Lai Châu xác định, nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm nên đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của nhiều loại cây trồng phù hợp.
Cây làm giàu trên bản nghèo
Khai thác lợi thế khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp, các hộ dân bản Hô Tra, xã Mường Khoa (Tân Uyên) tích cực trồng cây địa lan. Giờ đây, địa lan trở thành cây kinh tế chủ lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trong chuyến thăm bản Hô Tra vào đầu tháng 8, chúng tôi có dịp được hưởng trọn bầu không khí trong lành, mát mẻ, yên tĩnh ở nơi đây; đối lập với thời tiết nắng nóng oi bức ngoài trung tâm xã. Ngắm cảnh vật xung quanh, chúng tôi được trưởng bản và người dân đưa đi tham quan mô hình trồng địa lan của các hộ dân trong bản.
Người dân trong bản Hô Tra, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) chia sẻ cách trồng, chăm sóc cây địa lan hiệu quả.
Ghé thăm vườn địa lan của vợ chồng anh Vàng A Lồng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khung cảnh thật đẹp, những chậu lan xanh mướt, tốt tươi. Qua trò chuyện, được biết anh Lồng trồng địa lan năm 2015. Từ việc thử nghiệm trồng hơn chục chậu cho đến nay, gia đình anh có vườn địa lan gần 400 chậu với 20 loại địa lan. Có những chậu địa lan quý, đắt tiền như: lan Trần Mộng Sa Pa, giá từ 8-10 triệu đồng/chậu. Năm vừa rồi, gia đình anh xuất bán địa lan, thu về hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, thoát được hộ nghèo, trở thành hộ khá trong bản.
Bản Hô Tra có 136 hộ dân, 100% là người dân tộc Mông sinh sống. Đây là bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Khoa, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cấy lúa, trồng ngô, thảo quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm; trình độ dân trí của người dân còn hạn chế; giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao.
Với mong muốn thoát được nghèo, mấy hộ dân trong bản gia đình anh Lồng, anh Dơ, anh Tùng đã mạnh dạn sang Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi cách trồng, chăm sóc địa lan. Sau 2 năm, thấy cây địa lan phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, hộ trồng ít thu được 30 triệu đồng, hộ trồng nhiều thu hơn 100 triệu đồng. Vì vậy, cán bộ bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân nhân rộng mô hình trồng địa lan.
Hiện nay, cả bản có trên 2.000 chậu địa lan lớn, nhỏ với hơn 30 hộ tham gia trồng. Mỗi năm, vào dịp gần Tết Nguyên đán, người dân trong bản lại mang địa lan xuống “phố” để bán; hoặc bán tận vườn cho các thương lái ở Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), Sa Pa (Lào Cai). Đặc biệt, một số hộ dân chủ động tìm mối liên kết, chở địa lan về thủ đô Hà Nội bán với giá cao gấp đôi, gấp 3. Dần dần, người dân bản nghèo Hô Tra đã hình thành được thương hiệu địa lan trên thị trường.
Với sự đổi mới tư duy, sáng tạo nhân rộng mô hình trồng cây địa lan mà nhiều hộ dân trong bản Hô Tra đã thoát nghèo. Hiện nay, bản còn 60 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Bên cạnh mang lại nguồn thu nhập cao, cây địa lan đang được người dân sử dụng vào việc trang trí khuôn viên nhà ở, nhà văn hoá, cổng chào để thu hút, đón khách du lịch lên tham quan, nghỉ dưỡng. Hướng tới, trở thành bản du lịch cộng đồng người Mông như bản du lịch Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ).
Theo tìm hiểu của phóng viên, con đường vào bản sắp được đầu tư, đi lại thuận lợi, người dân bản Hô Tra sẽ nhân rộng hàng chục nghìn chậu địa lan. Qua đó, giúp bản nghèo làm giàu, trở thành bản nông thôn mới nâng cao của xã trong những năm tới.
Hiệu quả cây trồng mới trên đất chuyên màu tại Giang Ma
Nằm dọc Quốc lộ 4D, thuận lợi giao thông là vậy nhưng đã từng rất nhiều năm, đồng đất của xã Giang Ma (Tam Đường) chỉ độc canh cây lúa hoặc ngô. Đổi mới tư duy làm nông nghiệp - chính là cách để người dân nơi đây thực sự bắt đất “nhả vàng”.
Những câu chuyện về việc bản này có nhiều hộ dân vươn lên no đủ từ tham gia mô hình trồng cây ăn quả ôn đới (đào chín sớm, lê). Hay ở bản kia của xã, bà con mạnh dạn chuyển đổi hoặc cho thuê đất ruộng để cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng hoa, trồng cây màu giá trị kinh tế cao không quá hiếm.
