Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 1 năm 2018 | 10:30

Tin tức Tây Nguyên: Nhà vườn thanh long tất bật vào vụ Tết

Thời tiết không thuận lợi đã khiến nhiều nhà vườn trồng thanh long ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phải kéo dài thời gian chong đèn, tỉ mỉ hơn trong từng khâu chăm sóc để thanh long trái vụ đạt chất lượng tốt nhất phục vụ cho thị trường Tết.

Đắk Lắk: Nhà vườn thanh long tất bật vào vụ Tết

Để tránh rơi vào cảnh rớt giá do thừa cung vào dịp Tết, ông Đoàn Quang Lâm, ở thôn 3 đã chọn cách chong đèn canh chỉnh để thanh long cho thu hoạch lai rai từ nay đến ra Tết. Ông Lâm cho biết, thanh long là mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn để bày trong dịp Tết bởi hình dáng đẹp và sắc đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sung túc. Tuy nhiên, trái cây chưng Tết thường yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã nên để thanh long phát triển tốt, cho trái to, bóng đẹp, ông phải thường xuyên ở vườn để theo dõi và tăng cường chăm sóc cây. Hiện, gia đình ông đang tập trung vuốt tai cho những trái thanh long xanh, đây là khâu quan trọng giúp trái có mẫu mã đẹp để bán được giá cao.

Thời tiết không thuận lợi đã khiến nhiều nhà vườn trồng thanh long ở xã Cư Êbur tỉ mỉ hơn trong từng khâu chăm sóc

Hiện, giá thanh long đang dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá ổn định giúp người dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều nhà vườn, sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường năm nay sẽ giảm từ 10 – 20% nên giá thanh long Tết có thể sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy không chỉ gia đình bà Ái, ông Lâm mà hầu hết các hộ trồng thanh long ở xã Cư Êbur đều đang chăm chút kỹ lưỡng cho từng pha đèn, từng khâu chăm sóc, xử lý vườn với hy vọng sẽ có mùa vụ bội thu, được giá.

Ông Trần Cảm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbur cho biết, nhờ điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn lao động, hiện nay toàn xã có khoảng 200 hộ trồng thanh long với diện tích 129ha, tổng sản lượng đạt 3.225 tấn/năm. Cây thanh long đã mở ra cho người dân Cư Êbur một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất.

Lâm Đồng: Tín hiệu mới cho việc xuất khẩu hoa ở Đà Lạt

Hơn một năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở phường 11, TP. Đà Lạt đã bước đầu thành công trong việc xuất khẩu hoa sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh sự nhanh nhạy của nhà trồng hoa, thành quả này cũng đến từ nhu cầu nhập hoa ngày càng lớn từ phía Hàn Quốc, Nhật Bản nên một số doanh nghiệp hai nước này đã chủ động tìm đến liên kết với nông dân.

 Nhiều hộ dân ở phường 11, TP. Đà Lạt đã bước đầu thành công trong việc xuất khẩu hoa sang Nhật Bản và Hàn Quốc

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, sản lượng hoa Đà Lạt hiện đạt khoảng 2,4 tỉ cành/năm. Phần lớn trong số đó được trồng trong nhà kính mang lại doanh thu trung bình hàng trăm triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 2-5 tỉ đồng/ha/năm. Đạt thu nhập cao nhất thường là những nhà trồng hoa phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên thị trường nước ngoài luôn đưa ra các tiêu chuẩn cao về chất lượng hoa… trong khi tâm lý chung của đa số nông dân vẫn ngại việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đó nên còn e dè trong việc liên kết.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết hiện người trồng hoa Đà Lạt còn gặp nhiều trở ngại về vốn đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ. Để đầu tư 1.000m² nhà kính theo đúng nghĩa công nghệ cao thì phải mất 3-4 tỉ đồng, giá trị đầu tư trên đất cao, khó thế chấp để vay vốn.

Bên cạnh đó, khó khăn trong đóng gói, bảo quản, khiến hao hụt sản phẩm cao. Tính chất nhỏ lẻ, manh mún từng nông hộ nên không đủ khả năng đáp ứng được những hợp đồng xuất khẩu với những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 20% sản lượng hoa ra thị trường thế giới vào năm 2020, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết sẽ tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận giống hoa mới, giống có bản quyền từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tăng cường sự liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc một đơn vị đứng ra làm đầu mối để ký kết thực hiện các đơn hàng lớn.

