Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 7 năm 2020 | 19:57

Tin Tây Nguyên: Giá trị nông sản Lâm Đồng chưa xứng với tiềm năng

Lâm Đồng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, giá trị nông sản chưa xứng với tiềm năng.

Để mở rộng thị trường nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Lâm Đồng nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung cần tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao, gắn với sơ chế, chế biến xây dựng thương hiệu đặc trưng của mình.

 

c-fe-399.jpg

Cần xây dựng vùng sản xuất nông sản chất lượng cao để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khu vực 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Lâm Đồng với thế mạnh khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi chủ lực chiếm tỷ lệ cao trong cả nước.

Ví như: lượng nông sản hàng năm hơn 1,5 triệu tấn; cà phê miền Trung - Tây Nguyên hơn 93,5% trong cả nước.

Tương tự các tỷ lệ này đối với cây trồng, vật nuôi khác như: tiêu, điều (gần 257 ngàn tấn, chiếm khoảng 50%); cao su (334.000 tấn, chiếm gần 30%); lúa gạo (8,5 triệu tấn, chiếm gần 20%); rau, củ, quả (hơn 4 triệu tấn, chiếm hơn 15%); gia súc, gia cầm (hơn 1,7 triệu tấn, chiếm gần 27,7%); thủy sản (gần 1,8 triệu tấn, chiếm gần 23%)…

Với sản lượng nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ cao vừa nêu trên, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến nay được đánh giá có nhiều tiềm năng xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao gắn với đầu tư mở rộng công nghệ chế biến quy mô lớn. 

Thống kê những kết quả bước đầu ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã hình thành 1.400 cơ sở chế biến cà phê, cao su, thủy sản… chiếm tỷ lệ 25% cả nước, đóng góp 41 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. 

Qua đó, đã làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam hội nhập thành công với thị trường thế giới…

“Tuy nhiên, một số ngành hàng như rau, củ, quả, thịt… ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn nhiều dư địa, nhưng chủ yếu chỉ hình thành hệ thống sơ chế mang tính chất tự cung, tự cấp cho khu vực, địa phương; hoặc chỉ sơ chế ban đầu để cung cấp nguyên liệu cho các khu vực khác để chế biến, dẫn đến giá trị nông sản tiêu thụ chưa tương xứng với tiềm năng…”, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. 

Đối chiếu với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng có 316.210 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 58.000 ha ứng dụng công nghệ cao.

Tổng diện tích được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C... đạt khoảng 78.000 ha. Giá trị sản xuất bình quân đạt gần 180 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ngày càng nhiều diện tích rau, hoa công nghệ cao đạt thu nhập từ 1 tỷ đồng/ha trở lên.

Kết quả trong năm vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng thu hoạch gần 2,6 triệu tấn rau, củ, quả và hơn 3,5 tỷ cành hoa các loại.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng nhận định: “Rau, hoa là một trong những sản phẩm chủ lực có nhiều lợi thế phát triển của Lâm Đồng, hàng năm cung cấp ra thị trường trong nước với tỷ lệ khoảng 90%, tập trung các tỉnh Đông Nam Bộ 60-63%; miền Tây 12-15%; các tỉnh miền Trung 12-15% và Hà Nội 7-10%.

Thị trường xuất khẩu chiếm khoảng 10% tổng sản lượng. Hiện, với khoảng 100 doanh nghiệp Lâm Đồng  có năng lực sơ chế, chế biến mới chỉ đạt lần lượt tỷ lệ 50% và 15% tổng sản lượng rau trước khi tiêu thụ...”. 

Riêng các loại cây hàng năm ở Lâm Đồng như cà phê 174.390 ha (chiếm 45% diện tích đất canh tác), năng suất bình quân gần 3,2 tấn/ha. Trong đó, 80-90% sản lượng được sơ chế, chế biến trước khi tiêu thụ.

Cây chè có 152 doanh nghiệp chế biến tổng công suất gần 30.000 tấn thành phẩm/năm. Cây dâu, con tằm có trên 14.000 hộ sản xuất với sản lượng kén hàng năm đạt khoảng 11 ngàn tấn.

Cây ăn quả với tổng diện tích gần 20.000 ha, sản lượng bình quân 178.000 tấn/năm. Toàn tỉnh Lâm Đồng có 88 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng hơn 11.100 tấn thành phẩm…

Hiện, Lâm Đồng phát triển 150 chuỗi liên kết với sự tham gia của 182 doanh nghiệp, hợp tác xã và 16.015 hộ sản xuất trên tổng diện tích khoảng 24.000 ha, sản lượng trên 500.000 tấn rau, củ, quả đưa vào sơ chế, chế biến, đóng gói chuyển đến người tiêu dùng. 

Song, theo ngành chức năng, những kết quả về sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu đặt ra. Trong đó, Lâm Đồng hiện mới đạt  50% sơ chế, 20% liên kết tiêu thụ, 15% chế biến... 

Để mở rộng thị trường nông sản ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Mục tiêu xây dựng nhà máy chế biến gắn với nguồn nguyên liệu chất lượng cao là giải pháp sống còn.

Thông qua chuỗi liên kết, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, bền vững, đồng thời kiểm soát, truy xuất được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ…”.

Đáng kể, từ năm 2017 đến nay, ngành nông nghiệp và ngành công thương Lâm Đồng đã phối hợp hỗ trợ máy móc, thiết bị, chuyển giao quy trình vận hành, quản lý, kiểm soát chất lượng… để xây dựng thành công mô hình Trung tâm Sau thu hoạch tại huyện Đức Trọng.

