Xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp công nghệ cao; trồng sâm dây hiệu quả; xây dựng thương hiệu cho cà phê là tin nổi bật trong tuần.
Huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã, đang triển khai và ứng dụng hiệu quả các biện pháp khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Cà phê cao sản đem lại năng suất, chất lượng cao cho Bảo Lâm.
Từ đó, các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, Bảo Lâm có gần 52.000ha đất canh tác nông nghiệp, với cây trồng chính và chủ lực: cà phê, chè và cây ăn quả. Ngành nông nghiệp chiếm khoảng 35,47% cơ cấu kinh tế của huyện, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn ở mức cao.
Đó là điều kiện thuận lợi để Bảo Lâm“Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”.
Trên cơ sở đó, Bảo Lâm đã xây dựng Nghị quyết số 07 về “Phát triển kinh tế vườn - hộ bền vững giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến 2025”.
Theo ông Đậu Văn Xuân - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, địa phương có 26.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Để phát triển kinh tế vườn - hộ đạt hiệu quả cao, Bảo Lâm đã chia thành 4 nhóm hộ, gồm:
Nhóm 1 (hộ giàu) có 1.194 hộ, diện tích đất sản xuất từ 3 ha/hộ trở lên và có tổng thu nhập trên 450 triệu đồng/năm.
Nhóm 2 (hộ khá): 3.402 hộ, diện tích đất sản xuất từ 1,5 - 3 ha/hộ và có tổng thu nhập từ 250 - 450 triệu đồng/năm.
Nhóm 3 (hộ trung bình): 12.831 hộ, diện tích đất sản xuất 0,6 - 1,5 ha/hộ, tổng thu nhập 100 - 250 triệu đồng/năm.
Nhóm 4 (hộ hạn chế về tiềm lực): 6.558 hộ diện tích đất sản xuất dưới 0,6 ha, tổng thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm.
Từ thực tế đó, địa phương đã xây dựng các chuỗi liên kết và tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp cùng tham gia.
Nổi bật là liên kết sản xuất cà phê bền vững của HTX An Lộ và Công ty Acom; sản xuất, chế biến chè: Công ty Hằng Sơn Điền, Công ty Cổ phần Cầu Tre, Công ty TNHH Uyên Du và HTX Tâm Đức; liên kết chăn nuôi heo VietGAP huyện Bảo Lâm…
Những chuỗi này không chỉ giúp năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày càng cao, mà còn giúp ổn định đầu ra cho nông dân” - ông Xuân cho biết thêm.
Từ những chuỗi trên, HTX và tổ hợp tác sản xuất, dịch vụ nông nghiệp không ngừng tăng lên. Hiện, toàn huyện Bảo Lâm có 24 HTX và 15 tổ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng 300 thành viên, có tổng số vốn điều lệ gần 30 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 1.250 lao động.
Ngoài ra, Bảo Lâm đang có 170 trang trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo hình thức khép kín bán công nghiệp.
Đến nay, về cơ bản hơn 30.000 ha cà phê của địa phương đã được người dân ghép cải tạo và trồng mới các giống cà phê ghép có năng suất, chất lượng cao như Xanh lùn, Thiện trường, TR4, TR9 và TR11…
Đối với cây chè, đã được chuyển sang giống chè cành, và các giống chè Olong năng suất, chất lượng cao.
Đặc biệt, Bảo Lâm đã hình thành nhiều khu trồng cây ăn quả bơ, sầu riêng, cam theo hướng thâm canh, với hàng ngàn ha năng suất, chất lượng cao, và hiệu quả vượt trội so các cây trồng khác.
Đồng thời, Bảo Lâm còn phát triển đàn trâu, bò gần 45.000 con; đàn gia cầm 480.000 con/năm. Toàn huyện có 15% sản lượng cà phê, 20 % chè, 30% cây ăn quả, 30% trứng, thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ ổn định, bền vững.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 140 triệu đồng/năm.
Ông Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “2 năm qua, huyện đã hỗ trợ 9 mô hình nuôi bò đực giống, 109 bò cái giống lai Zêbu, 25 mô hình gia cầm, thủy cầm… góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi trên toàn huyện.
Hiện, đã có nhiều mô hình bò, dê, heo… công nghệ mới, an toàn sinh học hiệu quả cao. Nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng công nhàn rỗi, sản phẩm phụ nông nghiệp, kết hợp khai thác nguồn phân hữu cơ, cung cấp cho trồng trọt, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là nhóm hộ”.
Hiện, Bảo Lâm đang đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương, nhất là sản phẩm chủ lực và thế mạnh.
“Đối với chương trình OCOP, Bảo Lâm đã xây dựng được 10 sản phẩm. Trong đó, có 4 sản phẩm đạt chuẩn cấp tỉnh (bơ 034, bơ Booth và 2 sản phẩm cà phê rang xay); 6 sản phẩm cấp huyện.
Đặc biệt, huyện đã hoàn thành thủ tục công nhận nhãn hiệu hàng hóa bơ 034 và cà phê rang xay Bảo Lâm. Khi có nhãn hiệu, Bảo Lâm sẽ cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc, để nâng tầm sản phẩm.
Qua đó, tạo cơ hội để Bảo Lâm xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân - ông Trương Hoài Minh cho hay.
Kon Tum: Trồng sâm dây đơn giản, hiệu quả cao
Năm nay, huyện Đăk Glei trồng mới hơn 230 ha sâm dây tại các xã Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh. Bà con đang tranh thủ làm đất, chuẩn bị xuống giống khi có mưa, đảm bảo tỷ lệ cây sống, sinh trưởng, phát triển tốt.
