Trồng dược liệu, cây ăn quả VietGAP và tìm đầu ra cho sản phẩm bà con Tây Nguyên đã có thu hoạch 1 triệu đồng/ha.
Gia Lai: Chuyển hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu
Gia Lai đã có Nghị quyết về bảo tồn, phát triển cây dược liệu đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đây là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Công nhân Công ty Việt Khang Nông chăm sóc cây đảng sâm. Ảnh: QĐ
Ông Lâm Quốc Triều-chủ cơ sở sản xuất cà gai leo Lâm Phúc (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: Đầu năm 2020, cơ sở trồng gần 3 ha cà gai leo (2 ha trồng thuần và 1 ha xen trong cà phê), đồng thời chế biến và cung cấp ra thị trường 2 loại sản phẩm: trà cà gai leo khô và túi lọc.
“Cà gai leo là loại thuốc quý, rất tốt cho gan. Cách trồng không quá khó, chỉ cần giống đảm bảo chất lượng, đủ nước và trồng hoàn toàn hữu cơ. Sau 5-6 tháng cho thu hoạch đợt 1 (cắt ngang cây, để lại gốc) các đợt tiếp theo thu sau 3 tháng, kéo dài trong 3 năm.
Hiện, mỗi ha cà gai leo thu 3,5-4 tấn, với giá 135 -140.000 đồng/kg sấy khô, trừ chi phí, đạt 90-100 triệu đồng/ha/năm”-ông Triều chia sẻ.
Huyện Chư Sê hiện có 350 ha cây dược liệu các loại, trong đó: 7 ha cát cánh, 35 ha đương quy, 40 ha cà gai leo, 10 ha hà thủ ô đỏ, 4 ha đan sâm, 100 ha đinh lăng...
Ông Nguyễn Văn Thương-Phó phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê-cho hay: Khí hậu, thổ nhưỡng Chư Sê rất phù hợp các loại cây dược liệu. Đầu năm 2020, huyện đã đầu tư 648 triệu đồng, hỗ trợ người dân giống, thiết bị tưới, để chuyển cây trồng kém hiệu quả sang cây dược liệu.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư cơ sở chế biến, liên kết với người dân để phát triển cây dược liệu.
Tương tự, tại huyện Chư Pưh, 8-2019, xã Ia Hrú đã thử nghiệm trồng cây sâm Bố Chính 4,5 ha/5 hộ. Ông Vũ Đức Sắp (làng Dư) cho hay: “Tôi phá bỏ 1 ha hồ tiêu chết, đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp hệ thống tưới tự động, để trồng sâm Bố Chính.
Vụ vừa rồi, thu được 2 tấn củ. Giá bán 60-70.000 đồng/kg, thu về hơn 120 triệu đồng. Vụ tới, tôi sẽ mở rộng 1 ha nữa”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh trên 985 ha, tại các huyện: Kbang, Chư Sê, Chư Prông, Ia Pa, Đak Pơ, Chư Pưh, Đak Đoa và thị xã An Khê.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê: Xác định việc phát triển cây dược liệu phù hợp với xu hướng hiện nay, Huyện Chư Sê đã có Nghị quyết, đến năm 2025, phát triển 500 ha cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao và xác định đây là cây trồng chủ lực.
Đồng thời, hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho hợp tác xã xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản, và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu Chư Sê.
Tại huyện Kbang, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp thông tin: Kbang có khoảng 35 loại cây dược liệu, tập trung ở các xã: Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne, Sơ Pai, Krong.
Lâu nay, người dân thường vào rừng hái dược liệu về bồi bổ sức khỏe và bán cho thương lái. Năm 2006, huyện đã trồng thử nghiệm một số giống, đến năm 2016, đã xây dựng kế hoạch chi tiết về cây dược liệu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025.
Hiện, Kbang đã có hơn 237 ha dược liệu, chủ yếu trồng dưới tán rừng như: sa nhân tím, sâm đá, đương quy, đinh lăng, gấc, nghệ…
Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Gia Lai-cho biết: Sở đang xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát triển cây dược liệu đến năm 2020, định hướng đến 2030” để bảo tồn, phát triển bền vững một số loài dược liệu quý.
Đồng thời, quy hoạch, bảo tồn, phát triển các vùng dược liệu tập trung phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên, tiểu vùng khí hậu và khoanh vùng bảo vệ cây thuốc trong vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một số lâm phần khác.
Bố trí đất rừng, đất lâm nghiệp, nông nghiệp phù hợp vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn.
