Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 2 năm 2018 | 14:45

Trái cây dại, hoa trên cát, nho kiểng đón Tết 2018

Nhà vườn sáng tạo, trồng hoa trên cát, nho trong chậu cho quả bự, hay chưng Tết trái cà độc dược, trên cuống có nhiều múi thừa, nên gọi trái “dư,” vì dư nên cần trong cỗ Tết, không ngờ…thu lãi cao.

Sóc Trăng: Trái “dư” chưng Tết, không tốn công vẫn có lãi

Ông Lý Hen, xã Song Phụng, Long Phú (Sóc Trăng), chia sẻ: “Chưa có cây nào dễ trồng như cây cà độc dược, tiếc rằng nó chỉ trồng trong dịp Tết, nếu trồng được cả trong ngày thường chắc nông dân mau giàu”.

st-11.jpg

Trái dư đón Tết 

Nhiều năm qua, có điều lạ là một số gia đình chọn chưng loại trái cây mọc hoang dại nhưng với tên gọi khá hay là trái dư (hay trái cà độc dược, chỉ chưng Tết xong rồi bỏ đi chứ tuyệt đối không được ăn, vì đây là loại trái cây chứa chất kịch độc, và mức độ nguy hiểm khôn lường nếu người ăn phải nó). Loại cây này thường mọc hoang ở các bãi đất trống hay các bụi rậm ven đường nhưng hình dáng trái rất bắt mắt, phía trên cạnh cuống có nhiều múi nhô ra tạo thành cánh hoa tựa ngôi sao. Phần nhô ra như thế nên nhiều người gọi đó là trái dư. Chính vì có tên “dư” nên rất nhiều người dùng để chưng trong dịp Tết cùng với những loại quen thuộc như: cầu, dừa, đủ, sung, xoài để thể hiện ước muốn có một năm đủ đầy.


Do mọc hoang nên số lượng người tìm hái nhiều, từ đó dần cạn kiệt. Để có trái bán, nhiều người dân nông thôn đã tận dụng khu đất trong vườn nhà để trồng loại cây này. Cây dễ trồng, không tốn công sức, chi phí đầu tư, khoảng 3 tháng xuống giống là có thể thu hoạch, trái sai trĩu cành.

Trái dư, được nhiều người dùng chưng trong ngày Tết, điều đặc biệt là chúng không bị hư úng, lúc trái tới kỳ thu hái có màu vàng óng, cứ nằm trên cây, có thể giữ vài tháng chả hề hấn gì.

Cũng theo ông Hen, mùa tết năm 2017, ông đã trồng hơn 100 gốc dư, thu về số tiền trên 5 triệu đồng, vì toàn bộ trái được đem đi bán lẻ tại các chợ nông thôn. Năm nay, ông cũng trồng tương đương số lượng cây năm rồi, chắc chắn “dư” chi tiêu trong mấy ngày Tết.

Hiện, ngoài trái dư, trái sung cũng được xem là cây hoang dã. Nếu như sung ngày trước trồng hơn chục năm mới cho trái, thì hiện tại, sung kiểng chỉ trồng 1 - 2 năm là có trái. Cây sung được trồng phổ biến ở hầu hết thành thị và nông thôn. Bởi theo quan niệm, sung đem lại sự “sung túc”, “đầm ấm” trong gia đình và ngày Tết, do đó mâm ngũ quả không thể thiếu trái sung.

Bà Lê Thị Tươi, xã Thới An Hội (Kế Sách) bộc bạch: “Tôi có 2 cây sung trước nhà trồng gần 20 năm qua. Trước đây thường tới Tết bà con quanh xóm xúm nhau sang xin về chưng, nhưng 5 năm nay, mọi người ngại không xin nữa, có sang hái cũng gởi tiền trả. Chính vì vậy, vào lối 27 Tết là gia đình hái toàn bộ trái sung trên cây đem ra chợ bán, tính ra cũng thu về tiền triệu”..

Một mùa xuân mới đang đến rất gần, hiện, nhiều gia đình cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị đón Tết, trong đó không thể thiếu mâm ngũ quả. Tùy vào thu nhập của mỗi gia đình mà lựa chọn loại quả bày trong mâm ngũ quả chưng Tết, không nhất thiết phải chọn những thứ đắt tiền mà quan trọng là mang ý nghĩa về sự may mắn, đầy đủ, sung túc cũng như mang được không khí mùa xuân vui tươi, ấm áp, an lành.

Duy Xuyên:  Hoa trên đất cát thu lời cao

 Sau một thời gian thay đổi đối tượng sản xuất trên đất cát bằng giống hoa cảnh, một số hộ dân ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã gặt hái được những thành công nhất định.

qn-2-h.JPG

Hoa trên cát đón xuân 2018

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Bi Na, có gần 1ha đất cát để ươm giống keo lá tràm, trồng hoa cúc và vạn thọ nhưng thu nhập không mấy dư dả và còn phải bỏ chi phí lớn do việc nhập mua đất thịt nguyên liệu. Năm 2012, sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị Na quyết định trồng các loại hoa Thái Lan. Ban đầu, khi mới chuyển đổi canh tác, gặp rất nhiều khó khăn về đất đai, giống, thời tiết.

Để khắc phục, chị đã tìm mua đất thịt, đất bồi từ nơi khác về, rồi cho vào chậu trồng hoa. Ngoài ra, chị còn liên kết với các công ty giống để nhập hoa giống từ Thái Lan, và đầu tư hệ thống mái che để đảm bảo hoa sinh trưởng, phát triển tốt.