Cho thuê đất không có nghĩa là bỏ cơ hội làm giàu mà là cách để đồng bào của Giang Ma làm kinh tế hiệu quả hơn. Bởi, họ có thể tiếp cận trực tiếp và học cách làm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Và, đó chính là lí do cây bí đao xanh được bén rễ trên đất chuyên màu ở nơi đây.
Khoảng 2 năm nay, những mảnh ruộng trồng 1 vụ lúa trước đây của bà con bản Mào Phô nằm ven quốc lộ 4D (khu vực đèo Giang Ma) được thay thế cây hoa hồng và bí đao xanh. Hình ảnh cây bí xanh cho những mùa vụ thắng lợi khiến người đi đường dễ dàng bắt gặp và không khỏi xuýt xoa.
Người dân bản Sin Chải (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) chăm sóc bí đao xanh.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, anh Nguyễn Văn Hường ở Mê Linh, Hà Nội lên thuê 2ha đất trồng lúa 1 vụ của người dân bản Mào Phô trồng bí đao xanh. Theo anh Hường, cây bí đao xanh có ưu điểm là chịu rét tốt, ít sâu bệnh; thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu quả cao. Sau khi cho thu hoạch quả, năng suất, chất lượng và mẫu mã đều hơn địa phương khác. Đặc biệt, thời gian thu hoạch được 4 tháng/vụ. Nếu chăm sóc tốt, bí cho thu mỗi tháng 4 lứa quả, mỗi lứa đạt từ 40 - 45 tấn/ha, giá bán bình quân từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, cao điểm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Theo tính toán của nhà vườn, thu nhập bình quân 1ha bí đao xanh đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha, trừ chi phí đạt khoảng 150 - 180 triệu đồng.
Năng suất, hiệu quả kinh tế của cây bí đao xanh trên đồng đất Giang Ma thể hiện ở những con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, bài toàn “được mùa - mất giá” trong nông nghiệp thời gian qua, có lặp lại với loại cây trồng mới này không? Băn khoăn ấy của chúng tôi được anh Hường lí giải: Trước hết phải nói về hiệu quả kinh tế, cây bí đao xanh có thể khẳng định cao hơn trồng lúa, ngô nhiều lần. Còn về thị trường đầu ra rất thuận lợi. Bởi, với những ưu điểm vượt trội thì bí đao xanh trồng ở đây được khách hàng miền xuôi ưa chuộng. Toàn bộ sản phẩm tôi đều xuất về Hà Nội với giá thành khá ổn định. Tôi cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ dân trong xã và bao tiêu luôn sản phẩm khi được thu hoạch. Vậy nên bà con cũng yên tâm chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng để có thu nhập cao hơn.
Sau khi đến tham quan và được anh Hường hướng dẫn kỹ thuật, gia đình chị Phàn Thị Luận ở bản Sin Chải (xã Giang Ma) mạnh dạn trồng 1ha bí đao xanh. Chị Luận chia sẻ: Trước đây, trên diện tích đất này tôi chủ yếu trồng lúa 1 vụ. Thu hoạch cũng được 60 - 70 bao thóc/năm. Đầu năm 2022, gia đình chuyển đổi sang trồng bí đao xanh, đến nay đã cắt được 1 lứa quả thu trên 3 tấn, thu về khoảng 10 triệu đồng. Tôi mừng lắm, chỉ mong thời tiết thuận lợi để thời gian tới, gia đình được thu thêm nhiều lứa quả.
Tính đến nay, trên địa bàn xã Giang Ma có gần 4ha bí đao xanh và cũng đã có thêm Hợp tác xã Giang Ma ký kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân sở tại. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tìm kiếm các tổ chức, cá nhân triển khai liên kết với người dân để mở rộng diện tích trồng bí đao xanh và thí điểm một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, hướng tới sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Song hành hỗ trợ, hợp tác phát triển
Giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, thể hiện ở việc Lai Châu có diện tích đất trống chưa sử dụng 240.000ha và tổng diện tích đất nông nghiệp trong thời gian tới có thể chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là trên 20.000ha (chủ yếu là đất màu, đất nương kém hiệu quả). Không chỉ có 3 đới khí hậu rõ rệt thuận lợi cho các loại cây trồng nhiệt đới, ôn đới, á nhiệt đới mà hệ thống sông suối đa dạng, khí hậu nhiều nơi mát mẻ quanh năm, phù hợp trồng rau màu trái vụ, phát triển cây dược liệu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 16.630ha mặt nước các lòng hồ thủy điện, rất thuận lợi phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ theo hướng tập trung.
