Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 12 năm 2015 | 7:57

Trắng tay vì mua phải phân bón nghi kém chất lượng

Gia đình anh Nguyễn Sơn ở bon Choi, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) phải ngậm đắng nuốt cay mất trắng gần 700 triệu đồng vì mua phải phân bón nghi kém chất lượng.

Anh Sơn cho biết, gia đình bỏ gần 1,3 tỷ đồng mua giống phân bón, chăm sóc hơn 1.200 gốc quýt đường. Năm 2014, vườn quýt cho thu bói được 20 tấn sau hơn 5 năm chăm sóc, với giá bán tại vườn 15.000 đồng/kg, mang về cho gia đình 300 triệu đồng. Năm nay vào vụ thu chính ước tính 1.200 gốc quýt cho năng suất trên 60 tấn quả với giá bán như năm trước cũng mang về gia đình khoảng 900 triệu đồng. Nhìn vườn quýt sai trĩu quả, anh em, hàng xóm ai cũng vui lây cho thành quả bao nhiêu năm vất vả của gia đình tôi vì đây là cây trồng mới ở vùng đất pha cát này.

Mới đây, do quả nhiều, sợ bị gãy cành, anh Sơn tăng cường làm giá chống xung quanh và ra Cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật Tuấn Hằng (ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô) mua phân bón về chống gãy cành cho vườn quýt. Tại đây, anh Sơn được ông Tuấn, chủ cửa hàng giới thiệu loại phân bón vi lượng và sinh học nano nhãn hiệu “BIOPLANT FLORA” do Công ty cổ phần FLORA EAST (không rõ địa chỉ) nhập khẩu từ Liên bang Nga về và được Công ty TNHH MTV Hồ tiêu Hùng Hưng - đơn vị nhập khẩu, phân phối độc quyền tại Tây Nguyên và Nam Bộ (địa chỉ Tổ dân phố 6, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đem đi giới thiệu và phân phối cho các cửa hàng, đại lý thuốc bảo vệ thực vật.

Chai thuốc mà gia đình anh Nguyễn Sơn đã dùng phun lên vườn quýt của nhà mình

Sau khi nghe những lời giới thiệu “hoành tráng” từ chủ cửa hàng, anh Sơn đã mua 4 chai (mỗi chai 1 lít) với số tiền 1,7 triệu đồng về sử dụng. Thế nhưng, khi hòa phân bón này vào nước, phun cho cây được 2 ngày thì vườn cây bắt đầu có nhiều biểu hiện khác lạ. Nhiều cây, lá bắt đầu khô lại, vàng héo, gãy cành, quả quýt đang xanh chuyển sang màu vàng và rụng khắp vườn. Trước những biểu hiện lạ như vậy, anh Sơn đã gọi ông Tuấn chủ cửa hàng và nhân viên bán thuốc vào cứu vườn quýt, thế nhưng dù anh Sơn đã bỏ thêm 20 triệu đồng mua thêm phân bón và thuốc chữa, vườn quýt vẫn không dừng biểu hiện khô quả và rụng. 

Hiện vườn quýt 1.200 gốc của anh Sơn có 20 cây đã khô héo và chết, các cây còn lại quả đã rụng hơn 40 tấn, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 700 triệu đồng. Anh Sơn cho biết, hiện gia đình đang làm đơn gửi lên chính quyền xã, Trạm bảo vệ thực vật huyện để nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét. Nếu kết quả kiểm tra phân bón kém chất lượng có vấn đề, anh Sơn kiến nghị công ty nhập khẩu thuốc này về phân phối phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho gia đình anh.  Theo anh Sơn, nếu tính cả thiệt hại vườn cây qua hơn 6 năm chăm sóc gia đình anh mất trắng gần 2 tỷ đồng. Bởi ngoài tiền giống, mỗi năm gia đình anh bỏ hơn 50 triệu đồng mua phân bón, chưa tính ngày công lao động.

Cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật Tuấn Hằng (ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại phân bón vi lượng và sinh học nano nhãn hiệu “BIOPLANT FLORA” được nhập khẩu từ Liên bang Nga về thì bao bì bên ngoài ghi chỉ định dùng cho cây hồ tiêu. Thế nhưng, sau khi nhập về, Công ty cổ phần FLORA EAST lại ghi thêm các loại cây trồng có thể dùng phân bón này là cà phê, lúa, bắp rau xanh, khoai tây… Còn trong tờ rơi quảng cáo, Công ty TNHH MTV Hồ tiêu Hùng Hưng lại cho in thêm nhiều hình ảnh cây trồng khác như cao su, chè, mía, gấc, dưa leo, ớt… Không chỉ dùng thuốc trên phun cho vườn quýt, vì tiếc phân bón ngoại, anh Sơn đem phun loại thuốc trên cho vườn đậu xanh. Sau khi phun 2 ngày, cả vườn đậu xanh cũng quăn lá và khô héo chết hết. “Tôi chỉ mong cứu lại được vườn cây để chăm sóc và chờ mùa sau thu lại mà trả nợ ngân hàng, chứ giờ nó chết hết cây thì coi như tay trắng. Chỉ mong các hộ dân khác khi sử dụng các loại thuốc cần cân nhắc kỹ và phun thử nghiệm trên 3 đến 5 cây xem biểu hiện thế nào rồi mới phun toàn bộ vườn”, anh Sơn chia sẻ. 

Do lo lắng vì sản phẩm phân bón lá có vấn đề về chất lượng, anh Sơn đã nhiều lần điện cho ông Tuấn chủ cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật để phản ánh và tìm phương án chia sẻ khó khăn nhưng ông Tuấn lại đổ lỗi do vườn cây bị bệnh này bệnh khác và né tránh. Trong khi đó, anh Kiều Duy Trình, người có vườn quýt khoảng 300 gốc cách không xa vườn quýt của anh Sơn, chia sẻ: “Chỉ cần nhìn biểu hiện của vườn là biết cây chết do bị phun phải phân bón kém chất lượng. Bởi vườn quýt của tôi hiện tại chưa phun phân bón, cây vẫn xanh tươi, quả nhiều và không hề bị rụng như vườn quýt anh Sơn”. Anh Trình cho biết thêm, vườn quýt của gia đình anh nếu để cuối năm bán vụ tết giá 25.000 đồng/kg thì mang về cho gia đình anh trên 400 triệu đồng.

Anh Nguyễn Sơn bên những cây quýt bị rụng trái vàng cả gốc

Có thể nói việc quảng cáo, giới thiệu những sản phân bón vi lượng nhập khẩu với những từ ngữ tâng bốc công dụng lên tận mây xanh đã đẩy người nông dân vào ma trận do các công ty kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giăng ra. Chất lượng một đường mà giới thiệu một nẻo khiến cho người chịu thiệt chỉ là những hộ nông dân chân chất, quanh năm suốt tháng gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy. Qua vụ việc này, một lần nữa mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng các sản phẩm phân bón và có những biện pháp xử lý mạnh tay khi các đơn vị cung cấp các mặt hàng kém chất lượng để người nông dân bớt khổ. 

Anh Thi - Duy Hòa

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top