Hiện, cơ sở của chị Na luôn duy trì trên 100 nghìn chậu hoa, nhiều chủng loại như: dạ hướng thảo, thu hải đường, xác pháo... “Từ khi chuyển qua trồng các loại hoa Thái Lan tôi thấy thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, trại hoa của tôi còn sử dụng 10 lao động thường xuyên, vào dịp cuối năm, phục vụ thị trường Tết thì phải thuê thêm nhiều lao động nữa” - chị Na chia sẻ.

Không riêng chị Na, trên địa bàn xã còn có 2 hộ dân khác cũng đang tận dụng phần đất rỗi rãi để trồng hoa. Trại hoa của anh Nguyễn Trí Tĩnh, chủ yếu trồng hoa cúc đá loại lớn, với diện tích khoảng 1.000m2 anh trồng trên 500 chậu hoa cúc. Dự kiến, Tết này vườn hoa cúc của anh thu nhập gần 100 triệu đồng.

 Còn cơ sở trồng hoa của ông Huỳnh Tấn Đồng, thì có số lượng 15 - 20 nghìn chậu hoa Thái Lan, diện tích 2.500m2, mỗi năm thu về 300 - 400 triệu đồng, giải quyết việc làm nhiều lao động. Ông Đồng chia sẻ: “Thị trường tiêu thụ chính của chúng tôi là các resort, khách sạn trên địa bàn Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và đặc biệt cung cấp cho thị trường dịp Tết. Việc trồng hoa và có thị trường tiêu thụ quanh năm đã giúp chúng tôi ổn định về kinh tế”.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên, các hộ dân ở Duy Trung đang trồng hoa trên phần đất thuộc Cụm công nghiệp Tây An, chưa sử dụng, hoặc nằm dưới đường điện cao thế. “Dẫu biết là canh tác tạm thời, nhưng thời gian qua, từ việc trồng hoa, các hộ dân đã có được thu nhập cao và giải quyết việc làm cho nhiều người lớn tuổi. Sắp tới, nếu sự ổn định này được duy trì, chúng tôi sẽ tham mưu lên cấp trên, bố trí đất cho những hộ dân này trồng hoa theo quy hoạch để tạo hướng đi bền vững” - ông Khánh cho biết thêm.

Ninh Phước: Nho kiểng Tết đắt hàng

Anh Nguyễn Văn Hòa là nông dân trẻ đam mê nghề trồng nho, ghép cành nho giống ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Hiện, trang trại của anh có trên 10 ngàn chậu nho kiểng, quả sai trĩu gốc, đang chuẩn bị đưa ra thị trường dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ trại nho giống Bảy Sành, vừa vào các tỉnh phía Nam, kết nối đại lý cung ứng nho kiểng, phục vụ Tết, cho biết, từ nghề cung cấp gốc nho dại và ghép cành nho giống thương phẩm, anh đã chuyển sang sản xuất nho gốc bon-sai và nho kiểng. Để có được chậu nho kiểng “bắt mắt” đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từ tháng 6 Âm lịch, đã phải chuẩn bị bầu và cắt cành nho dại giâm cho bén rễ, nảy lá, tạo dáng nền cho chậu kiểng.

Đến tháng 9 Âm lịch, tìm các chủ vườn thu hoạch nho bán trái vào dịp Tết, để thương lượng mua bao trọn giàn. Khi nho bắt đầu đơm bông kết trái, anh Hòa dùng đất mùn bao cách chùm khoảng 20-30 cm. Khi cành nho ra rễ tại vị trí bao đất cũng là lúc chùm nho vừa chín tới. Anh cắt cành nho mang chùm trái chín được nuôi bởi bầu rễ cho vô chậu kiểng, đã tạo dáng lá bằng gốc nho dại trước đó. Với chiều cao thân nho dại khoảng 50-60 cm, cành lá xanh biếc làm “chỗ dựa” cho 3-4 chùm nho đỏ tạo nên chậu nho kiểng chưng Tết rất đẹp mắt.

nt-3-nh.jpg

                            Nho kiểng sai quả trong chậu 

 

Chậu nho kiểng chăm sóc chu đáo, có thể mang trái chín đến hết tháng Giêng Âm lịch. Anh cẩn thận gởi kèm theo mỗi chậu kiểng là một bảng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây nho. Trong 4 gốc nho dại tạo dáng, được anh ghép sẵn cành nho ăn trái Red Cardinal, nên người tiêu dùng có thể đưa ra đất trồng, chăm sóc tốt để có được tiểu vườn nho cảnh trong không gian gia đình.

Anh Hòa cho biết: Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, anh tiêu thụ 4.000 chậu nho kiểng chủ yếu tại thị trường các tỉnh phía Nam, giá bán trung bình 150 ngàn đồng/chậu. Đến Tết năm nay, anh tăng số lượng lên gấp 3 lần, và mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc. Nghề sản xuất nho kiểng tuy công phu, vốn đầu tư khá lớn nhưng bù lại lợi nhuận cũng cao hơn so với cung cấp gốc nho dại và ghép cành nho giống thương phẩm. Cơ sở cây giống của gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương có thu nhập trung bình 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Hơn 20 năm gắn bó với cây nho, anh Hòa được chủ cơ sở nho giống Sáu Lang nhiều lần mời qua Campuchia làm chuyên gia ghép cành nho cho nông dân nước bạn. Anh yêu thích cây nho, chỉ cần nhìn thấy hình thái, màu da của thân hom, hoặc dáng lá là anh có thể gọi đúng tên của các giống nho được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh. “Tôi trồng nho kiểng chưng tết với ước mong quảng bá hình ảnh cây nho quê hương Ninh Thuận đến người dân trong cả nước. Sản phẩm nho kiểng của tôi cung cấp bảo đảm dáng đẹp, trái chín lâu, được người tiêu dùng ưa chuộng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về”- nông dân trẻ Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

An Như (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top