Gia Lai: Cánh đồng lớn là ‘lối thoát hiểm’ của ngành mía đường

Áp lực từ đường nhập khẩu khiến giá mía nguyên liệu giảm kỷ lục, do đó việc tăng cường liên kết, đổi mới sản xuất là cách để ngành mía đường phát triển.

Giá đường trong nước hiện đang thấp kỷ lục là 12.000 đồng/kg tại nhà máy và dự báo sẽ khó tăng trong thời gian tới do Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Với hiệp định này, thuế nhập khẩu đường sẽ về 0%, hạn mức nhập khẩu sẽ bị xóa bỏ, Việt Nam phải cạnh tranh sòng phẳng với các nước có giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg.

Áp lực từ đường nhập khẩu khiến giá mía nguyên liệu giảm kỷ lục

Thực tế hiện nay và áp lực từ đường nhập khẩu khiến giá mía nguyên liệu giảm kỷ lục. Ở tỉnh Gia Lai, niên vụ mía 2017-2018 đã bắt đầu với giá mía chỉ còn 800.000 đồng/tấn 10 chữ đường, giảm hơn 300.000 đồng so với niên vụ trước

Theo ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện, để cạnh tranh được trong điều kiện giá mía xuống thấp, nông dân buộc phải đưa năng suất lên cao. Thế nhưng, với cách canh tác truyền thống và với tình hình khí hậu biến đổi phức tạp như hiện nay, đa phần diện tích mía truyền thống sẽ chỉ hòa vốn hoặc lỗ vốn. Thực tế này là cơ sở để địa phương tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn trong các năm tiếp theo.

“Khi mức giá đường thấp, biện pháp duy nhất là làm sao tăng năng suất cây mía lên, bù lại giá thấp đó. Muốn làm được việc đó, phải mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, áp dụng đồng bộ cơ giới từ khâu làm đất, chăm bón, thu hoạch. Tại huyện chúng tôi hiện nay, diện tích cánh đồng mẫu lớn trên 500 ha thì năng suất rất cao. Bình quân trên 80 tấn”, ông Mai Ngọc Quý nhận định.

Đắk Nông: Nông dân Nghĩa Phú vào vụ hoa Tết

Những năm gần đây, một số hộ dân ở phường Nghĩa Phú (TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã đưa cây hoa vào sản xuất chính thay thế các loại cây trồng khác và dần hình thành nên vùng chuyên canh về sản xuất hoa. Thời gian này, bà con đang tập trung chăm sóc để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán.

Bà con Đắk Nông đang tập trung chăm sóc để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán

Theo bà Lê Thị Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghĩa Phú, những năm gần đây nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng, đưa các giống hoa khác nhau vào sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh. Đến nay toàn phường có gần 2 ha đất trồng hoa các loại. Trong đó, khoảng 5 hộ trồng hoa quanh năm và sản xuất hoa trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Việc bà con đầu tư xây dựng nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm, bóng đèn tăng giảm nhiệt canh tác thành công một số loại hoa chất lượng cao như ly ly, cát tường chứng tỏ nông dân phường đang từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh.

Kon Tum: Quy hoạch “giẫm chân tại chỗ”, người dân gặp khó

​Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Trung tâm phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 714/QĐ- UBND ngày 6/7/2006 với quy mô 270ha. Điều đáng nói, hơn 10 năm sau khi được phê duyệt, việc thực hiện quy hoạch vẫn giẫm chân tại chỗ đã gây nhiều khó khăn, bức xúc trong nhân dân.

Ông Trần Đình Hưng, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, khi UBND phường có đề xuất, Phòng đã phối hợp với Phòng Quy hoạch kiến trúc (thuộc Sở Xây dựng) tiến hành rà soát, làm rõ nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất…

Sau khi rà soát, đơn vị đã có các bước, đề xuất với UBND tỉnh xem xét điều chỉnh nhưng không phá vỡ manh mún quy hoạch. Qua rà soát, có những vị trí có thể xem xét, đề xuất điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đảm bảo ổn định cho người dân.

Bên cạnh đó, có những vị trí dù người dân bức xúc nhưng không thể điều chỉnh vì phá vỡ quy hoạch. Chính vì vậy, bà con nên chia sẻ, cùng quản lý và thực hiện quy hoạch để làm cơ sở cho việc phát triển đô thị.

Ông Hưng nhấn mạnh, dù vướng quy hoạch nhưng người dân không bị hạn chế quyền sử dụng đất, có thể bán, cho, tặng… theo đúng quy định. Ngoài ra, các hộ dân vướng quy hoạch cũng sẽ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn và cam kết tự phá dỡ công trình khi hết thời hạn./.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top