Mô hình này đang tiếp tục nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng và đăng ký thành công 19 nhãn hiệu nông sản; đặc biệt phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản xây dựng hiệu quả thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông, bước đầu đã nâng cao giá trị thu nhập lên từ 15-20%...

Trồng thành công dưa lê Hàn Quốc tại Đà Lạt

Với hương vị thơm, ngọt, dòn, dưa lê Hàn Quốc đã được nhiều nông dân TP. Đà Lạt trồng thành công. Với đặc tính ngắn ngày, năng suất cao, dưa lê Hàn Quốc đang mở hướng phát triển kinh tế mới cho Đà Lạt.

 

dua-69.jpg

Vườn dưa lê Hàn Quốc tại trang trại Hoa Thắng Thịnh.

 

Nhận thấy dưa lê Hàn Quốc đem lại giá trị  cao bởi kỹ thuật chăm sóc đơn giản, không tốn nhiều chi phí, lại phù hợp  khí hậu địa phương, Trang trại Hoa Thắng Thịnh (Phường 7, Đà Lạt) đã chuyển 1.500 m2 nhà kính chuyên trồng rau, hoa sang trồng dưa lê Hàn Quốc.  

Để có được nguồn giống thuần chủng, trang trại đã nhập giống từ Hàn Quốc dưới dạng xách tay về Đà Lạt. Đây cũng là một trong những nhà vườn đầu tiên trồng thành công loại dưa này tại Đà Lạt.

Chị Đoàn Thị Thu - Phụ trách kỹ thuật trang trại cho biết: Dưa lê Hàn Quốc  có nhiều ưu điểm vượt trội: mẫu mã đẹp, hàm lượng dinh dưỡng cao, quả ngọt mát...

Đây là giống dưa rất phù hợp khí hậu Việt Nam nên  trồng được quanh năm, 3vvuj/ năm,  mỗi vụ kéo dài hơn 3 tháng. Quá trình sinh trưởng phát triển của cây nhanh, thích ứng tốt với khí hậu, thổ nhưỡng  Đà Lạt.

Thời vụ gieo  từ tháng 4-11 hàng năm, mật độ 3.000 - 3.200 gốc dưa/1.000 m2. Cây được trồng trực tiếp, hoặc trồng giá thể trong nhà kính, nên hạn chế được sâu bệnh, côn trùng gây hại. 

Chăm sóc khá dễ dàng, chỉ cần đủ lượng phân bón, tưới nước hàng ngày. Sau khoảng 70 ngày, sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Dưa lê Hàn Quốc khi chín có màu vàng nhạt, vị ngọt, hương thơm dịu, được thị trường khá ưa chuộng.

Hiện, mỗi gốc dưa đang cho qủa 1 - 1,2 kg, giá bán tại vườn 100.000 - 150.000 đồng/ kg. 

Theo chị Thu, để trồng thành công như trên, việc sản xuất sạch, đảm bảo an toàn sinh học phải đặt lên hàng đầu. Trang trại Hoa Thắng Thịnh kiên quyết không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu hóa học. Không riêng  trồng dưa, hầu hết sản phẩm của trang trại đều sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học. 

Để có đầu ra ổn định, ngoài bán trực tiếp cho khách du lịch, trang trại đã có 3 kênh phân phối, đó là bán liên kết sản xuất theo chuỗi với các tỉnh  như: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… bán tại vườn và online. 

Gia Lai: Sản phẩm OCOP vào siêu thị

Vừa qua, Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai đã đầu tư gian hàng chuyên giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Đây là cơ hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương

 

gl-33.jpg

 Đak Đoa ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP.



Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh đã có 42 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh,  đã được khẳng định về chất lượng, nhưng do chưa được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã  hỗ trợ để Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai thuê mặt bằng trưng bày và bán sản phẩm OCOP.

Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai-cho biết: “Đơn vị đã thuê 37,5 m2 mặt bằng trong Siêu thị Co.op Mart Pleiku để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Cách làm này không những giúp các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trưng bày và bán hàng mà còn là cơ hội trao đổi các sản phẩm đạt OCOP giữa các tỉnh với nhau”.

Việc đặt gian hàng OCOP Gia Lai trong Siêu thị chưa lâu nhưng đã thu hút gần 30 sản phẩm như: gạo Phú Thiện, măng le rừng Kbang, hạt điều rang, thịt bò khô, dầu phụng, cà phê, hồ tiêu, cao đinh lăng, tinh bột nghệ đỏ…

Bà Tạ Thị Nguyên (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chia sẻ: “Gian hàng sản phẩm OCOP nằm ở vị trí khá thuận lợi cho người mua. Qua đó, tôi biết thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo chất lượng, là sản phẩm đặc trưng của các tỉnh

Ông Bùi Ngọc Thúc-Giám đốc HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho hay: “Sản phẩm măng le của Hợp tác xã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, vừa được đưa vào Siêu thị Co.op Mart Pleiku.

Thông qua siêu thị, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn. Đồng thời, chúng tôi có cơ hội để quảng bá, nâng tầm chất lượng sản phẩm cũng như tiếp cận người tiêu dùng tốt nhất”.

Ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: Gian hàng sẽ giúp sản phẩm OCOP đến gần với khách hàng. Mỗi ngày có  3.000-4.000 lượt khách mua sắm là cơ hội quảng bá khá tốt.

“Chúng tôi mong có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đặc trưng của tỉnh được đưa vào Siêu thị. Đồng thời, chúng tôi sẽ hỗ trợ  để sản phẩm OCOP vươn xa. Nếu làm tốt, sẽ kết nối vào hệ thống siêu thị Co.op Mart trong cả nước", ông Bình nói.

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top