Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 10 năm 2017 | 10:0

Tin tức Tây Nguyên: Dùng hơi nước… trồng rau, nâng cao hiệu quả kinh tế từ ghép cải tạo cây bơ

Hiện đã có khoảng hơn 1 tấn rau khí canh đạt chuẩn VietGAP bán ra thị trường trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây. Giá rau khí canh gấp từ 2 đến 3 lần rau canh tác trên đất tự nhiên.

Lâm Đồng: Dùng hơi nước… trồng rau

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xác nhận ông Trần Huy Đường (P.7, TP. Đà Lạt) là nông dân đầu tiên tại Đà Lạt thành công trong canh tác nông sản khí canh trên diện tích lớn.

Trong nông trại khoảng 1.000m2 của mình, ông Đường trồng 4 giống rau khác nhau bằng phương pháp khí canh. Do chi phí đầu tư cao nên ông Đường chủ yếu trồng các loại rau ít phổ biến có giá trị lớn cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn.

Với phương pháp khí canh, rau được trồng trên giàn cách ly với mặt đất. Bộ rễ cây rau không cắm vào đất, giá thể hay nước (thuỷ canh) mà lơ lửng trong những ô không khí đã được che chắn ánh sáng.

Canh tác giống rau khác nhau bằng phương pháp khí canh

Sau một thời gian nhất định, hệ thống van sẽ tự động phun hơi nước có pha chất dinh dưỡng vào trong những ô không khí có chứa bộ rễ. Rễ cây sẽ hấp thụ hơi nước và chất dinh dưỡng nuôi cây rau phát triển. Chất dinh dưỡng được pha thẳng vào nước theo công thức phù hợp với từng loại nông sản và chứa sẵn trong những bồn lớn dùng cho cây trong thời gian dài.

Ông Đường học cách xây dựng hệ thống khí canh từ các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan. Tại Việt Nam không có sẵn thiết bị canh tác khí canh nên ông phải dùng những thiết bị có sẵn, thông dụng để lắp ghép.

Theo ghi chép canh tác thì khí canh phù hợp với cả rau lá và rau củ. Tuy nhiên, tối ưu nhất với rau lá vì không phun dinh dưỡng lên lá nên bề mặt lá sạch, không nhiễm phân bón. Chi phí xây dựng hệ thống khí canh tiết kiệm khoảng 20% so với thuỷ canh, thời gian canh tác ngắn hơn các loại hình khác từ 7 đến 10 ngày.

Hồ tiêu chết, nhiều hộ dân lo lắng

Thời gian qua, nhiều vườn hồ tiêu của bà con nông dân tỉnh Lâm Đồng phát triển tốt và đang trong giai đoạn cho trái thì xảy ra hiện tượng cây chết, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn khiến nhiều người ở đây lo lắng.

Trước thực trạng hầu hết vườn tiêu của nhiều hộ dân ở Thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh thân cây bị héo khô rồi chết, bà con nông dân đều có chung tâm lý lo lắng và mong muốn cơ quan chuyên môn, nhất là ngành nông nghiệp cần sớm xác định và có kết luận về nguyên nhân cây tiêu chết. Qua đó, chỉ ra các loại thuốc đặc trị cũng như hướng dẫn cách xử lý, trị bệnh hiệu quả, giúp bà con ngăn ngừa và hạn chế tình trạng cây tiêu chết như hiện nay.

Nhiều vườn hồ tiêu đang trong giai đoạn cho trái thì xảy ra hiện tượng cây chết

Đại diện Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh được biết: Thời gian qua, đơn vị cũng đã đến kiểm tra, nhận thấy là do thời tiết mưa nhiều, đất khu vực này dễ bị ứ nước…, nên nguyên nhân chính dẫn đến cây tiêu bị chết rải rác là do bị úng nước. Đơn vị cũng đã tư vấn, hướng dẫn cho bà con nông dân về các quy trình phòng trừ, biện pháp xử lý, nên đến nay đã khắc phục dần.

Gia Lai: Nông dân vui mừng vì cà phê được mùa, được giá

Dù niên vụ cà phê 2017-2018 mới bước vào giai đoạn hái bói nhưng người trồng rất phấn khởi khi năng suất và giá cà phê đều tăng so với vụ trước.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 93.449 ha cà phê, trong đó diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 80.000 ha. Khác với niên vụ trước bị ảnh hưởng của đợt hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích cà phê sụt giảm nặng nề về năng suất, vụ này thời tiết diễn biến thuận lợi giúp cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt.

Các loại sâu bệnh gây hại trên cây cà phê do được cơ quan chuyên môn thường xuyên khuyến cáo và cảnh báo để người dân chủ động phòng trừ kịp thời nên không gây thiệt hại.

Vụ này thời tiết diễn biến thuận lợi giúp cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt

Hiện nay, dù cà phê ở các vùng trọng điểm mới bắt đầu được hái bói nhưng theo người trồng thì năng suất khá hơn so với vụ trước. Đặc biệt, giá cà phê trên thị trường đang dần cải thiện, hiện dao động 8.000-8.200 đồng/kg quả tươi.

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, cho biết: Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn tại các vùng trồng cà phê trên địa bàn tỉnh, năm nay, cà phê được mùa với năng suất dự ước 28-29 tạ nhân/ha (trừ những diện tích cà phê già cỗi), cao hơn vụ trước hơn 2 tạ/ha. Kết quả này là nhờ thời tiết thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển, các đối tượng sâu bệnh gây hại giảm, tỷ lệ rụng quả thấp. Đặc biệt, do giá cải thiện nên người dân tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây cà phê nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích.

