Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 12 năm 2019 | 8:48

Từ bỏ đi xuất khẩu, tự tin làm giàu trên quê hương

Sau nhiều lần không đi được xuất khẩu lao động, chàng trai Vũ Đức Anh sinh năm 1990 tại thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã quyết định ở lại trên chính mảnh đất đã sinh ra mình để phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân.

Tự tin để làm giàu trên quê hương
 
Trong một chuyến công tác cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chúng tôi được để ghé thăm một trang trại nhỏ của một thanh niên thế hệ 9X, chàng trai này đã từ bỏ đi xuất khẩu lao động, tự tin quay trở lại mảnh đất đã sinh ra mình để làm giàu.
 
Khi chúng tôi đến cũng là lúc Vũ Đức Anh đang đứng giữa đàn vịt siêu trứng lên đến hàng ngàn con, âm thanh từ những con vịt phát ra làm huyên náo cả một khu vực. Cho đàn vịt ăn xong Đức Anh ra chỗ chúng tôi tiếp chuyện.
 
dsc_5140.JPG
Đức Anh giữa đàn vịt siêu trứng của trang trại
Chia sẻ với chúng tôi, Đức Anh cho biết, em đã học xong trung cấp nghề, dự định sẽ xin đi làm việc ở đâu đó để thoát nghèo, thậm chí em cũng đã nộp hồ sơ để xin đi xuất khẩu lao động. Nhưng chắc em chưa được may mắn như mọi người khác, nên đến mấy lần mà không thể nào xuất cảnh đi lao động nước ngoài được. Năm 2015, chán nản em quyết định quay về quê để quyết chí làm giàu.
 
Với lợi thế ban đầu có được là 4ha diện tích đất và hồ nước của Công ty Cổ phần chè Tân Trào, Sơn Dương mà bố, mẹ Đức Anh đã đấu thầu được từ trước. Em quyết định vay tiền để đầu tư vào chăn nuôi lợn, vịt và thả cá.
 
dsc_5174.JPG
Với 4ha mặt nước nuôi cá Đức Anh thu lợi hàng chục triệu đồng cho mỗi lứa.
 
"Khi mới bắt đầu làm chưa có kinh nghiệm, nên gặp không ít thất bại, vì thế, em đã phải đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm cách làm ăn của các gia đình có các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi gần xa, cả trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, em cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương Đoàn Thanh niên tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên thanh niên lập nghiệp", Đức Anh cho biết thêm.
 
Năm 2017, sau khi tích lũy được ít kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi, Đức Anh quyết định vay mượn bạn bè, người thân trong dòng họ cùng với số vốn tích lũy của bố, mẹ để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp nuôi lợn, vịt, cá và trồng các loại cây ăn quả.
 
Ban đầu Đức Anh chăn nuôi vịt, để tìm được giống vịt thích nghi với môi trường và thổ nhưỡng của vùng đất này, Đức Anh phải về tận Hà Nội, đến viện Nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương để tìm hiểu và lựa chọn giống gia cầm để đem về chăn nuôi.
 
Bên cạnh chăn nuôi vịt, Đức Anh xây dựng một hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín lên đến 3.000m2 nằm tách biệt với khu vực chăn nuôi vịt. Chuồng nuôi lợn có một hệ thống làm mát về mùa hè và được che chắn về mùa đông, Hiện nay số đầu lợn trong chuồng của Đức Anh luôn luôn có trên dưới 100 đầu lợn thịt đủ điều kiện để xuất chuồng.
 
Tôi hỏi Đức Anh trong thời gian dịch tả lợn châu Phi vừa qua, việc chăn nuôi lợn của trang trại có bị ảnh hưởng gì không? Đức Anh vui vẻ cho biết, cả xã em các hộ gia đình chăn nuôi đều bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên cơ sở chăn nuôi của em lại không hề bị một con nào.
 
