Khởi nghiệp từ vài ngàn mét vuông trồng cây củ dền, vợ chồng anh Ngô Quang Thành và Nguyễn Thị Thu Hà (cùng thế hệ 7X) ở đường Nguyên Tử Lực (Đà Lạt - Lâm Đồng) đã nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất rau VietGAP gắn nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”.
Quanh năm sản xuất và bán lẻ củ dền
Một sáng tháng 7/2017, chị Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1978) dẫn tôi đến “khái quát” vườn rau củ dền rộng 3.500m² ở khu Đập 1, Đa Thiện, Đà Lạt. Vườn rau củ dền nơi đây được sản xuất theo hình thức hợp tác đầu tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giữa vườn lá xanh thẫm, Hà nhổ lên ngẫu nhiên vài củ dền tròn căng, đường kính bằng chén cơm, đậm đặc một màu tím đặc trưng. Hà cho biết: “Toàn bộ vườn dền 3.500m² này, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Thiện đã hợp đồng bao tiêu với giá 1.000 đồng/cây, mật độ trồng trung bình 20.000 cây/1.000m². Mỗi lứa trồng và chăm sóc hơn 70 ngày, ai liên kết sản xuất với HTX Đa Thiện đều biết trước lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng/1.000m²/70 ngày”.
HTX Đa Thiện được thành lập cuối năm 2016, giám đốc là anh Ngô Quang Thành, chồng chị Hà. Bước đầu, HTX liên kết sản xuất hơn 10ha với 10 hộ gia đình thành viên, đảm bảo thu hoạch 80% sản lượng rau củ dền đạt chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, còn có hàng chục hộ nông dân quanh vùng liên kết cả chục năm trước khi HTX Đa Thiện ra đời. Trong đó, 90% sản lượng tiêu thụ ổn định ở thị trường trong nước, 10% còn lại xuất khẩu sang các nước khu vực châu Á.
Để hình thành quy mô HTX như hiện nay, vợ chồng anh Thành đã trải qua hơn 15 năm vừa làm nông dân vừa làm thương nhân sản xuất, mua bán rau củ dền ở các chợ rau Đà Lạt. Xuất phát từ vài ngàn mét vuông diện tích đất ngoài trời mỗi năm trồng 2 lứa rau củ dền luân canh với xà lách, bắp cải, anh Thành, chị Hà thu hoạch trực tiếp đưa ra các chợ rau Đà Lạt bán lẻ. Nhờ uy tín và chất lượng sản phẩm, anh chị kết nối ngày một nhiều bạn hàng tiêu thụ, dần mở rộng diện tích và bắt đầu thu mua sản lượng rau dền sản xuất nhỏ lẻ của hộ nông dân, mỗi ngày từ vài chục kilôgam đến gần 100kg.
Vào giữa năm 2000 trở đi, thông qua bạn hàng quen biết giới thiệu, thương nhân từ các chợ đầu mối lớn ở TP.Hồ Chí Minh đã tìm gặp anh Thành đặt hàng thu mua củ dền lâu dài. Không bỏ lỡ cơ hội, anh chị chủ động tiếp xúc với từng hộ nông dân vùng Đa Thiện đặt vấn đề triển khai sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng…
Chuẩn VietGAP và độc quyền nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”
Củ dền trở thành sản phẩm rau đặc trưng thế mạnh trên thị trường của HTX Đa Thiện, Đà Lạt.
Nhiều hộ gia đình nông dân ở khu vực Đa Thiện chia sẻ với phóng viên về hiệu quả hợp tác sản xuất với vợ chồng anh Thành, chị Hà. Chị Nguyễn Thị Thiên Lý cho biết: “Gia đình quay vòng trên 1ha đất liên kết sản xuất củ dền nói riêng và các loại rau nói chung với vợ chồng anh Thành, chị Hà liên tục hơn 10 năm qua. Anh chị đầu tư giống, phân bón, các loại vật tư nông nghiệp khác, sau đó thu hoạch và bán ra toàn bộ sản phẩm. Vợ chồng chúng tôi có đất và công lao động, riêng mỗi lứa củ dền hơn 70 ngày chăm sóc, thu về trên dưới 700 đồng/cây. Theo cách trồng cuốn chiếu, gia đình chúng tôi xuống giống mỗi lứa từ 70.000 - 150.000 cây rau củ dền”.
Còn anh Nguyễn Văn Lên chia sẻ: “Nhiều năm qua, mỗi lứa rau củ dền trên diện tích 5.000m², gia đình được vợ chồng anh Thành khoán công chăm sóc 7 triệu đồng/1.000m², bất kể mức giá thị trường thời điểm thu hoạch lên cao hay xuống thấp”.
Ngoài ra, còn khá nhiều hộ nông dân ở khu vực Đa Thiện “xác nhận” đã duy trì hơn 10 năm hợp tác sản xuất củ dền với vợ chồng anh Thành, chị Hà với những thỏa thuận mức giá thu mua trước hàng tuần, hàng tháng hoặc mức giá thu mua cao nhất của mặt bằng thị trường trong ngày thu hoạch..., ước tính lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, HTX Đa Thiện có hơn 10ha liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng sản lượng gần 1.000 tấn/năm. Trong đó, bên cạnh 80% sản lượng củ dền là 20% sản lượng các loại rau xà lách, lơ xanh, lơ trắng, ớt chuông, bí ngồi, cà chua, rau mùi, dưa leo, cải bắp,… Đặc biệt, với tiêu chuẩn chất lượng các loại rau VietGAP, ngày 08/12/2016, UBND TP.Đà Lạt đã cấp chứng nhận sử dụng độc quyền nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” cho HTX Đa Thiện.
Ông Hồ Vũ Phong, Chủ tịch UBND phường 8, đánh giá: “Đây là mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho nhiều nông dân ở địa phương. Định hướng trong thời gian tới, HTX Đa Thiện tiếp tục sản xuất rau sạch các loại gắn với việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.
Văn Việt
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.