Sâm dây trên đất rẫy. Ảnh: TN
Cây sâm dây có thể lấy nguồn ươm bằng hạt hoặc từ cây. Ươm hạt cây giống tốt, nhưng mất nhiều thời gian; nên bà con thường lấy giống từ cây, chất lượng cũng không kém, lại đơn giản, thuận tiện.
Đất trồng sâm dây chủ yếu là rẫy cũ, đã từng canh tác nên cơ bản đã thuần, không mất công đào gốc, dọn cỏ. Tuy vậy, trước khi trồng, vẫn cần cuốc kỹ, phơi ải cho thoáng khí. Trước khi xuống giống, phải lên luống.
Hiện, sâm dây Ngọc Linh vẫn trồng lối tự nhiên, không phải bón phân. Từ lúc trồng đến thu hoạch, chỉ làm cỏ, xới đất vài lần là được.
Mỗi năm, sâm dây trồng một vụ. Thời điểm xuống giống thích hợp đầu mùa mưa (cuối tháng 5, 6). Vì vậy, sau khi thu hoạch sâm dây vào cuối mùa khô năm trước, thì đầu năm sau, bà con lấy cây giống để có mưa xuống sẽ trồng.
Cũng có thể trồng sớm khi chưa có mưa, mà vẫn bảo đảm cây sống nếu tránh nắng cho cây. Chị Y Liên làng Mới, xã Ngọc Linh cho hay: Xuống giống sâm dây khi có mưa đơn giản, nhưng trồng vào cuối mùa nắng là để “giữ giống”.
Lưu ý, trồng gốc sâu xuống đất, sau đó, lấy đất phủ luôn cả ngọn. Mưa xuống, rửa trôi đất, mới lộ ngọn ra, cây lên bình thường. Cách này, tỷ lệ sống trên 80%.
Có thể trồng xen với một số cây trồng khác, song, bà con Ngọc Linh thường trồng theo lối chuyên canh, năng suất, chất lượng cao hơn.
Hiện, bà con chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống. Phổ biến là trồng đại trà trên đất bình thường; song hiệu quả hơn khi được vun luống, làm vồng trước khi trồng.
“Tốt nhất là vun vồng, như trồng cây mì; mỗi vồng 4 - 5 cây. Vun vồng to, đất tơi xốp, cây càng phát triển tốt, có khi 2 - 3 củ một ký”, chị Y Liên chia sẻ.
Xã Ngọc Linh hiện có hơn 450 ha lúa mùa, song do địa hình đồi dốc cao, cả đất rẫy và ruộng bậc thang đều có độ rửa trôi lớn, nên năng suất bình quân thấp.
Đầu tư sâm dây, tiến tới hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu này là mục tiêu hướng tới của xã. Riêng vụ mùa 2020, bà con tiếp tục trồng mới 142ha, tại các làng Tân Rát, Kung Rang, Kon Tuông, Lê Toan, Đăk Nai...
Để mở rộng diện tích sâm dây, 3 xã được quy hoach: Ngọc Linh, Mường Hoong, xã Xốp, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình 135, 30a giúp các hộ nghèo, cận nghèo trồng loại cây này đạt hiệu quả.
Gia Lai: Trồng dứa Cayen trên đất khó Ia Pa
Dứa giống Cayen to tròn, chín mọng, thơm ngọt tại HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) thì khó lòng tin được giống dứa này có thể phát triển tại vùng đất xưa nay chuyên trồng mì và mía.
HTX Nông nghiệp Tân Tiến có hơn 450 ha đất, trong đó, 70% diện tích là mía, còn lại mì. Hiện, cây mía và mì năng suất thấp, giá bấp bênh.
Vì thế, sau khi tìm hiểu mô hình trồng dứa và được tập huấn, hỗ trợ một phần vốn, 53 thành viên đã tham gia trồng dứa.
Đây là mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp Công ty cổ phần Đồng Giao và xã Pờ Tó liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, quy mô 4 ha, tổng vốn hơn 621 triệu đồng; trong đó, nguồn ngân sách 260 triệu đồng, HTX 361 triệu đồng. Từ trồng đến thu hoạch 18 tháng.
Kết quả lứa đầu đáng mừng, HTX bán lẻ trung bình 10.000-20.000 đồng/quả (1,5-3,5 kg). Với cam kết bao tiêu của Công ty Đồng Giao 3.500 đồng/kg, mỗi héc ta trừ chi phí thu hơn 38 triệu đồng.
Anh Trần Văn Hùng-cán bộ kỹ thuật HTX Tân Tiến nói: “Mô hình trồng dứa rất mới, nhưng chúng tôi thấy rất hài lòng. Sắp tới, sẽ mở rộng và hướng dẫn thành viên áp dụng”.
Pờ Tó có diện tích đất nông nghiệp hơn 5.800 ha, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được xác định là giải pháp tăng thu nhập cho người dân.
Ông Trần Đức Việt-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-chia sẻ: “Mong rằng huyện cũng như các công ty tích cực hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo về giá, đầu ra sản phẩm, để bà con yên tâm sản xuất”.
Hiện, qua phối hợp với Công ty Đồng Giao khảo sát thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, huyện Ia Pa định hướng 2 loại cây trồng là dứa, bắp ngọt tại các xã: Ia Broăi, Ia Trok, Pờ Tó...
Theo bà Nguyễn Thị Hường-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Trung tâm đang hướng dẫn người dân đăng ký để tiếp tục nhân rộng mô hình.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là sự vào cuộc của ngành chức năng, để nông dân không trồng ồ ạt, rồi lại loay hoay tìm đầu ra như một số nông sản khác.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.