Việc nhiều diện tích lúa, mía ở Sóc Trăng bị thiệt hại lớn do hạn mặn đã ảnh hưởng không ít đến đời sống thu nhập của các hộ vùng ven biển và trồng chuyên canh lúa mía. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hộ dân ở vùng hạn vẫn có thu nhập cao từ việc đưa cây màu xuống chân ruộng và đã cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa. Điển hình là hàng trăm hộ Khmer tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Các hộ dân nơi đây đã chuyển từ đất ruộng không sản xuất vụ lúa Xuân Hè sang trồng dưa hấu dưới chân ruộng. Sau 2 tháng trồng và chăm sóc, hiện nông dân đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, bước đầu cho thắng lợi lớn cả năng suất lẫn giá cả.
Vừa thu hoạch xong dưa hấu trên diện tích 2 công đất ruộng (2.600m2) đi thuê, chị Đào Thị Mỹ Hồng ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ đã thu về hơn 7 tấn dưa hấu loại tốt. Với việc thương lái thu mua mức giá 4.200 đồng/kg, trừ chi phí, chị còn lãi hơn 15 triệu đồng.
Chị Hồng chia sẻ năm nay chị mừng vì dưa được giá tới 4.200 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng so năm trước.
Cũng là một hộ nghèo, không có đất sản xuất, gia đình chị Tăng Thị Giang, cùng ấp Bưng Cóc cũng quyết định thuê 2 công đất ruộng để trồng dưa hấu kiếm thêm thu nhập mùa khô, nông nhàn.
Chị Giang cho biết thấy bà con trồng dưa hiệu quả nên năm nay chị cũng đầu tư trồng theo. Hiện dưa của gia đình cũng sắp đến ngày thu hoạch, thương lái đặt cọc với giá 4.200 đồng/kg nên chị cũng hy vọng sẽ thu về lợi nhuận khá.
Theo thống kê của xã Phú Mỹ, toàn xã có hơn 150ha đất ruộng không sản xuất lúa Xuân Hè do thiếu nước được bà con Khmer đầu tư sang trồng dưa hấu. Đến nay, bà con đã bước vào thu hoạch , năng suất đạt từ 3,5-4,5 tấn mỗi công (1.300m2).
Hiện với việc thương lái vào tận ruộng thu mua với giá từ 4.200-4.500 đồng/kg đối với dưa loại tốt, bà con thu với lợi nhuận khá cao, trên dưới 10 triệu đồng mỗi công. Một số hộ trồng đạt năng suất lên đến 4,5 tấn/công thì lợi nhuận có thể thu về gần 15 triệu đồng.
Ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Mỹ cho biết Phú Mỹ là vùng đất cao nên làm lúa vụ 3 không có năng suất. Do đó, địa phương sẽ vận động nông dân đưa màu xuống chân ruộng trong vụ 3 này trong tình hình xâm nhập mặn, mực nước thấp.
Đặc biệt, mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng vụ Xuân Hè được hình thành tại địa phương từ vài năm nay. Những năm qua, mô hình này luôn cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định nên rất được người dân hưởng ứng. Đặc biệt, năm nay bà con xem như trúng lớn.
Chính quyền địa phương cũng như bà con trồng dưa khẳng định đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận ổn định. Ngoài ra, đây là mô hình dễ sản xuất, vốn đầu tư ít so với cách trồng truyền thống.
Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng của dưa hấu ngắn nên rất thích hợp cho sản xuất mùa khô, dưa hấu ít tốn nước, chủ động nguồn nước tưới tiêu.
Ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Mỹ cho biết xã sẽ tiếp tục vận động bà con luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ màu để đảm bảo tính ổn định, bền vững trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài trồng dưa hấu, để tránh cung quá cầu, xã cũng vận động bà con cần trồng cả các loại rau màu khác và thực tế, nhiều hộ trồng cả bầu, bí, hành, hẹ, rau... đều cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa, riêng dưa hấu năm nay, với những hộ trồng giỏi, lợi nhuận lãi gấp cả chục lần so với trồng lúa cùng diện tích ấy.
Với hiệu quả kinh tế được khẳng định nhiều năm qua, mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng tại vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng đã phát triển, nhân rộng đến nhiều địa phương như huyện Thạnh Trị, Châu Thành.
Mô hình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa tăng thêm thu nhập cho bà con trong những lúc nông nhàn vừa tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, đặc biệt là giúp bà con giảm bớt được áp lực bởi tình trạng thiếu nước tưới do hạn mặn xâm nhập như hiện nay.
Với bà con Khmer xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng, đặc biệt là hộ nghèo, vụ dưa hấu năm nay trúng mùa, trúng giá ngay trước thềm bà con chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây (Tết vào năm mới-giữa tháng Tư dương lịch) của bà con Khmer thêm phần vui tươi, phấn khởi hơn...
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.