Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 4 năm 2017 | 5:2

Tôm xuất khẩu - Tìm giải pháp tăng trưởng

Thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VN) đầu năm 2017 được các chuyên gia kinh tế nhận định khá tốt, phân phối đa dạng vào Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc.... Đặc biệt, ngành hàng chủ lực tôm VN đang có giá cao, kích thích người nuôi thủy sản mở rộng sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển sắp tới. Tuy nhiên, theo giới doanh nghiệp, tôm VN đang chịu nhiều tác động và ảnh hưởng bởi những chuyển biến mới từ thị trường xuất khẩu: yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm ngày càng cao, cạnh tranh sản phẩm tôm các nước khác...

Thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải. Ảnh: MINH HUYỀN

 

Trong năm 2016 có thể nhận thấy tôm VN vượt qua nhiều trở ngại bất lợi từ do thời tiết hạn-mặn đầu năm, trong 6 tháng cuối năm nhiều vùng nuôi tôm phục hồi, trúng mùa. Trên diện tích nuôi tôm xấp xỉ 700.000ha, trong đó nuôi tôm sú trên 600.300ha. Tổng sản lượng tôm đạt trên 657.000 tấn. Năm 2016, tôm VN đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3,1 tỉ USD, tăng 6,7% so cùng kỳ 2015. Trên thị trường tôm xuất khẩu vào Mỹ, VN đứng hàng thứ 4 (sau Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan) và dẫn đầu các nước xuất khẩu tôm vào Nhật Bản. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2014-2015, xuất khẩu tôm đã đứng vào top 10 nước xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc.

Theo Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL: Hiện nay con tôm VN bán tới 90 nước, nhưng tập trung 5 thị trường lớn, chiếm 84% trong tổng doanh số tiêu thụ. Đó là: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, con tôm VN đương đầu không ít khó khăn, thách thức. Tại Mỹ, tôm VN đang gặp cản ngại lớn là thuế chống bán phá giá, thời điểm này là 4,78%. Thị trường EU, việc kiểm tra nhập khẩu bình thường nhưng việc kiểm soát sau thông quan được lưu ý hơn. Mặt khác, tổ chức chống gian lận thương mại EU đang ở VN kiểm tra một số nhà máy chế biến tôm VN về nguồn gốc các C.O. Với thị trường Nhật, hiện thời, tôm từ Thái, Indonesia không bị kiểm tra khi nhập. Trong khi tôm VN bị kiểm tra 100% lô hàng cho 5 chỉ tiêu về kháng sinh, hóa chất, vi sinh.

Đối với thị trường Trung Quốc, hiện có hai dạng mua hàng: Một dạng khuyến khích là mua tôm rất tươi và một dạng chấp nhận có tạp chất (không chính thức nói ra). Dạng này tiềm ẩn rủi ro cho tôm sú VN. Bởi khi không còn hợp tác, phía thương lái Trung Quốc dễ dàng tung bằng chứng "bôi nhọ" con tôm sú VN trên mạng, ảnh hưởng không nhỏ việc tiêu thụ, xuất khẩu tôm VN nói chung.

Theo giám đốc doanh nghiệp nêu trên, thị trường Hàn Quốc vào đầu tháng 4-2017 sẽ kiểm tra 5 bệnh tôm VN cho 10% lô tôm tươi nhập vào nước này. Trong cơ cấu 16% thị trường còn lại, Úc chiếm 3% doanh số tiêu thụ tôm VN. Hiện nay, Úc ngưng nhập tôm tươi VN trong 6 tháng để kiểm tra bệnh đốm trắng.

Tìm giải pháp tăng trưởng

Ngoài tiêu thụ trong nước, tôm luân chuyển khoảng 25 tỉ USD/năm. Mức tăng trưởng hằng năm trung bình trong khoảng 5-7%. Trong đó, tôm VN mới đạt trên 3,1 tỉ USD tương đương 1/8 thị trường thế giới.

Theo tiến trình phát triển ngành hàng tôm, thực hiện kế hoạch hành động vì mục tiêu tăng trưởng theo lộ trình đến năm 2025 xuất khẩu đạt 10 tỉ USD, có ý kiến cho rằng: Muốn phát triển sản xuất tạo đà tăng trưởng cần mở hướng phát triển thị trường trước tiên. Như vậy, nếu lấy mức bình quân tăng 6% năm, đến năm 2025, thị trường thế giới chưa đạt 40 tỉ USD doanh số tôm. Trong khi VN phấn đấu 10 tỉ USD, tương đương 1/4 thị trường thế giới. Có thể hình dung "cái bánh" thị trường tôm trong 9 năm VN tăng gấp đôi (từ 1/8 lên 1/4) trong khi so sánh lợi thế, VN chưa có gì chắc. Giá tôm ta còn cao, kinh tế thế giới chưa chắc chắn là ổn định để người tiêu dùng có thu nhập cao thưởng thức nhiều loại thực phẩm cao cấp này. Hơn nữa, các nước "đối thủ" cạnh tranh cùng sản xuất tôm như nước ta cũng không thể ngồi yên.

Có thể nhận ra, khi VN đẩy mạnh phát triển con tôm, thì các nước Ecuador, Indonesia, Ấn Độ đang trên lộ trình đẩy mạnh tăng trưởng sản lượng tôm nuôi. Từ đó cho thấy những thách thức: Xuất phát điểm tôm VN và 3 nước nói trên khác nhau. Trong khi họ đang có kết quả nuôi rất tốt, an toàn, không có dịch bệnh đáng kể. Còn nuôi tôm ở VN rủi ro còn lớn, việc kiểm soát dịch bệnh yếu, môi trường nước cần kiểm soát tốt hơn. Mặt khác, giá thành nuôi tôm VN còn cao hơn các nước trên. Thế nhưng, trên thị trường tiêu thụ tôm thế giới, ưu thế tôm VN có trình độ chế biến hơn. VN hiện có một số hiệp định thương mại tự do (FTA), có ưu đãi thuế quan. Từ so sánh trên cho thấy tôm VN có thể tăng trưởng cao hơn mức trung bình thế giới.

Từ thực tế vùng nuôi tôm, một số doanh nghiệp góp ý, đề xuất vào kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm VN tới năm 2025. Theo đó cần bổ sung các giải pháp giảm giá thành tôm nuôi. Bởi giá tôm VN cao hơn khu vực từ 1-2 USD/kg. Giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, bằng cách giảm chi phí đầu vào các vật tư cơ bản như giá tôm giống, giá thức ăn; tăng năng suất nuôi. Vì nếu không giảm giá thành, tôm VN sản xuất ra nhiều thì khó tiêu thụ, cuối cùng phải giảm giá bán cân bằng giá khu vực dẫn tới không khuyến khích người nuôi tôm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đề nghị cần có giải pháp khuyến khích hình thành hệ thống cơ sở chế biến đồng bộ song song lộ trình tăng sản lượng tôm nuôi. Đưa con tôm vào danh mục sản phẩm nông nghiệp được ưu đãi theo nghị định 210/CP năm 2013 (về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn), thông qua ưu đãi đầu tư như thuế, lãi suất vay... Bởi nếu không có giải pháp này khả năng gây ứ đọng tôm nuôi khi thu hoạch sản lượng gia tăng là rất lớn. 

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC/Báo Cần Thơ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top