Kon Tum: Phát triển cây dược liệu ở Kon Plông
Kon Tum đã có Đề án phát triển, chế biến dược liệu đến năm 2020, định hướng đến 2030, bước đầu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Công nhân Công ty Việt Khang Nông chăm sóc cây đảng sâm. Ảnh: QĐ
Trong 2 năm 2019-2020, huyện Kon Plông trồng trên 150ha cây đảng sâm, đương quy, sa nhân, nghệ, đạt 124% so kế hoạch 2018-2020; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 96ha, các tổ chức, cá nhân tự đầu tư gần 60ha.
2 năm qua, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn đạt gần 30ha. Trong đó, có 4,2 ha vốn của Nhà nước cho 77 hộ nghèo, cận nghèo tham gia tại 9/9 thôn.
Diện tích các hộ tự mua giống để trồng là 1,2ha/ 10 hộ; 5 doanh nghiệp và 4 HTX trồng được 24,5ha. Có 26 hộ trồng cây đương quy với diện tích 1,49ha; 15 hộ trồng 1,68ha đảng sâm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Lê Đức Tín cho hay, song song với việc phát triển cây dược liệu, huyện còn bảo tồn các loại cây dược liệu tự nhiên dưới tán rừng trên 735ha.
Đáng chú ý, thị trấn Măng Đen bảo tồn 230ha sim rừng; Ngọc Tem 138ha cây chuối rừng; Măng Cành: 3,36ha chuối rừng, 27,15ha chè dây, 36ha tiêu rừng.
Măng Bút bảo tồn 59,13ha cây cốt toái bổ, 6ha sơn tra, 125ha tiêu rừng; Pờ Ê bảo tồn 19,34ha chuối rừng, 76ha sim rừng và xã Đăk Tăng bảo tồn 16,41ha tiêu rừng.
Đồng thời, giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác bền vững; rà soát, khoanh vùng các loài như sâm cau, giảo cổ lam, ngũ vị tử... để quản lý, khai thác hiệu quả.
Theo ông Lê Đức Tín, cây dược liệu mang lại hiệu quả cao hơn so cây trồng khác. Ví như đảng sâm, 1ha/hộ đạt 3.900kg/ha, thu nhập 600 triệu đồng/ha, doanh thu bình quân 1 hộ dân 60 triệu đồng.
Hoặc, diện tích bình quân của 1 doanh nghiệp là 3ha, đầu tư hệ thống tưới, trồng đúng quy trình, năng suất đạt trên 6.000kg/ha, thu nhập 1 tỷ đồng/ha, doanh thu bình quân của doanh nghiệp 3 tỷ đồng.
Cây đương quy, bình quân 0,05ha/hộ, năng suất đạt 14 tấn/ha, thu nhập 350 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân 17,5 triệu đồng/hộ. Diện tích bình quân của 1 doanh nghiệp 2,7ha, đầu tư hệ thống tưới, trồng đúng quy trình, năng suất trên 20 tấn/ha, thu nhập 500 triệu đồng/ha, doanh thu bình quân của doanh nghiệp đạt 1,35 tỷ đồng. Hoặc, cây nghệ, năng suất 15 tấn/ha, thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha...
Hiện Kon Plông đã thu hút doanh nghiệp chế biến sâu, tạo ra một số sản phẩm như cao đảng sâm, cao đương quy, tinh dầu tiêu rừng, rượu đảng sâm, nước ép dược liệu, trà túi lọc.
Bước đầu việc liên kết tiêu thụ, chế biến giữa người dân với doanh nghiệp khá hiệu quả, tạo đầu ra cho người dân và nâng cao giá trị nông sản. Một số sản phẩm được liên kết và bao tiêu như đảng sâm, đương quy, ba kích, sa nhân
Huyện Kon Plông đã thu hút được 16 dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển dược liệu với tổng vốn khoảng 6.262 tỷ đồng. Đến nay, đã có 10 dự án sản xuất, chế biến dược liệu với số vốn đã thực hiện trên 200 tỷ đồng; 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư; 3 dự án đăng ký, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Kon Plông đã đặt hàng nghiên cứu chế biến cao đảng sâm (dạng đặc, lỏng); kẹo viên; gói hoà tan đảng sâm; gói hoà tan đảng sâm phối với mật ong rừng Măng Búk; bột gạo đỏ Măng Búk-GABA.
