Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 8 năm 2020 | 8:57

Tin Tây Nguyên: Hoa cúc tăng giá mạnh, nông dân Đà Lạt phấn khởi

Do nhu cầu thị trường, hoa cúc dịp Rằm tháng 7 Âm lịch bất ngờ tăng mạnh, nhưng nguồn cung thiếu hụt, nên giá hoa liên tục tăng, nông dân rất phấn khởi.

Hiện, nhiều chủ vựa hoa đang chạy đôn đáo đến các nhà vườn mua hoa cúc chuyển đi các tỉnh, nhưng không có hoa để mua, nông dân trồng hoa cúc rất phấn khởi.

 

cuc-6991.jpg

Giá hoa cúc tăng cao sau một thời gian dài rớt giá

 

Theo đó, giá hoa cúc tại TP Đà Lạt và vùng lân cận đã bắt đầu tăng mạnh, sau một thời gian dài lâm vào tình trạng ế ẩm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tại TP. Đà Lạt, người trồng hoa cúc đang phấn khởi, khi giá hoa tăng mạnh và thị trường tiêu thụ ổn định trong những ngày qua. Ông Hứa Minh Phúc, người chuyên trồng hoa cúc tại Phường 12 cho biết, hiện, giá cúc lưới đang được thương lái thu mua tại vườn: 40.000 đồng/bó 10 cành, cúc đóa khoảng 35.000-40.000 đồng/bó, cúc AT 20.000 đồng/bó, thạch bích 20.000 đồng/bó...

Giá hoa cao gấp 4-5 lần thời gian trước đó. Với giá này, người trồng hoa cúc đảm bảo có lãi khoảng 30- 40 triệu đồng/1.000m2 sau hơn 3 tháng chăm sóc.

Ông Vũ Văn Tân, người trồng hoa cúc tại Phường 8 hồ hởi cho biết, lâu lắm rồi người trồng cúc tại Đà Lạt mới có một vụ trúng giá lớn như hiện nay.

“Tiếc là vào thời điểm này, gia đình tôi chỉ có một sào cúc đang cho thu hoạch, nếu cả 3 sào đều cho thu hoạch cả, thì chắc mừng như được trúng số”.

Theo ông Võ Văn Sang - Chủ tịch UBND Phường 12, vùng chuyên trồng hoa cúc cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hồi đầu năm, hoa không bán được, nên nhiều nhà vườn ngưng canh tác, hoặc trồng cầm chừng, cộng thêm thời tiết không thuận lợi, nên hoa phục vụ cho dịp rằm tháng 7 không kịp nở.

Không chỉ hoa cúc khan hiếm, nhiều loại hoa khác như cát tường, cẩm chướng giá cũng tăng nhưng không đủ nguồn cung. 

 Lâm Đồng: Giá kén tằm tăng mạnh, nông dân phấn khởi

Sau một thời gian dài giảm giá mạnh, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại. Giá tằm tăng đã tạo tâm lý phấn khởi cho người nông dân, hoạt động nuôi tằm trong tỉnh đang trên đà phục hồi trở lại. 

 

ken-299.jpg

Giá kén tằm tăng trở lại, nông dân đang khôi phục trồng dâu nuôi tằm.

 

Ghi nhận tại huyện Lâm Hà, kén tằm được các vựa thu mua với giá 120.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở thu mua kén tằm xã Tân Hà cho biết: giá kén tằm liên tục tăng trở lại và vẫn chưa có dấu hiệu dừng, khiến người trồng dâu vô cùng phấn khởi.

Ở mức giá hiện tại, nguồn thu về từ kén tằm đã tiệm cận thời điểm đầu năm 2020, giúp nhiều gia đình an tâm đầu tư, tiếp tục sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Tổ trưởng Tổ làng nghề dâu tằm (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) cho biết: Nhiều tháng nay, hoạt động sản xuất, chăn nuôi tằm gặp rất nhiều khó khăn do giá kén xuống thấp, thu không bù chi.

“Trong số hơn 200 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm, đã có gần 2/3 số hộ ngưng nuôi vài tháng qua. Nay giá kén tăng mạnh trở lại, khiến người dân vô cùng phấn khởi” - ông Chiến nói.

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đạ Tẻh cho biết: Liên tục hai tuần qua, giá kén trên địa bàn huyện đã có sự biến động mạnh. Giá thương lái thu mua tăng từ 60.000 đồng/kg lên từ 95.000 – 100.000 đồng/kg. 

Theo ông Tiện, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá kén tằm giảm, khiến người chăn nuôi tằm giảm quy mô chăn nuôi khoảng 40% so bình thường. Mặt khác, đây là thời điểm mưa nhiều, chăn nuôi không đạt hiệu quả cao. 

Tại TP Bảo Lộc, các doanh nghiệp ươm tơ, xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua kén từ người dân. Ông Vũ Thành Công - Phó Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc cho biết, giá kén được các doanh nghiệp thu mua 110.000 đồng/kg. Việc thu mua kén từ người dân cũng rất cùng nhộn nhịp. 

