Trong khi các cơ quan chức năng chưa cho lò mổ Xuyên Á (Củ Chi, TP.HCM) hoạt động trở lại, thương lái phải đưa heo đi các tỉnh để giết mổ khiến chi phí tăng, lại không an tâm về vệ sinh thực phẩm.
Nhân viên của thương lái từ TP.HCM giết mổ heo tại lò mổ Thành Vinh rạng sáng 10-11 - Ảnh: N.HIỂN
Không chỉ thương lái bị thua lỗ do chi phí tăng trong khi giá thịt heo có xu hướng giảm, người tiêu dùng không an tâm với chất lượng thịt, hàng loạt người chăn nuôi tiếp tục lún sâu vào cảnh thua lỗ và nợ nần do thương lái phải ép giá mua để giảm lỗ.
22h tối 9-11, ông D. (thương lái tại TP.HCM) cùng 22 công nhân khăn gói lên ôtô từ quận 12 (TP.HCM) đến thẳng lò mổ tại huyện Đức Hòa (Long An), bắt đầu một ngày làm việc mới.
Gần 23h, khi xe vừa dừng tại lò mổ, công nhân trên xe đang tranh thủ chợp mắt ngay lập tức thức dậy, tất bật mang giày dép, mặc áo chống nước, mài dao kéo... Mỗi người vào vị trí chuẩn bị mổ hơn 100 con heo.
Từ ngày chuyển đến mổ heo tại Long An, ông D. phải thuê xe với giá 25 triệu đồng/tháng đưa công nhân đi - về giữa TP.HCM và lò mổ.
"Ngoài chi phí thuê xe, tôi còn phải tăng lương cho công nhân thêm 3,5 triệu đồng, từ 6,5 triệu đồng lên 9,5 triệu đồng/tháng, khiến tổng chi phí nhân công tăng gần 80 triệu đồng, trong khi giá bán thịt không những không tăng mà còn giảm..." - ông D. than.
Ngoài ra, chi phí thuê xe đông lạnh chở từ lò ra chợ đầu mối trước đây chỉ 170.000 đồng/chuyến, nay tăng lên 600.000 - 800.000 đồng/chuyến.
Với 100 con heo giết mổ mỗi ngày, ông D. phải thuê đến 3 chuyến xe đông lạnh chở thịt ra chợ đầu mối, chi phí bỏ ra tăng 2-3 lần so với thời điểm giết mổ ở TP.HCM.
"Chưa hết, lò mổ ở các tỉnh cũng nâng giá giết mổ lên 80.000 đồng/con, trong khi mức giá tại lò mổ ở TP.HCM trước đây chưa đến 40.000 đồng/con" - ông D. nói.
Cũng chuyển từ TP.HCM đến Long An mổ heo, bà Phan Thị Thu Nga (54 tuổi) cho biết phải chi thêm chi phí đi lại cho 35 công nhân, đồng thời giảm số lượng heo mổ mỗi đêm từ 400 con như trước đây còn 300 con bởi chi phí vận chuyển quá cao.
"Để được đưa heo đến mổ tại lò này, tôi cũng phải đầu tư cùng với chủ lò hơn 200 triệu đồng" - bà Nga nói.
Cầm cự giữ mối hàng
Không thể tiếp tục cầm cự như nhiều thương lái khác, mấy ngày nay chị Huỳnh Thị Xuân (43 tuổi) quyết định tạm ngưng giết mổ để... cắt lỗ. Chỉ mới một tháng chuyển về giết mổ ở các lò tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), chị Xuân đã lỗ hơn 200 triệu đồng.
Theo chị Xuân, mỗi ngày chị chỉ giết mổ 50 con heo nhưng chi phí bỏ ra lên đến 15 triệu đồng, tăng gấp đôi so với chi phí giết mổ tại TP.HCM.