Các doanh nghiệp, HTX thiết kế nhãn hiệu, logo, bao bì sản phẩm, sử dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc. Huyện đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại làm mã QR code để truy xuất nguồn gốc, với 153.000 tem, kinh phí 100 triệu đồng.
Lâm Đồng: ''Thiên đường'' cây trái ở Đạ Huoai
Đó là huyện có diện tích sầu riêng lớn nhất Việt Nam và được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng.
Sầu riêng, cây ăn trái giúp Đạ Huoai có đời sống tốt hơn
Nếu Đạ Huoai là “thủ phủ” sầu riêng của Lâm Đồng, thì Hà Lâm là “trái tim” của “kinh đô” ấy.
Hà Lâm là một trong hai xã, phường của Lâm Đồng không còn hộ nghèo từ năm 2017. Sau chưa đầy 20 năm chia tách, Hà Lâm đã lột xác ngoạn mục, theo đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thì “nơi đây đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người Đạ Huoai”.
Sự đổi thay kỳ diệu ấy phần lớn nhờ vào cây sầu riêng. Hà Lâm không còn hộ nghèo, đến hộ cận nghèo cũng không. Những gia đình có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 3 - 4 tỷ đồng/năm tỷ lệ thuận theo thời gian.
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm Nguyễn Trọng Bằng, chia sẻ: “Hiện tại và cả sau này, chắc chắn sầu riêng sẽ luôn là cây chủ lực, khó có cây trồng nào thay thế. Sầu riêng đã giúp Hà Lâm thay đổi cuộc sống”.
Với hơn 90% đồng bào DTTS, đời sống chỉ dựa vào rừng. Giờ đây Phước Lộc, khó khăn dẫu vẫn còn, nhưng nghèo đói, chắc chắn không còn.
Lũ trẻ đến trường đều đặn không còn thiếu manh áo, đôi dép; người già cũng không còn nôn nao vì cái đói sau mỗi ngày thức giấc.
Năm 2012, khi mới khởi động xây dựng nông thôn mới, “tài sản” của Phước Lộc là 78% hộ nghèo. Đến khi nhận tấm biển xã đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn, vào năm 2019, hộ nghèo ở Phước Lộc chỉ còn chưa đầy 2,9%, thu nhập bình quân đầu người đã xấp xỉ 39 triệu đồng/người/năm.
Bà Ka Hiên - Bí thư Chi bộ thôn Phước Dũng (xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) cho biết, “Người Phước Lộc giờ không còn nghèo đói nữa. Với chưa đầy hai héc ta sầu riêng và cây ăn trái khác, mình cũng thu được 1,2 tỷ đồng/năm. Nhà cửa, xe cộ, con cái học hành cũng từ cây ăn trái”
Còn với ông Nguyễn Văn Tám - Chủ nhiệm HTX sầu riêng VietGAP (thôn Phước Trung), khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi hộ tham gia HTX đều có thu nhập từ 800 triệu - 3 tỷ đồng từ cây sầu riêng và các loại cây ăn trái khác.
Đây là nguồn thu nhập mà trong mơ người dân chúng tôi cũng không dám nghĩ tới, khi mới về Phước Lộc lập nghiệp.
Thực ra không phải đến bây giờ cây ăn trái như sầu riêng mới tạo được thương hiệu cho Đạ Huoai. Theo khảo cứu, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, họ đã dày công nghiên cứu, và biến nơi đây thành vùng cây trái có tiếng, với những loài đặc hữu vùng nhiệt đới như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng.
Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai Nguyễn Quý Mỵ cho biết: “Mảnh đất này nhiều tiềm năng, không thể để cho người dân mãi nghèo được. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chúng tôi đã đặc biệt quan tâm tới cây ăn trái”.
Đạ Huoai đã có kế hoạch cụ thể, tầm chiến lược, đó là vẫn giữ vững diện tích điều. Khuyến khích người dân chuyển đổi dần sang điều ghép cho năng suất cao, ổn định.
Để không bị bão hòa, “giải cứu” huyện đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao 300 ha. Hỗ trợ sản xuất sầu riêng VietGAP cho 3 HTX với diện tích 87,5 ha, nâng diện tích sầu riêng VietGAP toàn huyện lên 154,8 ha; cấp 7.200 tem chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” cho 25 hộ dân.
Để cây sầu riêng phát triển bền vững, Đạ Huoai sẽ hỗ trợ người dân “3 trong 1” (bón phân, tưới nước và xịt thuốc bằng hệ thống tự động);đầu tư thâm canh, tăng diện tích, sản lượng sầu riêng VietGAP.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.