Tỉnh quan tâm đã đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất tập trung như: chè, lúa, cao su. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.377,5km đường giao thông nội đồng; 982 công trình thủy lợi, với tổng số 2.137km kênh mương, đáp ứng 86,8% diện tích gieo trồng hàng năm.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển khá rõ nét ở nhiều mặt. Điều này được đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh minh chứng bằng những con số ấn tượng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu tổ chức cuối tháng 12/2021: Tỉnh Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, đề án để triển khai thực hiện. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004-2020 đạt trên 22%. Hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: trên 8.800ha chè, gần 13.000ha cao su, trên 5.000ha mắc-ca, 4.000ha chuối. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh với hơn 100 sản phẩm OCOP…
Bức tranh nông nghiệp của Lai Châu có nhiều gam màu sáng, tuy vậy vẫn còn ở quy mô sản xuất nhỏ, hạn chế trong đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật; chất lượng sản phẩm thiếu tính đồng nhất, sản lượng thấp; liên kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ còn ít, thiếu bền vững. Đặc biệt, sản phẩm chủ yếu chế biến thô; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm.
“Phát triển nông nghiệp đa giá trị, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản phẩm đặc sản, gắn với chuỗi giá trị và liên kết. Lai Châu đang cần gỡ nút thắt chính là tích tụ, tập trung đất đai để tạo vùng sản xuất lớn, thu hút các nhà đầu tư thực hiện liên kết sản xuất với nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Và, một trong những vấn đề then chốt là thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn, có uy tín về nông nghiệp”, đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
“Trải thảm” đón nhà đầu tư
Thực hiện hiệu quả 2 chương trình trọng điểm về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững được, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ban hành các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. Điển hình như các chương trình: phát triển hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững; Đề án hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất tập trung; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 29/3/2022 của HĐND tỉnh kéo dài thời gian thực hiện một số nội dung của Nghị quyết HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, giới thiệu các danh mục dự án đầu tư. Thành lập các hiệp hội (Hiệp hội sâm, Hội Nông sản tỉnh, Hội Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tỉnh…) để hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện.
Với chủ trương nhất quán và xuyên suốt: song hành hỗ trợ lắng nghe và hợp tác để phục vụ tốt nhất cộng đồng doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu khảo sát 35 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Một số nhà đầu tư bắt đầu liên kết với người dân tổ chức triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Công ty Đồng Giao (chanh leo), Ong Tam Đảo (nuôi ong lấy mật), Công ty Cổ phần sao đỏ Tây Bắc (dược liệu), Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu (mắc-ca)…
Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, Công ty Cổ phần sao đỏ Tây Bắc được thành lập, đặt trụ sở tại xã Sà Dề Phì (huyện Sìn Hồ). Hiện, đơn vị đang liên kết với Công ty TNHH Dược liệu Sìn Hồ tiến hành xây dựng Trung tâm Giống cây trồng dược liệu công nghệ cao, tập trung chủ yếu là giống sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, áp dụng hệ thống nhà lưới công nghệ Nhật Bản với diện tích 1.000m2. Tổ chức chế biến sâu các sản phẩm thuốc đông dược, thực phẩm có thảo dược, mỹ phẩm, trong đó các nguyên liệu sẽ được trồng theo đúng quy chuẩn.
Công ty TNHH Thương mại rau quả Ngọc Linh Sơn La liên kết với chính quyền, người dân 5 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu, Phong Thổ triển khai trồng bí đao xanh Nôva 209 với tổng diện tích gần 10ha. Ông Lê Trọng Dũng - Phụ trách Công ty chia sẻ: Trước nhu cầu thị trường cũng như tìm hiểu kỹ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Lai Châu và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Công ty quyết định đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới chuẩn hóa sản phẩm theo hướng OCOP và VietGAP. Với sự trách nhiệm của chính quyền địa phương, nông dân chủ động, mô hình bí xanh đã cho kết quả khả quan. Đây là điều kiện để đơn vị tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân Lai Châu.
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại tỉnh và đồng bộ nhiều giải pháp triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Lai Châu chắc chắn sẽ “không còn từ xóa đói giảm nghèo mà nghĩ mới, nghĩ khác để “kích hoạt” kinh tế - xã hội lên tầm cao mới” như sự kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.