 6 tháng chăm sóc với 2,5 sào, tôi thu được trên 5 tạ ném củ.
Do được chăm sóc tốt nên củ ném to, giòn, đảm bảo chất lượng, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hiện, tôi bán giá ném ngang là 60.000 đồng/kg, ném giống là 80.000 đồng/kg. Tính ra 1 ha nếu được chăm sóc tốt, sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng”, ông Than cho hay.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm trồng ném mà gia đình đang áp dụng, ông Than cho biết, để cho sản phẩm đạt năng suất, bán được giá thì cần kết hợp nhiều yếu tố, từ khâu chọn giống đến trồng và chăm sóc.
Đầu tiên là giống ném. Việc chọn giống rất quan trọng, nếu giống ném tốt, thì khi trồng cây nhanh bén rễ. Củ ném chọn làm giống phải chắc, tròn đều, không bị sâu bệnh, lượng củ giống trồng khoảng 30 kg/sào, thường thì 50 -55 củ/ m2 .
Trên diện tích đất cát trong khu vườn, ông chia thành các luống rộng 1,2 - 1,5 m, cao từ 20 - 50 cm. Trước lúc trồng ném phải làm đất kỹ để cây ném sinh trưởng tốt, mau nở khóm.
“Để tạo ra sản phẩm ném có chất lượng tốt, cho năng suất cao, có vị thơm và dễ bán, trước khi vào vụ trồng, tôi tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp, phân chuồng hoai mục, ủ với chế phẩm vi sinh, tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho cây ném.
Việc sử dụng phân hóa học rất hạn chế. Đặc biệt, tôi không sử dụng thuốc hóa học mà sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, để áp dụng chăm sóc, nếu cây ném bị bệnh. Bởi vậy, ngay từ đầu vụ thu hoạch, đã có nhiều người đến đặt mua ném của gia đình tôi”, ông Than nói.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Lăng, Nguyễn Thị Trâm cho biết, vùng đất cát ven biển của xã rất thích hợp với trồng ném. Trồng ném trên đất cát, là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để các hộ mở rộng diện tích sản xuất cây ném, đầu tư tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, toàn xã Triệu Lăng đã phát triển được trên 4 ha ném lấy củ, với hàng chục hộ tham gia trồng ném. Một số thôn có diện tích trồng ném nhiều như Thôn 5, Thôn 6. Nhờ cây ném, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng, Đặng Quang Hải cho biết, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa vùng cát, đưa vào trồng ném.
Quy hoạch vùng trồng, hình thành các vùng chuyên canh ném tập trung, sản xuất theo quy mô nhóm hộ, nhằm góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng cát ven biển, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.