Lãi cao từ măng tây, xây dựng thương hiệu cho măng tre và được mùa lúa là tin nổi bật trong tuần...
Sau nhiều năm gắn bó với cây chanh dây, hồ tiêu, năm 2019, anh Phạm Văn Diển (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) quyết định chuyển sang trồng 8 sào măng tây. Hiện, mỗi ngày anh Diển thu 4-5 triệu đồng từ vườn măng tây.
Anh Diển đang thu hoạch măng tây. Ảnh: A.H
Anh Diển cho biết: Trước đây, anh trồng chanh dây. Tuy nhiên, chanh dây đang trong giai đoạn thoái trào vì “nhà nhà trồng chanh dây, người người trồng chanh dây”, cộng thêm giá cả bấp bênh, năng suất và hiệu quả kinh tế không như mong đợi.
Sau khi được người bạn là kỹ sư nông nghiệp, giới thiệu về hiệu quả kinh tế, cũng như giá trị dinh dưỡng của cây măng tây, anh đã tìm hiểu và tham quan một số mô hình hiệu quả ở các tỉnh: Ninh Thuận, Lâm Đồng.
“Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy cây măng tây có thể trồng được ở cả những nơi nắng nóng, lẫn nơi có khí hậu lạnh”, anh Diển nói.
Thay vì trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ, anh Diển quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn chanh dây, rồi đầu tư làm đất, lên luống và trồng 8 sào măng tây.
Để đảm bảo năng suất, sản lượng, anh nhờ người quen ở nước ngoài mua 5 lạng hạt giống dòng F1, với giá 30 triệu đồng. Sau đó, anh tự ươm cây giống.
Anh Diển lý giải: Trồng măng tây dễ mà lại khó, vì trồng rất dễ nhưng để cây khỏe, cho măng ngọt, năng suất ổn định và thu hoạch lâu dài, thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó hạt giống rất quan trọng.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, 6 tháng sau, vườn măng tây bắt đầu cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 100 kg/ngày. Với giá hiện tại 50.000 đồng/kg, mỗi ngày anh Diển thu 4-5 triệu đồng.
Anh cho hay: “Nguồn măng tây của gia đình hiện cung không đủ cầu. Cứ thu hoạch đến đâu bán đến đó, vừa bán trong tỉnh, vừa gửi đi các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ”.
Theo anh Diển, khác với một số cây trồng, phải đầu tư trồng mới sau khi thu hoạch, măng tây có thể thu hoạch kéo dài trong 10 năm. Cứ sau 3 tháng thu liên tục, cây măng sẽ già cỗi.
Vì vậy, mỗi cụm cây anh chỉ giữ lại 3 chồi măng đẹp nhất, khỏe nhất làm cây mẹ, còn lại chặt bỏ. Thời gian để chồi măng phát triển thành cây là 1-1,5 tháng, sau đó tiếp tục chu kỳ thu hoạch mới.
“Thời gian thu hái măng thường bắt đầu 4-5 giờ sáng và kết thúc khoảng 9 giờ. Hái măng sớm thì búp măng sẽ non và mập. Còn nếu hái muộn, măng dễ bị khô, bông măng bung nở nhìn không được đẹp mắt”-anh Diển nói thêm.
Hiện, vườn măng tây của anh Diển đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Kpă Bleng (làng Lê Anh, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Lúc trước, mình cũng đi làm thuê, nhưng ít việc, thu nhập không ổn định. Từ khi làm cho anh Diển, công việc đều đặn, buổi sáng mình thu hái măng, buổi chiều làm cỏ, dọn vườn. Mỗi ngày, được trả công 180 ngàn đồng. Vườn măng cũng gần làng nên đi lại rất thuận tiện”.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế cây măng tây mang lại, anh Diển dự định sẽ chuyển đổi 2 ha hồ tiêu kém chất lượng sang trồng loại cây này. Không chỉ cung cấp măng tây, anh còn cung cấp cả hạt giống, cây giống và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho những ai có nhu cầu.
Bà Ksor H’La-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng-nhận xét: “Đây là mô hình trồng măng tây quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn xã, và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, Hội sẽ vận động hội viên đến tham quan, học tập và nhân rộng trên địa bàn”.
Đắk Nông: Xây dựng thương hiệu "Măng tre bốn mùa"
Đam mê sản xuất nông nghiệp, hơn 20 năm qua, vợ chồng ông Lê Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Sang, thôn 4, xã Đắk Som (Đắk Glong) đã xây dựng một trang trại cây ăn trái, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Măng tre bốn mùa cho thu hoạch quanh năm.
Tuy nhiên, hai ông bà chỉ thực sự thỏa mãn khi thử nghiệm và nhân giống thành công giống “măng tre bốn mùa”.
Ở xã Đắk Som ai cũng biết đến trang trại Ba Sang của vợ chồng ông Hoàng, vì ông bà là người chăm chỉ, chịu khó và hay giúp đỡ bà con trong sản xuất, cuộc sống.
Hai ông bà có mặt tại Đắk Som từ năm 1997, thời điểm ấy canh tác nông nghiệp vẫn còn rất lạc hậu.
Cần cù, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, song khác với người dân địa phương chỉ quen độc canh cà phê, năm 1998, hai ông bà đã xen canh nhiều loại cây ăn quả, và đầu tư hệ thống nước tưới rất khoa học, tiện lợi, giảm sức lao động rất nhiều.
Bà Sang chia sẻ: “Vợ chồng tôi quê ở Bình Định, tôi vốn rất thích trồng trọt, năm 1997, vợ chồng lên Đắk Nông tìm mua đất để lập trang trại. Lên đây thấy đất Đắk Som có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, nên mua 4,5 ha.
