Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 8 năm 2021 | 19:49

Trang trại chuối xuất khẩu thời "3 tại chỗ"

200 nhân viên tại trang trại chuối được tiêm vaccine, nghỉ lại tại hệ thống phòng trọ miễn phí để duy trì sản xuất mùa dịch.

Chiếc xe tải chở phân bón đến cổng trang trại chuối 120 ha của ông Võ Quan Huy tại xã Mỹ Bình, Đức Huệ dừng khi thanh barrie chặn lại. Bên trong chốt, nhân viên bảo vệ bật hệ thống vòi phun, toàn bộ thân xe được khử khuẩn xong mới được đi tiếp vào khu vực bên trong.

Ba tháng nay, ngoại trừ xe chở vật tư, xe xuất hàng và những người được phân công nhiệm vụ, 200 quản lý, công nhân còn lại tại trang trại không được phép ra vào. Thậm chí một số công nhân người địa phương, nhà sát vách trang trại cũng phải nghỉ lại tại hệ thống hơn 70 phòng trọ miễn phí.

Hơn 6h sáng, chị Hà Thị Thi (29 tuổi, quê Thanh Hóa) tranh thủ đến căn tin trang trại mua bánh mỳ, sau đó cùng chồng, con trai 3 tuổi và đứa cháu gái ăn với sữa trước khi vào xưởng đóng gói làm việc. Chị Thi cùng chồng làm việc tại trang trại đã 4 năm, lương hai người mỗi tháng khoảng hơn 5 triệu đồng, trong đó phải trích lại gần một triệu đồng tiền gửi con cho người chị phòng kế bên. Mấy tháng nay, do dịch bệnh không thể ra ngoài đi chợ, anh chị thi thoảng cần mới tới căn tin mua đồ "thiếu" đến cuối tháng trả. Giờ nghỉ trưa, họ cũng tranh thủ về phòng tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí.

 

chuoi.jpg

Công nhân làm việc tại xưởng đóng gói tại trang trại chuối phải khử khuẩn, đeo khẩu trang và được tiêm vaccine mũi 1. Ảnh: Hoàng Nam

 

Tại bàn trực khu vực nhà điều hành có sổ khai báo y tế cho người vừa đi từ bên ngoài về trang trại. Khu vực xưởng đóng gói gần đó cũng bố trí nhiều bình rửa tay cho công nhân trước khi vào làm việc.

Ngoài các quy định chung về phòng dịch như khai báo y tế, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, trang trại có chế tài riêng, dán ngay khu vực ra vào. Công nhân làm việc ngoài đồng, vác nặng lẫn trong nhà xưởng đều phải đeo khẩu trang, ai vi phạm bị phạt 100.000 – 300.000 đồng mỗi lần, các vi phạm khác phạt 500.000 – 1.000.000 đồng, vi phạm lần hai đình chỉ công việc.

Ngồi trong phòng làm việc, điện thoại của ông Út Huy liên tục reo. Chủ trang trại 66 tuổi cho hay, do đang mùa dịch, nhiều tình huống như nhân viên kỹ thuật đến trễ vì thủ tục giấy tờ phòng dịch, hoặc nhân viên hai xã giáp ranh qua lại vài chục mét cũng phải test nhanh tốn kém, khiến sản xuất phần nào bị ảnh hưởng.

Bình quân, mỗi ngày nơi này thu hoạch khoảng 20 tấn chuối, mỗi tuần xuất đi 5-6 container loại 20 tấn. Những năm trước, sản lượng chuối ở mức khoảng 10.000 tấn một năm, doanh thu tại trang trại mỗi năm khoảng 6 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, doanh thu chỉ đạt 2 triệu USD.

Ông Huy cho rằng giá cả, sản lượng có thể lên xuống tùy thời điểm, tùy cơ ứng biến được, nhưng lo nhất là sau thời gian giãn cách do dịch bệnh kéo dài, đa số máy móc đã bắt đầu hư hao. Trong khi đó, đang mùa dịch nên việc tìm linh kiện thay thế gặp khó khăn.

"Dễ thấy nhất là có hôm hai cái quạt trong xưởng đóng gói bị hư, nhưng do dịch bệnh cũng không có linh kiện để thay", ông Út nói.

Chủ trang trại chuối cũng nhắc lại bốn nhóm giải pháp để duy trì sản xuất đã chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh mấy hôm trước.

Thứ nhất, trong phòng chống dịch hiện nay cần thu hẹp bán kính vùng đỏ, vùng xanh rõ ràng. Ông lý giải, hiện nay tình trạng người trong vùng đỏ vẫn còn tâm lý bị phân biệt. Do đó, thay vì huyện nào có ca dịch lớn là xem như vùng đỏ, chỉ nên lập vùng đỏ là các xã tập trung ca bệnh, những xã khác vẫn là vùng xanh.

Thứ hai, với chính sách hỗ trợ tài chính, cần hỗ trợ trực tiếp những gì ảnh hưởng đến dòng tiền.

Thứ ba là vấn đề tiêu thụ nông sản, các Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương cần phối hợp tạo thành những đội chuyên nghiệp tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Chẳng hạn như rau củ quả trồng nhỏ lẻ của nông dân phần lớn không tìm được đầu mối tiêu thụ, rất cần sự hỗ trợ, kết nối này. Ngoài ra, cũng có thể hỗ trợ tiêm vaccine, chi phí test nhanh cho các thương lái địa phương để họ làm đầu mối thu mua.

Còn như trái thanh long có diện tích lớn, cần có chính sách mời thương lái quốc tế vào thu mua, tổ chức tiêm vaccine, cách ly ngắn hoặc không cách ly, có phương tiện riêng chuyên chở các thương lái này. Những cây trồng khác như lúa, chanh thì cũng có kịch bản riêng cho từng đối tượng, sao cho cụ thể, thiết thực nhất.

Cuối cùng là phục hồi sản xuất, ông Huy nhận định điều kiện bắt buộc là phải tiêm vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, thay vì test nhanh như hiện nay, ông đề xuất chuyển sang kiểm tra kháng thể để đảm bảo khoa học, kinh tế hơn.

"Ví dụ, cơ quan chuyên môn sau khi phân tích, kết luận người sau tiêm vaccine có tỷ lệ kháng thể bao nhiêu phần trăm sẽ bảo vệ an toàn cho cơ thể, cứ dựa vào chỉ số đó để thay thế test nhanh", ông Huy nói.

 

Ba khu nhà trọ với hơn 70 phòng miễn phí cho công nhân ở lại mùa dịch. Ảnh: Hoàng Nam

Ba khu nhà trọ với hơn 70 phòng miễn phí cho công nhân ở lại mùa dịch. Ảnh: Hoàng Nam

 

Long An có 62 cụm công nghiệp, 35 khu công nghiệp với khoảng 230.000 công nhân. Tỉnh đã tiêm mũi một cho gần 42.000 lao động.

Hiện 115 doanh nghiệp trong khu công nghiệp có F0 với hơn 1.000 ca. 453 doanh nghiệp đạt điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" với hơn 26.000 lao động ở lại. Có 16 doanh nghiệp "3 tại chỗ" phát sinh F0 với 293 ca.

Tính đến chiều 13/8, tỉnh này có hơn 13.900 ca nhiễm cộng đồng, 153 ca tử vong.

Ý kiến bạn đọc
Top