"Lúc đầu mới chuyển đến, chủ lò lấy giá gia công 75.000 đồng/con, nay tăng lên 95.000 đồng, rồi còn tiền xe đông lạnh mất 1,5 triệu đồng/chuyến, mà một ngày phải chạy 3 tua. Còn muốn về Long An mổ thì chủ lò đòi phải đầu tư 150 triệu đồng mới được đem heo vô lò, đuối quá nên phải tạm nghỉ" - chị Xuân chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Ân, chủ lò mổ Thành Vinh (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An), cho biết sau khi lò mổ Xuyên Á tạm ngưng hoạt động, nhiều thương lái từ TP.HCM đã chuyển đến giết mổ tại đây.
Tuy nhiên, do không có đủ cơ sở vật chất tiếp nhận số lượng heo giết mổ khá lớn, nên lò yêu cầu mỗi thương lái phải cùng với chủ cơ sở đầu tư 100 - 200 triệu đồng.
Trong đó, số vốn này chủ yếu đầu tư chảo mổ, giàn treo, chuồng trại... phục vụ chính số heo được các thương lái này đưa đến giết mổ.
Do các thương lái đổ về đây hoạt động tạm thời trong thời gian chờ đợi lò mổ Xuyên Á hoạt động trở lại, ông Ân phải yêu cầu các thương lái ký hợp đồng hoạt động 6 tháng mới được đem heo đến lò giết mổ.
Thương lái Bùi Quang Vinh (41 tuổi) cho biết chi phí tăng gấp 3 lần so với trước đây giết mổ tại TP.HCM.
"Quãng đường di chuyển xa, lên đến 40 phút từ lò mổ ra đến chợ đầu mối nên thịt khô giò, hàng xấu, giá giảm sút. Tháng vừa rồi lỗ nhưng phải gồng mình để giữ thợ và bạn hàng, nhưng nếu lỗ quá chắc cũng phải nghỉ" - thương lái Lê Thị Lựu (46 tuổi) cho biết.
Trong khi phí gia công, phí vận chuyển và nhân công đều tăng cao, thương lái còn phải đối mặt với thua lỗ do giá heo tại chợ đầu mối giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Theo nhiều thương lái, giá heo tại chợ đầu mối Hóc Môn giảm nghiêm trọng, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg nay giảm còn 35.000 đồng/kg.
Thêm tiền nhưng không vuiDù được tăng lương, số tiền được nhận mỗi tháng nhiều hơn nhưng nhiều nhân công giết mổ heo cho biết không cảm thấy vui do phải đi lại nhiều hơn, giờ giấc bị xáo trộn và... mất ngủ. Theo anh Lê Ngọc Phương (37 tuổi, công nhân của ông D.), khi lò mổ Xuyên Á còn hoạt động, những nhân công giết mổ như anh chỉ cần đến lò lúc 0h. Tuy nhiên, hơn tháng nay anh phải đi từ 21h mới kịp lên xe đến Long An, thời gian làm việc nhiều hơn nên được trả tiền lương cao hơn trước. Dù vậy, anh Phương cho biết cũng chẳng vui vẻ gì vì giờ giấc bị thay đổi, mất giấc ngủ. Lò mổ Xuyên Á chưa thể hoạt động trở lạiViệc 3.750 con heo bị phát hiện dương tính với thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á đã dẫn tới việc 13 thương lái bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động giết mổ trong 3 tháng và phải chịu phí tiêu hủy toàn bộ số heo vi phạm. Sau sự việc trên, ngày 2-10, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM có công văn đề nghị TP.HCM xử phạt tạm dừng hoạt động của cơ sở giết mổ Xuyên Á. Cùng ngày, UBND TP.HCM cũng có công văn gửi các đơn vị liên quan chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á, nhưng sau đó không có quyết định chính thức nào về việc tạm ngừng hoạt động của cơ sở này. Cơ quan thú y vùng VI cho hay do phát hiện virút lở mồm long móng trên số heo tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á nên theo quy định, cơ sở này phải tạm ngưng hoạt động để tiêu độc khử trùng trong thời hạn 21 ngày. Thời hạn trên đã qua lâu và nhiều lần đại diện Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết sẽ cho cơ sở Xuyên Á hoạt động trở lại vào ngày 26-10. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.