Thời gian đầu, tôi chỉ trồng cà phê, chăn nuôi dê và trồng xen canh một số cây ăn quả khác như mít, bơ, sầu riêng, ổi, chanh, quýt… Sau một thời gian thấy các cây này sinh trưởng, phát triển tốt, nên mua thêm đất và trồng đại trà.
Mùa mưa, thấy bà con hái nhiều măng rừng nên gia đình thu mua để chế biến. Đến nay, trang trại của tôi đã mở rộng trên 20 ha gồm nhiều loại cây trồng khác nhau".
Cũng theo bà Sang, hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này, bà nhận ra, cây măng có thị trường ổn định, giá cả không bị xuống thấp so các loại nông sản khác.
Song, mùa măng ở đây chỉ có vài tháng mùa mưa, nguồn nguyên liệu không ổn định, nên bà suy nghĩ rất nhiều. Một lần, con trai của bà sang Đài Loan chơ,i và thấy có giống măng rất lạ, ra quanh năm.
Biết thông tin này, bà bỏ tiền cho con trai sang Đài Loan tìm hiểu tường tận, và mua về trồng thử.
Đầu năm 2017, có trong tay 50 gốc măng giống, bà đã thử nghiệm trồng ngay. Nhưng đến cuối năm chỉ còn hơn 30 cây sống sót, và 8 tháng sau cho thu hoạch.
Ông bà rất vui mừng vì giống măng rất ngon, không đắng như măng rừng hay măng tre thông thường. Ngay sau đó, ông bà lại học cách nhân giống và từ hơn 30 gốc ban đầu đến nay, trang trại đã có trên 5.000 gốc "măng tre bốn mùa”.
Đắk Lắk: Niềm vui được mùa lúa của nông dân huyện Krông Bông
Vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện Krông Bông gieo sạ được 3.700 ha lúa nước (vượt kế hoạch 431 ha). Vụ này nông dân được mùa, được giá bà con rất phấn khởi.
Nông dân thôn 5 (Hoà Phong) thu hoạch lúa vụ Đông xuân 2019 – 2020
Xác định lúa Đông xuân là vụ chính trong năm, ngay từ đầu vụ, nhiều địa phương đã khuyến cáo nông dân không gieo sạ trên những chân ruộng không đảm bảo nước tưới; vận động họ sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao.
Đồng thời, chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp và tổ hợp tác, thường xuyên gia cố, sửa chữa hệ thống thủy lợi, xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý, ở những nơi không chủ động nguồn nước phải tiết kiệm.
Vụ đông xuân 2019 – 2020, nông dân xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã mạnh dạn liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty), gieo sạ thí điểm 50 ha lúa giống ST24 - giống lúa xuất khẩu năng suất, chất lượng cao.
Do sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa ST24 đạt bình quân 12 tấn/ha, cao hơn các giống thường 3 - 4 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Lơn, ở thôn 1 (xã Yang Reh) cho biết: Vụ này gia đình gieo sạ 3.000 m2 lúa giống ST24, kết quả thu được 3,6 tấn, giá bao tiêu 7.000 đồng/kg, cao hơn các giống khác 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó, mỗi héc-ta chỉ sử dụng 150 kg giống, so với các loại giống khác giảm được 50 kg/ha nên gia đình ông đã thu về được khoản thu nhập khá.
Xã Hòa Phong năm nay gieo sạ trên 300 ha lúa nước; trong đó gần 140 ha có hệ thống thủy lợi tưới tiêu, diện tích còn lại chủ yếu sử dụng nước ở các hồ chứa.
Được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 đập kiên cố, và bê tông hóa hệ thống kênh mương, ổn định tưới tiêu, nên năng suất lúa ở xã Hòa Phong đạt bình quân 7,5 tấn/ha, so với cùng kỳ năm trước, tăng 1 tấn/ ha và cao hơn bình quân chung của huyện 1,5 tấn/ha. Giá lúa cũng cao hơn vụ trước nên nhiều nông dân có lãi.
Ví như gia đình ông Y Bê Byă (ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong) có 6.000 m2 lúa nước, được cải tạo từ đất trồng màu ở khu vực bàu Đỉa. Trước đây, hằng năm ông phải dùng máy bơm lấy nước từ các hồ chứa để tưới, năng suất đạt từ 4 - 5 tạ/sào.
Năm nay ông Y Bê đã đầu tư 13 triệu đồng khoan giếng để lấy nước tưới, định kỳ 7 ngày/lần, đồng thời chuyển sang gieo sạ giống BRT và ML48 nên năng suất, sản lượng cao hơn hẳn.
Vụ Đông xuân này, cũng trên diện tích đó, ông đã thu hoạch gần 6 tấn lúa, với giá bán đầu mùa tại ruộng 7.600 đồng/kg, thu về trên 40 triệu đồng.
Hay gia đình ông Lữ Anh Tuấn (ở thôn 6, xã Hòa Phong), trước đây chỉ gieo sạ 1,3 ha lúa, do nguồn nước bấp bênh, năng suất lúa những năm cao nhất cũng chỉ ở mức 7 tấn/ha.
Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố công trình thủy lợi Sơn Phong, gia đình ông Tuấn đã mạnh dạn cải tạo 7.000 m2 đất trồng màu, sang làm lúa nước, nhờ có nước tưới ổn định nên năng suất lúa đạt gần 10 tấn/ha.
Cùng sản xuất chung trên một cánh đồng với ông Tuấn, gia đình ông Phạm Tàu (ở thôn 6) cũng đã có 3 năm liên tiếp được mùa. Năm nay ông Tàu gieo sạ 2 ha lúa giống 13-2, thu hoạch gần 20 tấn.
Với giá bán lúa thương phẩm 6.000 đồng/kg, cao hơn vụ trước 500 đồng/ kg, gia đình ông thu được 120 triệu đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.