Bí quyết để bảo vệ đàn lợn của mình khỏi dịch bệnh đó là khu vực chăn nuôi gia súc  được tách biệt khỏi khu vực chăn nuôi gia cầm, khi đi vào khu vực chăn nuôi lợn công nhân của trang trại Đức Anh phải đi qua một bể nước vôi để sát trùng, sau đó mới tiến hành việc chăm sóc lợn. Đồng thời, Đức Anh thường xuyên phun dung dịch thuốc sát khuẩn khử trùng, diệt nhanh các màm bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.
 
Thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm
 
Nói về thu nhập từ trang trại của mình Đức Anh cho biết, ngay sau khi được Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân cho vay từ nguồn vốn của Dự án vay vốn hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm với số tiền là 200 triệu đồng, Đức Anh đã mua cá rô phi về thả, chỉ sau 6 tháng chăm sóc lứa cá rô phi đơn tính đầu tiên sau khi trừ chi phí đã mang về cho anh 30 triệu đồng lợi nhuận.
 
dsc_5202.JPG
Đầu tư lò ấp trứng để bán con giống cho nhân dân quanh vùng
Sau khi có chút vốn liếng ban đầu thu nhập được từ việc bán cá, Đức Anh tới Viện Nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) mua gần 800 giống vịt, ngan. Sau 6 tháng, có trứng vịt và ngan, anh lại tiếp tục mua lò ấp trứng để bán vịt, ngan giống cho người dân quanh vùng và bán ra thị trường. “Hiện nay, mỗi tháng trang trại của em cung ứng ra thị trường trên 16 nghìn con vịt và ngan giống đảm bảo chất lượng”, Đức Anh chia sẻ.
 
Với diện tích 3.000m2 chuồng để nuôi lợn thịt, trung bình mỗi lứa Đức Anh nuôi được từ 30 đến 40 con lợn thịt. Anh cũng mở rộng diện tích mặt hồ để thả cá thương phẩm, xung quanh hồ trồng mía, mít Thái không hạt, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Úc. Nhờ biết tính toán làm ăn, hàng năm trang trại cây con xanh mát này đem lại cho anh từ 150 đến 200 triệu đồng lợi nhuận.
 
Đức Anh cho biết, hiện, trang trại của anh đã tạo được công ăn việc làm mới thường xuyên cho 04 lao động và việc làm thời vụ cho 10 lao động khác, bình quân mức lương hàng tháng là 4 triệu đồng/người/tháng.
 
dsc_5155.JPG
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Dương ông Đỗ Văn Hùng (áo trắng)
 
Đánh giá về mô hình chăn nuôi của Đức Anh, ông Đỗ Văn Hùng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Dơn Dương cho biết, mô hình chăn nuôi của Vũ Đức Anh là một mô hình thành công từ nguồn vay vốn của Dự án vay vốn hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm tại huyện Sơn Dương.
 
Nhờ có số vốn ban đầu của NHCSXH cho vay, Vũ Đức Anh đã biết phát huy được hiệu  quả của đồng vốn, đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình và bản thân, đồng thời hỗ trợ và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trên địa bàn.
 
Vũ Đức Anh cho biết, nhờ có Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, các hộ dân trên địa bàn thôn Tân Thắng chúng tôi được các cấp chính quyền quan tâm hơn trong việc bố trí nguồn vốn cho vay, nâng mức cho vay phù hợp với việc đầu tư phương án sản xuất, kinh doanh của các hộ dân và được hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả. Nhờ đó, thanh niên chúng tôi nói riêng và người dân địa phương nói chung đã tự tin làm giàu trên quê hương.
 
dsc_5183.JPG
Vũ Đức Anh chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế nông thôn về trang trại của mình

 

“Chúng tôi mong thời gian tới Chính phủ có thể tăng thêm mức vay và thời hạn vay một số chương trình có thể phát huy hơn nữa hiệu quả của vốn chính sách”, Đức Anh chia sẻ.
 
Chia tay với Vũ Đức Anh, chàng trai thuộc thế hệ 9X trên quê hương Cách mạng, tôi nhớ mãi câu nói của em “Em chỉ mong sao làm ăn thật thuận buồm xuôi gió, chẳng phải đi đâu xa để mong có tiền, ở nhà mà biết làm ăn thì có khi còn giàu hơn đi sang xứ người”.
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top