Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 11 năm 2020 | 15:1

TT - Huế: Hàng trăm héc-ta cây thanh trà bị “chết đuối”

Hàng trăm hec-ta trồng cây thanh trà được 2 - 4 năm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị chết do ngập nước lâu ngày. Thực trạng này khiến người trồng trắng tay. Đau lòng hơn nữa, nhiều nơi cây thanh trà đã ra quả bói.

Thanh trà Huế là một trong những loài cây ăn quả có múi nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, loài cây ăn quả này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận Top các đặc sản nổi tiếng của Việt Nam năm 2013.

Cùng với đó, việc trồng cây thanh trà có thể mang lại thu nhập ổn định cho người trồng (khoảng 50 - 60 triệu đồng/sào/năm). Tuy nhiên, sau đợt bão lụt vừa qua, hàng nghìn người trồng thanh trà bỗng trắng tay vì cây bị chết do ngập nước.

Bà Nguyễn Thị Lưa (65 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho biết, sau đợt bão lụt vừa qua, vườn cây thanh trà của bà cũng như 5 người con trong gia đình đã bị chết trơ trụi.

Bà Lưa đang vệ sinh cho những cây thanh trà còn may mắn sống sót.
Bà Lưa đang vệ sinh cho những cây thanh trà còn may mắn sống sót.

 

Bà Lưa ngậm ngùi cho biết: Cây thanh trà cứ bị ngập lụt lâu ngày là bị chết. Đặc biệt là những cây ít năm tuổi. Năm 2017, vườn thanh trà 3 năm tuổi của tôi cũng bị chết do lụt. Sau đó tôi trồng lại và đến nay cây chuẩn bị ra trái thì chúng lại bị chết vì đợt lụt vừa qua.

“Cây bị ngâm trong nước quá lâu, mà nước lụt lần này chứa thêm bùn đất sền sệt, đặc quánh bám vào làm da của cây bị hỏng hết. Giá mà nước rút nhanh, chúng tôi sẽ mang vòi nước ra chùi rửa, vệ sinh cho cây kịp thời thì may ra cứu được chúng”, ông Trần Công Văn (70 tuổi) - chồng bà Lưa tiếp lời.

Ông Văn kiểm tra tình trạng của cây sau khi bị ngập nước.
Ông Văn kiểm tra tình trạng của cây sau khi bị ngập nước.

 

Ông Phan Đắc (78 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho biết, vụ vừa rồi, vườn thanh trà của ông bắt đầu ra quả bói, cứ tưởng sang năm sẽ được thu lứa quả đầu tiên để cải thiện cuộc sống nào ngờ chúng bị chết sạch sau đợt lụt vừa qua.

Toàn bộ cây thanh trà trong vườn ông Đắc đã bị chết.
Toàn bộ cây thanh trà trong vườn ông Đắc đã bị chết.

 

Có vườn thanh trà hơn 10 năm tuổi may mắn còn sống sót, ông Trần Văn Anh (47 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) vừa vệ sinh cho cây vừa nói: “Giờ mình phải vệ sinh cây, phát hiện chỗ nào đã bị hỏng thì phải đục, đẽo hết chỗ đó, rồi bôi thuốc vào. Sau khi bị ngập nước, nếu chăm sóc tốt và cây khỏe mạnh thì mong là chúng sẽ sống tiếp được vài năm. Cây không khỏe khoảng nửa năm sau gặp nắng thì cũng bị chết”.

Ông Trần Văn Anh đang kiểm tra và gọt chỗ cây bị hỏng.
Ông Trần Văn Anh đang kiểm tra và gọt chỗ cây bị hỏng.

 

Chủ tịch UBND phường Hương Vân Hoàng Anh Tuấn cho biết, đợt bão lụt vừa qua đã khiến 138 ha trồng cây thanh trà của người dân trên địa bàn bị chết đắm và đa phần là cây đã trồng được khoảng 3 - 5 năm.

Trao đổi nhanh với Kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND xã Phong Thu (huyện Phong Điền) Nguyễn Hữu Nam cho biết, hơn 100 ha trồng cây thanh trà của người dân trên địa bàn cũng bị chết 100%.

“Mọi năm cũng có ngập lụt nhưng chỉ diễn ra trong vòng 1 - 2 ngày nên không sao, riêng năm nay cây bị ngập trong nước đến cả nửa tháng nên bị chết. Toàn bộ số thanh trà bị chết nói trên đã trồng được khoảng 3 - 4 năm. Nếu thuận lợi năm tới người dân có thể thu hoạch được rồi”, ông Nam chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế Hồ Vang cho biết, theo báo cáo sơ bộ, đợt bão lụt diễn ra từ tháng 10 đến nay đã khiến 540 ha trồng cây có múi bị thiệt hại với mức độ khác nhau. Trong đó, chủ yếu là cây thanh trà đã được trồng từ 2 - 4 năm và tập trung tại 2 địa phương là xã Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường Hương Vân (thị xã Hương Trà).

Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định, phát triển cây ăn quả là một nội dung trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng đề án và được UBND tỉnh phê duyệt.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã liên hệ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để được hỗ trợ trong việc xây dựng đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn hợp lý, khoa học.

“Chúng tôi cũng đã yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở và các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp để khảo sát, rà soát một cách kỹ càng. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tư vấn chỗ nào trồng cây gì. Lẽ ra đến nay việc này đã triển khai, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lụt nên khả năng phải chuyển qua năm 2021”, ông Vang cho hay.

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top