Thời điểm này, một số vùng nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh bắt đầu thu hoạch vụ nuôi đầu năm. Thế nhưng, giá tôm hiện tại đang giảm mạnh, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến người nuôi như đang ngồi trên đống lửa.
Mặc dù tôm chưa đạt đến kích cỡ như mong muốn nhưng với thời tiết nắng nóng 38 - 40 độ C như mấy ngày qua khiến ông Nguyễn Hữu An, chủ đầm tôm ở thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) phải thu hoạch tôm sớm hơn dự kiến.
Ông An chia sẻ: Vụ tôm đầu năm nay gặp nhiều khó khăn, một số diện tích nuôi bị “dính” bệnh, giá lại "rớt" mạnh, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, giá tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đều phụ thuộc vào thương lái ở các tỉnh phía Nam thu mua. Vì vậy, giá cả họ tự đưa ra, thường thì giá thấp hơn 5-10 ngàn/kg nên thiệt thòi cho người dân.
Tôm giảm giá, nắng nóng kéo dài khiến người nuôi tôm ở Hà Tĩnh lo lắng.
Vụ tôm năm nay, HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Thành ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) thả 15 triệu con tôm giống trên diện tích hơn 12ha cho 34 ao nuôi. Sau hơn 2 tháng thả nuôi, tôm đạt kích cỡ 70 – 80 con/kg.
Anh Hồ Quang Dũng, Giám đốc kỹ thuật Hợp tác xã NTTS Xuân Thành, cho biết: Vụ tôm năm nay được đánh giá khá thành công về năng suất, sản lượng. Hiện, HTX đang thu tỉa được gần 40 tấn tôm thương phẩm. Tuy nhiên, giá tôm hiện tại đang ở mức thấp so với những năm trước và đang có xu hướng giảm từng ngày.
"Ví dụ loại 90-100 con/kg, thương lái chỉ mua với giá 85 ngàn đồng, trong khi đó nếu vào thời điểm thu hoạch tôm năm trước thì có giá 130 – 150 ngàn/kg. Với mức giá trên, buộc HTX phải tiến hành thu hoạch vì càng nuôi, chi phí thức ăn càng lớn, dễ bị lỗ. Vụ này tôi đầu tư cả tỷ đồng. Theo dự báo, thời gian tới, trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến hơn 40 độ C, tôm đã bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh phân trắng mấy ngày nay, tôi “đứng ngồi không yên”", anh Dũng lo lắng.
Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng ao hồ, chuyển đổi hình thức nuôi từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh trong ao lót bạt nhằm tăng năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích. Đến nay, diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao toàn tỉnh đạt 700ha (trong đó: diện tích nuôi tôm trên cát 409 ha, bằng cùng kỳ năm 2017; diện tích nuôi tôm thâm canh ao đất đạt 291 ha, tăng 1%). Đang ở trong thời điểm thu hoạch,tuy nhiên, giá tôm nuôi ở Hà Tĩnh hiện đang biến động mạnh, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài làm nước bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng theo, tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tuỵ. Do đó, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và theo dõi hoạt động của tôm. Ðồng thời, cần chủ động duy trì mực nước trong ao (trên 1,2 m) để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Đặc biệt, khi xuất hiện mưa trái mùa, cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc do môi trường nước biến động...
Trà Giang