Đắk Nông: Nông dân Đắk Mil nâng cao hiệu quả kinh tế từ ghép cải tạo cây bơ

Đắk Mil (Đắk Nông) là vùng đất có lợi thế về trồng bơ với một số giống bơ ngon, cho trái nhiều. Tuy nhiên, qua thời gian dài canh tác, một số giống bơ đã dần thoái hóa, cho quả ít, chất lượng không cao. Trước tình hình này, thời gian gần đây, một số nông dân đã mạnh dạn thực hiện việc ghép cải tạo vườn cây và đã thành công, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Phương pháp mà ông Đàm Xuân Thanh, ở thôn 9 B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) thực hiện cũng khá đơn giản như lấy chồi từ cây mẹ rồi ghép, khi chồi đã sống thì cưa ngọn, hoặc cưa ngọn trước xong rồi ghép chồi. Khoảng 2 năm sau cây bơ ghép đã cho quả. Từ chỗ chỉ ghép thử nghiệm, hiện nay toàn bộ bơ trồng xen trong vườn cà phê đều đã được ông ghép cải tạo với khoảng 2.000 cây.

Theo ông Thanh, những cây lớn, có thể ghép nhiều giống bơ trên cùng một cây giúp tăng thu nhập. Với khoảng 2.000 gốc bơ, trong đó 1.000 cây đã cho quả, trung bình mỗi năm gia đình ông Thanh thu về khoảng 600 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với vườn bơ chưa ghép cải tạo trước đây.

Thời gian gần đây, một số nông dân đã mạnh dạn thực hiện việc ghép cải tạo vườn cây và đã thành công

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hằng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đắk Mil thì có 2 phương pháp ghép cải tạo bơ, đó là ghép đầu cành và ghép thân, tức ghép vỏ, ghép mắt. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng, tùy theo nhu cầu và tình trạng gốc ghép mà bà con có thể chọn 1 trong 2 cách. Đối với ghép đầu cành thì nhanh ra quả, nhất là khi chọn chồi bông, tỷ lệ sống cao, nhưng chỉ thích hợp với gốc ghép 1-2 năm tuổi, gốc ghép lớn hơn sẽ tốn nhiều chồi, khó quản lý các chồi vượt, chồi con từ gốc ghép. Ghép thân, tốn ít chồi, dễ quản lý, sau khi ghép thành công có thể cưa ngang thân nuôi 1-2 chồi đã ghép, như vậy tỷ lệ nhầm lẫn do nuôi nhầm chồi sẽ ít hơn. Bên cạnh đó, chồi sẽ phát triển khỏe mạnh, dễ dàng tạo hình, tạo tán sau này, có thể thực hiện trên những cây bơ nhiều năm tuổi. Hiện nay, qua các lớp tập huấn, hội thảo của mình, Trạm Khuyến nông huyện đã khuyến khích bà con thực hiện ghép cải tạo bơ để tăng thu nhập vườn cây. Hiện nay, giống bơ Thành Bích ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) đã được Sở Nông nghiệp- PTNT công nhận là cây đầu dòng. Đây chính là một trong những lợi thế để người dân lựa chọn nguồn giống bơ ghép.

Tiêu thụ sắn ở Kon Tum: Nhiều nỗi lo thường trực

Nhiều năm qua người trồng sắn ở Kon Tum luôn lo sắn rớt giá, tư thương ép giá và bị nhà máy trừ tạp chất, trừ trữ lượng tinh bột thiếu công bằng.

Sau gần 1 năm chăm sóc, chờ đợi, ngược lại với kỳ vọng, hàng chục nghìn hộ trồng sắn ở tỉnh Kon Tum đang bước vào vụ thu hoạch mới với bộn bề nỗi lo. Người dân lo sắn rớt giá, lo tư thương ép giá, rồi lo bị nhà máy trừ tạp chất, trừ trữ lượng tinh bột thiếu công bằng. Những nỗi lo này của người trồng sắn ở Kon Tum đã tồn tại nhiều năm qua mà chưa được tháo gỡ.

Đang bước vào vụ thu hoạch mới với bộn bề nỗi lo. Người dân lo sắn rớt giá, lo tư thương ép giá, rồi lo bị nhà máy trừ tạp chất, trừ trữ lượng tinh bột thiếu công bằng

Theo ông Nguyễn Viết Liệu, Giám đốc Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, muốn có sự công bằng trong thu mua và giảm bớt được nỗi lo cho người trồng sắn, cùng với tăng cường công tác quản lý Nhà nước của ngành chức năng, cần phải gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân và ngược lại. “Nhà máy phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, trong hợp đồng phải có ấn định giá sàn sản phẩm theo từng năm và giá thu mua theo thời điểm hiện tại nhưng không được thấp hơn giá sàn tạo điều kiện cho bà con yên tâm để đầu tư sản xuất sắn”, ông Liệu cho hay.

Với 40.000ha, ở tỉnh Kon Tum sắn là cây trồng có diện tích lớn thứ hai chỉ sau cây cao su. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến đang hoạt động và 2 nhà máy trong quá trình xây dựng. Thế nhưng đến nay hầu hết diện tích người dân tự trồng, tự bán, giá cả bấp bênh trôi nổi theo thị trường./.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top