Theo ông Công, qua thông tin từ một số doanh nghiệp ươm tơ, xuất khẩu: Sở dĩ giá kén tăng mạnh trở lại, là do thị trường xuất khẩu tơ tằm đang có khởi sắc trở lại. Hiện, Ấn Độ đã mở cửa lại thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp tại TP cũng đang có những đơn hàng xuất khẩu lớn. 

Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh TP Bảo Lộc cho biết: Hiện, giá tơ xuất khẩu đã tăng mạnh từ 31 USD/kg lên 37 USD/kg. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu đã khơi thông trở lại.

Giá kén tằm trong nước tang, nhưng sản lượng thu mua của doanh nghiệp không nhiều, do sản lượng kén giảm mạnh, do một bộ phận lớn người dân tạm ngưng nuôi. Cùng với đó, thời tiết, dịch bệnh giai đoạn này ảnh hưởng lớn đến quá trình nuôi của người dân. 

Đắk Lắk: Siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên

Khu vực Tây Nguyên vẫn đang đối mặt với tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép.

 

rung-33.jpg

Nhân viên Công ty TNHH Lâm Nghiệp Krông Bông tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Vạn Tiếp

 

Đây là thực trạng đáng lo ngại, cần phải có giải pháp mạnh để bảo vệ và phát triển những cánh rừng nơi đây.

Tây Nguyên hiện có gần 2,56 triệu héc-ta rừng, chiếm 17,5% diện tích có rừng của cả nước, với tỷ lệ che phủ hơn 45,9%. Song, rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đang bị xâm hại từng ngày, khiến diện tích giảm, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụ thể, trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước 56 tỷ đồng.

Đáng ngại hơn, diện tích rừng tự nhiên giảm 15,7 nghìn héc-ta so  năm 2018.

Riêng Đắk Lắk, có trên 514 nghìn héc-ta rừng, độ che phủ đạt 38,6%. Từ năm 2019 đến 5 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 1.075 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2020, xảy ra 345 vụ, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, rừng Tây Nguyên đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ, khiến các chủ rừng rất vất vả, trong công tác quản lý, bảo vệ. Nhất là vấn nạn dân di cư tự do, dẫn đến nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng cao, đời sống  người dân phụ thuộc nhiều vào rừng.

Hoặc, giá một số nông sản tang, dẫn đến tình trạng xâm canh rừng để lấy đất trồng trọt; giá trị nhiều mặt hàng lâm sản cũng tăng cao, nên các đối tượng lâm tặc manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng giữ rừng khi bị phát hiện…

Theo ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, đơn vị chịu áp lực lớn bởi nạn phá rừng làm nương rẫy, và khai thác gỗ trái phép.

Trong những tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 168 vụ phá rừng, cũng như lấn chiếm đất rừng khai thác gỗ, trong đó phá rừng, đốt rừng là 160 vụ (đốt rừng gây thiệt hại 6 ha, phá rừng tự nhiên là 27 ha). Tình trạng phá rừng không phải diện rộng, nhưng số vụ khá nhiều.

Mặc dù công ty đã báo cáo kịp thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý, nhưng so năm 2019 vẫn không giảm. Điều này nói lên áp lực quản lý, bảo vệ rừng đối với công ty rất nặng nề.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thấp khiến việc quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế. Đơn cử như, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng, các công ty này không còn được khai thác rừng tự nhiên để tạo nguồn thu.

Do đó, kinh phí quản lý, bảo vệ rừng phụ thuộc vào sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, hoặc từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, khiến nguồn lực bảo vệ rừng rất khó khăn

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện, Tây Nguyên vẫn là "điểm nóng" phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; tình trạng tranh chấp đất rừng kéo dài  chậm được giải quyết dứt điểm.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên hiện đã giảm sút nghiêm trọng. Hiện, hơn 70% rừng Tây Nguyên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt; diện tích rừng giàu và rừng trung bình chỉ còn lại ở các khu rừng đặc dụng, và một số ít rừng phòng hộ đầu nguồn.

Vấn đề đặt ra với Tây Nguyên là, để phát triển bền vững thì việc giữ diện tích rừng như hiện nay cũng đã là cái ngưỡng mà chúng ta không thể để thấp hơn được nữa.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh Tây Nguyên huy động các lực lượng chức năng, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trong thời gian qua.

Kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật, chống người thi hành công vụ; các tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay để xảy ra phá rừng trong thời gian qua.

Ngoài ra, để giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, các địa phương nhanh chóng ổn định dân di cư tự do, quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; giải quyết căn bản tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh trước năm 2025…

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, áp lực về giữ rừng rất lớn, bên cạnh việc phải siết lại trách nhiệm chủ rừng, phải xử lý đồng thời nhiều vấn đề khác. Trong đó, nổi cộm là năng lực, điều kiện của chủ rừng, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp còn hạn chế, trong khi cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều chồng chéo.

Đắk Lắk cũng đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành cần quan tâm rà soát, xem xét lại cơ chế, chính sách lâm nghiệp để tạo điều kiện pháp lý cho chủ rừng, có thể thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng của mình. Đồng thời, bảo đảm nguồn lực để giữ rừng, và tạo sinh kế cho dân cư sống gần rừng, nhằm hạn chế người dân tác động vào rừng.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top